Nhận Xét Đánh Giá Máy Tính Xách Tay Macbook Air 11.6″ 2010: Đẹp Và Hiệu Năng Tốt

hoanganh

Thành viên Nghiệp dư
Thành viên BQT
Mong chờ vào một sự đột phá so với dòng sản phẩm trước đó theo đúng phong cách Apple, Macbook Air tại sự kiện “Back to the Mac” hôm thứ 4 20/10 đã khiến không ít người ngạc nhiên và thích thú khi thể hiện phong cách thiết kế vuông vắn và nam tính mới, nhưng không kém phần trang nhã và nổi bật. Dù rằng vẫn còn gặp phải nhiều rào cản về công nghệ phần cứng, Apple đã hoàn thành xuất sắc phần việc thiết kế của mình, mang đến Macbook Air 2010 với những đường nét của một chiếc laptop “đến từ tương lai”.

34cdc93dfbe439__NNS0007.jpg


Chiến lược dành cho khách hàng của Apple vốn luôn xoay quanh các lựa chọn rõ ràng, ngắn gọn. Tuy nhiên MacBook Air vừa nâng cấp đang dần thay đổi điều này. Ranh giới giữa loại máy thông dụng và chuyên nghiệp, giữa cấu hình thấp và cao, giữa kích thước to và nhỏ đang dần được phủ kín, đồng nghĩa với việc chiến lược phát triển sản phẩm tiếp theo của Apple sẽ sớm có nhiều thay đổi. Xét về giá cả, để rước “siêu mẫu” MacBook Air 11.6-inch về nhà bạn chỉ tốn có 999 USD, ngang ngửa MacBook thường – một model giá rẻ. Không xét đến việc nhấn mạnh vào tốc độ SSD của MacBook Air, các thông số còn lại chỉ yếu hơn một chút so với MacBook. MacBook vẫn vượt trội hơn về khả năng xử lý và dung lượng lưu trữ, nhưng từ trước đến nay các sản phẩm của Apple ít khi được biết đến về thông số kỹ thuật hay cấu hình “khủng”. Thương hiệu Apple vốn được đánh giá cao về trải nghiệm tổng thể với khẩu hiệu “It just works”, và với tôi, MacBook Air đem lại cảm nhận hoàn toàn khác biệt, với nhiều thứ đáng hài lòng do khắc phục được nhược điểm trên phiên bản cũ.
Sau thời gian 2 tuần cho việc đặt hàng và vận chuyển, cuối cùng thì chiếc Macbook Air phiên bản mới kích cỡ 11.6-inch đã có mặt tại tòa soạn vozExpress. Chúng ta sẽ cùng khám phá xem, “siêu mẫu” mới của Apple mang đến những gì?

Cấu hình & phụ kiện

Macbook Air được Apple cung cấp nhiều lựa chọn khác nhau về cấu hình và giá. Phiên bản 11.6-inch chúng tôi có được sử dụng cấu hình thấp nhất – Core 2 Duo 1.4GHz, 2GB RAM DDR3, 64GB SSD và có giá bán tại Mỹ là 999 USD. Bạn sẽ có tùy chọn nâng cấp CPU lên tốc độ 1.6GHz, ổ cứng 128GB và tối đa 4GB RAM. Phiên bản 13.3-inch thì thoải mái hơn: CPU 1.86 hoặc 2.13GHz, RAM 2GB hoặc 4GB và SSD 128 hay 256GB. Cả 2 phiên bản đều sử dụng đồ họa tích hợp NVIDIA Geforce 320M, chiếm dụng 256MB RAM chia sẻ từ bộ nhớ hệ thống.
34cdc89c2c492e__TMH7921.jpg

Đi kèm bên trong hộp là adapter sạc MagSafe với công suất 45W khá nhỏ gọn, tài liệu hướng dẫn cùng một chiếc USB stick xinh xắn có dung lượng 8GB chứa bản cài đặt Mac OS X 10.6 cùng bộ iLife ’11. Tiếc là chiếc USB này chỉ có thể đọc chứ không thể ghi xóa bởi firmware đặc biệt mà Apple đã cài đặt. Hệ điều hành chỉ có thể truy xuất chiếc USB stick này như một đĩa DVD mà thôi, do đó chúng ta hầu như không có cách nào can thiệp vào nội dung bên trong cả.
Vì sao Apple tiếp tục sử dụng Core 2 Duo trên Macbook Air?

