Đừng Mua Hoa Quả Ngoại Khi Chưa Biết Rõ Xuất Xứ

abc

Thành viên Nghiệp dư
Đến bất cứ quầy bán trái cây nào, khách hàng cũng dễ dàng nhìn thấy các loại trái cây dán tem nhập ngoại. Thậm chí, nhiều loại quả có vết bị hỏng cũng được dán tem vào đúng chỗ đó để che mắt khách hàng. Trong khi đó, theo thông tin chúng tôi tìm hiểu thì phần lớn những loại trái cây này đều là “hàng nhái”.
Hàng Úc, Mỹ cũng bán… rong?!
ban-trai-cay.jpg

Trước đây những loại trái cây nhập ngoại hạng sang như nho Mỹ, táo Mỹ, táo Úc… thường chỉ bán trong các siêu thị, trung tâm thương mại vì khá kén khách do giá cả đắt đỏ. Tuy nhiên, hiện nay những loại trái cây có nhãn mác này xuất hiện ở hầu khắp các quầy bán trái cây trên thị trường. Thậm chí chúng xuất hiện ở cả những hàng bày bán vỉa hè với mức giá mềm hơn rất nhiều so với cùng chủng loại bán trong siêu thị.
Chị Trần Thị Thanh Mai (phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Bình thường muốn mua trái cây nhập ngoại tôi vẫn vào siêu thị, nhưng hôm đó trời đã gần tối nên tôi đã mua táo Mỹ ở một quầy hàng bên đường. Giá chỉ 90.000 đồng/kg trong khi giá tôi vẫn mua ở siêu thị là trên dưới 200.000 đồng/kg. Không ngờ mang về mới biết táo đã “kém sắc”, một số chỗ thối còn bị dán tem đè vào để che chắn. Những quả có thể dùng được thì khi ăn vị cũng không đậm, đúng vị như trái cây bán trong siêu thị. Từ đó tôi cạch luôn việc chọn trái cây đắt tiền bán ở đường”.
Điều người sành trái cây nhận thấy rõ nhất là tại các siêu thị, cửa hàng rau quả sạch và cả quầy hoa quả vỉa hè, đa số hoa quả nhập ngoại đều được dán tem bảo đảm. Thế nhưng giá cả mỗi nơi lại chênh lệch nhau dù chúng có chung nước xuất khẩu, mức chênh ít cũng là 20.000- 30.000 đồng/kg, có loại chênh nhau 40.000 – 70.000 đồng/kg.
Khi hỏi mua nho Mỹ nhập khẩu ở một quầy trên vỉa hè đường Hoa Bằng (Cầu Giấy, Hà Nội), chúng tôi được chị bán hàng đon đả: “Nho Mỹ xịn đấy, mua đi chị bán rẻ cho, ngon và đảm bảo an toàn tuyệt đối”. Nhưng khi chúng tôi hỏi chị nhập quả ngoại từ công ty phân phối nào thì chị bán hàng ậm ừ lảng sang chuyện khác.
Thậm chí ngay xe bán trái cây rong giờ cũng có táo dán tem. Chúng tôi thắc mắc thì được chị Phạm Thị Hằng (chủ xe), ở xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, Hà Nội giải thích: “Trái cây trong quầy hay đi rong như chúng tôi đều nhập một nơi là ở chợ đầu mối Long Biên. Chỉ có điều họ có điều kiện thuê được cửa hàng nên bán được giá cao còn chúng tôi vốn còm nên phải mang đi bán rong. Trong quầy họ cứ nói là táo Mỹ, táo Úc chứ tôi cứ nói thật, táo này đều nhập ở biên giới về chợ Long Biên cất sỉ”.
Làm giả cả trái cây Việt
Không chỉ “nhái” hàng cao cấp, tình trạng làm giả ngay cả các loại trái cây nội địa cũng đang trở nên phổ biến. Thời gian gần đây, loại quả đang bị nhái nhiều nhất chính là cam Hà Giang - loại cam nhái này có vỏ mỏng, màu xanh, tép màu vàng chanh rất bắt mắt, mọng nước và không có hạt. Loại cam nhái này đang được bán đại trà với mức giá khoảng 12.000 - 15.000 đồng/kg. Vì giá rẻ như vậy nên những sọt cam nhái này bán rất chạy. Ví dụ, như đầu buổi sáng trên đường Hồ Tùng Mậu (đoạn đối diện Quận ủy Bắc Từ Liêm, Hà Nội) luôn có cả chục chiếc xe thồ bán loại cam này nhưng chỉ đến gần trưa, những chiếc sọt này đã gần như trống trơn. Tất nhiên để bán chạy như vậy, hầu hết người bán hàng đều khẳng định đây là cam Việt Nam xịn có xuất xứ từ Hà Giang.
Thế nhưng, chính ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Giang đã “bóc mẽ” chiêu lừa của tiểu thương, khi khẳng định, cam Hà Giang chỉ bắt đầu thu hoạch vào tháng 12 Dương lịch hằng năm và có hạt, còn cam nhái thì không hạt. Hơn nữa, cam Hà Giang không có giá rẻ như vậy vì ngay tại vườn đã có giá 15.000 đồng/kg.
Người tiêu dùng tự hại mình
Thực tế, rất nhiều người biết rõ trái cây đó là hàng “nhái” nhưng vẫn mua vì thấy hình thức bắt mắt và giá rẻ, trong khi trái cây thật giá cao quá.
Chị Hà Thị Hồng (thị trấn Cổ Điển, Đông Anh, Hà Nội) cho biết: “Thỉnh thoảng tôi vẫn phải mua trái cây đi biếu. Mua trái cây nội thì thấy không “xịn” nên vẫn mua trái cây nhập khẩu. Tôi biết mua trái cây nhập khẩu ở ngoài chất lượng không đảm bảo bằng trong siêu thị nhưng thấy giá rẻ, mẫu mã cũng chẳng khác siêu thị nên cứ mua”.
Theo giải thích của ông Lê Anh Tuấn, nguyên giám đốc Sở Y tế Hà Nội thì thường những loại trái cây có nhãn mác ghi xuất xứ ngoại cần phải có giấy tờ chứng minh được nguồn gốc. Bởi thực tế đang có một số siêu thị trên địa bàn lợi dụng sự sính ngoại, chuộng trái cây ngoại của người tiêu dùng nên dán nhãn mác ngoại, nhưng thực ra đó chỉ là giống táo, giống nho của Mỹ nhưng được trồng ở Việt Nam, hoặc là Trung Quốc.
Các chuyên gia y tế cũng cho hay, các loại quả nhập ngoại đòi hỏi bảo quản khắt khe, trong khi các loại quả này bán ngoài thị trường tự do thì được phó mặc cho nắng gió mà vẫn tươi ngon, vì vậy người tiêu dùng cần nghĩ đến việc chúng được “ướp” thuốc bảo quản. Do đó, trước khi quyết định mua các loại hoa quả nhập ngoại người tiêu dùng không nên tham giá rẻ mà nên tới các địa chỉ uy tín, biết rõ quy trình trái cây được nhập và phân phối ra sao để tránh “bẫy lừa” từ hàng trôi nổi trên thị trường.
 
