Đánh Giá Điện Thoại Vivas Lotus S1 "vnpt": Khi Nhà Mạng Muốn Làm Điện Thoại

baolua

Thành viên Tích cực
Sự xuất hiện của Vivas Lotus S1 là một sự bất ngờ bởi VNPT lâu nay vẫn im hơi lặng tiếng về kế hoạch sản xuất smartphone tại Việt Nam. Khi cầm trên tay điện thoại này, chúng tôi cũng bị bất ngờ nhưng theo chiều hướng khác: máy có thiết kế cồng kềnh và cấu hình lạc hậu so với các smartphone hiện nay, cả với những sản phẩm cùng tầm giá với điện thoại của VNPT.
Trong bối cảnh các smartphone "thương hiệu Việt" đến nay thực chất đều là sản phẩm "mác Việt" thì việc VNPT tuyên bố Vivas Lotus S1 là sản phẩm đầu tiên do họ nghiên cứu và sản xuất tại Việt Nam là thành quả rất đáng khích lệ nếu như những gì tập đoàn này tuyên bố là sự thật. Trên thực tế, việc sản xuất smartphone ở Việt Nam không hề dễ dàng bởi từng công đoạn trong quá trình sản xuất smartphone như thiết kế tạo dáng, thiết kế cơ khí, làm các khuôn đúc đến in các bảng mạch của điện thoại… hầu như không có sự trợ giúp từ ngành công nghiệp phụ trợ trong nước.
Tuy nhiên, với đa số người tiêu dùng, yếu tố khiến họ quyết định bỏ tiền ra là chất lượng sản phẩm, chứ không phải đó là hàng "made in Việt Nam" hay "made by" VNPT. Ở khía cạnh đó, liệu chiếc VNPT Vivas Lotus S1 có những điểm gì để thu hút người mua?
697577.jpg
Theo thông tin trên vỏ, chiếc Vivas Lotus S1 là máy do VNPT sản xuất tại Việt Nam
Thiết kế
Khi cầm trên chiếc VNPT Vivas Lotus S1, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là máy có thiết kế cồng kềnh và nặng. Sách hướng dẫn và hộp sản phẩm không đề cập đến kích thước và trọng lượng của máy. Tìm trên các trang của VNPT cũng không thấy bảng thông số về sản phẩm này nên chúng tôi phải dùng đến thước và cân để đong đếm thì thấy máy nặng 221g và dày 12,2mm ở phần đầu máy.
697747.jpg
Vivas Lotus S1 dày 12,21mm và nặng tới 221,45g
Như vậy, chiếc Vivas Lotus S1 còn dày và nặng hơn cả chiếc điện thoại Lenovo P780 có dung lượng pin khủng 4.000 mAh chúng tôi vừa có bài đánh giá. Kiểu dáng của máy cũng không được thanh thoát, có phần hơi cục mịch, đặc biệt là đường viền bo quanh các cạnh máy trông rất to bản.
697517.jpg
Vivas Lotus S1 có 5 phím cảm ứng (gọi điện, menu, home, back và tìm kiếm)
Điện thoại này có điểm khác biệt là có tới 5 phím cảm ứng phía mặt trước màn hình. Ngoài 4 phím quen thuộc thường xuất hiện trên các smartphone Android là menu, home, back và tìm kiếm thì Vivas Lotus S1 được nhà sản xuất đưa thêm phím gọi điện ra bên ngoài cho người dùng mở ứng dụng này thuận tiện hơn. Phím nguồn/khóa màn hình trên đỉnh máy hoạt động nhẹ và dễ bấm nhưng phím âm lượng không được nhạy lắm, đòi hỏi người dùng phải bấm hơi mạnh tay một chút.
697565.jpg
Vỏ mặt sau của máy có thiết kế vân
Tấm vỏ phía sau máy được thiết kế vân, giúp bám tay. Tấm vỏ này có thể tháo được và phía bên trong nó là khay pin dung lượng 2200 mAh, thẻ nhớ ngoài và hai SIM thuộc loại SIM thường (còn gọi là Mini-SIM). Máy có dung lượng bộ nhớ trong 4GB, trong đó còn khoảng 1,5GB dành cho người dùng nên hầu hết người mua Vivas Lotus S1 sẽ phải sắm thêm thẻ nhớ ngoài để tăng thêm dung lượng lưu trữ.
