Cảnh báo Dùng hóa chất tái chế bún

songngam

Thành viên mới
PV Thanh Niên thâm nhập một lò bún tại TP.HCM, phát hiện cơ sở này sử dụng hóa chất để sản xuất và tái chế bún ôi, thiu thành bún tươi mới. Mỗi ngày, cơ sở tung ra thị trường 3-4 tấn bún.

Trong vai người đang cần việc làm, PV xin làm công nhân tại cơ sở sản xuất bún tươi của bà Hoa, nằm trên đường số 4, P.4, Q.8.

lambun01.jpg;pvbe36e067c4b57e28

Đoàn kiểm tra tiến hành niêm phong hóa chất thu giữ được tại cở sở sản xuất bún bà Hoa. Ảnh: Hải Nguyên - Công Nguyên
Cơ sở hoạt động sản xuất từ 12 giờ trưa đến 3 giờ sáng hôm sau. Vì là “lính mới” nên PV được hướng dẫn các công đoạn làm bún, từ giặt bao đựng bột để tận dụng bột còn dính ở bao, quét gom bột vương vãi trên sàn… đến xay bột, cán bún.
Theo quan sát của PV, hầu hết các công nhân ở đây khi làm việc đều mình trần, tay không và có thói quen hút thuốc xong ném tàn, khạc nhổ ngay trên sàn nhà. Do tiếp xúc nhiều với nước, hóa chất, tay chân nhiều công nhân bị lở loét, nhưng họ chẳng ngần ngại vốc bột, bún thành phẩm cho vào bịch. Chưa hết, trong các công đoạn sản xuất bún thường vương vãi nguyên liệu ra sàn, sau đó được quét thu gom lại cho vào máy xay bột để tiếp tục làm bún. PV khi lần đầu được phân công quét thu gom bột, bún rơi vãi dưới sàn nhà, định hốt đem đổ liền bị con trai bà chủ quát: “Để đó lát nữa đổ vào máy đánh lại!”.

lambun_new.jpg;pv8b64d49656d78b6f

Những công nhân ở đây đều đi chân đất, không mặc áo, tay không làm bún. Ảnh: Hải Nguyên - Công Nguyên
“Đói thì ăn mì, đừng ăn bún”!
Qua tìm hiểu, PV còn biết lò bún của bà Hoa thường xuyên thu gom bún ế, bún thiu về tái chế thành bún mới.
1 giờ 30 phút sáng 28.6, chiếc xe tải màu trắng mang biển số 57M-18… lấy bún từ lò của bà Hoa chạy đến giữa cầu Chánh Hưng thì quẹo trái, qua đường Xóm Củi, rồi rẽ vào đường Cần Giuộc (P.12, Q.8), dừng lại trước hẻm 137. Hai thanh niên nhanh chóng vận chuyển 40 giỏ bún (mỗi giỏ 30-40 kg) vào sâu trong hẻm giao cho những người buôn bán tại khu vực chợ Xóm Củi vào sáng sớm. Sau đó, chiếc xe tải tiếp tục chạy về chợ Phú Xuân (H.Nhà Bè) bỏ mối 13 giỏ bún ở đây, rồi quay đầu chạy về chợ Tân Mỹ (Q.7) tiếp tục bỏ nốt số bún trên xe trước khi chạy thẳng về lò bún của bà Hoa để tiếp tục lấy hàng đi giao.

