Cảnh báo Bưởi để 7 tháng vẫn tươi nguyên nhờ hóa chất

titmit

Moderator
Thành viên BQT
buoi.jpg

Chị Nguyễn H.N (Xuân Thủy, Hà Nội) phản ánh rằng đã mua hơn 20 quả bưởi Năm roi tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) với giá 25.000 đồng/kg từ trước Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, đến tận 9/6 vừa qua chị H.N phát hiện hai quả bưởi này đến nay vẫn còn tươi nguyên, chỉ chuyển từ màu vàng hanh sang màu vàng sẫm và bóng. Khi bổ ra, múi bưởi vẫn mọng nước, không bị nẫu và đặc biệt là vì vẫn ngon như lúc mới mua.

Chị H.N bức xúc: "Tôi vốn có bệnh về tim mạch, các bác sĩ khuyên nên dùng bưởi thường xuyên sẽ có lợi cho sức khoẻ. Vì thế, hầu như ngày nào tôi cũng ăn một quả. Thế nhưng, sau khi vô tình phát hiện 2 quả bưởi đã mua từ 7 tháng trước mà vẫn tươi nguyên nên tôi rất hoang mang. Liệu những quả bưởi tôi đã mua có bị "tắm" hoá chất? Bây giờ, đến loại quả "lành" nhất cũng có chất bảo quản độc hại thì người tiêu dùng biết tin vào đâu?"

Không chỉ riêng hoa quả nội mà nhiều loại hoa quả nhập khẩu được bày bán tại siêu thị như: Nho Mỹ, Úc, táo New Zealand, Mỹ, Chery Canada… cũng có thể để lâu 1 - 2 tháng vẫn tươi nguyên. Trên webtretho.com, không ít bà nội trợ cũng đã phàn nàn về các loại hoa quả nhập này. Có người viết: “Năm ngoái mình có mua táo Mỹ ở siêu thị Lotte, còn 1 quả để trong tủ lạnh. Thế mà sau 1 tháng, quả táo vẫn tươi ngon. Mình để táo lên nóc tủ lạnh xem nó "sống" đến bao lâu. Vậy mà hơn 2 tháng sau táo vẫn tươi, chỉ hơi mốc ở phần dưới (do tiếp xúc với tủ lạnh)".

Theo tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải với biệt danh “Ông già ôzôn”: "Thông thường một quả bưởi nếu không bị giập sẽ để được khoảng nửa tháng đến một tháng. Chẳng hạn, bưởi Đoan Hùng, bưởi Diễn cũng chỉ bảo quản được một tháng là nó đã héo quắt. Mới đây, tôi có hướng dẫn bà con bảo quản bưởi Đông Tảo (Hưng Yên) bằng cách ngâm nước Anolyt và sau đó bọc túi nilon. Những quả bưởi đó hái từ ngày 4/1 nhưng đến ngày 17/4 bổ ra ăn vẫn rất ngon. Nhưng nói chung cũng chỉ nên để lâu từng ấy thời gian, còn để lâu hơn nữa thì hạt sẽ nảy mầm và ăn không tốt".

Cách đây một năm, một số mẫu nho, mận và lựu nhập khẩu từ Trung Quốc cũng đã được phát hiện có chứa carbendazim và tebuconazole với lượng dư vượt quá mức cho phép tới 5 lần. Đây là những chất có thể gây vô sinh và nguy hại cho sức khỏe con người. Cục Quản lý dược và thực phẩm Hoa Kỳ cũng xác định nếu dùng thuốc diệt nấm tebuconazole với liều cao sẽ gây hại cho gan và đặc biệt kích ứng mắt, khá độc khi bị nhiễm qua đường miệng và mắt.

Ông Khải còn cho biết, các thương lái còn bảo quản cam, quýt bằng cách ngâm với nước rửa chén (trong đó chủ yếu là clo và lưu huỳnh) để chuyển từ miền Nam ra Bắc, làm cho cam bóng đẹp. Hay ngoài việc tạo hương liệu, mùi thơm sử dụng chất có tính diệt khuẩn nhằm kéo dài thời gian lên men, chống nấm mốc…, người ta còn sử dụng những hóa chất độc hại như thuốc diệt cỏ 2,45T, 2,4D; sau khoảng 2 – 3 tháng, hạt sẽ mọc rễ và ăn vào sẽ rất nguy hiểm.

Ông Khải khuyến cáo người dân không nên ăn hoa quả trái mùa bởi đã trái mùa thì luôn phải bảo quản. Ngoài ra, cũng nên tránh những loại hoa quả mua được vài tháng rồi mà vẫn còn tươi nguyên và nên mua những hoa quả vẫn còn lá bởi nếu dùng hóa chất hóa học để bảo quản thì lá của chúng cũng chỉ để được ba bốn ngày là úa và rụng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) - cho rằng ngưởi dân không nên lo lắng bởi bưởi Việt Nam không cần phải ngâm hóa chất mà vẫn để được lâu. Một số loại bưởi như bưởi Diễn, bưởi Năm roi có thể để được khoảng từ 6 - 8 tháng. Nếu trong điều kiện mát, lạnh như mùa đông còn có thể để được lâu hơn hoặc bôi vào cuống của quả bưởi một tí vôi thì còn để được lâu hơn nữa. Khi xuất sang nước ngoài, nhiều nước họ yêu cầu ngâm hóa chất nhưng đó là những hóa chất xử lý mầm bệnh, vi khuẩn chứ không độc hại. Ông Hồng cũng khuyến cáo người dân nên sử dụng trái cây trong nước để đảm bảo tươi ngon, mua trái cây đúng mùa và nên ngâm trái cây trong nước muối loãng 30 phút, gọt, bóc vỏ trước khi ăn.

Như vậy, những ý kiến trái chiều từ các chuyên gia không những chưa giải tỏa được nỗi lo trong người tiêu dùng mà nó càng khiến người ta hoang mang hơn bởi ai đúng, ai sai. Dù Việt Nam không thiếu các chuyên gia và quản lý, song giờ đụng đến thức nào thì y như rằng một thời gian sau lại thấy có tin không chứa hóa chất này lại tẩm với độc kia, từ những quả buổi tưởng như “tránh xa trần thế” nhất. Dù có “thông thái” đến đâu cũng chịu. Không ăn thì không được, mà ăn vào cũng không xong!

theo người đưa tin
 

Xem nhiều nhất

Back
Bên trên