Du lịch Nhật Ký Chuyến Đi Bộ Xuyên Việt - 68 Ngày Của Chú Trần Ngọc Công

Ngày 25
25 nhanxetdanhgia.jpg

Vào một nhà nghỉ ven đường tại Phong Điền ( Thừa Thiên) thuê phòng nghỉ qua đêm .Chủ nhà là một người đàn ông trung niên có vẻ mặt rất lạnh lùng.Cũng như mọi bận mình mặc cả bớt giá cho 20 chục .Ông này đang cầm chứng minh vào sổ nghe mình mặc cả không nói không rằng quẳng trả lại chứng minh rồi sẵng giọng :- Đi đi ,đi chỗ khác đi! Mình cũng hơi ức nhưng chỉ nói :- Không bớt thì thôi ,nhưng hà có gì mà xua đuổi quầy quậy vậy ! Ông ta vẫn gằn giọng :-Không tiếp ,không cho thuê ,đi chỗ khác!. Mình cực nóng mặt nhưng nghĩ loại người vậy đôi co cũng phí lời liền bỏ đi ,nhưng vẫn thắc mắc không lẽ lỗi do mình mặc cả .
Dân vùng này không có thói quen mặc cả chăng hay họ kỳ thị dân Bắc ...Nhưng nghĩ đâu cũng có người nọ người kia .Hà Nội cũng có bún mắng ,cháo chửi đấy thôi ! Dẫu sao chửi rủa thô lỗ cũng còn tốt hơn nhiều so với bọn người lươn lẹo lừa lọc nói thách 5,10 lần .
Tối đó ra quán cóc vệ đường dùng bữa .Trong lòng vẫn đang buồn phiền với chuyện bị xua đuổi vì trót mặc cả phòng trọ chợt có một ông già đầu râu tóc bạc đang ngồi lai rai ở bàn kế bên ngoắc mình lại : -Chú sang đây uống với tui vài ly cho zui!
Đang buồn muốn có người tâm sự nên mình cũng nhận lời sang cụng ly với ông .
Qua câu chuyện được biết ông là một nhà thơ hiện đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh ,mấy hôm nay về quê để xây mộ cho các cụ .Khi nghe tôi nói tôi là người đi bộ từ Bắc vào ,ông ta sửng sốt : -Bọ mạ ơi, thế mà tui cứ nghĩ chú là người bán vé số dạo ,khâm phục khâm phục !
Tôi sượng sùng : -Dạ có chi đâu ,chỉ là tôi muốn thử xem giới hạn của tuổi già tới đâu ! Chưa được 1/3 đường nên chưa biết thế nào ? Mình thì quyết tâm đấy nhưng nhỡ lực bất tòng tâm thì cũng chịu thôi !
Rồi tiếp trong câu truyện tôi có đặt câu hỏi :-Dạ ,sắp tới tôi muốn vượt qua Hải Vân chứ không muốn qua hầm nhưng có 2 điều nghi ngại muốn xin ý kiến bác :Thứ nhất sợ không đủ sức để qua vì đèo này dài tới 20 km ,đi bộ không quen trèo đèo e không qua được ! Thứ 2 nghe nói vùng này rất nhiều cướp ,sợ một mình qua đèo không an toàn!
Nhà thơ liền trả lời :-Chú khỏi lo! Đèo ni tuy dài nhưng thoải lắm đi cũng dễ mà .Còn cướp thì ở vùng này không có mô!Tui nghĩ nếu có cướp trên đèo mà trông thấy chú nó cũng tránh xa ,một ông già tóc dài bạc phơ độc hành trên đèo cũng đâu phải tay vừa .À mà tui cũng nói thiệt :Vùng nguy hiểm nhất ở Việt Nam này chú đã đi qua rồi ,vô đến đây là an toàn rồi.
Tôi hiểu vùng mất an toàn mà nhà thơ ám chỉ là vùng Bắc Trung bộ liền phân bua: - Dạ,tôi đi qua Thanh ,Nghệ ,Tĩnh và Quảng bình thấy dân ở đấy cũng hiền và nhiều người tốt mà .Có rất,rất nhiều người thấy tôi cuốc bộ họ tự dừng lại ngỏ ý muốn cho đi nhờ xe .Có người còn biếu tôi cả nải chuối chín để đi ăn đường ,trả tiền nhất định không nhận .Trẻ con vùng ấy cũng rất ngoan ,Hầu hết lũ trẻ thấy tôi đều khoanh tay chào rất lễ phép.Dạ ,chắc ở đâu cũng có người nọ người kia .- Định nói thêm vài câu móc máy ông chủ nhà nghỉ người Phong Điền cho ông nhà thơ bớt thành kiến vùng nọ vùng kia đi nhưng nhận thấy mình cũng đang mắc bệnh thành kiến nên stop không nói
chi nữa ............................................Còn tiếp
 