Hầu hết ở các cửa hàng tiện lợi hoặc siêu thị, trái cây nhập khẩu được bán đều có đầy đủ tem mác với chỉ số rõ ràng. Bạn có thể chú ý kỹ một chút ở tem mác này để biết được thông tin về loại trái cây mà mình mua như nhà cung cấp, nơi nhập khẩu, trái cây trồng với quy trình nào, có biến đổi gen hay không, nhập khẩu từ nước nào...

Những dãy số in trên tem dán ở mỗi loại trái cây được gọi là mã số PLU (Price Look Up Code). Mã code PLU được công bố và kiểm soát bởi Hiệp hội quốc tế về tiêu chuẩn sản phẩm. Đây là tổ chức toàn cầu phân phối mã code cho tất cả các sản phẩm trái cây lưu thông trên toàn thế giới. Mã số thường có từ 4 đến 5 số. Nhờ mã số này bạn có thể biết được cách thức trồng loại quả tại các nước khác nhau.
Trái cây có in 4 chữ số
Với tem nhãn in 4 chữ số thường bắt đầu bằng số 3 hoặc 4. Đây được xem là ký hiệu các loại trái cây được trồng theo phương pháp của nửa cuối thế kỷ 20, có sử dụng các loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và phân bón nhân tạo...