697605.jpg
697609.jpg
Máy có thân dày và cồng kềnh so với các smartphone hiện nay
Nhìn chung, chiếc Vivas Lotus S1 không gây ấn tượng về mặt thiết kế. Có cảm giác như VNPT không đầu tư nhiều cho khâu này mà sử dụng luôn thiết kế tham chiếu (reference design) của nhà sản xuất chip để dành công sức cho khâu sản xuất máy ở Việt Nam. Thông thường, các nhà sản xuất chip như MediaTek và Qualcomm đều cung cấp các thiết kế tham chiếu cho nhà sản xuất điện thoại sử dụng chip của họ, nhắm giúp các nhà sản xuất điện thoại đẩy nhanh quá trình ra mắt sản phẩm. Tuy vậy, đó chỉ là phỏng đoán của chúng tôi dựa trên thiết kế không có gì ấn tượng của Vivas Lotus S1.
Màn hình
Màn hình của Vivas Lotus S1 có kích thước 5 inch, kích cỡ rất phù hợp với xu thế smartphone ngày càng lớn hiện nay, đặc biệt là đối với các máy Android. Độ phân giải màn hình là 800 x 480 pixel cho mật độ điểm ảnh khoảng 187 PPI, hơi thấp so với các smartphone bây giờ.
Về chất lượng màn hình, điểm trừ đầu tiên ở sản phẩm này là khoảng cách giữa tấm kính bảo vệ màn hình và màn hình phía dưới khá rộng nên khi nhìn vào sẽ thấy hình ảnh nằm hơi sâu dưới lớp kính. Khoảng cách này càng nhỏ thì hình ảnh hiển thị trên màn hình trông càng nổi bật hơn.
Màu sắc trên màn hình của Vivas Lotus S1 ngả xanh khá nhiều và màu sắc hiển thị không chính xác, thường nhợt nhạt hơn màu sắc thực tế. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy khi so sánh với các sản phẩm khác. Cụ thể, khi so với chiếc Lenovo A850 màn hình 5.5 inch sắp bán ra thị trường Việt Nam với giá dự kiến chỉ nhỉnh hơn Vivas Lotus S1 vài trăm nghìn đồng, chiếc điện thoại của VNPT thể hiện màu sắc nhạt hơn rõ rệt và gam màu lạnh hơn do bị ngả xanh nhiều.
697557.jpg
Màn hình to là ưu thế của Vivas Lotus S1
Nếu không để ý đến vấn đề màu sắc nhạt và màn hình bị ngả xanh, độ sắc nét của máy đủ để đọc báo mạng. Độ sáng màn hình cũng khá ổn, chúng tôi thường chỉ cần thiết lập khoảng 70% là đủ dùng ở môi trường trong nhà. Thêm nữa, màn hình lớn cỡ 5 inch cũng là ưu thế đáng chú ý khi xét đến tầm giá dưới 4 triệu đồng.
Khi sử dụng ngoài trời nắng, màn hình của Vivas Lotus S1 bị bóng nhẹ nên chất lượng hiển thị bị ảnh hưởng. Tuy vậy, đây là vấn đề hay gặp trên các smartphone giá rẻ chứ không riêng gì điện thoại của VNPT.
Chụp ảnh và quay phim
Vivas Lotus S1 có hai camera, 5MP phía sau và 0.3MP phía trước. Chiếc camera chính của máy có thể quay được phim độ phân giải VGA (640 x 480 pixel) và có đèn LED trợ sáng. Ứng dụng camera mặc định của máy có khá đầy đủ các tùy chỉnh cơ bản như các chế độ cảnh chụp (tự động, ban đêm, tiệc, chân dung, hoàng hôn…), phơi sáng, độ sắc nét, màu sắc, bão hòa màu, độ sáng, bão hòa màu, kích thước ảnh, chống rung, chế độ chụp HDR và cảnh rộng panorama.
