Đừng Dùng Giấy Gói Thực Phẩm Nữa

quoctung

Thành viên Tích cực
Những chiếc bánh bao nóng hổi, bánh rán mới vớt ra khỏi chảo nóng… được người bán vô tư dùng giấy đựng, bất chấp nguy cơ độc hại khôn lường do những tờ giấy bọc thực phẩm gây ra…

Thờ ơ hay… thiếu hiểu biết?
Cùng với việc sử dụng hộp xốp, nhiều quán bán đồ ăn nóng, nguội tận dụng những tờ báo cũ để đựng thực phẩm. Mặc dù các cơ quan chức năng đã cảnh báo về tác hại của việc dùng giấy báo gói thực phẩm, nhưng việc dùng giấy báo gói xôi, thịt... vẫn rất phổ biến, đặc biệt là ở chợ và các quán hàng rong.
Vừa nhanh tay gắp những chiếc bánh rán ra khỏi chảo, một người bán hàng tại chợ Sài Đồng nói: “Bánh rán nóng không đựng được trong hộp xốp, cũng không dùng túi nilon để đựng được. Không bọc bằng 1 lớp giấy báo rồi cho vào túi nilon cho người mua thì biết dùng gì để đựng?”.
Bác Nguyễn Thị Mão (Long Biên, Hà Nội) cũng cho biết: “Mỗi lẫn mua xôi sáng, bánh mì, tôi thường thấy người bán dùng giấy sách, báo để gói. Có hôm người bán xôi cẩn thận thì ngoài lớp giấy báo còn có giấy bóng kính mỏng bên trong để tránh xôi dính hết vào giấy. Hôm nào vội mà người ta quên thì về đến nhà sẽ bị 1 lớp màu đen dính trên đồ ăn. Chẳng hiểu có độc hay không. Mà thời này động đến cái gì cũng kêu độc, nếu cái gì cũng tránh thì chỉ có trở về thời kì ăn lông ở lỗ là an toàn…”.
thucphamgiaybao.jpg
Cả người mua và người bán đều vô tư dùng giấy gói thực phẩm​
Chị Nguyễn Thi Hoa, Nghĩa Đô, Hà Nội là người bán xôi rất lâu năm ở chợ Nghĩa Tân. Chị cho biết, ngày trước, chị phải rất vất vả đi thu mua lá rong, lá chuối, lá sen để gói xôi nhưng giờ thì có túi nilon và giấy báo vừa tiện. Túi nilon thì rất rẻ, tính ra chưa đến 100 đồng/chiếc, còn giấy báo thì có thể tận dụng lại những tờ đã cũ của ông xã. “ Mình ăn thức ăn chứ có ăn bao gói đâu mà lo”, chị Hoa vô tư nói.
Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc
Theo đại diện Cục vệ sinh an toàn thực phẩm: giấy sách, báo dù in màu hay trắng đen đều dùng mực in. Khi dùng gói thức ăn, mực in sẽ thấm vào thức ăn gây độc hại. Bởi trong mực in chứa hợp chất của chì (Pb) là một chất độc, có thể gây biến đổi gen của tế bào, tác động đến quá trình di truyền của cơ thể. Chì còn gây độc đối với hệ thần kinh, với các cơ quan nội tạng như gan, thận, não, máu...
Đặc biệt, chất độc của chì không bị phân giải trong nước, không bị ôxy hóa, nên một khi đã vào cơ thể sẽ được các tổ chức như mỡ, não, gan... hấp thu và tồn trữ lại, rất khó bị thải ra ngoài. Một nghiên cứu cũng cho thấy trong 1kg giấy sách báo chứa 0,1 - 1mg chất độc của chì, nếu cơ thể người chứa khoảng 0,5 - 2mg chất độc này sẽ có những biểu hiện nhiễm độc như phù mi mắt, ra mồ hôi bàn tay, buồn nôn hoặc nôn...
535giay-goi-thuc-an.jpg
Chất chì trong giấy thấm vào thức ăn gây độc đối với hệ thần kinh và các cơ quan nội tạng​
Không chỉ giấy sách, báo mà giấy trắng cũng vô cùng độc hại, bởi trong quá trình sản xuất, không thể tránh khỏi việc sử dụng chất tẩy rửa. Chất tẩy rửa này, sau khi tiếp xúc với thực phẩm sẽ gây ra các phản ứng hóa học, kết quả là những chất gây hại lưu lại trên thực phẩm. Nếu ăn những thực phẩm ấy trong thời gian dài có thể ngộ độc, thậm chí nguy hại đến tính mạng.
Theo TS Nguyễn Hữu Hoan - Viện Hóa học Công nghiệp, điều nguy hiểm chính là chì khi thâm nhập vào cơ thể không gây phản ứng ngay mà tích lũy lại. Khi hàm lượng chì đạt đến một ngưỡng nhất định, nó sẽ "tấn công" sức khoẻ con người.
Biểu hiện của điều này là việc suy giảm trí nhớ, ù tai, hoa mắt... Đó là chưa kể đến chuyện trước khi được dùng để gói thực phẩm, tờ báo thường "rong ruổi" qua nhiều khâu, từ nhà in, qua đường phố, đến tay bao người đọc và người thu gom.
Trong quá trình đó, đã có rất nhiều bụi, vi khuẩn, ký sinh trùng bám vào. Giấy báo lại là chất liệu dễ thấm hút, là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, ký sinh trùng bám dính và phát triển.
 

Xem nhiều nhất

Back
Bên trên