Du lịch Nhật Ký Chuyến Đi Bộ Xuyên Việt - 68 Ngày Của Chú Trần Ngọc Công

Ngày 11
11.jpg
Theo phong tục ,ngày ông công ông táo được coi là món khai vị trên bàn tiệc Tết Nguyên Đán hay nói cách khác Tết được bắt đầu tính từ ngày này. Kết thúc hành trình Lạng Sơn - Hà Nội vào đúng thời điểm cận kề ngày ông táo chầu trời .Ý định của mình là cúng ông táo song sẽ tiếp tục lý trình về phía Nam và dự rằng đến 28 tết sẽ bắt xe quay về nhà ăn tết cùng vợ và con cháu ,sau tết lại bắt xe về điểm cũ để tiếp tục cuộc đi bộ .
Ăn tết ông táo song chuẩn bị xách balo lên đường thì vợ mếu con máo :- cả năm mói có cái tết .Người ta ở mãi Sài Gòn ,Đà nẵng thậm chí mãi tận bên Tây, bên Tàu ,ở Anh ở Mỹ còn bỏ công bỏ việc về gia đình xum vầy ăn tết .Còn anh lại bỏ vợ ,bỏ con ra đi liệu có nên không? Gì thì gì cũng phải ở lại ăn tết xong thì đi có sao? Ăn thủ ăn mỡ gì mà vội mà vàng.
Nghe vợ nói cũng có lý.Đành dằn lòng chờ ăn Tết xong sẽ tiếp tục hành trình.
Thật sự mình hiểu vợ đang tìm cách hoãn binh ,dùng chiêu mưa dầm thấm lâu để ngăn cản cuộc đi này .
Bả cũng thương mình chứ bộ .Nghĩ rằng mình chỉ bốc đồng và sẽ sớm đầu hàng nên lúc ban đầu bà không những ngăn cản còn ra chiều động viên .Nhưng nay thấy mình điên rồ thực sự nên " từ hoảng".Vợ còn súi các con,anh chị em nhẹ nhàng khuyên giải .Nhưng mọi khuyên can đối với mình chỉ như " nước đổ đầu vịt" mà thôi.
Ăn tết xong mồng 4 định khởi hành ,vợ can : Mồng 4 ngày xấu anh ạ !
Mồng 5 khoác balo lên vai ,vợ nói : mồng 5 ngày lẻ khởi hành không tốt!
Mồng 6 xỏ giày vợ lại bảo : Đợi giỗ mẹ rồi đi !
Mình dứt khoát : Giỗ mẹ mồng 9 anh sẽ bắt xe về ăn giỗ .Còn giờ đừng cản anh nữa .
Vợ biết cản không nổi giở chiêu "giọt lệ rơi ".
-Bà này hay nhỉ ? Sao lại khóc .Tôi đi thể dục thể thao ,nâng cao sức khoẻ chứ đi bộ đội hay đi vào cõi chết đâu mà khóc .
Vợ vẫn sụt sùi :- Anh đi nếu thấy mệt hoặc đau yếu thì bắt xe mà về nhá !
-Không sao đâu ? Mỗi ngày anh đi 20 km thì ngon như ăn kẹo - khỏi lo.
Và rồi :
Người lên ngựa,kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
Dặm hồng bụi cuốn chinh an.
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh...........
..........................................................Còn tiếp
 
Ngày 12
12.jpg
Quốc lộ 1 ngoại vi Hà Nội ngập trong khói bụi .Hôm nay (6 tết) cũng là ngày hết nghỉ tết ,mọi người lục tục đi làm trở lại. Đi bộ trên quốc lộ thời điểm này vừa nguy hiểm vừa ô nhiễm nên mình chọn đường thôn ,đường xã để hành quân.
Xóm làng ven đô nhà cửa tuy chưa hoành tráng nhưng cũng gọn gàng .Đường xá sạch sẽ và hầu hết đều được bọc bê tông .Đầu thôn cuối xóm đâu đó vẫn hiện diện cây đa giếng nước được duy tu ,bảo trì sạch và đẹp.Không rõ người ta còn dùng nước cho sinh hoạt ở những cái giếng cổ vài trăm tuổi này nữa không ?hay để làm di tích lịch sử .