697573.jpg
Có lẽ ứng dụng ảnh mặc định của máy có vấn đề về cân bằng trắng nên màu sắc rất lệch lạc, thường ám tím hoặc ám vàng phụ thuộc vào tùy chỉnh ở phần màu sắc, độ bão hòa màu và độ sắc nét (các tùy chỉnh đều có các lựa chọn thấp, trung bình hoặc cao). Dù chỉnh mọi thứ liên quan đến chất lượng ảnh ở mức tốt nhất hay trung bình thì màu vẫn bị lệch lạc trông như đang lựa chọn hiệu ứng màu nào đó, sai hẳn so với thực tế.
Tuy nhiên, vấn đề sai màu có thể xử lý bằng cách sử dụng ứng dụng khác trên kho ứng dụng Google Play Store hoặc trong kho ứng dụng VNPT AppStore được tích hợp trong máy. Ở đây, chúng tôi thử dùng ứng dụng Camera360 được tải miễn phí trên Google Play Store thì thấy chất lượng màu sắc đã chuẩn xác hơn. Chất lượng hình ảnh cũng ở mức chấp nhận được. Các ảnh chụp cận cảnh khá tốt nhưng ảnh chụp bối cảnh rộng hơn thì độ nhiễu lộ ra nhiều hơn do máy thu được ít chi tiết. Nhìn chung, camera của máy tạo ra các ảnh chụp đủ dùng để chia sẻ với bạn bè và người thân lên các mạng xã hội.
Dưới đây là một số ảnh chụp từ ứng dụng chụp ảnh mặc định của máy (ảnh bên trái) và ứng dụng Camera360 (bên phải).
707917.jpg
707905.jpg
707913.jpg
707909.jpg
Về quay phim, Vivas Lotus S1 quay được phim độ phân giải tối đa là VGA (640 x 480 pixel) với tốc độ 30 khung hình mỗi giây (fps) ở định dạng 3gp, không phổ biến được như mp4. Không như ảnh chụp, chất lượng quay camera của máy rất tệ, kể cả quay từ ứng dụng mặc định hay ứng dụng camera khác như Snap Camera. Khi chúng tôi quay ngoài trời lúc đầu giờ chiều Hà Nội trời rất sáng song video thu được lại như trời đang nhá nhem tối, màu sắc không lên được và độ phân giải cũng cực kém. Nhìn chung là rất tệ.
Clip quay từ ứng dụng camera mặc định của VNPT Vivas Lotus S1
Phần mềm và tính năng
Chiếc VNPT Vivas Lotus S1 được cài sẵn hệ điều hành Android 4.0, phiên bản khá cũ khi mà hầu hết các smartphone hiện nay, kể cả những máy giá đều cài đặt Android 4.1 hoặc 4.2 Jelly Bean. Giao diện của máy cơ bản giống với giao diện của Android gốc gồm 5 màn hình chủ không thêm hay bớt được, menu ứng dụng và các ứng dụng quen thuộc của Google như trình duyệt Chrome, lịch, bản đồ, email, kho ứng dụng Google Play và YouTube.
697617.jpg
Ngoài ra, VNPT cũng đưa vào máy một ứng dụng riêng gồm kho ứng dụng VNPT AppStore và các ứng dụng dịch vụ của hai nhà mạng VinaPhone và MobiFone như TVOD, mRadio, Myradio, Chacha, Ringtunes, từ điển mSPDict… Đáng chú ý nhất là kho ứng dụng VNPT AppStore hiện có gần 5.700 ứng dụng được VNPT tập hợp từ nhiều nguồn tương tự như kho ứng dụng FPT Store. Các ứng dụng trên kho này được VNPT phân chia theo các hạng mục, trong đó game chiếm một nửa số ứng dụng trên kho.