lambun03.jpg;pv3be23e8f5137678c

Nam công nhân đứng dẫm lên bột đổ trên sàn nhà. Ảnh: Hải Nguyên - Công Nguyên
2 giờ sáng, xe cộ tấp nập ra vào nhà bà Hoa để lấy bún, vận chuyển đưa đến các điểm tiêu thụ. PV bám theo một người đàn ông cởi trần, mặc quần soọc chạy xe ba gác chất 9 giỏ bún tươi lao thẳng về phía đường Trần Xuân Soạn, rồi chạy về chợ Tân Quy (P.Tân Quy, Q.7). Anh này phân chia bún đến một số sạp trong chợ rồi quay về lò bún của bà Hoa tiếp tục chất đầy bún lên xe ba gác và chở đi tiếp.
Ngoài xe ba gác, xe tải vận chuyển bún đi bỏ các mối, mỗi đêm còn có hàng chục lượt xe máy của các tiểu thương bán ở các chợ gần đó đến nhà bà Hoa lấy bún về bán.
Tại chợ Tân Quy (Q.7), một người bán bún lấy mối của bà Hoa cho PV biết: “Bán bún đâu sợ ế, vì có ế cũng trả lại cho lò bún để họ nấu lại. Các xe bỏ bún cứ khuya hôm trước đến bỏ bún cho chúng tôi, khuya hôm sau họ quay lại đưa bún mới và thu bún cũ về. Vì vậy chúng tôi cứ lấy thoải mái bán mà không lo bị ế”. Chúng tôi đến một điểm bán bún tươi trên đường Phạm Hùng (Q.8) với nhã ý với người bán “muốn tìm mua bún ế về cho heo ăn” thì nhận được câu trả lời: “Làm gì có bún bán cho heo ăn? Bún bán ế, bún thiu sẽ trả về cho lò theo giá cũ”. Một người khác chen vào: “Có hôm chúng tôi lấy vài trăm kg bún, bán ế, còn dư là chuyện bình thường. Lò bún bỏ cho tôi giá nào thì khi thu lại bún cũ họ cũng tính giá y vậy. Do đó, chúng tôi cứ lấy về bán thoải mái, đâu có sợ lỗ đâu mà lo”.

lambun04.jpg;pv4b20725ab523ea7e

Sau đó công nhân này hốt bột dưới sàn cho vào máy đánh bột. Ảnh: Hải Nguyên - Công Nguyên
Bún thu gom về, theo bà Hoa là để tái chế thành bún tươi mới, đem ra chợ bán tiếp. Cụ thể, bún bán không hết của ngày hôm trước được đưa về lò, phần nào hư, nát quá thì để cho heo; còn lại dùng nước rửa sạch, làm ráo, rồi cho vào máy quay chung với bột mới (bột nguyên liệu mới) rồi tiếp tục đưa qua máy tạo sợi cho ra bún mới. Để bún cũ, bún ế sau khi được tái chế không bị hôi mà còn có mùi thơm, cơ sở dùng một loại dung dịch màu trắng trộn vào. Loại dung dịch này được bà Hoa bật mí mua ở chợ Kim Biên, Q.5.
Nghe “bật mí” của chủ cơ sở, PV rùng mình và nghĩ đến lời một công nhân “đàn anh” dặn dò: “Làm ở đây, mày chớ dại mà ăn bún! Đói thì lấy mì mà ăn. Bọn tao hằng ngày không dám ăn dù chỉ một cọng. Bà chủ bảo lấy bún ăn sáng nhưng bọn tao thà ăn mì tôm sống còn hơn!”.

lambun05.jpg;pvddc056bf6e81dd92

Bún ế, bún cũ được đưa về lò bún của bà Hoa để tái chế thành bún mới. Ảnh: Hải Nguyên - Công Nguyên
Hóa chất trong từng công đoạn
Sau khi thu thập đầy đủ những chứng cứ về cơ sở sản xuất bún bẩn, PV Thanh Niên chuyển toàn bộ đến UBND Q.8 và lãnh đạo địa phương đã nhanh chóng lên kế hoạch, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, phối hợp cùng PV tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất bún nói trên vào chiều 1.7.
Khi đoàn đến nơi, mặt sàn khu vực sản xuất bún nhầy nhụa nước, bún tươi vương vãi khắp dưới sàn nhà. Thấy đoàn đến, một thanh niên vội dùng vòi nước xịt sàn nhà cho sạch hơn. Khu vực ngâm gạo và chứa nguyên liệu bột (xay từ gạo) thì ẩm thấp, nhầy nhụa nước. Bồn chứa nước dùng ngâm gạo để trống, không có nắp che đậy, trong khi theo chủ cơ sở gạo phải ngâm 3-4 ngày mới đem xay bột để làm bún. Gạo sau khi xay thành bột được cho vào bao để ngổn ngang dưới đất, không đảm bảo vệ sinh vì những bao bột sẽ bị ngấm nước bẩn từ sàn nhà. Những thanh niên trực tiếp làm bún mình trần xay bột, làm bún, dùng tay không bốc bún thành phẩm cho vào thúng...
Kiểm tra thêm, đoàn phát hiện tại khu vực sản xuất bún có nhiều loại hóa chất, phụ gia, nhưng đại diện cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ mua bán, gồm: 7 kg hóa chất dạng bột trắng mịn; một số bột màu vàng chanh, màu trắng dạng cốm và dung dịch không màu, có mùi nhưng không rõ loại.
Bước đầu, đại diện cơ sở khai với đoàn kiểm tra những hóa chất, phụ gia trên mua từ chợ Kim Biên Q.5, được sử dụng trong từng công đoạn để tẩy trắng, chống mốc và tạo mùi thơm khi làm bún.
Đoàn kiểm tra liên ngành đã lập biên bản, lấy mẫu các hóa chất và bún để kiểm nghiệm, xác định các hóa chất phát hiện tại cơ sở sản xuất bún trên.