Ngày 26
26 nhanxetdanhgia.jpg

Không hiểu sao mỗi lần đến Huế đều có một tâm trạng u u buồn buồn .Có lẽ gam màu chủ đạo của cố đô là những bức tường thành xưa,những mái ngói nâu trầm rêu phong cổ kính hay những khúc Nam Ai ,Nam Bằng mang mang sầu thảm của những ca nữ cất lên trên những con đò dọc sông Hương tạo thành .Cũng có người nói hệ thống lăng mộ các đời vua Nguyễn cộng với hệ thống chùa chiền rải rác trong kinh thành đã làm cho Huế trở nên u buồn.
Cảnh vật đã vậy nhưng những người dân đất cố đô này cũng mang tính cách trầm trầm đi nhẹ ,nói khẽ .Có lẽ đây là nơi ngự trị của 13 đời vua nhà Nguyễn nên dân chúng buộc phải sống khép nép dài lâu mãi tạo thành gen trầm buồn trong tính cách người Huế .
Mọi khi tới Huế ,mình thường đi tàu hay ô tô nên không rõ vị thế của kinh đô Huế .Lần này đi bộ từ ngoài Bắc vô ngạc nhiên thấy điểm đặt chân đầu tiên lại là cổng hậu của kinh thành . Thì ra cổng chính kinh đô hướng về phía Nam .Điều này cũng gây cho mình chút tò mò .
Thông thường kinh đô của các nước chư hầu hoặc các nước lân bang Đại Hán đều có xu hướng ngoảnh mặt về hướng Đại Hán tỏ ý thần phục .Riêng kinh đô Huế thì lại chổng đít vào hướng Đại Hán .Rõ ràng là các vua Nguyễn có một tinh thần tự tôn dân tộc rất đáng để tự hào .
Bữa này đến Huế vẫn có tâm trạng u u buồn buồn .và nỗi buồn càng mêng mang hơn bởi mưa giăng mù trời trên đất thần kinh này:
Chiều nay mưa trên phố Huế .
Kiếp giang hồ không bến đợi .
Mà mưa sao vẫn rơi rơi hoài,
cho lòng nhớ ai .
Ngày chia tay hôm nao còn đây .
.Nước trên sông Hương còn đầy .
Tình đã xa gió mưa u hoài ,
mắt lệ ngắn dài .
Chiều mưa trên Kinh Đô Huế .
Tiếng mưa còn vương kỷ niệm .
Ngày quen nhau dưới chân Thiên Mụ ,
anh còn nhớ không?
Chợ Đông Ba khi mình qua ,
Lá me bay bay là đà .
Chiều thiết tha có anh bên mình ,
mà ngỡ hôm qua .
Hò...ơi...!!! Ơi...hò...!!!
Chiều mưa phố buồn .
Chiều mưa phố xưa u buồn ,
có ai mong đợi.
Một người biền biệt nơi mô .
Để nhớ với thương một người .
Chiều nay mưa trên phố Huế .
.Biết ai đã quên ai rồi
Hạt mưa rơi vẫn rơi rơi đều
,cho lòng u hoài
Ngày xưa mưa rơi thì sao .
Bây chừ nghe mưa lại buồn .
Vì tiếng mưa, tiếng mưa trong lòng
làm mình cô đơn.
263 nhanxetdanhgia.jpg

Đứng trước cửa Ngọ môn ngắm ngọn cờ hồng bay phấp phới ,mơ ước được một lần trở thành người Huế hay ít nhất cũng được ...một người Huế thương!..................Còn tiếp
 
Ngày 27
27 nhanxetdanhgia.jpg
Từ kinh thành Huế hướng về Nam,qua sông Truồi một đoạn bắt gặp một con đầm vô cùng lớn .Không hiểu đầm này có lớn nhất Việt Nam không nhưng riêng đối với tôi đây là con đầm lớn nhất mà tôi nhìn thấy.Tò mò hỏi một người dân ở đấy thì biết đây là một phần của phá Tam Giang có tên là đầm Cầu Hai.Được biết chu vi của nó cỡ 100km.Riêng đoạn quốc lộ 1 chạy dọc đầm cũng 5,7 km.
Vì trời vẫn đang giăng mưa nên chỉ thấy một khoảng mênh mông trời nước sương khói bảng lảng tựa như Lương Sơn Bạc trong tiểu thuyết Tầu: Thuỷ Hử.
Lữ khách độc hành ngang qua đây gặp cảnh sắc này sầu không khỏi dâng mênh mang.
Đi hết đầm thì lại gặp đèo .Con đèo tuy ngắn nhưng rất khúc khuỷu và là nỗi khiếp sợ của cánh lái xe.Riêng đi bộ thì vô tư.
Mặc dù đã có đường hầm cho tất cả mọi phương tiện kể cả người đi bộ qua đây nhưng mình vẫn chọn cách trèo đèo .Thứ nhất là muốn thử sức để bữa sau có thể leo qua được Hải Vân quan không? Và thứ hai muốn thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên của vùng đất này.
Lúc đầu leo lên cũng hơi chờn chợn vì cả con đèo không một bóng người .Vì trời lắc rắc mưa nên mọi phương tiện đều chui qua hầm cho an toàn nên trơ khấc mỗi mình mình.
Con đèo này ( Phước tượng) cũng không dốc lắm nên chỉ hơi phì phò chút thôi .Còn việc nó ngoằn nghèo khúc khuỷu củng chẳng ảnh hưởng tới mình mấy nhưng đối với mấy bác tài thì liệu chừng .Chẳng thế mà qua mấy khúc cua thấy nhiều nhiều những miếu thờ các bác tài xấu số bị thần chết rình chộp được ở những khúc này.
Từ trên đỉnh đèo ngắm xung quanh quả tuyệt vời .Tuy không giáp biển nhưng view phía đầm Cầu Hai cũng nên thơ ,hữu tình lắm .
"Một đèo,một đèo,lại một đèo" .Qua Phước Tượng lại vấp đèo Phú Gia .Đèo này tuy ngắn và ít hiểm trở hơn, nhưng khi xuống chân đèo một phong cảnh tuyệt vời hơn phim ảnh hiện ra trước mắt : Đầm An Cư .
Con đầm cũng mênh mang chẳng kém đầm Cầu Hai nhưng lại rất ấm cúng và tươi mướt đúng như tên gọi của nó.
Được viền quanh bằng dãy núi lục đậm của núi rừng Bạch mã nên nước đầm không bàng bạc như nước đầm Cầu Hai mà nó ngả màu xanh ngọc đẹp tuyệt vời đắm say lòng người.
Song song với con đầm là vịnh Lăng cô ,một trong 10 bãi tắm đẹp nhất hành tinh.
Rất chi là tiếc giá như được ngắm phong cảnh này mười mấy năm về trước thì khả năng trên trái đất này không nơi nào sánh được.
Nay vẻ đẹp chỉ còn một nửa vì nửa phía vịnh Làng Cò đã bị vô hiệu bởi những dẫy nhà hàng ,khách sạn,các Resot che chắn mất .Muốn ngắm cảnh biển chỉ còn cách đi xuyên qua các Resot mà ngắm thôi!
271 nhanxetdanhgia.jpg
.................................Còn tiếp
 