708683.jpg
Một số game có thu phí trên Google Play như Temple Run OZ hay Angry Bird Space Premium có thể tải về miễn phí từ VNPT AppStore

Nhiều ứng dụng trên kho này cũng có thể tìm thấy trên Google Play Store. Có một số ứng dụng có thu phí trên Google Play Store lại có thể tải về miễn phí trên kho của VNPT, chẳng hạn như game Temple Run OZ hay Angry Bird Space Premium đều có thu phí trên kho ứng dụng của Google là 0,99 USD nhưng lại có thể dùng miễn phí trên Vivas Lotus S1. Không rõ VNPT đã có hợp tác với nhà cung cấp game và các ứng dụng đó hay đang là cung cấp lậu?
Chức năng quản lý hai SIM trên Vivas Lotus S1 cho phép người dùng thiết lập SIM được đặt mặc định để gọi đi, nhắn tin hay dùng để kết nối dữ liệu tương tự như nhiều smartphone hỗ trợ hai SIM khác. Trong thử nghiệm thực tế, chất lượng đàm thoại của máy hoạt động ổn, âm lượng đủ to và rõ để thực hiện cuộc gọi
Hiệu năng hoạt động và thời gian pin
Như đã đề cập ở trên, không hiểu sao VNPT đưa vào chiếc smartphone đầu tay của họ bộ cấu hình khá lạc hậu. Chiếc Vivas Lotus S1 được trang bị hệ thống vi xử lý (System on Chip - SoC) MT6575 của nhà sản xuất chip Đài Loan MediaTek ra đời từ đầu năm 2012. Sau SoC này, MediaTek đã đưa ra thị trường hai thế hệ SoC lõi kép (MT6577) và lõi tứ (MT6589), trong đó SoC lõi tứ đã được dùng phổ biến trên các smartphone giá rẻ ra mắt trong năm nay. RAM 512MB của máy cũng khá thiếu khi mà nhiều smartphone Android giá rẻ tương tự của Lenovo đã trang bị RAM 1GB. Trong khi đó, bộ nhớ trong của máy cũng chỉ có 4GB (còn khoảng 1,5GB trống dành cho người dùng), không hơn gì các smartphone trong cùng tầm giá.
Có thể do đây là sản phẩm đầu tay nên mọi thứ còn vấp váp. Theo phỏng đoán của chúng tôi, sở dĩ VNPT sử dụng cấu hình lạc hậu trên chiếc Vivas Lotus S1 có thể là do khâu triển khai sản xuất tại Việt Nam bị chậm. Với một nhà sản xuất smarphone mới mẻ như VNPT, việc tìm kiếm và đàm phán với các nhà cung cấp linh kiện cho smartphone như màn hình, RAM, bộ vi xử lý, bộ nhớ, tai nghe… chắc hẳn sẽ mất nhiều thời gian. Hy vọng, sau sản phẩm đầu tiên không gây ấn tượng về cấu hình và cả thiết kế, các máy tiếp theo của VNPT sẽ cho thấy sự trưởng thành dần về khả năng sản xuất smartphone.
697545.jpg
Máy chạy được các game phổ thông như Temple Run, Angry Birds
Trở lại với vấn đề hiệu năng, cấu hình như vậy thì Vivas Lotus S1 hoạt động như thế nào? Khi sử dụng thực tế, máy đáp ứng được (không mượt) các công việc cơ bản trên điện thoại như chuyển đổi giữa các thành phần trên giao diện, lướt web, chơi các game phổ thông có đồ họa nhẹ và vừa phải như Temple Run OZ, Angry Bird Space và Riptide GP (game đua thuyền) và mở được các đoạn phim HD 720 (quay phim thì máy hỗ trợ độ phân giải tối đa thấp hơn, tối đa là VGA – 640 x 480 pixel). Nhìn chung, do cấu hình yếu nên máy xử lý được nhưng không mượt. Khi mở menu ứng dụng hay cuộn trang web thì máy chạy hơi giật.
Khi đo bằng các phần mềm đánh giá hiệu năng quen thuộc như Antutu và Quadrant, máy cũng ghi điểm thấp, chỉ bằng gần nửa số điểm đo hiệu năng của các smartphone cùng tầm giá sử dụng bộ vi xử lý lõi tứ của MediaTek.
