Đánh Giá Nokia Lumia 630: Đáng Với Giá Tiền

toivietnam

Thành viên mới
Lumia 630 là điện thoại Lumia mới nhất của Nokia, được giới thiệu và bán ra từ đầu tháng Năm. Đây chiếc điện thoại đầu tiên được cài đặt phiên bản Windows Phone 8.1, điện thoại Lumia đầu tiên sử dụng hai SIM và cũng là điện thoại đầu tiên được Nokia giới thiệu với tư cách một thành viên của Microsoft.
Tuy sở hữu rất nhiều cái "đầu tiên" như vậy, Lumia 630 lại là điện thoại thuộc phân khúc giá rẻ, với giá bán 3,5 triệu đồng. Mức giá này tương đương với điện thoại Lumia 520, sản phẩm cực kỳ thành công của Nokia được ra mắt vào đầu năm ngoái. Tuy nhiên khác với Lumia 520, Lumia 630 được giới thiệu khi thị trường điện thoại giá rẻ đang và sẽ có thêm nhiều đối thủ nặng ký.
Thiết kế

Lumia 630 tiếp tục thừa hưởng thiết kế màu sắc, trẻ trung của dòng điện thoại Nokia Lumia. Phần vỏ nắp lưng là điểm quyết định màu sắc của máy, và Lumia 630 có tới năm màu, trong đó ba màu là vỏ nhựa bóng (vàng chanh, xanh lá và cam), còn hai màu (đen và trắng) là nhựa mịn. Vỏ nhựa bóng được tạo từ hai lớp với màu sắc khác nhau, tạo nên hiệu ứng màu sắc khá thú vị khi nhìn ngoài nắng.
1118992.jpg

Lumia 630 có kích cỡ vừa phải, dễ dùng với một tay
Lumia 630 có kích cỡ vừa phải, các cạnh máy hơi vuông và góc máy bo tròn, do vậy nó đem lại cảm giác thoải mái khi cầm trên tay. Chất liệu nhựa ở mặt sau dễ bám vân tay, nhưng bù lại giúp cầm máy chắc, đỡ trơn hơn.
1119000.jpg

Cạnh máy vuông vắn, không còn nút cứng để chụp ảnh
1093291.jpg

Tuy đã đưa phím cơ bản vào màn hình, viền dưới màn hình của Lumia 630 vẫn khá dày
Từ Windows Phone 8.1, Microsoft không còn yêu cầu nhà sản xuất phải có nút chụp ảnh cứng nữa, và Nokia cũng đã loại bỏ nút này trên Lumia 630. Máy chỉ còn nút nguồn và nút chỉnh âm lượng, được đặt ở ngang máy nên rất dễ bấm. Ba nút cơ bản của Windows Phone cũng đã được đưa vào màn hình, tuy nhiên đáng tiếc là Nokia đã không giảm được kích thước phần viền dưới màn hình.
1119004.jpg