Phong cảnh thôn quê thanh bình trong tiết xuân làm lòng mình cũng mênh mang cảm xúc .Đang loay hoay tìm ý thơ ca ngợi quê hương là chùm khế ngọt" bỗng cụt hứng bởi bỗng có một cơn gió nào đưa thẳng mùi thuốc trừ sâu xộc vào khứu giác mình .Nhìn ra phía chân trời thấy một Ninza đang thao tác phun sương trên vườn cải hoa vàng mà rùng mình .Thì ra trong khung cảnh yên bình của làng quê vẫn ẩn khuất bóng hình của thần chết.
Vấp phải con mương chặn ngang đường đành phải quẹo sang quốc lộ .Không có mùi thuốc sâu nhưng lại phải thưởng thức mùi "chuột chết " bốc lên từ những đống rác đang kỳ phân huỷ chạy dài 2 ven lộ .Tưởng Hà Nội phải xanh ,sạch ,đẹp nhưng cũng
chẳng khác Bắc giang là mấy .Chắc giám đốc sở tài nguyên môi trường Hà Nội chẳng bao giờ đi qua đây mà có đi thì trong ô tô diều hoà mát lạnh đâu có mùi gì mà phải quan tâm?Chỉ có mấy thằng đi bộ hay xe 2 bánh là chịu trận thôi.
Đoạn đường từ Hà Nội đến Phú Xuyên cũng chỉ có vậy thôi .
Tiếp đoạn Phú Xuyên Phủ Lý cũng không có gì đặc biệt trừ lúc qua các shop trưng bày tượng đá cũng sửng sốt : "Khen ai đẽo đá tạc nên mày!".Bàn tay tài hoa của các nghệ nhân Phủ lý đâu có thua các nghệ nhân Non Nước Đà nẵng .
Chiều dừng chân định check in một khách sạn mini ở thành phố Phủ Lý nhưng bị hét giá trên trời liền đi cố ra ngoại thành kiếm nhà trọn giá rẻ.
Vào một nhà trọ có 2 ông bà già làm chủ hỏi thuê phòng .Cụ ông đon đả : -Bác thuê giờ hả ,30 ngàn 1 tiếng thôi ! Bác định thuê mấy tiếng?
Tôi đáp lời : -Dạ ,tôi muốn thuê qua đêm ,cụ tính thế nào ạ?
Nghe tôi nói vậy ,cụ bà từ nãy đến giờ mắt quan sát ,tai vểnh nghe ,vội nói chen vào :- Ồ ,bác ạ ,tiếc quá ,nhà chúng tôi hết phòng rồi .Phiền bác đi quá xuống phía dưới kia họ còn phòng đấy !
Khi tôi rời khỏi nhà trọ này ra .Một bác xe ôm ghé tai tôi nói nhỏ: - Nhà này chứa gái đấy .Bác để cháu trở xuống nhà nghỉ dưới kia .Vừa sạch sẽ ,vừa đàng hoàng, không chứa gái mà giá cũng rất mềm .
Quả thực nhà bác tài ôm đưa xuống đáp ứng nhu cầu sạch và rẻ ...........................................................Còn tiếp
 
Ngày 13
13.jpg

Không biết có phải do "En Nino" không mà mới ra tết đã nóng ung thủ .Nhìn vào bản đồ thời tiết trong điện thoại thấy chỉ số nhiệt độ là 33 độ C.Đi trên mặt đường nhựa chẳng khác gì đi trên chảo gang bắc bếp.
Nắng và nóng thì có thể chịu được nhưng nếu cộng thêm vào đó là trời im gió thì khó mà chịu nổi .Tiết trời ở Ninh Bình hôm nay là vậy.
Nói thật lòng nếu như ngày nào thời tiết cũng như thế này thì chắc chắn mình khó mà hoàn thành được ý nguyện .Ở những cây số cuối cùng chặng Phủ Lý -Ninh Bình không phải là đi nữa mà là lết .2 bàn chân không biết có phải do bị nung nóng bất thường hay do bị "tiền gút cấp" mà sưng tấy ,nhức buốt .Lết được một đoạn lại phải dừng thở và nới giày ,tháo tất ,xịt Salonpas cho dịu cơn đau.
Rồi cũng như mọi bận .Sau một giấc nồng :Mỏi mệt tiêu tan, chân tay hoạt bát trở lại ,lợi hại như xưa.
Hôm sau .Kết thúc chặng tiếp theo .Ôm cột số 0Tam Điệp nhẹ như lông hồng.