697589.jpg
VNPT Vivas Lotus S1 sử dụng pin dung lượng 2200 mAh
Về thời gian pin, máy sử dụng pin dung lượng 2.200 mAh. VNPT không liệt kê thông số về thời gian pin của chiếc Vivas Lotus S1 trên hộp sản phẩm nhưng chip lõi đơn và màn hình độ phân giải thấp của điện thoại này hứa hẹn sẽ không ngốn pin nhiều.
Trong sử dụng thực tế, chúng tôi nạp đầy pin cho máy, chơi game 30 phút thì hết 12% pin, xem tiếp đoạn phim ngắn 30 phút nữa (màn hình để độ sáng 70%, âm lượng cũng khoảng 70%) mất 8% pin và lướt web trên mạng Wi-Fi 30 phút cũng mất 8% pin, tức còn 72% sau 1,5 tiếng chơi game, xem phim và lướt web. Sau đó, chúng tôi để máy chờ không sử dụng khoảng 7 tiếng thì máy còn khoảng 50% pin. Như vậy, nếu nhu cầu sử dụng của người dùng ở mức cao hơn, chẳng hạn như thời lướt web, xem phim và chơi game tổng cộng khoảng 3 tiếng mỗi ngày, thì máy có thể đáp ứng đủ pin cho một ngày làm việc.
Khi thử xem phim HD ngắn trong điều kiện tắt các kết nối 3G/Wi-Fi, độ sáng màn hình và âm lượng đặt ở mức 70%, máy chạy liên tục được 6 tiếng 12 phút từ lúc đến lúc hết. Đây là kết quả khá khi so sánh với các smartphone Android giá rẻ khác.
Kết luận
697581.jpg
Sau bất ngờ ban đầu về smartphone đầu tay của VNPT và là smartphone đầu tiên được cho là sản xuất ở Việt Nam, chiếc Vivas Lotus S1 không để lại nhiều dấu ấn tích cực trong sử dụng thực tế. Máy có thiết kế cồng kềnh, nặng và chất lượng trải nghiệm không mượt do cấu hình lỗi thời.
Màn hình của máy to là một ưu thế với những người có nhu cầu lướt web nhưng chất lượng màu sắc của màn hình không chuẩn, ngả xanh khá nặng và có khoảng cách giữa tấm kính bảo vệ với màn hình khá rộng nên khi nhìn vào có cảm giác hình ảnh hiển thị nằm lõm phía dưới.
Điểm hấp dẫn rõ rệt hơn ở điện thoại này là gói cước đi kèm của nhà mạng VinaPhone (tặng 1 SIM 10 số, được cộng 50.000 đồng vào tài khoản mỗi tháng trong 1 năm và được miễn phí 650MB cước dữ liệu mỗi tháng trong 1 năm) và thời gian pin ở mức khá so với các smartphone Android giá rẻ do cấu hình của máy thấp nên không ngốn nhiều pin.
Nhìn chung, sản phẩm đầu tay của VNPT sẽ khó thuyết phục được nhiều người bỏ tiền mua bởi tầm giá dưới 4 triệu đồng hiện có một số lựa chọn hấp dẫn đến các nhà sản xuất lớn như Nokia Lumia 520, Samsung Galaxy Trend. Các máy này đều có màn hình nhỏ hơn điện thoại của VNPT nhưng sắc nét hơn, trải nghiệm mượt hơn và thiết kế thanh mảnh hơn nhiều. Mặc dù vậy, chúng tôi và chắc hẳn nhiều người dùng Việt Nam vẫn hy vọng và chờ đợi vào các smartphoen tiếp theo của VNPT sau khi tập đoàn này tích lũy thêm được kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất smartphone.
Sau bài đánh giá này, trong vài ngày tới chúng tôi sẽ gửi tới bạn đọc những hình ảnh mổ chiếc VNPT Vivas Lotus S1 cũng như đánh giá về chất lượng lắp ráp và các linh kiện bên trong máy.
TP
Nguồn:Vnreview.vn
 
Back
Bên trên