taichebun1.jpg;pv13753b4f72e8ca32

Công nhân mình trần, tay trần bốc bột, bốc bún - Ảnh: Công Nguyên
Lời khai của bà chủ lò
Như Thanh Niên đã thông tin, sau khi tìm hiểu thấy cơ sở sản xuất bún của bà Hoa sử dụng hóa chất có nguy cơ gây hại sức khỏe cho người tiêu dùng, chúng tôi đã làm việc với UBND Q.8 để có biện pháp kịp thời ngăn chặn hành vi sản xuất thực phẩm theo cách rất không an toàn này. Được sự hỗ trợ tích cực của UBND, đoàn kiểm tra liên ngành của Q.8 và PV Thanh Niên vào đầu giờ chiều 1.7 nhanh chóng đến cơ sở ghi nhận tình trạng sản xuất trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh. Khi đoàn vừa đến nơi, bà Hoa bảo công nhân đem các loại hóa chất đi giấu, nhưng đã bị PV và thành viên đoàn kiểm tra phát hiện giữ lại.
taichebun2.jpg;pvb1575139b53b1b31

Bún ế, bún cũ để cạnh cống thoát nước
Bị phát hiện, bà Hoa đành "thành thật" khai với đoàn về quy trình làm bún của cơ sở: Gạo được ngâm nước 3 - 4 ngày rồi đem xay bột. Mỗi cối bột xay cho vào một loại hóa chất tẩy trắng dạng bột trắng mịn. Khi bột được xay nhuyễn thì tiếp tục cho vào 10 gr hóa chất dạng bột màu vàng chanh (bà Hoa không cho biết chất này dùng để làm gì). Tiếp theo cho bột vào từng bao (loại bao 50) ép cho ráo nước rồi trộn cùng bún cái (bún cái là cách gọi cho “sang” của bà Hoa, thực ra đó là bún ế, bún thiu của ngày hôm trước bán không hết được bà Hoa gom về tái chế - PV). Lúc này cơ sở cho "nước thơm" (nước thơm cũng là cách gọi của bà Hoa), đó là dung dịch hóa chất không màu, có mùi hôi được mua từ chợ hóa chất Kim Biên, cho vào để rửa bún, giúp bún không còn mùi hôi; rồi cho tất cả vào máy đánh bột, để đánh trộn đều hỗn hợp "bột, bún cũ, hóa chất" nói trên. Sau cùng, bà Hoa cho tiếp một loại hóa chất khác cũng màu trắng nhưng có dạng như thuốc cốm, chất sau cùng này theo bà Hoa có công dụng chống mốc!



Buộc ngừng hoạt động cơ sở sản xuất bún bằng hóa chất
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều qua 3.7, bác sĩ Ngô Thanh Hiền - Trưởng phòng Y tế Q.8, cho biết cùng ngày đoàn kiểm tra liên ngành của Q.8 đã đến cơ sở sản xuất bún của bà Hoa để thông báo về việc buộc cơ sở của bà ngưng hoạt động sản xuất bún kể từ ngày 3.7. Yêu cầu chủ cơ sở khắc phục những vi phạm về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bác sĩ Hiền cho biết thêm, Thường trực UBND Q.8 cũng đã chỉ đạo phòng y tế của quận lên kế hoạch phối hợp với các bộ phận để mở rộng việc kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất bún, đậu hũ... trên địa bàn quận, nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những cơ sở sai phạm.