Loa ngoài của máy được đặt ở mặt sau, trông khá lạc lõng so với tổng thể mặt lưng. Bên cạnh camera 5 megapixel không có đèn flash trợ sáng, và ở phía trước cũng không có camera trước, cảm biến ánh sáng hay cảm biến tiệm cận. Những cắt giảm này, cùng với việc không bán kèm tai nghe trong hộp sản phẩm đều là nhằm giữ giá của Lumia 630 thấp hơn.
Màn hình
1119569.jpg
Màn hình của Lumia 630 có kích thước 4.5 inch, độ phân giải 854 x 480 pixel với mật độ điểm ảnh 217 PPI. Với kích thước 4.5 inch thì độ phân giải này là hơi thấp, nên khi nhìn nhiều sẽ nhận thấy màn hình không được sắc nét, tuy nhiên đây cũng là điều dễ hiểu với một điện thoại giá rẻ.
Từ trước tới nay điện thoại Windows Phone chỉ có ba mức điều chỉnh độ sáng: thấp – trung bình và cao, cùng với tùy chọn điều chỉnh độ sáng tự động. Tuy nhiên như đã nói ở trên, Lumia 630 không có cảm biến ánh sáng nên không thể điều chỉnh tự động. Bù lại, Windows Phone cho phép điều chỉnh độ sáng nhanh qua Trung tâm hành động (sẽ được đề cập ở bên dưới), cùng với một bổ sung là chỉnh độ sáng chi tiết của từng mức độ sáng qua mục Màn hình trong phần cài đặt. Độ sáng tối đa của máy là 330 nits, không phải quá cao nhưng khi nhìn ngoài trời vẫn đáp ứng tốt, do máy được trang bị công nghệ Clear Black.
1119732.jpg
Lumia 630 hiển thị màu sắc chuẩn hơn ở độ sáng trung bình
Khi điều chỉnh độ sáng, màu sắc của điện thoại cũng bị biến đổi khá nhiều. Bạn có thể nhận thấy điều này khi điều chỉnh trong phần cài đặt. Hiện tượng này càng thể hiện rõ khi chúng tôi đánh giá màu sắc điện thoại theo quy trình đánh giá màn hình của VnReview: khi điều chỉnh độ sáng ở mức cao nhất thì màu sắc màn hình rực rỡ, nịnh mắt nhưng kém trung thực hơn, trong khi ở mức sáng trung bình (độ sáng 200 cd/m2) thì màu sắc hiển thị rất chuẩn.
Máy ảnh
1118996.jpg

Lumia 630 chỉ có một máy ảnh đằng sau, không có đèn flash hay máy ảnh phía trước
Lumia 630 sở hữu máy ảnh với độ phân giải 5 megapixel, khả năng lấy nét tự động nhưng không có đèn flash trợ sáng cũng như camera trước. Việc thiếu camera trước có thể khiến cho nhiều người dùng thích chụp ảnh "tự sướng" thất vọng, nhưng có thể thấy các điện thoại Lumia giá rẻ trước đây (520 và 525) đều không có camera trước.
1119016.jpg

Giao diện của ứng dụng chụp ảnh gốc trên Windows Phone 8.1 đã có nhiều cải tiến
Trên Windows Phone 8.1, giao diện ứng dụng chụp ảnh mặc định có sự thay đổi đáng kể, mang hơi hướng của ứng dụng Nokia Camera Beta. Giao diện này không còn quá đơn giản, thay vào đó bạn sẽ có 5 ô ở bên trái, có thể chọn 7 tùy chọn điều chỉnh nhanh (xem ảnh, chỉnh độ phân giải, cảnh chụp, ISO, giá trị phơi sáng, cân bằng trắng và chọn ống kính). Ở cạnh phải bạn cũng có thêm chế độ chụp liên tục, bên cạnh hai nút chụp ảnh thường và quay phim. Nếu muốn điều chỉnh thời gian mở màn trập và khoảng cách lấy nét, bạn có thể sử dụng Nokia Camera.
Tốc độ lấy nét và chụp của Lumia 630 khá nhanh. Về chất lượng, máy ảnh trên Lumia 630 gần như giống hệt máy ảnh của 525, cho chất lượng khá khi chụp ngoài trời sáng, kém hơn một chút khi chụp tối, nhất là khi không có sự hỗ trợ của đèn flash. Ảnh chụp có độ nét tốt, nhưng do độ phân giải không cao nên khó hiển thị tốt những khung cảnh có nhiều chi tiết. Ảnh chụp buổi tối từ máy cũng không đến nỗi tồi, cho độ sáng gần với thực tế và ít bị nhiễu. Lumia 630 chỉ thực sự bó tay khi rơi vào môi trường không có ánh sáng.
Một số ảnh chụp từ Nokia Lumia 630 (bấm vào ảnh để xem ở kích thước lớn hơn):
1119493.jpg
1119497.jpg
1119501.jpg
1119505.jpg
1119509.jpg
Hiệu năng và thời gian sử dụng pin
1119557.jpg

