Đánh Giá Fujifilm Finepix X100: Nhẹ Nhàng Chi Tiết

baybuom

Thành viên mới
2011-FujiX100--9020.jpg
Fujifilm Finepix X100 được Fujifilm chính thức giới thiệu trên thị trường từ tháng 9/2010 và hàng thật sự được bán với số lượng khá hạn chế từ tháng 3/2011. Mãi đến tháng 8/2011, tôi mới có được chiếc máy này trên tay tại Việt Nam. Bài viết này chia sẻ vài cảm nhận của tôi về chiếc máy X100, chiếc máy được coi là khá đặc biệt này.

A. Bề ngoài

Điểm đặc biệt khiến Finepix X100 được rất nhiều người mê nhiếp ảnh nghiệp dư và các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp “để mắt” đến X100 chính là thiết kế mang đậm tính hoài cổ của mình. Trước đây Panasonic đã giới thiệu chiếc Lumix LC1 với hình dáng và thiết kế cũng theo hướng hoài cổ này nhưng không tạo được tiếng vang lớn như Finepix X100. Thoạt nhìn, X100 gợi nhớ ngay đến dáng vẻ của những chiếc máy RF Leica và RF vang danh 1 thời.

Và đây, khi so mặt trước của X100 với chiếc RF Canon QL17III, 1 chiếc máy có rất nhiều điểm tương đồng với X100 về thiết kế, kích thước và tính năng như ống kính gắn liền, nhỏ gọn.
2011-FujiX100.jpg
​​
Mặt trên của máy là các nút điều khiển tốc độ chụp, bù trừ sáng, và nút tắt mở máy kết hợp chung với nút chụp. Điều hấp dẫn nữa là Fuji vẫn giữ nguyên thiết kế của nút chụp ảnh có lõi răng ở giữa, cho phép người dùng tận dụng lại dây bấm mềm dành cho các máy film trước đây hoặc dùng thêm phụ kiện Soft release để giúp việc sử dụng tiện lợi hơn. Việc điều chỉnh khẩu độ ống kính được thực hiện thông qua vòng điều chỉnh khẩu ngay trên ống kính.Thiết kế này vẫn bảo lưu những đặc điểm truyền thống của các máy ảnh chụp film, đặc biệt là dòng RF vốn rất phổ biến trên thị trường trong thập niên 70 của thế kỷ trước.
2011-FujiX100-8.jpg
​​
Mặt sau của máy thì hoàn toàn mang tính hiện đại, với màn hình 2.8” độ phân giải 460K pixel, cho màu hiển thị trung thực và sắc nét.
2011-FujiX100-12.jpg
​​
B. Giao diện và cách sử dụng

Đó là vài nét cơ bản về bề ngoài của máy.Giờ chúng ta thử vào cụ thể hơn vào giao diện và cách sử dụng của máy.

Ngoài việc thiết kế cơ bản giúp người dùng có thể điều khiển tốc độ, khẩu độ và bù trừ sáng được thiết kế với nút jog dial riêng, các chức năng cơ bản còn lại, cần thiết để sử dụng như chỉnh Cân bằng trắng, ISO, chế độ chụp, Chế độ giả lập film (theo truyền thống của các máy chuyên dụng của Fujifilm) đều được gắn trên các nút bấm như các máy KTS thông dụng. Trên đỉnh máy là nút Fn mà người dùng có thể gán chức năng theo ý thích của mình.Điều lưu ý là vòng khẩu trên ống kính chỉ nhảy từng 1EV, còn để điều chỉnh từng bước nhảy 1/3EV thì bạn phải dùng đến jog dial ở mặt sau của máy.Thiết kế này làm tôi khá rối khi mới bắt đầu dùng và đến giờ tôi vẫn cảm thấy rất khó chịu với cách thiết lập này.

Nút Menu/Ok được Fuji thiết kế nằm giữa cụm điều khiển 4 chiều nhằm giúp người dùng hạn chế di chuyển ngón tay khi cài đặt các thiết lập cho máy. Tuy nhiên, do nút được thiết kế chìm nên việc bấm nút này khá khó, đặc biệt với những người có bàn tay lớn.