Dòng mã số bắt đầu bằng số 3 là ký hiệu trái cây được xử lý theo công nghệ bức xạ ion hóa. Công nghệ sử dụng nguồn năng lượng ion để xử lý thực phẩm giúp vô hiệu hóa khả năng sinh sản của vi sinh vật, kể cả dạng sinh dưỡng, bào tử, kí sinh trùng, siêu vi trùng... nhằm nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm.
Với loại trái cây có dán tem bắt đầu bằng số 3, bạn cần rửa kỹ khi ăn và tuyệt đối không ăn vỏ hay sử dụng vỏ để chế biến món ăn. Một số loại trái cây có dán tem bắt đầu bằng số 3 thường được nhiều người lựa chọn bởi độ tươi, bắt mắt, giá cả khá mềm. Ví dụ Kiwi có giá 80- 150 nghìn đồng/1kg, táo 60 - 80 nghìn đồng/1kg, nho có giá 50 - 70 nghìn đồng/1kg, lê Nam Phi: 80 - 120 nghìn đồng/1kg.
Với trái cây có mã số bắt đầu bằng số 4 được trồng bằng phương thức canh tác truyền thống, có sử dụng các loại thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, phân bón vô cơ... nhưng theo liều lượng chuẩn. Ví dụ Kiwi có giá 200 - 250 nghìn đồng/1kg, táo 90 - 150 nghìn đồng/1kg, nho có giá 120 - 150 nghìn đồng/1kg, lê Nam Phi: 150 - 180 nghìn đồng/1kg.

Khi mua loại trái cây này về cũng cần sơ chế kỹ bằng nước sạch, ngâm nước muối và gọt vỏ trước khi ăn.

Trái cây có in 5 chữ số
Loại mã số có 5 chữ số, thường bắt đầu bằng số 8 là loại trái cây biến đổi gen.
Thông thường, nếu dãy số bắt đầu bằng số 8, bạn nên cân nhắc trước khi mua vì đây là sản phẩm sử dụng công nghệ biến đổi gen... giúp trái cây có kích thước to hơn, màu sắc hấp dẫn hơn. Hiện chưa có nghiên cứu khẳng định sản phẩm biến đổi gen ảnh hưởng đến sức khỏe.

Có nhiều luồng ý kiến về vấn đề này. Có nhiều người cho rằng thực phẩm biến đổi gen giàu chất dinh dưỡng hơn so với thực phẩm truyền thống. Trong khi một bộ phận khác lại cho rằng, trái cây biến đổi gen làm tăng nguy cơ dị ứng, kháng kháng sinh và có thể gây độc cho cơ thể... Tuy nhiên, là người tiêu dùng, bạn nên cân nhắc và không nên coi thường những nguy cơ tiềm ẩn từ loại thực phẩm này.
Các loại trái cây biến đổi gen thường có giá rẻ hơn một chút so với trái cây có tem dán bắt đầu từ số 4.
Trái cây hữu cơ

Dãy số bắt đầu bằng số 9 được khuyên nên mua bởi đây là loại trái cây hữu cơ, được trồng từ hạt giống truyền thống. Người trồng sử dụng phân bón hữu cơ được ủ mục từ xác động vật, phân động vật hay phân trộn từ các cây cỏ mục nát.
Phương thức canh tác an toàn khi trồng cây trên đất sạch, diệt trừ sâu bọ bằng thiên địch hoặc biện pháp sinh học khác. Giá của loại trái cây này cũng thường cao gấp 3 - 5 lần so với trái cây thông thường. Ví dụ Kiwi có giá 300 - 350 nghìn đồng/1kg, táo 230 - 280 nghìn đồng/1kg, nho có giá 250 - 350 nghìn đồng/1kg, lê Nam Phi: 250 - 350 nghìn đồng/1kg.


Trái cây hữu cơ cần tuân thủ theo các quy chuẩn nghiêm ngặt được thiết lập bởi các nước và các tổ chức thương mại quốc tế. Cụ thể như:
Úc: NASAA
Liên minh Châu Âu: EU - Eco
Ấn Độ: NPOP (Chương trình quốc gia về sản xuất hữu cơ)
Indonesia: BIOCert do Bộ Nông Nghiệp Indonesia cấp
Nhật Bản: JAS
Hoa Kỳ: Chương trình Hữu cơ Quốc gia NOP
Bên cạnh việc chú ý đến mã số PLU trên mỗi loại trái cây, tem còn có in xuất xứ như New Zealand, USA, Japan... để bạn dễ dàng biết được loại mình mua được trồng ở đâu.

Với những loại trái cây không có nhãn mác hoặc nhãn được in không rõ ràng, bạn nên cân nhắc trước khi mua bởi chất lượng có thể không được kiểm định. Nếu sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, về lâu dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
 
Back
Bên trên