Khả năng xử lý của Lumia 630 khá tốt, nhưng bộ nhớ RAM thấp khiến một số game không cài được
Lumia 630 là điện thoại Lumia đầu tiên sử dụng vi xử lý Qualcomm Snapdragon 400, với bốn nhân xử lý ở tốc độ 1.2 GHz. Nhưng khi so với điện thoại cùng tầm là Lumia 525, máy lại có dung lượng RAM thấp hơn (512 MB so với 1 GB). Với dung lượng RAM thấp, một số game và ứng dụng sẽ không cài được trên Lumia 630.
1119008.jpg

So sánh điểm số đánh giá hiệu năng bằng phần mềm giữa Lumia 630 và Lumia 525
Tuy nhiên, Lumia 630 lại cho điểm số cao hơn Lumia 525 trong tất cả các ứng dụng đánh giá hiệu năng. Khi sử dụng thực tế thì hệ điều hành Windows Phone đã tối ưu hóa tốt, nên trải nghiệm sử dụng trên hai máy không chênh lệch nhiều. Đối với những game tương thích như Asphalt 8 hay Temple Run, Lumia 630 có thể chạy tốt, không bị giật.
Pin của Lumia 630 có dung lượng 1830 mAh, cao hơn so với chiếc Lumia 525. Trong quá trình sử dụng, khi chúng tôi dùng máy để gọi điện trong 30 phút, chơi game trong 20 phút, lướt web qua WiFi trong 30 phút, sau 10 giờ sử dụng máy còn 42% pin. Thời lượng pin như vậy ở mức trung bình. Trong bài đánh giá xem phim tiêu chuẩn, máy đạt được thời gian xem phim HD là 4 giờ 15 phút, cũng là kết quả ở mức trung bình.
Các tính năng mới của Lumia Cyan
Có thể nói, các tính năng thú vị nhất của Lumia 630 đều là những điểm mới được bổ sung trên Windows Phone 8.1, phiên bản dành cho Nokia có tên Lumia Cyan. VnReview đã có bài viết về các tính năng mới trên hệ điều hành này. Trong bài viết này, tôi sẽ nói kỹ hơn về các tính năng dễ nhận biết, có ảnh hưởng trực tiếp tới người dùng.
Cải tiến bàn phím: hỗ trợ Telex và VNI, Word Flow
Đây là tính năng mà người dùng Việt Nam đã chờ đợi từ rất lâu, và đã được Microsoft đáp ứng trong phiên bản Windows Phone 8.1. Để mở lựa chọn hai bảng mã này, bạn chỉ cần giữ nút chuyển đổi ngôn ngữ (hàng dưới cùng, thứ hai từ trái sang), bốn lựa chọn hiện lên sẽ bao gồm bàn phím bảng mã Telex (VIE TE) và bảng mã VNI (VIE VN).
1093303.jpg

Cách sử dụng hai bảng mã này đã quen thuộc, và không khác gì trên máy tính. Bàn phím Telex hỗ trợ bỏ dấu cuối từ, tuy nhiên không hỗ trợ tính năng tự sửa khi từ nhập vào không phải tiếng Việt (ví dụ nếu bạn muốn nhập từ port, theo đúng thứ tự chữ cái trên thì bàn phím sẽ cho ra từ pỏt, còn bàn phím tự sửa lỗi sẽ hiển thị đúng từ port). Một nhược điểm của hai phương thức nhập liệu này là nó không hỗ trợ tính năng dự đoán từ khá tiện dụng của Windows Phone, do vậy nếu muốn gõ phím kết hợp với dự đoán từ thì bạn phải dùng bàn phím tiếng Việt kiểu cũ.
1119561.jpg

Một bổ sung khác cho bàn phím tiếng Anh, đó là tính năng Word Flow, tức là cho phép người dùng kéo tay qua các chữ cái để tạo thành từ. Đây là tính năng đã xuất hiện trên nhiều bàn phím của Android, dựa vào khả năng dự đoán để hoàn tất từ. Đáng tiếc là tính năng này hiện chưa hỗ trợ tiếng Việt, kể cả trên bàn phím bỏ dấu kiểu cũ.
Live Tile trong suốt, hỗ trợ hiển thị 3 cột
1093307.jpg

