Làm Nhà Sàn Bằng Cột Bê Tông: Cách Làm Mới Của Bà Con Tuyên Quang Vừa Tiết Kiệm Chi Phí, Vừa Bền

abc

Thành viên Nghiệp dư
(Xây dựng) - Ngôi nhà sàn từ bao đời nay đã trở thành nét đặc trưng cho đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang.
155122baoxaydung_image001.jpg

Ngôi nhà sàn truyền thống của gia đình anh Ma Văn Sơn, xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa.
Trải qua năm tháng, những ngôi nhà sàn cột gỗ đồ sộ dần xuống cấp bởi nắng, mưa, mối, mọt. Gỗ quý không còn, mọi nguyên vật liệu khan hiếm, bà con nơi đây đã cách tân ngôi nhà sàn bằng khung bê tông cốt thép, thay đổi một phần thiết kế đảm bảo vừa gìn nếp nhà sàn truyền thống, vừa tiện dụng trong cuộc sống hiện đại.
Vừa rẻ, vừa nhanh, vừa bền
Đó là khẳng định của tất cả các hộ gia đình làm nhà sàn bằng cột bê tông tại tỉnh Tuyên Quang.
Xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn được biết đến là một trong những xã có nhiều nhà sàn nhất tỉnh. Toàn xã hiện có trên 350 ngôi nhà sàn, trong đó có gần 100 nhà sàn cột bê tông.
Gia đình anh Đặng Văn Dũng, thôn Đèo Hoa rất phấn khởi vì đã làm xong được ngôi nhà sàn cột bê tông khang trang, bề thế. Ngôi nhà lợp bằng lá cọ, tường bưng bằng gỗ thật thoáng mát.
Anh Dũng cho biết: Chi phí cho ngôi nhà này là 150 triệu đồng. Tuy nhiên, để phun sơn, làm xong hệ thống cửa sổ bằng gỗ thì hết khoảng trên 30 triệu đồng nữa.
“Nhà sàn với các xà, cột bê tông cốt thép, móng đá sâu này có mà ở cả đời cũng không lo mối, mọt, cột mục như trước. Vả lại thay vì đi vào rừng tìm nguyên liệu, xẻ gỗ hàng năm trời, nhờ anh em, học mạc, làng bản bao nhiêu lâu nữa mới dựng được xong ngôi nhà sàn, thì làm nhà sàn kiểu này chỉ mất hơn 1 tháng là ở được, thật là tiết kiệm được bao thời gian, công sức!”, ông Hoàng Hữu Bình, cán bộ Văn hóa xã Chân Sơn bày tỏ.
155123baoxaydung_image003.jpg

Ngôi nhà sàn cột bê tông chưa hoàn thiện của gia đình anh Đặng Văn Trực, xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn.
Cách nhà anh Dũng không xa là ngôi nhà sàn bê tông của gia đình anh Đặng Văn Trực. Gia đình anh Trực thuộc diện hộ nghèo, nhưng hai vợ chồng anh phấn đấu làm thuê, làm mướn trong làng, ngoài xã, quyết tâm dựng được ngôi nhà sàn để ở.
Ngôi nhà có trị giá hơn 100 triệu đồng, chưa hoàn thiện, nhưng anh chị đã dọn đến ở tạm, bởi an ninh ở đây rất tốt. “Chúng nó bảo ở nhà đất một thời gian mà chật chội, bí bách quá. Tính làm nhà xây nhưng tiền ít, chỉ xây được 1 tầng thì không có chỗ để nông cụ, xe cộ, bồ thóc, củi, đuốc... Thế nên tôi đã cho các con thổ đất này và động viên con cố làm ngôi nhà sàn”, bố vợ anh Trực cho biết thêm.
Anh Đặng Văn Duyên, dân tộc Cao Lan, thợ cả của nhóm thợ xây xã Chân Sơn cho biết, trong hai năm trở lại đây nhóm của anh đã làm được hơn chục ngôi nhà sàn cột bê tông trong xã.
Giá tiền công làm mỗi ngôi nhà sàn dao động từ 30 - 40 triệu đồng, tùy kích cỡ, chất lượng. Ở đây người dân đều làm nhà sàn bê tông theo kiểu có một gian rộng và hai chái, sàn nhà và xung quanh tường bưng gỗ và trên mái lợp lá cọ, diện tích sử dụng từ 70-100 m2.
Các hộ đều chọn phương pháp xây dựng đúc cột bê tông, xà liền trực tiếp, ngôi nhà sẽ khỏe hơn mà thời gian thi công khá nhanh, mất khoảng 15 đến 20 ngày là đổ xong phần khung bê tông cốt thép cho toàn bộ ngôi nhà.
155123baoxaydung_image005.jpg