Máy có chế độ lấy nét tay. Việc thiết lập chế độ lấy nét tay được kích hoạt thông qua nút gạt chế độ lấy nét ở mặt trước của máy. Tuy nhiên, 1 điểm nữa Fuji làm thất vọng người dùng là chế độ lấy nét tay này hầu như vô dụng. Lý do của nhận xét này là vòng lấy nét quá dài và chế độ hỗ trợ lấy nét tay chỉ được kích hoạt khi nhấn vào Jog Dial.

Tốc độ lấy nét của X100 khá chậm so với các máy ảnh dòng bán chuyên và chuyên nghiệp hiện nay. Nếu so với các máy EVIL như NEX 3/C3, Olympus E-PL2, Panasonic G1 mà tôi đã dùng qua thì tốc độ lấy nét của X100 chậm hơn hẳn. Dù máy được nhà sản xuất quảng cáo là máy có thể chụp macro ở khoảng cách gần nhất là 10cm nhưng thực tế, máy được chia thành 2 khoảng lấy nét và để lấy nét gần hơn trong khoảng cách 60cm, bạn phải chọn chế độ Macro. Đây là 1 điều khá khó chịu trong quá trình sử dụng X100. Hơn nữa, trong điều kiện ánh sáng yếu, việc lấy nét của X100 trong khoảng 10cm-20cm rất rất chậm, thậm chí là không thể lấy nét được.

Về hệ thống màn hình và ống ngắm của Finepix X100: X100 được trang bị 1 hệ thống ngắm khá hiện đại và hiệu quả. Bạn có thể chọn ở chế độ Liveview để ngắm qua màn hình LCD 2.8” với màu sắc đẹp, sáng, hoặc qua viewfinder. Với Viewfinder, bạn cũng có thể chọn chỉ ngắm với ống ngắm quang học hay qua hệ thống ngắm lai kết hợp giữa ống ngắm quang học và 1 màn hình LCD trong suốt có độ phân giải cao, lên đến 1.440K điểm ảnh. Do đặc thù của thiết kế máy nên nếu bạn chọn chế độ ngắm Optical only, việc ngắm và chọn khung chụp sẽ có 1 độ lệch nhất định so với hình ảnh thực chụp được do bị lệch trục (paralax). Do vậy theo ý kiến cá nhân của tôi, chế độ này hầu như vô ích. Khi chọn ở chế độ Hybrid, bạn sẽ hy sinh 1 chút độ sáng trong khung ngắm, bù lại sẽ có đầy đủ các thông số và cài đặt chế độ chụp trong khung ngắm này. Do độ phân giải cao nên việc ngắm qua khung ngắm Hybrid cho hình ảnh rất đẹp, sáng, và có hiệu ứng 3D rất rõ ràng.

C. Chế độ chụp-
  • Bạn có thể chọn chế độ chụp tương đương với M ở các máy ảnh DSLR/EVL thông dụng khi chọn chỉnh khẩu độ và tốc độ tương ứng.
  • bạn sẽ ở chế độ chụp Auto nếu cho Mode A ở vòng chỉnh khẩu, hoặc chỉnh tốc độ, hoặc cả 2.
  • Máy trang bị sẵn các chế độ giả lập các màu film thông dụng mà Fujifilm thường cung cấp, bao gồm Velvia (cho màu có độ tương phản cao, no màu), Provia (màu trung tính), Astia (màu hơi nhạt, soft), film đen trắng với các filter màu Cam, xanh, đỏ.
  • Máy có bộ filter ND, cho phép giảm 3EV. Chế độ này khá hữu dụng nếu bạn là người ưa thích ảnh phong cảnh.
  • Ngoài ra, chế độ Motion Panorama cho phép bạn chụp và ghép trực tiếp các bức ảnh Panorâm với góc nhìn 120o hoặc 180o trực tiếp trên máy.
D. Pin

Máy dùng pin NP95 của Fuji. Với dung lượng 1400mah, NP95 chỉ có thể dùng đến mức 200-250 tấm với mức độ dùng bình thường. Nếu tắt hết các chế độ review, hybrid vf thì pin có thể dùng được đến 500 tấm. Mức dùng pin như vậy là bình thường với 1 máy ảnh gia đình, nhưng với 1 chiếc máy chuyên nghiệp như mong đợi dành cho X100 thì quả là hơi thất vọng.