Ngày 28
28.jpg
Khi bắt đầu khởi hành chuyến đi xuyên Việt ,mình tự thề sẽ chỉ đi bộ ,kiên quyết không đi bất cứ phương tiện nào dù chỉ là mấy trăm thước. Trên suốt hành trình cũng có rất nhiều người nhìn thấy một ông già đội nắng đội mưa trên đường cái quan đã dừng xe ngỏ ý chở mình đi vì ngỡ mình không có tiền đi xe .Cũng có rất nhiều người thương cảm dừng lại dúi tiền vào vào tay mình
281.jpg
Cháu chỉ còn từng này ,bác cầm tạm đi xe bus !- Rưng rưng nước mắt ôm lấy họ (có một cô bé ở Phú Yên và một cậu bé ở Khánh hoà)-Rất cảm ơn cháu ,không phải là bác không có tiền để đi xe.Bác đi bộ để tập thể dục và để chữa đau lưng mà!
Nhưng cũng có rất nhiều người thậm chí nói huỵch toẹt vào mặt mình :- Gì có chuyện đi bộ 100% ,mỏi quá chắc cũng tót lên xe ,ai biết đấy là đâu?
Với những người đa nghi đã trở thành thuộc tính này mình chỉ cười và nói :-Chắc trông mình giống kẻ gian lắm chăng? Mục tiêu ,mục đích chuyến đi này là tự mình và cho mình,ăn thủ ,ăn mỡ gì của ai mà phải lừa dối thiên hạ và tự lừa dối bản thân vậy!
Thật ra mình cũng chẳng oán trách gì những người có tính đa nghi vì lẽ xã hội thời nay Trung thực là mặt hàng quá xa xỉ . Mua ụ nổi,tầu thuỷ cũ 30 tỷ tố lên 300 tỷ.Lập chứng từ gian chiếm ngàn tỷ ngân hàng... Bán hàng nói thách 5,7 lần không biết ngượng .Hàng gian,hàng giả ,cá ươn,thịt thối ,hoa quả tẩm độc dược tràn lan.Xe cộ ,tiền nong sơ ý mất liền.Xước măng rô vô viện bị chụp cắt lớp .Điều hoà thiếu ga ép thay lốc Tàu ....Anh ,em nghi kỵ hơn kém nhau của thừa kế .Vợ ,chồng hục hặc lập quỹ đen....
Thôi thì như phân tích của các học giả ( không phải học thật) đó là hệ luỵ tất yếu của "cơ chế thị trường" .Vậy cứ tạm tin là thế đi!
Nhưng qua chuyến đi này mình có một nhận định - (thật ra mang tính cá nhân thôi ): Càng những vùng đất nghèo khó ,càng những con người lam lũ, họ sống chất phác và đồng cảm hơn những chốn đô hội. Có thể bởi một lẽ ,họ ít đa nghi hơn.
Khi lập kế hoạch "tác chiến" mình cũng mang căn bệnh đa nghi như nhiều người dân thị thành .Trong lịch trình mình e ngại nhất là đoạn qua đèo Hải Vân .Cái lo thứ nhất là mình không đủ sức để vượt qua con đèo hiểm trở và có độ dài lớn nhất Việt Nam .Và cái lo thứ hai là liệu có được an toàn hay không? :
Đi bộ thì khiếp Hải Vân.
Đi thuỷ thì khiếp sóng thần Hang Dơi.
Tuy rằng trên người không có tài sản gì quý nhưng đôi triệu và chiếc điện thoại cũng là thứ mà các con nghiện thèm muốn. Chẳng đọc vô số kể chỉ vì vài trăm ,vài chục ngàn mà bị đoạt mạng ở trên intenet đó sao?
Nhưng nếu không qua đèo thì chỉ có nước là chui hầm ,nhưng ngặt nỗi nếu qua hầm thì phải đi bus vì riêng hầm đèo Hải Vân người ta không cho đi bộ qua .Vậy chẳng lẽ phá bỏ lời thề 100% cuốc bộ .Thật tiến thoái lưỡng nan.
Nhưng vừa mới hôm qua mình đã thử nghiệm leo đèo Phước Tượng - Phú gia và đã thành công .Hôm nay đây dưới chân đèo Hải Vân ,thấy có vô số các phượt thủ trẻ phi xe máy qua đèo, mình cũng vững dạ tấn tới.
Rất là không uổng công .Mới qua được mấy trăm thước đã thấy choáng ngợp bởi vẻ đẹp mỹ mãn của cảnh sắc chung quanh .Rừng một bên và biển một bên .Vịnh Lăng cô dập dềnh sóng ngọc lần lượt tiễn những con thuyền rời bến ra khơi.Cũng là lần đầu tiên trải một chặng đường dài hơn 700 cây số được nghe tiềng " bắt cô trói cột" " "chích choè choè" ...văng vẳng từ khu rừng Bạch Mã vọng ra ,hoà quyện với tiếng sóng vỗ rì rào và tiếng thông reo trên vách tạo thành một bản hoà âm" Mẹ thiên nhiên hoang dã " ,càng lên cao ,tâm hồn càng phơi phới..................................................Còn tiếp
 