Cách xây dựng cột bê tông, xà liền trực tiếp khiến ngôi nhà chắc, khỏe hơn.
Nếu làm hoàn thiện tất cả, mỗi ngôi nhà sàn bê tông “bình dân” này có tổng chi phí tầm 120 đến 140 triệu đồng, rẻ hơn nhiều so với làm nhà sàn bằng gỗ hoặc nhà xây.
Thiết kế hiện đại, tiện dụng
Cũng giống như xã Chân Sơn, khắp các vùng quê của Tuyên Quang đâu đâu cũng có những nếp nhà sàn nép mình dưới tán rừng thơ mộng, tôn thêm vẻ thanh bình, riêng biệt của làng quê vùng cao.
Bà con đã có những cách làm rất sáng tạo trong hiện đại hóa ngôi nhà sàn (như thay thế vật liệu, kiến trúc) để thuận lợi hơn trong sinh hoạt, nhưng không làm mất đi nét truyền thống của ngôi nhà.
Bên cạnh cột bê tông cốt thép, những nhà có điều kiện đã lợp mái nhà bằng tôn lạnh để đảm bảo độ bền, chắc của phần mái. Anh Hà Ngọc Thọ, một kỹ sư xây dựng sinh ra tại xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa cho biết: Gia đình anh vừa đầu tư hơn 40 triệu đồng để lợp lại mái nhà sàn bằng tôn lạnh.
Nhiều người khuyên anh nên bán ngôi nhà sàn này, bởi nhà làm bằng gỗ tốt, chắc chắn bán đi đủ tiền xây một ngôi nhà khang trang, nhưng anh vẫn giữ nguyên lập trường tu sửa lại mái nhà anh đã gắn bó từ khi sinh ra. Mái tôn này có độ bền chắc cùng thời gian, không sợ dột, không lo gió lốc tốc đi như mái lá.
155123baoxaydung_image006.jpg

Ngôi nhà sàn bê tông của gia đình anh Khổng Văn Ánh, xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn đang được tốp thợ khẩn trương thi công.
Thiết kế ngôi nhà sàn ngày nay cũng được tối giản. Trước đây, khi làm nhà để ở, bà con làm nhà thường phải làm 2 nhà. Nhà to dùng để ở, ngủ, nhà bếp dùng để đun nấu nhằm tránh bồ hóng bám vào mái nhà rồi rơi xuống bẩn đồ đạc, mất thầm mĩ.
Ngày nay khi thiết kế một ngôi nhà sàn, bà con thường đổ sàn bê tông ở phần chái nhà đua ra ngoài làm bếp lò và công trình vệ sinh, nhà tắm khép kín.
Nước sinh hoạt thường được bơm từ giếng hoặc công trình nước sạch lên bồn inox dự trữ. Với cách làm này bà con khỏi gánh nước từ giếng lên sàn như trước, cũng đỡ lo củi lửa bén vào sàn nhà bốc cháy gây hỏa hoạn.
Sàn nhà có thể được làm bằng gỗ hoặc đổ bê tông, lát gạch hoa giả vân gỗ. Tường nhà cũng vậy, có nhà bưng bằng ván, làm khung nhôm, cửa kính, trát bằng đất hoặc bằng xi măng, đan bằn tre, nứa.
Có gia đình đông người, ở nhiều thế hệ còn lát gạch, bưng tường ở tầng dưới, tạo thành ngôi nhà sàn “2 tầng” để ở. Cầu thang thường được bà con làm 9 bậc, có thể bằng gỗ hoặc cầu thang xi măng giống kiểu nhà xây.
Kiểu cầu thang có tay vịn dần được thay thế bằng kiểu cầu thang không tay vịn, tạo độ an toàn cho trẻ em và người già khi lên, xuống. Nhiều gia đình có điểu kiện, khi đúc xà nhà bằng bê tông còn chạm trổ các hình hoa văn rồi sơn màu trông khá kỳ công.
Kiểu mái nhà “tứ thiết” (4 mái) giờ được tối giản thành 2 mái, tuy nhìn không đẹp và bề thế như ngôi nhà sàn 4 mái, nhưng đỡ tốn nguyên vật liệu và công thợ hơn, nhờ vậy giá thành cũng giảm đi nhiều.
Những gia đình có điều kiện thường phun sơn giả gỗ toàn bộ cột, xà nhà; gỗ ốp sàn, tường, cửa sổ, cửa chính, cầu thang, tay vịn đều được đánh véc-ni bóng lộn khiến ngôi nhà sàn trông thật sang trọng, ấm cúng.
Với những ưu điểm hiện đại, tiện dụng, bền chắc, phù hợp với tập quán của bà con nhà sàn cột bê tông đã trở thành phong trào lan rộng khắp tỉnh Tuyên Quang.
Đáp ứng nguyện vọng của bà con, tỉnh đã có chủ trương hỗ trợ một phần xi măng, sắt thép, để giúp đồng bào là đối tượng hộ nghèo làm nhà sàn cột bê tông thay thế ngôi nhà dột nát.
Nhiều huyện đã có cách làm hay, như huyện Hàm Yên vận động bà con trong khu dân cư giúp nhau ngày công, vật liệu làm nhà, huyện có bản vẽ về mô hình làm nhà sàn cột bê tông phù hợp với tập quán của đồng bào và nguồn vốn hộ trợ theo Chương trình 167.
Đối tượng xóa nhà tạm cho hộ nghèo, được hỗ trợ 8,4 triệu đồng, nếu làm nhà sàn cột bê tông được vay thêm 8 triệu để mua xi măng, sắt thép. Huyện Na Hang đang triển khai xây dựng nhà văn hóa thôn bản theo mẫu nhà sàn bằng cột bê tông…
155124baoxaydung_image008.jpg

Ngôi nhà sàn cột bê tông sang trọng, hiện đại của gia đình anh Lâm Văn Quán, xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn.
Sự quan tâm của chính quyền các cấp cùng với cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả của người dân Tuyên Quang chắc chắn sẽ tạo ra một bộ mặt nông thôn mới vừa hiện đại, vừa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng, Thủ đô Khu Giải phóng - Thủ đô Kháng chiến
 

Xem nhiều nhất

Back
Bên trên