Trước kia mình vẫn luôn ngộ nhận Ninh Bình là tỉnh nghèo đói lâu dài .Nông nghiệp thì lúa chẳng ra lúa ,ngô không ra ngô.Rừng thì bị xiết chặt bởi thuộc diện quản lý cấp quốc gia. Biển thì chẳng có bãi .Công nghiệp là số không tròn chĩnh.
Nhưng từ khi có làn gió đổi mới Ninh Bình cũng như nhiều tỉnh khác thay da đổi thịt .Họ có Bái đính -Tràng An ,Tam Cốc -Bích Động vét tiền thiên hạ . Lại có nhiều núi đá vôi phục vụ công nghệ sản xuất xi măng và cầu đường .Công nghiệp tuy chưa có hạng nhưng cũng có được một nhà máy sản xuất ô tô và một nhà máy xi măng tầm quốc gia.
Chẳng thế mà khi qua thành phố cũng mắt tròn mắt dẹt trước một lâu đài hoành tráng cỡ quốc tế của một đại gia Ninh Bình. Chiếc lâu đài Lục Kê ở Hà Nội nổi tiếng được xây với giá 300 tỷ cũng chỉ xách dép cho cái lâu đài Nhị Tượng giá hơn 1000 tỷ này .
Nghe nói ở Ninh bình có tới 6 toà lâu đài tầm cỡ như vậy và có toà còn có giá 1500 tỷ.
Rời Ninh Bình ,không vui ( vì nhận thấy mình nghèo quá) cũng không buồn ( vì thấy dân giàu ,nước mạnh.)..........................................................Còn tiếp
 
Ngày 14
14.jpg
Nếu ai đam mê thú chơi non bộ thì chớ bỏ qua địa điểm này !Đó là Bỉm sơn địa đầu tỉnh Thanh Hoá .
Nếu các nghệ nhân ở Phủ lý hay Non nước ( Đà nẵng) là những nhà điêu khắc tài hoa thì những nghệ nhân dựng non bộ ở đây được coi là những artist về nghệ thuật sắp đặt
.Những tảng đá vô tri vô giác được các bàn tay tài hoa sơ chế và sắp đặt thành những tổ hợp giả sơn rất có hồn "núi sông"
Non bộ có đủ thể loại ,màu sắc ,kích cỡ để khách lựa chọn cho vừa vói phòng khách hoặc sân vườn nhà mình.
Ngoài non bộ có nhiều gia đình còn chế tác đá xanh,đá hồng,vàng ,trắng hoặc đen thành những bộ bàn ghế ,sập đá ,và bình phong có chạm khắc hình rồng ,phượng hay tứ quý rất sinh động.
Tò mò hỏi giá một chiếc sập bằng đá hồng, giật mình nghe chủ hét ngoài hai trăm triệu .Các tổ hợp non bộ đẹp cũng có giá đến vài chục triệu .
Lang thang như lạc vào cõi đào nguyên mất cả tiếng đồng hồ ,ngó thấy mặt trời lên cao liền dứt áo ra đi.
Không hiểu sao mỗi lần đặt chân lên đất Thanh Hoá ,lòng không khỏi bồi hồi nhớ lại thời kỳ chiến tranh chống Mỹ.Chẳng là sau chiến dịch thành cổ Quảng trị .Quân số (cả 2 bên ta - địch) đều bị thiệt hại đáng kể .Lệnh tổng động" ngầm" được thực thi .Từ trước tới giờ các sinh viên nam ở các trường đại học được miễn nghĩa vụ quân sự .Nay đều phải nhập ngũ .
Hè 1972 ,đơn vị tân binh ( toàn sinh viên) được huấn luyện sơ sơ tại Miếu Môn ( Hà tây cũ) đã phải vác ba lô súng đạn hành quân cấp tốc vào Nam .
Những chàng công tử bột khoác áo lính này lần đầu tiên nếm mùi hành quân xa .
Từ Hà Nội ,đoàn quân Nam tiến được đi tàu lửa xuống Phủ lý và rồi từ ga Phủ Lý bắt đầu cuộc trường chinh cuốc bộ tới Nga sơn .Thanh Hoá.
Dẫu đang tuổi bẻ gãy sừng trâu nhưng không được rèn luyện nên chàng nào chàng nấy ôm chân nhăn nhó than van trời đất.
Tiểu đội chúng tôi được bố trí ở nhà một cặp cợ chồng trung tuổi.
Họ cũng có một cậu con trai đang chiến đấu trong chiến trường Nam Bộ .