Ngày 29
29.jpg

Nếu nói là mình kỳ thị những người săn bắt ,nuôi nhốt chim cảnh thì cũng không hẳn.Từ trước tới nay thú chơi chim đã trở thành truyền thống và được dân gian coi là một thú chơi tao nhã .Nhưng thực sự mình thấy có gì đó sai ,sai ! Chim muông há chẳng phải là một đặc ân mà tạo hoá đã ban tặng cho loài người để làm cuộc sống trở nên lãng mạn hơn đó sao ? Tiếng chim hót là sở hữu chung của mọi người .Sao một thiểu số lại có quyền chiếm đoạt làm của riêng.?
.Một buổi trưa hè ,trong công viên ghế đá .Một sáng xuân trên đường xuống chợ bản . Một chiều thu hôn hoàng trên biển lúa...được đắm mình trong những âm thanh ríu rít của muôn vàn các loại chim hoang dã dẫu ăn còn đói,mặc còn rách vẫn thấy lòng dạ bỗng trở nên ấm áp .Theo ngu ý mình,những loại chim nào sinh sản được trong môi trường nuôi nhốt thì có thể cho phép nuôi chơi ,làm thực phẩm tuỳ thích .Còn những loài nào chỉ sinh sản được trong môi trường tự nhiên thì đùng nên săn bắt chúng .
Thử hình dung.Chẳng may có một sự đột biến gen xảy ra với loài chim.Chúng trở nên to lớn và thông minh hơn con người .Và chúng chơi trò trả thù tóm lấy những Đàm Vĩnh Hưng,Mỹ Tâm ,Lệ Quyên...nhốt vào lồng để trưa trưa, chiều chiều ca hát cho chúng thưởng thức...Những ông thầy Karate,Tekonđo,Vịnh Xuân...được xoa bóp rượu toàn thân để hăng máu chiến đấu phục vụ các màn cá cược của lũ chim .Những Hà Tăng,Hà Hồ,Chi pu,Ngọc Trinh được trưng bày trong những chuồng son ,lồng tía để mọi chim chiêm ngưỡng ...và chúng ta ,không tài ,không sắc lần lượt sẽ được đưa lên quay , hấp ,xào chua ngọt.... !Chúng ta nghĩ sao nhỉ ?
Thật ra ở Việt Nam ,Trung Quốc và nhiều quốc gia châu Á ,châu Phi người ta đặt việc bảo vệ động vật ,chim muông ở tầm vi mô thôi .Còn nhiều quốc gia tân tiến người ta đưa vấn đề này lên tầm vỹ mô và những kẻ săn bắt buôn bán thú hoang sẽ bị tống vào lồng ,ăn cơm niêu ,uống nước lọ.
Bàn chuyện này ở đây có vẻ hơi lạc đề nhưng vì lòng muốn ở mọi vùng miền trên tổ quốc sẽ lại rộn tiếng chim ca ( không phải trong lồng) như ở nơi đây ,trên con đèo Hải Vân hiểm trở mà thơ mộng này.
Mải nghĩ về vi mô với vỹ mô,lên tới đỉnh đèo lúc nào không hay.
291.jpg

Sừng sững ,trầm mặc trên điểm cao nhất con đèo
là đài Ải Nam quan .Nó án ngữ ngay chính giữa cánh cung ,cánh bắc thuộc Thừa Thiên Huế và cánh Nam thuộc thành phố Đà Nẵng .
Cũng có thể nói ngọn đài này chính là điểm tựa, nơi mẹ Việt Nam đặt trên vai gầy của mình chiếc đòn gánh khổng lồ gánh hai bồ thóc Sông Hồng và Cửu Long.
292.jpg

Từ cửa đài hướng vô phía Nam view hướng ra bờ biển đẹp đến sửng sốt của thành phố Đà Nẵng và có thể chính nơi đây vua Minh Mạng đã thốt lên :" Thiên hạ đệ nhất hùng quan "và quan ngự sử đã chộp lấy câu này sai người khắc lên trên cổng đài 6 chữ lừng danh này để tâng công chăng?(Võ đoán chút cho vui ,đừng gạch đã nhé)...................................còn tiếp
 