Cho phép đặt hình nền và trung tâm thông báo là hai cải tiến đáng chú ý trên Windows Phone 8.1
Sự thay đổi lớn nhất ở giao diện của Windows Phone 8.1 là hỗ trợ hiển thị hình nền bằng các ô trong suốt. Thực tế bạn sẽ không có một hình nền liền lạc như trên Android, nhưng nếu biết cách sắp xếp thì bạn cũng sẽ có một hình ảnh ấn tượng ở màn hình chính. Tuy nhiên, không phải ô Live Tile nào cũng có thể trở thành trong suốt, vẫn có rất nhiều ô của các ứng dụng phải giữ nguyên màu.
Bạn có thể đặt hình nền ở phần Cài đặt/Màn hình bắt đầu + chủ đề. Cũng trong phần cài đặt này, còn có một lựa chọn nữa là Hienr thị thêm Hình xếp. Khi bật lựa chọn này, màn hình của bạn sẽ có thể hiển thị 3 hàng cột Live Tile, giống như trên các điện thoại Lumia màn hình lớn trước đây. Việc hiển thị nhiều cột giúp cho bạn xếp được nhiều ứng dụng, hiển thị nhiều thông tin hơn trên màn hình chính.
Action Center, tắt ứng dụng, thanh thông báo
Trung tâm thông báo với khả năng bật tắt nhanh kết nối cũng là một tính năng mà người dùng Windows Phone rất mong chờ. Tính năng mới với tên gọi Action Center (trung tâm hành động) sẽ hiển thị tất cả thông báo của các ứng dụng, có bốn ô để bật tắt nhanh kết nối hoặc ứng dụng, và một bổ sung cũng rất cần thiết là hiển thị dung lượng pin chính xác.
Trong phần cài đặt, bạn cũng có thể lựa chọn cho phép thông báo với từng ứng dụng một, cũng như điều chỉnh cách thông báo. Khi bạn xóa thông báo trong trung tâm hành động, các thông báo trên ô của ứng dụng cũng sẽ bị xóa. Với bốn nút bật tắt nhanh, bên cạnh các kết nối thì bạn có thể chọn hai ứng dụng là máy ảnh và chiếu màn hình của tôi (trình chiếu màn hình của điện thoại lên một thiết bị khác thông qua kết nối không dây Miracast hoặc dây USB).
Cortana
1119012.jpg

Cortana luôn sẵn sàng để trả lời câu hỏi của bạn, miễn là bạn dùng tiếng Anh
iOS có Siri, Android có Google Now, và giờ thì Windows Phone cũng đã có trợ lý ảo của mình với tên gọi Cortana. Cortana là tên gọi của một nhân vật nữ có trí thông minh nhân tạo (AI) trong loạt game Halo nổi tiếng, và Cortana trên Windows Phone 8.1 cũng có giọng nữ.
Hiện tại, Cortana chưa hỗ trợ các thị trường châu Á. Do vậy, để sử dụng tính năng này bạn cần đổi vùng trên điện thoại sang Mỹ, và đổi ngôn ngữ sang tiếng Anh. Cortana cũng sẽ cần có mạng để hoạt động.
Cortana có thể thực hiện những lệnh cơ bản như gọi điện, nhắn tin hay đặt báo thức. Tuy nhiên, khi cần ra lệnh phức tạp hơn một chút, chẳng hạn như dặn "cô nàng" này đánh thức bạn vào mỗi buổi sáng (ví dụ nói câu Wake me up at 6 every weekday), Cortana sẽ không hiểu và chỉ đặt báo thức một lần.
Đối với người dùng Việt Nam, ở thời điểm hiện tại Cortana (và các trợ lý ảo khác như Siri hay Google Now) chỉ dùng để nghịch ngợm, giải trí là chính (Google Now có thể tìm kiếm bằng tiếng Việt, nhưng không ra lệnh được). Có lẽ còn rất lâu nữa các ứng dụng này mới hỗ trợ tiếng Việt tốt hơn, để có thể đưa ra những đoạn đối thoại thú vị như video dưới đây:
Giao diện 2 SIM
Lumia 630 là điện thoại Lumia đầu tiên có thể dùng hai SIM, và giao diện của máy cũng có chút khác biệt. Cụ thể, mỗi ứng dụng gọi điện và nhắn tin đều có hai biểu tượng, có phân biệt bằng số 1 hoặc 2 nhỏ ở bên trái biểu tượng. Khi bấm vào mỗi biểu tượng này, ứng dụng sẽ liệt kê hộp thư hoặc lịch sử cuộc gọi của SIM tương ứng.
Đây là điểm khác biệt của Lumia 630 với nhiều điện thoại hai SIM khác; thường thì các điện thoại sẽ hiển thị chung hộp thư đến hoặc lịch sử cuộc gọi của cả hai SIM. Khi bấm vào biểu tượng của từng SIM, nếu như bạn gửi tin nhắn hoặc gọi đi thì máy sẽ mặc định sử dụng SIM tương ứng, nhưng bạn cũng có thể chuyển sang SIM còn lại với công tắc ở góc trên màn hình. Đối với mỗi số liên lạc, bạn cũng có thể đặt mặc định sẽ gọi người đó bằng một SIM nhất định.
1119565.jpg