Họ dồn hết tình thương nhớ đứa con thân yêu của họ vào anh em chúng tôi.
Ông chồng hiền lành , ít nói nhưng rất tình cảm. Mỗi sáng ông thường dậy luộc một nồi khoai lớn tướng hoặc rang một rổ lạc để chúng tôi tẩm bổ.
Buổi chiều khi ở thao trường về .Mọi người nhao nhác tìm quân trang bẩn để giặt thì phát hiện những bộ quần áo bê bết bùn của mình đã được ông chủ nhà tốt bụng giặt giũ phơi phóng sau nhà .
Bà vợ thấp lùn,răng đen và rất hay chuyện.
Lúc đầu chúng tôi không có cảm tình mấy vì nghĩ bà là người keo kiệt
Bởi có lần bà cằn nhằn có ai đó đã bẻ trộm nhãn sau vườn nhà bà .Tuy không chửi bới như các bà nhà quê mất gà ,nhưng thái độ bà rất gay gắt :-Bộ đội gì mà bẻ trộm nhãn của dân thế !Không có sỹ diện gì cả !
Nhưng đúng vào ngày lễ giết sâu bọ .Cả tiểu đội ngạc nhiên khi thấy bà chủ lễ mễ cắp một thúng nhãn đầy có ngọn để giữa sân :-Các cháu ra đây liên hoan giết sâu bọ với hai bác .
Thì ra bác gái có hơi gay gắt không phải là tiếc của mà là để cho ngày hôm nay chúng tôi có một cái tết vui vẻ.
Và cũng ở chính mảnh đất Nga Sơn này .Người tiểu đội trường hiền lành của chúng tôi đã bị mất một chân.
Vào một đêm .Mọi người đang ngon giấc trên giường,bỗng choàng cả dậy nháo nhào lao xuống đất nằm bẹp dí .Tiếng máy bay địch gào rít trên đầu rồi tiếp đến là chớp lửa loáng nhoằng sáng rực trời đất .Những tiếng nổ chát chúa đanh và gọn.
Đó là tiếng nổ của những trái bom bi địch rải thảm xuống vùng đóng quân của chúng tôi. Vì địch thả bom không được chuẩn xác nên thiệt hại của ta không đáng kể .Năm người bị trúng mảnh trong đó chàng tiểu đội trưởng hiền như con gái của chúng tôi là bị nặng nhất .
Đang ngập tràn cảm xúc về tình người đất Thanh ?Một con Way mang biển 36 phía sau quệt sạt lưng làm ông già ngã lăn quay .2 thanh niên cưỡi trên nó thản nhiên rồ ga phóng lẹ như không có gì xảy ra...........................................................Còn tiếp
 
Ngày 15:
Cuoi nen.jpg

Sớm nay rời khỏi nhà nghỉ thành phố Thanh Hoá tiếp hành trình về phía Nam .Tự nhiên thấy bàn chân bên phải tê buốt .Thầm nghĩ có lẽ do hôm qua bị đụng xe hoặc do ngủ mê chân đạp vào thành giường nên chân bị đau cũng nên.Liền tạt vào tiệm thuốc mua lọ thuốc xịt giảm đau xịt lấy xịt để vào chân và cơn đau cũng dịu được đôi phần.
Nghĩ là cần bổ sung dinh dưỡng nên sau khi làm một bát tái gầu còn đập thêm 2 hột vịt lộn.
Thật ra trong đầu cũng thoáng có ý nghĩ hay mình lên cơn gút cấp nhưng lại bác bỏ ngay : Làm sao mà gút được khi mỗi ngày cuốc bộ hơn 30 km .Đạm vào miệng không đủ để nạp năng lượng cho đôi chân thì sao có dư để phóng uric,urat vào khớp được.!
Rồi bữa trưa và vẫn chủ quan : uống bia hơi, xơi cá bể với cà muối dầm mắm tôm.
Chiều đến ,không phải một nữa mà cả 2 bàn chân đều nhức nhối.
Dự trù theo hoạch định,lẽ ra phải đi gần 10 km mới đến chỗ nghỉ.Nhưng vì chân cẳng có vấn đề nên tạt đại vào một nhà nghỉ ven quốc lộ thuê phòng.
Lết vào phòng vội vã tháo giầy ngâm chân vào nước nóng nhưng không thấy đỡ .