E. ống kính và flash
2011-FujiX100-6.jpg
​​
Finepix X100 được trang bị ống kính tiêu cự 23mm f/2.0 với các thấu kính tráng phủ theo công nghệ riêng của Fujifilm với tên gọi Fujinon. Công nghệ sản xuất này vốn rất nổi tiếng và được nhiều nhiếp ảnh gia ưa thích nhờ màu sắc trung thực, độ tái tạo chi tiết rất tốt.Ống 23mm cho góc nhìn tương đương 35mm trên các máy ảnh film trước đây.ống kính được chế tạo từ 8 thấu kính chia thành 6 nhóm, trong đó có 1 thấu kính phi cầu. Ống kính cũng được trang bị bộ leaf shutter với 9 lá khẩu cho bokeh dịu, tròn, đẹp. và nhờ bộ leaf shutter nên tiếng động phát ra khi chụp rất êm và hạn chế tối đa run khi chụp. do vậy tôi hoàn toàn có thể có được ảnh tốt ngay cả khi chụp ở tốc độ 1/8s.

Chi tiết tốt ở cả tâm và rìa ảnh
web-1.jpg
​​
Bokeh đẹp và mượt
2011-FujiX100--5315.jpg
​​
Thiết kế của ống kính Fujinon 23mm f/2.0 rất tốt nên hạn chế tối đa trường hợp bị lóa khi chụp nguồn sáng mạnh. Màu sắc và độ tương phản tốt.
2011-FujiX100--8685.jpg
​​
Tuy nhiên độ méo của ống kính khá cao nên không phù hợp với chụp sản phẩm cần chất lượng tốt.
2011-FujiX100--5081.jpg
​​
1 điều đáng tiếc nữa là hộp máy không kèm theo loa che sáng, và bạn không thể gắn filter trực tiêp trên lens nếu không dùng bộ chuyển đổi. Đây lại là 1 điểm rất đáng tiếc khi bỏ ra hơn 1300USD cho 1 bộ máy rồi sau đó bạn lại phải móc túi trả thêm cho cái phụ kiện lẽ ra là cơ bản của máy. Tuy nhiên ống kính Fujinon 23mm f/2.0 có khả năng chống lóa khá tốt nên phụ kiện loa che nắng có thể không quá cần thiết.

1 điều lưu ý hơn là X100 chỉ dùng filter Linear Polariser thay vì Circular Polariser như hầu hết các máy ảnh từ sau năm 1980 đến nay. Thật khó hiểu.

Đèn flash trên Finepix X100 được quảng cáo là đèn flash siêu thông minh, và thật sự tôi rất hài lòng với kết quả từ đèn này. Ánh sáng chịu, không chát, không cháy dù chụp ở cự ly gần.và điều quan trọng hơn là X100 cho tốc độ ăn đèn ở mọi tốc độ chụp (nghĩa là có thể ăn đèn ở tốc độ 1/4000s). Đây là 1 điểm rất quan trọng với những người thích hụp ảnh với đèn flash (strobist).

Đèn cho màu da khá dịu và tự nhiên
2011-FujiX100-1023-flash-%20skintone.jpg
​​
Có tác dụng tốt khi chụp sản phẩm mà không gây độ gắt
2011-FujiX100-1028_flash_closeup.jpg
​​
Nếu kg thích, bạn có thể chọn mua thêm bộ đèn flash gắn ngoài mà Fuji vừa tung ra dành riêng cho Finepix X100/X50 và Finepix HS20 hoặc dùng với bất kỳ đèn flash với chân ISO chuẩn trước đây. Tuy nhiên để kích hoạt đèn flash gắn ngoài, bạn phải vào menu để kích hoạt.