Ngày 30
301 nhanxetdanhgia.jpg
Thành phố Đà Nẵng có một vị thế đặc biệt .Cả Pháp và Mỹ đều chọn thành phố này làm địa bàn chiến lược .Bởi vậy nó là thành phố sớm phát triển nhất nước.Còn nhớ cách đây hơn 40 năm ,lúc đó vừa giải phóng miền Nam.Mình cùng mẹ vào thăm gia đình dì mình ở Đà nẵng .Dì đi trước năm 1945 ,hồi dì mới mười mấy tuổi ,xây dựng gia đình và lập nghiệp khi Đà Nẵng còn mang tên là Tourane .Vợ chồng chú dì rất tháo vát nên cơ ngơi cũng kha khá .
Mình là người Hà Nội nhưng vào đây thấy quê ghê !.Điều hoà,Tivi,tủ lạnh ...lần đầu tiếp xúc không kể nhưng buồn cười nhất là khi đi cầu cứ loay hoa loay hoay mãi mà không biết cách sử dụng bồn cầu .Sau bí quá cứ nhảy đại lên ngồi chồm hỗm mà đại tiện .Mỗi lần của nợ rớt xuống nước dưới bồn bắn toé lên ướt hết mông .Cứ mỗi lần bị ướt lại lẩm bẩm : - Mẹ cha đứa nào nghĩ ra cái bàn ỉa này ngu đần hết chỗ nói .!ngồi thì cứ chênh va chênh vênh ,nước thì để khoảng cách quá gần mông đúng tia tới của nước toé lên khi có vật rơi tự do rớt xuống .
Kể chuyện này nhiều bạn đọc cho rằng mình tếu táo nhưng quả thực trước năm 1975 hầu hết ở miền Bắc không biết bồn cầu là cái gì .Ở Hà nội gia đình nào cũng có một cái chuồng xí ở tít cuối cùng căn nhà .Bệ xí đặt cách mặt đất 40,50 phân .Trên bệ khoét một cái lỗ để người ta phóng uế vào đấy .Phía dưới cái lỗ đó đặt một thùng tôn để hứng phân rớt xuống .Và cứ mỗi tối khi mọi người sửa soạn đi ngủ thì nhân viên vệ sinh thành phố đến gõ cửa để vào lấy thùng đầy phân ra và thế thùng rỗng vào .
Những nhà nào có ngõ riêng dẫn vào nhà xí thì đỡ chứ nhiều nhà chỉ có độc đạo xuyên qua nhà thì khốn khổ khốn nạn với sự lưu hương của chất thải này .Hôm nào vớ phải cái thùng cũ nát ,thủng đấy thì thôi rồi ,cả nhà hò nhau dậy mà lau chùi cả tiếng.
Sau này có một ông tiến sỹ học được cách làm hố xí 2 ngăn thì Hà Nội mới thoát được cảnh đổ thùng .
Hố này được cấu tạo như sau :
Một cái bể xây bằng gạch được ngăn làm đôi .Trên mỗi ngăn khoét 1 cái lỗ để người ta phóng uế vào đấy. Sau khi đi vệ sinh thì người ta rải tro bếp trộn đất mùn lên kiểu mèo giấu cứt rồi đậy lỗ xí lại .Cứ như vậy khi đã đầy thì chuyển sang ngăn bên .Ngăn đầy được ủ cho đến khi ngăn còn lại gần đầy thì người nhà đến công ty vệ sinh báo cho người xuống lấy phân ngăn ủ .Tuy vẫn là mọi rợ nhưng rõ ràng đối với cách đổ thùng nó vẫn được mọi người tung hô vạn tuế .Cũng có nhiều người phàn nàn bởi những ngày nắng to ,khi mở nắp để ngồi vào vị trí ,hơi nóng bốc lên tựa như xông hơi mà cái hơi này thì quá là kinh khủng khiếp .Nhưng tại họ là người tiêu dùng kém thông minh .Lẽ ra khi mở nắp phải chờ 10 phút cho supap xả hết khí đi thì mới vào vị trí .Đằng này chưa gì đã hấp ta hấp tấp...
30 nhanxetdanhgia.vn.jpg

Qua Liên Chiểu nhìn vào thành Đà Nẵng ,nhớ lại kỷ niệm xưa ,vừa buồn lại vừa cười .................Còn tiếp.
 
Ngày 31
31.jpg
Nói thành phố Đà Nẵng là thành phố đáng sống thì cũng tuỳ .Tôi thì không chọn Đà Nẵng để sống vì nó quá nóng .Mặc dù mặt hướng ra biển ,lưng tựa vào núi ,phong thuỷ rất đẹp nhưng nó chỉ hợp với lứa tuổi còn ham hoạt động chứ già cả ,lười nhác như mình Nha Trang có lẽ hợp hơn.
Nhưng không thể phủ nhận được từ khi ông NBT lên lãnh đạo ,Đà Nẵng trở thành thành phố phát triển nhất nước .Hi vọng những người kế nghiệp sẽ duy trì và phát huy di sản của ông . Nhưng xét cho cùng sự phát triển của Đà Nẵng công lớn nhất thuộc về các công dân Đà Nẵng . Theo chủ quan mình thấy người Đà Nẵng có một tính cách tổng hợp : Họ có sự cần cù của người miền Bắc ,lại có sự quả cảm của người miền Nam và sự chịu khó chịu khổ ,vươn lên của người miền Trung .Họ có lòng tự tôn,tính kỷ luật và tinh thần đoàn kết và cộng với sự lèo lái tài giỏi của lãnh đạo thành phố đã làm nên một thương hiệu Đà Nẵng - thành phố đáng sống. Từ chân đèo Hải Vân đi dọc bờ biển để tới Đà Nẵng .Ngắm nhìn toàn cảnh thành phố mờ xa đang hiện dần lên trước mắt tựa như nó dần nhô lên từ dưới biển .Một thành phố hiện đại lung linh dưới ánh nắng hoàng hôn làm mình như tưởng đang lạc sang xứ Âu ,Mỹ .Cứ đà này vài chục năm nữa nó có thể sánh với Hồng công hoặc Sinhgapor cũng nên. Nhưng bằng mắt thường mình cũng nhận thấy cái gót chân Asin của thành phố .Môi trường hình như có vấn đề .Đi dọc qua bãi biển Thanh khê,Mỹ khê thấy những mương nước thải hôi thối,hắc ám đang nhuộm đen bãi tắm .Rồi các bãi biển đẹp như mơ cũng dần dần bị các Resort,biệt thự.... trấn hết dọc từ Sơn Trà cho tới tận Hội An .Việc tư nhân hoá bãi biển mình cảm thấy có gì sai sai. Nhưng thôi ,được cái nọ mất cái kia .Miễn sao mọi công dân thành phố hài lòng là được!
312.jpg
 