Salonpas xịt vào cũng chẳng có tác dụng.Hiểu rằng anh gút cấp đang hỏi thăm mình đây.
Lục túi thuốc lấy thần dược Cochichin làm luôn 2 viên chặn bệnh.
Thông thường khi có triệu chứng lên cơn thì chỉ cần 1 viên có thể ngăn được bệnh tái phát .Nhưng giờ cả 2 bàn chân đã sưng tấy đỏ và nhức buốt dữ dội như vậy e rằng 2 viên cũng không ăn thua .Nhưng cũng hi vọng rằng sau một giấc ngủ lấy lại phong độ thì bệnh sẽ thoái lui.
Cả đêm không ngủ được vì đau.Gần sáng làm 1 viên thuốc ngủ mới chợp mắt được một lát.
Sáng dậy chân không lê nổi nữa đành gọi bà chủ úp cho bát mỳ lót dạ để uống thuốc.
Đen nỗi bà chủ nhà nghỉ này cũng không phải người nhiệt tình ,phải nói là hơi vô cảm và đen nữa quán cơm lại cách hơi xa nên đến trưa mặc dù chân đau tê tái mình cũng không muốn phiền bà chủ đi mua cơm hộ mà cố gắng cắn răng lê tơi quán cơm.
Có một điều mình nhận thấy rất lạ .Nhà nghỉ thì rất nhiều phòng nhưng thời gian mình ở đấy 4 ngày chỉ có mình là người khách duy nhất .Và quán cơm cũng vậy .Cả 2 bữa trưa và chiều mình cũng là thực khách duy nhất.
Đem thắc mắc hỏi anh chàng bán nước gần đấy thì anh ta ngó trước ,ngó sau rồi nói nhỏ vào tai mình : " Chú biết không ,chú đang nghỉ ở nhà của một tay buôn bán ma tuý cộm cán nhất vùng đấy và chủ quán cơm cũng không phải tay vừa" kẻ 8 lạng ,người nửa cân" ,họ là địch thủ của nhau . Họ mở cửa hàng chỉ để làm bình phong ,còn mọi giao dịch đều vào ban đêm khi mọi người đang say giấc.
Thảo nào mỗi khi tôi đến quán cơm .Ông chủ quán luôn dò hỏi : -Ông có thấy bên ấy có khách ngủ đêm không?Và mỗi khi ở quán cơm về bà chủ lại hỏi : - Bên ấy có đông khách ăn không?

..........................................................Còn tiếp
 
Ngày 16
16.jpg
Hôm nay đã là ngày thứ tư phải nằm liệt một chỗ .Cơn gút cũng có vẻ thoái trào .Nhưng tự nhiên thấy trên Fb xuất hiện một làn sóng tẩy chay cuộc viễn chinh của mình .
Vợ comment: Anh chịu khó dưỡng bệnh đi nếu đỡ thì bắt xe về nghỉ ngơi ,đi như thế là quá đủ rồi!
Rồi anh,chị em,bạn bè Fb đều đồng thanh : Quá giỏi rồi,ai cũng phục rồi .Thôi về thôi kẻo vợ chờ ,con mong!
Mình lập tức phản pháo bằng một bài vè :
CỨNG ĐẦU.
Chân đau mới đỡ được 9 phân.
1 người khích lệ 9 kẻ can!
Đường xa ngàn dặm mới đi một.
Chí khí bỗng tăng gấp bội phần!
Các chiêu dụ viên xem bài này chắc cũng chối nên không thấy ai ngỏ ý chiêu hàng nữa.
Sau này tìm hiểu mới biết phong trào chiêu dụ này được khởi xướng từ một cô em họ tên N.hiện đang sống ở Nha Trang .Cô ta vì xót ông anh nên đã gọi điện,nhắn tin đi khắp nơi để xúi giục bạn Fb của mình kêu mình buông vũ khí.
Buổi trưa tập tễnh từ gác xuống đi ăn .Lần đầu giáp mặt ông chủ nhà nghỉ .Một tay trung niên cao to để râu con kiến ,trông rất đại ca giang hồ .Thấy mình tập tễnh mò đi ăn ,ông ta đon đả : -Chú từ chiều nay không phải ra quán nữa .Chú xuống đây dùng cơm với vợ chồng cháu! . Đoạn quay sang bà vợ :-Bà này buồn cười nhỉ ?Thấy chú vậy lẽ ra phải nấu cơm cho chú ấy ,để chú ấy phải lê lết ra quán khổ quá !
