Đánh Giá Màn Hình Asus Mg279q: To Và Đẹp, Tay Xách Ấn Tượng

ioa

Thành viên mới
Hướng đến đối tượng game thủ, ASUS MG279Q mang trên mình nét thiết kế góc cạnh và khá ngầu. Không dừng lại ở vẻ đẹp ngoại hình, MG279Q còn tích hợp nhiều công nghệ và tính năng nhằm thỏa mãn mọi yêu cầu khắt khe của những người sống hết mình với game.


vforum.vn-164723-16742354953-5e47869781-o.jpg
mg279q-6.u579.d20160912.t151921.37041.jpg

Trở lại một chút với quá khứ, năm ngoái ASUS cũng cho ra mắt mẫu màn hình chơi game ROG SWIFT PG278Q đi cùng công nghệ NVIDIA G-Sync. PG278Q lúc bấy giờ nhận được nhiều lời khen của giới công nghệ nhờ điểm nhấn về thiết kế, viền mỏng và trang bị panel TN chất lượng cao. Tuy rằng panel TN sử dụng trên PG278Q có chất lượng tốt, thế nhưng mà điểm yếu cố hữu của TN so với IPS ở góc nhìn và màu sắc đều không thể so sánh được. Thêm một điểm hạn chế của việc ứng dụng công nghệ NVIDIA G-Sync trên PG278Q, màn hình chỉ có cổng xuất tín hiệu DisplayPort mà thôi.
ASUS vừa qua cho ra mắt model MG279Q mới, cải tiến một số vấn đề và đồng thời cũng chuyển sang công nghệ AMD FreeSync. Trước đây các màn hình sử dụng panel IPS đều không có tần số quét cao, nhưng điều này không đúng với MG279Q.
16227637415_d91f2cc434_o.jpg


ASUS MG279Q sở hữu khung nhìn rộng 27 inch với độ phân giải chuẩn đạt 2560 x 1440. Thiết kế màn hình với viền không quá dày và phủ lớp chống chói giúp nó trông chuyên nghiệp hơn hẳn. Lẽ dĩ nhiên, game thủ thường ưa thích những thứ có độ ngầu nhất định, và đó chắc chắn không thể là một màn hình viền sơn bóng hay dạng siêu mỏng hoặc màn gương.


Mặt sau MG279Q thể hiện được tố chất của một sản phẩm cứng cáp và gai góc. Các đường nét sắc gọn, nổi bật góc cạnh nhọn và vuông vức giúp nó trở nên “game” hơn. Mặt lưng nhựa đen với họa tiết chấm bi nổi cho cảm giác sờ “sướng” hơn, và tuy bề dày của màn hình có hơi lớn, nó sẽ không ảnh hưởng gì đến trải nghiệm người dùng. ASUS MG279Q cũng sử dụng điện lưới trực tiếp chứ không thông qua adapter, việc này mang lại khả năng sắp xếp vị trí trên bàn gọn gàng hơn, đồng thời cũng không lo thất lạc hay hỏng hóc xảy ra như các model dùng adapter rời để đạt độ mỏng nhất định.


Mẫu màn hình game thủ này được trang bị tương đối đầy đủ các cổng kết nối gồm: 2 cổng HDMI/MHL, DisplayPort 1.2, mini DisplayPort 1.2, USB 3.0 upstream và 2 cổng USB 3.0 downstream, cuối cùng là 1 cổng 3.5mm cho âm thanh. Màn hình không tích hợp loa vì là game thủ ai cũng đã trang bị sẵn cho mình một hệ thống loa hay tai nghe chất lượng cao rồi.
z1dUyFw.jpg


ASUS MG279Q có hệ thống điều khiển gồm 5 nút vật lý và 1 nút 5 chiều. Các nút nhấn có thiết kế nhận diện tốt bằng xúc giác, phản hồi tốt và êm. Nút vật lý 5 chiều có vẻ như là một điểm nhấn cho cả mặt sau màn hình vì có màu đỏ nổi bật. Đây cũng là nút cho phép bật menu chính, điều hướng và xác nhận lệnh điều khiển.
76b6bb646efa93dc00375b6ad89c2dbd.jpg


Mặt trước màn hình khá đơn giản với logo ASUS bằng kim loại ở viền dưới. Góc cạnh bên phải là các chú thích cho nhóm nút điều khiển tương ứng ở mặt sau. Phần viền màn hình làm bằng nhựa cũng với lớp sơn đen nhám rất cứng cáp, tác động vào không thấy ảnh hưởng đến panel.
tUfm7xN.jpg


Chân đế của MG279Q cũng trung thành với thiết kế càng nhiều góc cạnh càng tốt. Mặt dưới phần đế là khu vực xoay, được hãng tính toán sao cho nằm đúng trọng tâm chịu lực của toàn bộ màn hình. Để dễ hiểu hơn, thay vì thiết kế phần đế xoay quanh trục ở mặt trên như các model UltraSharp đến từ Dell, ASUS MG279Q mang nó xuống phía dưới để phần diện mạo bên trên trông liền lạc và sắc, không bị “lệch tông” chỉ vì thiết kế xoay tròn.


Phần chân đứng có thiết kế thêm khu vực giữ dây cáp bằng một thanh nhựa đỏ. Đây cũng là một điểm nhấn cho màn hình từ phía sau, tuy nhiên đánh giá cá nhân chất liệu và độ bền của phần nhựa này chưa tốt, chỉ cần gỡ ra gắn lại vài lần với lực hơi mạnh thì rất dễ gãy chốt.