Ngày 32
32.jpg

Gần một tuần dầm mình trong mưa từ Nam Quảng bình tới tận đỉnh Hải Vân .Qua Ải Nam quan tới địa phận Đà Nẵng thì mưa bị con đèo chặn đứng .Nhưng thay vào đấy
Ông mặt trời tác quái lại hun mình bằng ánh nắng chói chang .Thật đúng như lời bài hát :-Trường Sơn Đông,Trường Sơn Tây / Bên nắng đốt,bên mưa quây / Em dang tay,em xoè tay/ Chẳng thể nào mà xua tan mây/Chẳng thể nào mà che anh được.....
Cũng may vào tháng này chưa vào hè và cũng không có gió Lào nên cũng đỡ .Nhưng nhìn vào bản đồ thời tiết Đà Nẵng cũng đang ở nhiệt độ 34 độ C .Bởi vậy rời Đà Nẵng mình quyết định không ra ngã 3 Huế để Nam tiến mà chọn đường ven biển để đi cho mát .Mặt khác cũng muốn thăm quan Ngũ hành sơn và nhất là muốn điểm dừng chân tiếp là Hội An ,gia nhập lễ hội hoa đăng đêm phố cổ cho vơi nỗi cô đơn của kẻ độc hành. Qua Ngũ Hành Sơn ,được mãn nhãn với các tác phẩm chế tác bằng đá của các nghệ nhân Đà Nẵng rất lấy làm cảm phục .Còn nhớ sau 75 có qua đây lúc đó dươi chân Ngũ hành chỉ là một dẫy nhà lá vừa là cửa hàng vừa là nơi chế tác đá của những thợ thủ công. Những đồ mỹ nghệ bằng đá chủ yếu là những chuỗi hạt ,vòng đeo tay ,cac bức tượng phật ,di lặc,sư tử nho nhỏ làm bằng đá xanh hoặc vân khai thác tại chỗ ,mầu sắc đơn giản và chất liệu thường thường .Nay dưới chân núi là những dẫy phố nguy nga tráng lệ .Các cửa hàng thủ công mỹ nghệ trưng bày các thể loại tượng đá từ hàng cao cấp giá vài trăm triệu đến những chiếc vòng truyền thống 5 chục ,một trăm ngàn . Các tác phẩm đủ thể loại Đông ,Tây,kim, cổ.Đông thì có tượng phật Thích ca,Di lăc,Quán thế âm Bồ tát,Phật tổ Như lai ,Khổng Minh,Quan Công....Tây thì nhại tượng Nữ thần Tự do,thần Actemit, Đavit,Hecqueen,các cô gái Hi lạp cởi truồng ...Kim thì có những bức tượng theo trường phái siêu thực hay ấn tượng ,còn cổ là những con cóc ngậm tiền hay sư tử hí cầu ,voi chầu ,hổ phục....Và chất liệu mầu sắc thì vô cùng phong phú.Bởi giờ đây nguyên liệu (đá quý) được nhập từ các mỏ đá nổi tiếng trên thế giới như Trung quốc,Miến Điện,Ấn Độ,Italia,Nam Phi......Ai chơi sang cỡ Lục ngọc bảo, mã não,cẩm thạch ,hổ phách.... đều được chiều hết .Nghe nói có tác phẩm cỡ cả chục tỷ chẳng biết có ngoa không nhưng chính mắt mình đã được ngắm những tuyệt tác đá của một đại gia FPT trưng bày tại một ngôi biệt thự ở Flamingo Đại Lải và cho rằng có thể có những bức giá tới vài chục tỷ thật.Trong hàng chục bức tượng, phù điêu được trưng bày ở đây có một bức phù điêu tuyệt đẹp. .
333.jpg

Trong lòng một phiến đá chừng 2 m vuông rải rác là những viên ngọc màu xanh lục ( không rõ có phải là ngọc lục bảo không).Nghệ nhân đã khoét bỏ lớp đá thường bên ngoài để lộ ra những viên ngọc này và đã gia công ngọc đó thành những hình cây nấm ,những chú sóc,những con chim ,hoa lá ... ,ai nhìn vào cũng mê mẩn cả tiếng đồng hồ .Theo như lời người bảo vệ nói bức này ông chủ mua nguyên khối đá được bán đấu giá ở Miến Điện rồi đưa sang Ý gia công và ông ta đặt tên nó là bức Ngọc trong đá .Hỏi giá thì người bảo vệ nói không rõ lắm nhưng nói thêm :- Chắc cỡ vài chục tỷ.
(Nếu như may mắn gặp được bụt cho mình chọn hoặc siêu xe Bugatti Veyron 2,4 triệu đô hoặc bức ngọc trong đá này thì mình sẵn sàng đi bộ để có bức phù điêu này.)
321.jpg

Ngó nghiêng trong "làng đá" này cả tiếng nhưng khi tới Hội An vẫn còn sớm vì Đà Nẵng cách Hội An chưa đến 30 km . Tới Hội An cũng hơi lo lắng vì sợ bị chặt chém giá phòng khách sạn .Nhưng chịu khó thuê xa trung tâm thì cũng thở phào nhẹ nhõm vì cũng không đắt lắm :150k một đêm ...................Còn tiếp
 