Tôi vội nói đỡ cho bà chủ :-Chú đừng trách cô ấy .Cô cũng ngỏ ý nấu cơm cho tôi ăn nhưng mấy hôm nay tôi chỉ dùng cháo hay miến nên bảo cô đừng thổi!
Có trải qua những tình huống thế này mới hiểu tại sao dân chúng lại hâm mộ các bố già Maphia đến phát cuồng vậy,coi các bố như thánh sống.
Buổi trưa ,dùng bữa xong ra hàng nước và được biết cách đây chừng 2 km có bãi biển và nhà nghỉ dưỡng liền về trả phòng thuê xe ôm ra bãi biển vì nghĩ ngâm chân nước biển chân sẽ mau lành.
Vì mới tết ra,tiết trời còn lạnh nên bãi biển vắng hoe,vắng hoắt .Chủ nhân nhà nghỉ dưỡng là một gã đàn ông ngoài 40, nhanh nhẹn và hoạt ngôn.Trong những bữa cơm ,ông ta cũng hay phiếm bàn với tôi về các vấn đề thời cuộc .Bàn về các nguyên thủ thế giới ,ông tỏ ra tôn sùng Tập Cận Bình hơn cả .Đang say sưa ca ngợi Tập bỗng ngoài bãi có ai đó réo :- Ông chủ ơi,còn hàng không ?
Ông chủ lén nhìn mình rồi trả lời người kia:-Ở đây chỉ có nghỉ ngơi thôi ,không có hàng họ gì đâu?
Tôi mỉm cười :-Chú cứ tự nhiên mà bán hàng .Nếu tôi không bệnh thì cũng muốn mua hàng của chú đấy?
Hàng là những cô gái chân dài mà tôi đã chạm chán khi đi dạo quanh khu nghỉ dưỡng.
Buổi chiều ra ngâm chân và một mình lang thang trên biển vắng ,ngắm những con dã tràng xe cát lòng buồn rười rượi .Lẽ nào phải chấm dứt cuộc hành trình ở đây nếu như bệnh tình không thuyên giảm .Bỗng thấy lòng lắng lại khi bắt gặp một nụ cười của một chàng trai đang điều khiển xe bò chở cát đi ngang qua:
Chiều buồn lang thang trên biển vắng
Bỗng dưng bắt gặp một nụ cười!
Lại lấy lại được tinh thần!..........................................................Còn tiếp
 
Ngày 17
17.jpg
Không biết có phải do nụ cười bất chợt trên bãi biển hay nhờ những viên cochichin nhỏ bằng 1/3 hạt đậu mà cơn gút phải giương cờ trắng không?Sang ngày thứ năm chân mình đã hết sưng và bước đi đã thanh thoát trở lại
Sáng hôm sau lại xỏ giày,khoác balo ,chào tạm biệt fanker Tập Cận Bình Nam tiến .
Chân nhẹ ,lòng nhẹ ,cảnh vật trở nên tươi hồng .Qua một xóm chài sung túc , nhà cửa sạch đẹp ,người người vui tươi ,cũng thấy ấm trong lòng .Lũ trẻ con ríu rít trên đường tới trường gặp ông già bộ hành khoanh tay lễ phép :- cháu chào ông ạ !Thật là ngạc nhiên !Trẻ con miền Bắc và giờ cả miền Nam đã mất thói quen khoanh tay chào người lớn từ lẩu lầu lâu rồi .Chỉ còn ở đất Thanh Nghệ Tĩnh và Quảng bình người lớn vẫn chịu khó dậy con theo lề thói phong kiến này.Một lối dậy mà bộ giáo dục cần phải khôi phục lại ngay và luôn.
Hết đất Thanh Hoá chạm đất Diễn Châu là bước chân vào : Đường vô xứ Nghệ quanh quanh quanh / Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ .Tranh hoạ đồ nay non xanh đã giảm đáng kể vì lâm tặc nhưng lại được con người kẻ vẽ thêm những con phố nhộn nhịp và những toà nhà cao tầng điểm xuyết vào bức tranh phong cảnh xứ Nghệ tuy mất nên thơ nhưng rất chi là ấm cúng.