Bà Hoa cũng khai: Với bún ế, bún cũ bà chỉ lấy những mẻ “trông còn được” để làm mới lại, còn bún nát quá thì đành cho heo. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, ngay tại khu vực sản xuất, ngoài nhiều thúng bún ế, bún cũ khác, còn có chiếc thùng lớn chứa bún cũ nát vụn. Công nhân nói bún đó đem đi đổ, nhưng khi PV và đoàn kiểm tra hỏi “bỏ sao để ở khu vực sản xuất làm gì?”, thì công nhân này ậm ờ, không nói! Ghi nhận của chúng tôi tại lò bún của bà Hoa cho thấy ở đây lúc nào cũng có những thùng đựng bún cũ để ngay trong khu vực sản xuất, cạnh máy quay bột; đồng thời cũng có cả dung dịch để làm bún tái chế mất đi mùi hôi!
Toàn bộ 4 loại hóa chất mà bà Hoa khai sử dụng trong sản xuất bún đều không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn mua. Bà Hoa thừa nhận những hóa chất đó do con trai của bà mua ở chợ Kim Biên.
Sử dụng hóa chất đến hai lần
Chúng tôi lấy các hóa chất mà bà Hoa sử dụng để sản xuất và tái chế bún đem ra chợ Kim Biên để hỏi mua. Khi thấy chất bột màu vàng chanh, một chủ sạp hóa chất ở đây nói ngay: “Là hóa chất tinopal, một hóa chất sử dụng trong công nghiệp. Chất này chúng tôi gọi là “siêu tẩy”, nó độc lắm. Loại này thường được bán ở các sạp chuyên cung cấp hóa chất dùng trong dệt, nhuộm”. Đúng như người này nói, chúng tôi chạy sang một sạp hóa chất khác gần đó, thấy có bán chất vàng chanh này, với giá 800.000 đồng/kg. Nhưng chị bán cảnh báo ngay: “Chất này dùng trong tẩy trắng công nghiệp, chứ dùng trong thực phẩm là độc lắm đó nghen!”. Khi nghe chúng tôi nói mua hóa chất này về làm bún thì chị này nói với một người bán ở sạp bên cạnh rằng: “Bây giờ làm bún mà người ta dùng cả đến tinopal để tẩy trắng luôn kìa, ghê quá!”. Nói xong chị này quay qua phía chúng tôi: “Các anh mua thì tôi bán, chứ nghe về làm bún thì sợ quá. Thật tình, chính tôi đây, thấy cái gì trắng quá cũng sợ không dám ăn”.
Nhận định về hóa chất màu vàng chanh của người bán hóa chất ở chợ Kim Biên khớp với các chuyên gia về an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo bác sĩ Trần Văn Ký (Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN), hóa chất dạng bột có màu vàng chanh nói trên cũng giống với hóa chất các cơ sở sản xuất bún ở tỉnh Tây Ninh sử dụng vừa bị cơ quan chức năng phát hiện (Báo Thanh Niên đã thông tin). Theo bác sĩ Ký, tinopal là chất tẩy trắng rất mạnh, thường được dùng trong công nghiệp, nó có tính ô xy hóa cao và rất hại cho cơ thể. Nếu sử dụng lâu dài, ảnh hưởng đến gan, thận, thần kinh, gây ra các bệnh mãn tính, và còn là nguy cơ gây ung thư. Với hóa chất màu trắng dạng thuốc cốm, một chuyên gia của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM nhận định đây là chất chống mốc sodium benzoat - chất này không được phép sử dụng với nhóm tinh bột (trong đó có bún).
“Với bún làm lần đầu đã được sử dụng nhiều loại hóa chất rồi; đến bún tái chế họ còn sử dụng thêm hóa chất lần nữa để tẩy trắng, để làm mất mùi hôi, thì thật quá nguy hiểm”, bác sĩ Trần Văn Ký nói.
Thanh Tùng - Công Nguyên - Hải Nguyên
 

Xem nhiều nhất

Back
Bên trên