F. Hình ảnh

Đó là vài điểm cơ bản về X100. Giờ xin phép đi vào yếu tố quan trọng nhất của chiếc máy ảnh: cảm biến ảnh và chất lượng ảnh có được từ Finepix X100.Máy được thiết kế nút gán chế độ chụp RAW riêng biệt tương tự các máy ảnh DSLR Pentax giúp bạn nhanh chóng có được chế độ ghi hình phù hợp.

FinePix X100 được trang bị cảm biến ảnh 12.3Mp hữu dụng với ISO cơ bản từ 200-6400, có thể mở rộng xuống 100 hoặc lên đến 12800. Việc kiểm soát noise của X100 rất tốt, ngay cả khi phải dùng ở mức ISO rất cao trên 6400.
X100-ISO%20test.jpg
​​
Tương tự như các máy Fujifilm Finepix trước đây (S3 pro, S5 pro), Finepix X100 cho ảnh JPEG chất lượng tuyệt vời, và hầu như bạn có thể dùng ngay, không cần qua bước chỉnh sửa nào. Cân bằng trắng tự động của máy rất tuyệt, hầu như tôi kg cảm thấy lăn tăn về vấn đề này.
2011-FujiX100--5570.jpg
2011-FujiX100--9449.jpg
​​
Chế độ giả lập film khá hay, nhưng thật chất kg quá đặc biệt, nhất là các phần mềm xử lý hậu kỳ đã có thể đảm nhận tốt vai trò này. Tuy nhiên cũng cần lưu ý là X100 có chế độ Film Simulation Bracket, cho phép bạn ghi lại trong 1 lần bấm máy với 3 chế độ giả lập film màu khác nhau phòng trường hợp bạn phân vân kg biết dùng chế độ nào cho phù hợp.

G. Quay film

Máy quay film ở độ phân giải HD ready 720p với chất lượng rất khá tốt.

H. Kết luận

Với tầm giá trên 1300USD cho chỉ máy với thiết kế đẹp và chất lượng ảnh tốt, tiếng máy rất êm, X100 quả thật là 1 chiếc máy ảnh rất hấp dẫn với những ai có thể sống chung với những hạn chế của nó. Chiếc máy này có vẻ rất thích hợp với những phóng viên, hoặc người yêu thể loại ảnh đường phố, sinh hoạt đời thường. X100 chắc chắn không phải là 1 chiếc máy ảnh dành cho mọi người, nhưng nếu bạn đã có 1 bộ máy ảnh tốt, và muốn có lại những kỷ niệm đẹp khi dùng 1 chiếc máy ảnh film, thì X100 là 1 trong những lựa chọn phù hợp.

Điểm mạnh
  • Chất lượng hình ảnh tuyệt vời, nhất là ảnh JPEG trực tiếp từ máy, ngay cả với mức ISO cao.
  • Chế độ WB và đo sáng rất tốt
  • Thiết kế hoài cổ, đẹp, trau chuốt.
  • VF sáng đẹp.
  • Ống kính cho chất lượng ảnh tốt, không bị lóa.


Điểm yếu
  • Cách hành xử của 1 chiếc máy nghiệp dư​​
  • Thời gian dùng pin ngắn
  • Giá hơi mắc.
  • Ống kính có độ méo khá rõ
  • Không thay được ống kính
Một số hình ảnh chụp thực tế từ Fuji X100
2011-FujiX100-1083-2.jpg

2011-FujiX100--8942.jpg

2011-FujiX100--8757.jpg


2011-FujiX100--5540.jpg

2011-FujiX100--5739.jpg

2011-FujiX100--5524.jpg

2011-FujiX100--5258.jpg

2011-FujiX100--1140.jpg

2011-FujiX100--1147.jpg

2011-FujiX100-1097-2.jpg

Nguồn:Tinhte.vn
 
Back
Bên trên