ASUS mang lại những tính năng và công nghệ mới nhất cho MG279Q, trong đó có thể kể đến như tần số quét 144Hz và thời gian đáp ứng 4ms GtG. Không như panel IPS phổ thông vốn chỉ dừng lại ở tần số quét 60-75Hz, MG279Q đáp ứng được đến 144Hz – một con số lý tưởng cho những ai đam mê dòng game FPS, nhất là khi thi đấu. Một điều cần lưu ý là để sử dụng được mức 2560 x 1440 @ 144Hz, màn hình cần được kết nối thông qua cổng DisplayPort; nếu sử dụng HDMI, game thủ chỉ có thể tận hưởng ở mức 1920 x 1080 @ 120Hz tối đa mà thôi. Độ sáng của màn hình theo nhà sản xuất đạt mức 350cd/m2, độ tương phản tĩnh 1000:1.


Menu màn hình được kích hoạt bằng nút joystick 5 chiều, về cơ bản có các mục gồm: Game Visual, Blue Light Filter, Color, Image, Input Select, System Setup và My Favorites. Như đã nói, việc trang bị hệ thống điều chỉnh bằng nút vật lý khiến cho việc làm chủ các tính năng của màn hình trở nên dễ dàng hơn nhiều so với nút cảm ứng. Giải pháp sử dụng nút cảm ứng có thể đẹp đấy, nhưng đáng tiếc là nó không mang lại cảm giác nhấn rõ ràng cho người dùng, việc định vị đúng vị trí cũng gặp khó khăn trong môi trường thiếu sáng. Các nút điều khiển của MG279Q ngoài khả năng kích hoạt nhanh tính năng tương ứng, còn có một vài nhiệm vụ khác trong từng menu cụ thể.


ASUS MG279Q cung cấp 6 chế độ hiển thị phù hợp với từng thể loại game hay nội dung: Scenery, Racing, Cinema, RTS/RPG, FPS và sRGB. Ngoài ra còn có 4 mốc nhiệt độ màu, 3 tùy chọn tông màu và các tinh chỉnh thông thường về độ sáng cũng như tương phản. Tính năng FreeSyncs có thể được kích hoạt trong menu con Image.
Thử nghiệm ASUS MG279Q với một số tựa phim ở cả chuẩn Full HD và Bluray cho thấy khả năng hiển thị của màn hình này là rất tốt. Để ở các thiết lập mặc định, MG279Q trình chiếu phim với độ sáng cao, tương phản tốt và màu sắc chuẩn xác. Nhờ tần số quét cùng độ tương phản cao nên các cảnh hành động nhanh không bị tình trạng bóng ma. Không dừng lại ở đó, việc chỉnh sửa ảnh thực hiện trên MG279Q cũng dễ dàng làm hài lòng người dùng nhờ khung nhìn rộng, panel IPS chất lượng cao tái tạo màu sắc chính xác. Độ phân giải 2560 x 1440 cho phép mở 2 cửa sổ làm việc cạnh nhau để so sánh màu hay chỉ đơn giản vừa soạn thảo vừa xem phim cũng trở nên thoải mái hơn.


Chơi thử nhiều tựa game ở các thể loại trên MG279Q (Final Fantasy XIII, StarCraft II, Dying Light, Metro Last Light, Devil May Cry 4 Special Edition…) cho thấy màn hình làm tốt nhiệm vụ của nó. Với tính năng FreeSync sẽ có 2 trường hợp xảy ra, quyết định FreeSync có được kích hoạt hay không. Nếu người dùng tùy chỉnh MG279Q ở tần số quét cao – 120Hz và 144Hz, FreeSync bị vô hiệu hóa. Trong khi đó nếu muốn sử dụng FreeSync (với điều kiện cấu hình máy tính phù hợp), người dùng phải chọn tần số quét từ 90Hz trở xuống. Thật sự thì FreeSync chỉ hoạt động trong khoảng tần số quét từ 35Hz đến 90Hz.
Thông thường nếu không có công nghệ FreeSync, người dùng thường sử dụng tính năng V-Sync trong game. Nếu bật V-Sync sẽ hạn chế tình trạng xé hình nhưng lại giật lag khá khó chịu và ngược lại. FreeSync khi kích hoạt sẽ loại bỏ những khó chịu kể trên, giúp game thủ dễ dàng tận hưởng và thi đấu game (nhất là những game cần hành động nhanh) tốt hơn. Không chỉ thế, với những ai gặp phải triệu chứng nhức đầu khó chịu khi nhìn lâu vào màn hình có tần số quét thấp (thường từ 60Hz trở xuống) cũng có thể ứng dụng FreeSync trong khi làm việc. Lúc này không chỉ cử động chuột và các di chuyển cửa sổ mượt hơn mà còn tránh việc khó chịu khi ngồi lâu trước màn hình máy tính.
Tạm kết, ASUS MG279Q là một chiếc LCD sở hữu công nghệ FreeSync, có thiết kế cứng cáp và đẹp (trong mắt game thủ), chất lượng tốt nhờ panel IPS và tần số quét 144Hz. Một số lỗi nhỏ ở khâu thiết kế vẫn còn (thanh nhựa giữ dây dễ gãy, to dày nặng) và đặc biệt là mức giá quá cao là rào cản lớn giữa MG279Q với khách hàng.
vozExpress đánh giá
 
Back
Bên trên