máy ảnh Lumix FX55 - Ngoại hình hấp dẫn

voicon

Thành viên mới
Panasonic Lumix DMC-FX55 có ngoại hình mảnh mai, quyến rũ. Tuy được đánh giá cao về sự dồi dào trong tính năng và sự nhạy bén trong khả năng hoạt động, nhưng chất lượng ảnh lại là một điểm yếu gây thất vọng lớn ở chiếc máy ảnh thời trang này.
1000009393_3.let.jpg

Panasonic Lumix DMC-FX55 có ngoại hình hấp dẫn. Ảnh: Letsgodigital.
Panasonic Lumix DMC-FX55 có thân hình nhỏ nhắn và quyến rũ. Thiết kế của máy tuy đơn giản nhưng rất gọn gàng và không hề thiếu tính thẩm mỹ, đủ sức hấp dẫn bất kỳ đối tượng khách hàng nào. Tuy nhiên, để đánh giá một chiếc máy ảnh, không thể dựa hoàn toàn vào thiết kế bên ngoài, khi mà những chi tiết bên trong cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng. Nhưng đáng tiếc là, chất lượng của những bức ảnh chụp bởi DMC-FX55 lại không có tính cạnh tranh cao lắm. Nói cách khác, tuy được trang bị khá nhiều tính năng hấp dẫn, nhưng rất có thể với những người đề cao chất lượng ảnh, Panasonic FX55 chưa hẳn đã là sự lựa chọn được nghĩ đến đầu tiên.

1000009393_9.zone-numerique.jpg

Thiết kế của FX55 khá đơn giản. Ảnh: Cnet.
Ấn tượng đầu tiên đến từ thiết kế của Panasonic Lumix DMC-FX55 là sự đơn giản. Ở mặt sau của máy, màn hình LCD rộng 3 inch, có độ phân giải 230.000 điểm ảnh choán gần hết diện tích, khiến cho phần không gian dành cho những phím điều chỉnh còn lại rất ít. Bù lại, Panasonic đã trang bị cho chiếc máy ảnh thời trang này một phím định hướng lớn và khá nhạy, giúp người dùng có thể truy nhập vào hầu hết những menu điều chỉnh cần thiết. Phím định hướng cũng cho phép người dùng kết nối nhanh tới các tính năng chỉnh độ bù phơi sáng, flash, hẹn giờ và xem lại ảnh.
Sau khi bấm phím định hướng để cho menu chính hiện trên màn hình, người dùng có thể vận hành chiếc máy ảnh này một cách rất dễ dàng mà không cần phải nhớ vị trí của các phím bấm. Đổi lại, tốc độ thực hiện các điều chỉnh của máy sẽ chậm hơn. Ví dụ như để thay đổi ISO, người dùng FX55 phải bấm tới 7 lần mới thực hiện xong. Đổi lại, việc thay đổi độ cân bằng trắng sẽ được tiến hành nhanh hơn, do tính năng này được sắp xếp đầu tiên trong danh mục điều chỉnh của máy. Có lẽ, Panasonic cho rằng, người chụp thích thay đổi độ cân bằng trắng thường xuyên hơn độ nhạy sáng.




Cũng cần phải nhắc tới chiếc màn hình LCD rộng 3 inch ở mặt sau máy. Xét về mặt thiết kế, đó là một chi tiết hết sức ấn tượng. Tuy nhiên, mặt trái của nó chính là việc, người dùng sẽ không có nhiều không gian trống để cầm máy, đặc biệt là khi phần tay cầm nhô ra ở mặt trước cũng được đặt quá gần mép máy. Người dùng sẽ không được thoải mái cho lắm trong quá trình sử dụng chiếc máy ảnh này. Sẽ là tốt hơn nếu Panasonic thiết kế phần tay cầm lùi sâu vào giữa thân máy giống như ở chiếc FX50 ra năm ngoái. Còn với thiết kế như ở FX55, người dùng nên cầm máy bằng cả hai tay để đảm bảo sự chắc chắn trong quá trình sử dụng.
1000009393_4.cnet.jpg

Màn hình 3 inch choán gần hết mặt sau máy. Ảnh: Cnet.
Giống như đa phần những chiếc máy ảnh compact khác, FX55 không được trang bị những tính năng chỉnh tay độ phơi sáng. Thay vào đó, Panasonic cung cấp cho mẫu máy ảnh thời trang của mình khá nhiều chế độ cảnh mặc định khác nhau, để hỗ trợ cho chế độ chụp tự động hoàn toàn. Bên cạnh đó, Lumix FX55 cũng sở hữu một tính năng mới được Panasonic ứng dụng cho những model của năm nay, đó là chế độ chụp tự động thông minh Intelligent Auto Mode. Ở chế độ này, máy sẽ tự động kích hoạt hệ thống ổn định ảnh quang và hệ thống chỉnh ISO thông minh, có khả năng tự động tăng độ nhạy sáng để bắt kịp tốc độ trập và những chuyển động của tay người chụp. Ngoài ra, máy còn huy động cả hệ thống lựa chọn chế độ cảnh mặc định thông minh, giúp phân tích và lựa chọn chế độ chụp phù hợp nhất với khung cảnh lúc đó.
Ngoài ra, chế độ Intelligent Auto Mode cũng sẽ kích hoạt hệ thống tự động lấy nét liên tiếp, giúp người dùng không phải bấm nút chụp nửa chừng rồi dừng lại để chờ máy lấy nét giống như ở nhiều model khác. Như thế sẽ giúp máy chụp nhanh hơn. Cùng lúc đó, hệ thống dò tìm mặt cũng sẽ tự động tìm ra những khuôn mặt có trong khung hình rồi dựa vào đó để lấy nét và chỉnh phơi sáng.
1000009393_2.cnet.jpg