Nút chuyển đổi SIM thực hiện nằm gọi/nhắn tin đi giúp việc chuyển đổi giữa hai SIM nhanh hơn
Ngoài ra, Lumia 630 cũng được tích hợp sẵn SensorCore, một tính năng cho phép cảm biến chuyển động hoạt động nhưng sử dụng rất ít năng lượng, từ đó cung cấp các thông tin cho ứng dụng theo dõi sức khỏe mới có tên Sức khỏe và Thể chất. SensorCore cũng sẽ xuất hiện trên Lumia 930 và Lumia 1520 sau khi được nâng cấp Windows Phone 8.1.
Về khả năng quản lý bộ nhớ, Windows Phone 8.1 cũng đã cho chuyển hoàn toàn ứng dụng (bao gồm ứng dụng và dữ liệu) sang thẻ nhớ, do vậy các máy có bộ nhớ trong nhỏ sẽ không lo bị thiếu chỗ trống khi cài đặt các ứng dụng, game nặng nữa.
Ở trên, tôi đã đề cập đến việc máy không có cảm biến tiệm cận. Cảm biến này chủ yếu được sử dụng khi gọi điện thoại: nó sẽ nhận biết khi nào bạn đang đưa điện thoại lên gần mặt, từ đó tắt màn hình để đỡ tốn pin và tránh khả năng cảm ứng nhầm. Tuy không có cảm biến, nhưng Nokia đã có sự điều chỉnh phần mềm khá thông minh: trong cuộc gọi, nếu như bạn chạm vào màn hình với diện tích chạm lớn (khoảng từ hai ngón tay trở lên), máy sẽ nhận biết được và tắt màn hình đi. Như vậy là Nokia có thể cắt giảm một cảm biến để giảm giá thành mà tính năng vẫn không bị khác nhiều.
Kết luận
Với Lumia 630, Nokia đã tiếp tục đem đến một chiếc điện thoại Windows Phone giá rẻ, đáp ứng tốt phần lớn yêu cầu cơ bản của người dùng. Máy có thiết kế tốt, trẻ trung, cấu hình đủ để chạy mượt mà các ứng dụng thông thường, và đặc biệt là được cài sẵn phiên bản Windows Phone 8.1 mới nhất với nhiều cải tiến.
Do là điện thoại giá rẻ nên Lumia 630 vẫn có những hạn chế như màn hình kém sắc nét, hay bị cắt giảm một số tính năng như đèn flash, camera trước, cảm biến tiệm cận, cảm biến độ sáng… Tuy nhiên đây không hẳn là điểm yếu của duy nhất Lumia 630, vì nhiều sản phẩm giá rẻ cùng tầm cũng bị cắt giảm các tính năng tương tự. Với lợi thế của nhà sản xuất lớn, hệ điều hành tốt và thiết kế trẻ trung, Lumia 630 đủ khả năng để cạnh tranh ở phân khúc điện thoại dưới 3,5 triệu đồng.
Nguồn: Quang Sơn(Vnreview.vn)
 
Back
Bên trên