Ngày 33
33.jpg

Nếu như cố đô Huế được trùng tu thành danh lam lịch sử ,Sa Pa,Đà lạt là danh lam thắng cảnh thì Hội An ngoài hội tụ các đặc điểm trên nó còn có một thuộc tính nữa là danh lam lễ hội .
Từ cuối thế kỷ 16 người Việt đã tới định cư tại đây cùng với người bản địa ( là người Chăm) .Thị trấn Hội An lúc đó với cái tên là Phai phố hay Hoài phố nhưng còn đơn sơ và thưa thớt .Sau đó các thương gia Nhật du nhập bằng thuyền tới đây định cư và xây dựng những ngôi nhà,cầu ,cống ,công trình thờ tự theo kiến trúc Nhật .Trong thế kỷ 17, Hội An trở thành thương cảng sầm uất .Sau này người Hoa cũng ồ ạt sang định cư và dần thế chân người Nhật đã xây dựng Hội An theo phong cách Minh Hoa.Các chùa chiền,hội quán,nhà thờ họ đều có kiến trúc Tàu.Đến thế kỷ 18 ,Hội An có vẻ suy tàn nhưng thực dân Pháp cũng phục dựng được phần nào bằng những công trình,nhà cửa mang phong cách Tây thuộc địa .Nó cũng rất hài hoà với những công trình thuần Á và vì thế Hội An trở thành thành phố đa phong cách .
Trải qua 2 cuộc chiến tranh Việt -Pháp và Việt -Mỹ Hội An không bị tàn phá những cũng bị suy tàn do thiên tai và thời gian.Sau khi thống nhất 1975 chính quyền với sự giúp đỡ của Unesco đã phục dựng lại một Hội An đa phong cách :Nhật ,Hoa,Pháp,Việt,Chăm.mang dấu ấn của thế kỷ 17,18.
Không còn là thương cảng nữa nhưng giờ đây Hội An trở thành một điểm du lịch hấp dẫn với du khách trong nước cũng như quốc tế .
Ngoài việc chiêm ngưỡng những kiến trúc vật thể độc đáo như nhà gỗ 2 tầng,cầu chùa Nhật bản,Hội quán Minh Hoa,đền thờ Quan Côngv.v....mọi người còn được hoà mình vào các không gian phi vật thể như lễ hội đèn lồng ,thắp nến trên sông,nghe ca bài chòi,tham gia các trò chơi dân gian ,ăn uống nhấm nháp các món đặc sản như Cao lầu,Mỳ Quảng,bánh Xèo ,bánh Bao,Hoành Thánh......thơm và ngon đến ngẹt thở.
Nói đến ẩm thưc Hội An lại nhớ bữa cơm chiều hôm ấy .Sau một hồi tìm kiếm thấy một quán ăn đông ngẹt thực khách .Mình vô gọi một xuất cơm trắng thịt kho Tàu ,canh chua và một khúc cá thu sốt cà chua béo ngậy .Khi gắp khúc cá đã thấy nó bở bở rồi khi đưa vào miệng thấy nó nhạt thếch hơi chua chua ,liền ngoắc cô bé bồi bàn lại : - Cháu báo với bà chủ hoặc đầu bếp rằng món cá này để lâu hỏng rồi .Xem xem nếu không dùng được bỏ đi không mất khách đấy .
Cô bé ái ngại ngìn mình rồi nói :-Bác ăn thấy sao ạ !
Tôi liền đáp :- Nó vừa bở bùng bục mà chẳng có mùi vị cá ,có vẻ giông giống như mùi đậu hũ.
Cô bé chợt hiểu ra vấn đề : -Hình như bác tưởng đó là cá thật ạ .Đây là quán ăn chay.Mọi thức ăn như thịt ,cá,bò,gà đều được chế biến từ đậu hũ mà .
Đúng là bé cái lầm nhưng nó cũng là một kỷ niệm khó quên trong chuyến xuyên Việt lý thú .
Buổi tối ở Hôi An thật thú vị .Mọi nhọc nhằn mệt mỏi tiêu tan hết với âm thanh, sắc màu của hội đêm .Cả một góc khu phố cổ đèn lồng ,đèn chùm,đèn nháy lung linh hắt sáng lên cả một khoảng trời trên cả 7 sắc cầu vồng.
331.jpg

Nam thanh nữ tú ,trẻ thơ ,lão cổ đủ các quốc tịch,các vùng miền náo nhiệt trong các quán bar,quán nhậu,các tụ điểm vui chơi ca múa nhạc.Nhiều đôi yêu nhau lên cầu chùa ngắm sao trên trời,dao dưới đất và sao dưới lòng sông thề thốt yêu nhau đến khi Hội An thành phế tích.Mấy bà tây già đội nón há hốc mồm nghe hát chòi .Chỗ kia vài thanh niên Hàn xẻng cười chộn rộn khi một đồng hương bịt mắt quay ba vòng mà vẫn đạp vỡ được chiếc niêu đất trong chò chơi bịt mắt đập niêu....
Quả thực du lịch Hội An thật là đặc sắc và thú vị.Mình đã thăm quan một số phố cổ như Phố cổ Thành Đô,Phượng Hoàng cổ trấn,Lệ Giang bên Tàu ,làng Uglish thuộc Nga hoặc thị trấn Old Town ở San Diago nước Mỹ tuy rằng du khách cảm nhận có thể hoành tráng ,đầu tư bài bản hơn Hội An nhưng thực chất đó là những phố cổ nhân tạo ,cuộc sống giả và gần như mang tính minh hoạ .Còn ở đây là tuy cổ mà kim .Đời sống thành phố như vẫn đang tiếp diễn bởi người thật việc thật . Thợ rèn,thợ thêu.... là những con người mà không có du lịch thì vẫn là thợ rèn ,thợ thêu .Còn ở các nơi khác thì hầu hết là diễn viên đóng thế....................Còn tiếp
 