Đáng kể nhất là những khách sạn 4 sao của vị đại gia lẫy lừng xuất thân từ đất Diễn Châu này :Đại gia Điếu Cầy .Tại vùng đất chôn rau cắt rốn này ông đã xây dựng 10 cái khách sạn trong chuỗi 44 khách sạn rải rác khắp toàn quốc .Đúng là Donan Trumb của Việt Nam .(Giá như ông này chỉ xây độ 30 cái còn lại xây trường học ,bệnh viện cho dân nghèo thì chắc giờ đây không bị mắc rắc rối sự vụ )
Thành phố Vinh không đáng hổ danh là 1 trong những thành phố lớn nhất miền Trung.
Có lẽ đây là thành phố có quảng trường lộng lẫy nhất toàn quốc ,so với quảng trường Ba Đình Hà Nội nó chẳng kém cạnh gì chỉ thua mỗi cái không có lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thôi .Nhưng thay vào đấy là bức tượng Bác bằng đá hoa cương lớn nhất nước giưa quảng trường gió lộng giơ tay thân thiết vẫy chào đồng bào.
Chợ Vinh cũng sầm uất đâu kém chợ Đồng xuân và các con phố chính xe ô tô con đỗ kín vỉa hè nói lên sự giàu sang nổi trội của các con dân quê Bác.
Lang thang khắp phố phường ,chân thấy hơi ê ê liền ngoắc một chiếc xe ôm : -Cháu chở chú đến một tiệm masage ,chú muốn massa chân một lát cho đỡ mỏi .
Chàng xe ôm liếng thoắng :- Cháu sẽ đưa chú đến tiệm Massa xịn nhất thành phố .Chú cứ yên tâm .Nhân viên nhiệt tình mà giá cả mềm mại.
Tiệm massage này nằm rìa thành phố trong một khuân viên rợp bóng cây.
Có vẻ nó cũng xịn thật vì có rất nhiều ô tô xịn đậu ở bãi xe trước cửa.
Tôi hỏi lễ tân :- Ở đây có matsa chân không?
Cô lễ tân thẽ thọt :- Dạ chúng em massa toàn thân nhưng anh chỉ masa chân thì bảo với nhân viên chỉ massa chân thôi các em cũng làm tốt.
Mua một tích kê 150k ,theo chỉ dẫn của lễ tân tôi vào phòng chờ.
Chưa đầy 1 phút ,một cô bé ăn mặc hơi thiếu vải nhưng rất đẹp ,chắc sắc đẹp phải ngang với Kiều nhưng trẻ và ít kinh nghiệm hơn Kiều .Tiến đến chỗ tôi,cô bé nhoẻn nụ cười toả nắng ,thỏ thẻ oanh vàng : Anh vào xông hơi đi em đã chuẩn bị xong cả rồi !
Anh bằng tuổi ông nội cũng hơi xốn xang một tẹo :- cám ơn em ,anh vào ngay.
Sau 10 phút sục mình trong lò bát quái ,mồ hôi,khí độc trong người theo lỗ chân lông toát hết ra ngoài thật là sảng khoái.
Xông hơi xong,ông nội leo lên chiếc giường lớn hơn tấm đệm bàn là một chút chờ Kiều đến tẩm quất .
Nhẹ nhàng như nai vàng,dịu dàng như tiên nữ ,nàng Kiều tác nghiệp trên cái cơ thể tàn tạ của ông lão 65 ,tay thì mơn chớn ,miệng thì thỏ thẻ những lời châu ngọc : -Anh nhiều tuổi thế mà cơ thể vẫn săn chắc hơn cả thanh niên ! Tôi phản ứng : Em chỉ được cái nói xạo ! -Thật mà -nàng chống chế : - Em massa cho nhiều người em biết mà .Nhiều thanh niên tý tuổi còn nhẽo nhợt gấp vạn lần anh ,mà lắm đứa bụng như bà bầu 9 tháng trông rất chi là chán.
Tôi nghĩ thầm trong bụng : Chắc cô nàng cũng có ý mơi mình đây ,nhưng như một chàng sinh viên y khoa thề trước Hipocrat tôi cũng tự thề với lương tâm : Không bao giờ phản bội vợ .
Cô em này công toi rồi !
Nhưng cũng không tránh nổi tò mò :- Thế đây có công đoạn tới Z không? Giá là bao nhiêu?
Nàng tiên mắt sáng lên .Dạ ,nhưng phải báo với lễ tân và giá cả bao phòng là 2 triệu 1 lần.
Cái giá này cũng cố vững chắc cho lời thề.............................Còn tiếp
 

Xem nhiều nhất

Back
Bên trên