Cảm biến CCD của FX55 có độ phân giải 8,1 Megapixel. Ảnh: Cnet.
Bên cạnh cảm biến CCD có độ phân giải 8,1 Megapixel, FX55 còn được trang bị ống kính Leica DC Vario-Elmarit có zoom quang 3,6x, dải tiêu cự 28 - 100 mm, khẩu độ f2,8 - f5,6 và bộ xử lý ảnh Venus Engine III mới nhất của Panasonic. Độ nhạy sáng mà chiếc máy này cung cấp cho người dùng trải dài từ ISO 100 đến ISO 1.600. Panasonic còn quảng cáo rằng, người chụp có thể sử dụng FX55 ở ISO 6.400, nhưng là trong một chế độ riêng. Ở chế độ chụp với độ nhạy sáng cao này, máy sẽ tự động lựa chọn mức ISO trong khoảng từ 1.600 đến 6.400, nhưng đồng thời cũng sẽ giảm độ phân giải của bức ảnh xuống còn 3 Megapixel.
Tương tự như thế, chiếc máy ảnh này còn có một chế độ chụp liên tiếp với tốc độ cao, bên cạnh chế độ chụp liên tiếp thông thường. Tuy nhiên, cũng giống như ở chế độ chụp với độ nhạy sáng cao, những bức ảnh chụp ở chế độ chụp liên tiếp tốc độ cao sẽ có độ phân giải rất thấp, chỉ 2 Megapixel. Bên cạnh đó, FX55 còn có một chế độ chụp với zoom quang được khuếch đại cao hơn mức 3,6x thông thường.
1000009393_5.cnet.jpg

Ống kính của FX55 có zoom quang 3,6x. Ảnh: Cnet.
Trong những lần chụp thử nghiệm, Lumix DMC-FX55 hoạt động không quá nhanh nhưng cũng khá ấn tượng. Thời gian để máy khởi động và chụp xong bức ảnh đầu tiên là 1,4 giây. Sau đó, máy hoạt động với tốc độ chụp trung bình là 1,8 giây/bức ảnh, trong trường hợp không sử dụng đèn flash. Nếu bật flash, FX55 phải mất trung bình 2,3 giây mới chụp xong một bức ảnh.
Tốc độ trập của chiếc máy ảnh Panasonic này cũng khá nhanh, chỉ là 0,6 giây trong điều kiện độ tương phản cao, và 1,3 giây trong điều kiện độ tương phản thấp, ít ánh sáng. Tốc độ chụp liên tiếp của máy là 3,3 khung hình/giây, không kể kích cỡ ảnh lớn hay bé. Tuy nhiên, trong mỗi một lần chụp, máy chỉ có thể lưu lại được 4 bức ảnh ở độ phân giải tối đa, hoặc 7 bức ảnh ở độ phân giải thấp.
1000009393_10.pixinfo.jpg

Tốc độ hoạt động của FX55 rất đáng ngợi khen. Ảnh: Pixinfo.
Dẫu có độ phơi sáng, độ cân bằng trắng và màu sắc khá ấn tượng, nhưng những bức ảnh chụp bởi Panasonic lại bị nhiễu khá nhiều. Các chi tiết nhiễu đã xuất hiện ngay từ mức ISO 100. Đến ISO 200, các chi tiết nhỏ và đẹp đã biến mất khá nhiều, trong khi toàn bộ bức ảnh cũng trở nên mờ và kém sắc nét hơn.
Tại ISO 400, nhiễu tiếp tục tăng lên, trong khi các chi tiết nhỏ cũng mất đi nhiều hơn, dẫu cho các chi tiết bóng vẫn được lưu giữ khá tốt và người chụp vẫn có thể có được những bức ảnh in với chất lượng cao. Đến ISO 800 thì lượng nhiễu tăng vọt, các chi tiết bóng và chi tiết nhỏ biến mất gần hết. Đến ISO 1.600 thì lượng nhiễu đã bao phủ toàn bộ bức ảnh. Người dùng FX55 được khuyến cáo là nên sử dụng máy ở độ nhạy sáng dưới ISO 800.
1000009393_7.digitalcamerainfo.jpg

Chất lượng ảnh thấp đã làm giảm đáng kể sức cạnh tranh của FX55.
Ảnh: Digitalcamerainfo.
Tóm lại, nhiễu vẫn luôn được xem là "gót chân Asin" của những chiếc máy ảnh mang thương hiệu Panasonic. Thực tế đáng buồn đó vẫn chưa được cải thiện ở Lumix DMC-FX55. Chỉ cần kiểm soát nhiễu tốt hơn một chút, rất có thể sức cạnh tranh của mẫu máy ảnh thời trang này còn cao hơn nhiều. Với cùng số tiền bỏ ra cho FX55, có thể nhiều người sẽ thích tậu một chiếc Sony Cyber-shot DSC-T100 hơn.
Anh Linh (theo Cnet)
Sohoa.net
 
Back
Bên trên