Ngày 34
21192217_884569578358715_2043622286478538315_n.jpg
Còn nhớ cách đây 40 năm ,mỗi khi ngồi tàu lửa từ Bắc vô Nam ,qua khúc ruột miền Trung dài dằng dặc sốt ruột vô cùng .Một bên là những cồn cát trắng hoang sơ chạy dài dọc bãi biển .Phía kia là những lùm lau dại um tùm chắn lút tầm mắt về phía những dẫy núi mờ xa. Bản thân con tàu cũng như những hành khách trên tầu đều lờ đờ uể oải như ngái ngủ.Nhưng mỗi khi con tàu rú còi để cập một ga nào đấy thì cả con tàu như bừng tỉnh .Mọi người chộn rộn như chuẩn bị tham gia vào một lễ hội nào đó.
Tại sao lại có từ lễ hội ở đây.?Cần phải giải thích chút cho mọi người dễ hình dung : Sau khi thống nhất đất nước .Đường tàu Bắc Nam được khôi phục .Lúc bấy giờ đường bộ cũng rất hạn chế vì ô tô rất ít và xe máy thì cũng không có nhiều ,nhất là khu vực miền Bắc . Máy bay cũng ít chuyến và vé thì cực đắt .Di chuyển bằng tàu hoả là tối ưu nhất và vì thế nên tàu lúc nào cũng đông nghịt khách .Các ga xe lửa dọc đường trở thành địa điểm kiếm ăn của cánh buôn thúng bán bưng .Người có nhiều vốn thì thuê kiot cố định hoặc đóng những kiot lưu động để vào sân ga bán hàng .Ít vốn thì đội mẹt cắp thúng nhảy hẳn lên tàu hành nghề .Họ buôn các sản vật địa phương ,thức ăn ,bánh kẹo,trái cây,nước uống....Và đương nhiên vùng nào cũng có sản vật đặc trưng của địa phương ấy.Tỷ dụ như Huế bán mè sửng được người đi tàu đặt tên ga Huế là ga mè sửng. Lăng cô thì người ta luộc cua,ghẹ để bán cho khách nên được được gọi là ga ghẹ .Ở Diêu Trì thì bán nhiều cau nên tên ga là ga cau. Nha Trang là ga mực ....Còn Tam kỳ nơi mình sắp cuốc bộ qua đây thì được dân đi tàu thập niên 70-80 gọi là ga Gà . Vùng này nổi tiếng vì gà ngon và rẻ . Vào những năm ấy .Miền Bắc còn trong cảnh bao cấp .Mỗi tháng mỗi đầu người chỉ được có vài lạng thịt .Nhưng tới ga này dẫu ví có lép kẹp cũng cố gọi một suất cơm đùi gà ,thậm chí gọi nguyên cả con gà luộc vàng óng ngậy xơi cho đã đời .
Khi con tàu sắp tới ga nào ,mọi người trên tàu nhao nhác í ới nhau chuẩn bị cho việc sắm sanh mua bán các sản phẩm địa phương để ăn nhậu hay mua làm quà cho người thân .Nhiều người năng động còn tranh thủ mua hàng ở ga này bán ga nọ kiếm chút đỉnh lộ phí. Thành ra khi tàu cập ga nào, người mua ,kẻ bán trên tàu ,dưới ga tấp nập như một hội chợ.
Thủa đó Tam kỳ chỉ là một ngã ba nhỏ bé nhưng nó có một vị trí chiến lược quan trọng của địch .Tháng 3/75 nơi đây trở thành chiến trường khốc liệt.Để giải phóng được Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam , quân giải phóng đã mở chiến dịch tiến chiếm Tam kỳ và căn cứ Chu lai để vừa làm bàn đạp Nam tiến, vừa chia cắt , cô lập địch đưa quân ra ứng cứu Đà Nẵng.
Sau giải phóng Tam Kỳ vẫn chỉ là một thị xã nghèo nhà cửa lợp tôn lụp xụp, dân tình đói kém .Nhờ có đường sắt chạy qua mà những hộ dân sống gần ga cũng có thêm đồng ra ,đồng vào.
Hôm nay qua Tam Kỳ .Thị xã nghèo nàn nhỏ bé năm xưa đã vươn vai trở thành một thành phố sầm uất,đông vui .
341.jpg

Nhưng thực lòng mà nói .Qua tỉnh Quảng Nam .Trừ các thành phố lớn như Hội An,Tam kỳ ,Chu lai,Núi Thành .Còn ở nông thôn hoặc vùng cận núi thì có vẻ vẫn hoàn cảnh lắm .
Đất ở xứ Quảng này thì mình không ưa lắm vì nắng nóng quá nhưng gà và rượu ở đây rất chi là tuyệt vời :
Đất Quảng Nôm chưa mưa đã thốm
Dịu Hồm đầu chưa nhốm đã say.
Rượu Hồng đào mà nhắm với gà đồi luộc phải say đến cả chấy.Và con người xứ Quảng mới thật là hết sẩy : Rất chân thành và rất cởi mở .................................còn tiếp
 

Xem nhiều nhất

Back
Bên trên