Có lẽ điểm thất vọng lớn nhất của nhiều người đối với Macbook Air mới: Core 2 Duo già nua vẫn sẽ ở lại với chúng ta. U9400 chỉ có mức xung cao nhất là 1.4GHz (phiên bản sử dụng trên Macbook Air 13.3-inch là SL9400 1.86GHz), khó có thể “chịu đựng” nổi hàng loạt website flash và các ứng dụng đòi hỏi nhiều tài nguyên khác. Một nguyên nhân gây thất vọng khác: khi mà thiết kế mới có được sự đột phá ấn tượng thì cấu hình Macbook Air vẫn chỉ dậm chân tại chỗ (thậm chí thụt lùi trên bản 11.6-inch), có chăng là nâng cấp đồ họa khá khẩm hơn một chút. Vì sao Apple lại làm thất vọng người mua đến vậy?
Với tôi thì quyết định lần này của Apple không có gì ngạc nhiên. Nói đúng hơn, Apple đã không còn lựa chọn nào khác. Lý giải về cấu hình của Macbook Air kì này, Apple cho biết họ cần khả năng tiết kiệm năng lượng và sự ổn định về nhiệt lượng tỏa ra, hơn là sức mạnh cơ bắp của các dòng vi xử lý mới. Thế nhưng, đây mới chỉ là phần nổi của vấn đề.
Khi Intel ra mắt dòng Arrandale ULV cách đây vài tháng, những người tinh ý sẽ nhận ra, đây không thể là thế hệ vi xử lý tiếp theo của Macbook Air. Vấn đề không nằm ở CPU của Arrandale, mà lại nằm ở GPU tích hợp bên cạnh. Geforce 320M tỏ ra mạnh mẽ vượt trội so với Intel HD Graphics dính chặt trên các vi xử lý Core i mới, không những thế, giải pháp của NVIDIA còn hỗ trợ OpenCL – thứ mà Intel hiện chưa thể cho Apple với GPU của mình. Lý luận của “Trái táo” cho rằng, nâng cấp hiệu năng đồ họa bằng Geforce 320M tỏ ra hiệu quả hơn là nâng cấp tốc độ CPU (dù bạn sẽ không nghĩ vậy) vẫn được tiếp tục áp dụng ở đây (trước đó là Macbook Pro 13″ hồi tháng 4).
Thực ra thì Apple đã nhòm ngó các vi xử lý Arrandale từ lâu, đáng tiếc là nó không có cái mà Apple cần: GPU đủ mạnh và hỗ trợ OpenCL. Các thế hệ Macbook Pro 15″ và 17″ có thể sử dụng Intel HD Graphics, nhưng vẫn cần sự giúp sức của một card đồ họa rời từ NVIDIA khi xử lý các framework đồ họa cao cấp. Các framework này là một phần quan trọng không thể thiếu của Snow Leopard, và hẳn là không thể “tắt” nó đi chỉ vì thế hệ chip mới của Intel. Bên cạnh đó, NVIDIA đã bị Intel tước giấy phép sản xuất chipset cho thế hệ chip sau Core 2 Duo, do đó khả năng sử dụng đồ họa tích hợp NVIDIA cùng một CPU “đặc chế” Intel làm riêng chỉ với nhân xử lý CPU dành cho Apple cũng là điều không thể.
Sử dụng Arrandale với đồ họa tích hợp là không thể, vậy Apple còn lựa chọn nào khác chăng? Sử dụng đồ họa rời? (thật đáng xấu hổ cho những ai nghĩ đến giải pháp này với Macbook Air). Đáng tiếc là không và Core 2 Duo sẽ còn ở lại dài dài với chúng ta trên Macbook Air (Macbook Pro 13″ cũng chịu chung số phận), ít nhất là đến khi nào Apple giải quyết được việc đối đầu giữa 2 nhà Intel & NVIDIA, hay Intel cho phép IGP của mình hỗ trợ OpenCL. Bạn nghĩ sao về Sandy Bridge? Đáng tiếc đó cũng sẽ lại là một ngõ cụt khác. Sandy Bridge đã tích hợp trực tiếp IGP vào trong CPU, tuy nhiên Intel hẳn sẽ không đời nào đi hỗ trợ hay cổ vũ cho OpenCL – công nghệ cho phép sử dụng card đồ họa vào mục đích tính toán tổng quát (general purposed computing) – vốn là vùng đất đặc quyền của CPU, đơn giản đó là cách dễ nhất để NVIDIA và AMD vượt lên.
Vấn đề về OpenCL mới là một, còn vấn đề khác liên quan đến nhiệt lượng và điện năng tiêu thụ. Arrandale có kích thước to hơn đáng kể so với nền tảng Core 2 Duo ULV, ngay cả khi đã được tích hợp northbridge và GPU vào trên đế silicon. Bộ đôi CPU Arrandale và I/O Hub sẽ khiến bo mạch tí hon của Macbook Air phình to ra, và Apple quyết định đem không gian mất đi ấy để đổi lấy dung lượng pin lớn hơn. 7 tiếng trên Macbook Air 13″ và 5 tiếng trên Macbook Air 11″, đây không hẳn là một cuộc trao đổi tồi.
Kiểu dáng bên ngoài – Chất lượng thiết kế

34cdc89978f5f4__TMH7910.jpg

Mỏng, nhẹ và đẹp, đó là 3 từ đơn giản nhất để mô tả chiếc Macbook Air 11.6-inch mà chúng tôi đang cầm trong tay. Macbook Air mới có độ dày tại điểm mỏng nhất chỉ là 3mm và điểm dày nhất cũng chỉ dừng ở con số 17mm. Để dễ hình dung hơn: phần dày nhất Macbook Air gần tương đương với bề dày của riêng thân máy chiếc Macbook Pro 15”, trong khi đó điểm mỏng nhất có thể dễ dàng so sánh với độ mỏng của một chiếc đĩa CD. Trọng lượng toàn bộ máy là 1.066kg, cảm giác nhẹ hơn khá nhiều so với tưởng tượng của bạn khi nhìn thấy lần đầu tiên (để dễ so sánh, chiếc netbook 10-inch Toshiba NB305 cũng trở nên nặng nề trước Macbook Air, với trọng lượng lên đến 1.27kg). Trọng lượng này đạt được khi Apple quyết tâm “gọt bớt” bất kì thứ gì không cần thiết trên máy: vỏ bọc ổ SSD cũng không phải ngoại lệ. Thiết kế của Apple vẫn ấn tượng như ngày đầu Macbook Air ra mắt: câu hỏi bạn không ngừng đặt ra trong đầu sẽ là “Làm thế nào họ làm được điều đó? / Có cái quái gì bên trong 2 tấm bìa đó không?”


Nhận xét kĩ hơn một chút, độ mỏng của Macbook Air đạt được một phần nhờ vào độ mỏng của màn hình LCD phía trên. Viền màn hình chỉ khoảng 1mm, trong khi phần dày nhất cũng chỉ tối đa 3mm. Vẫn là công nghệ LCD đèn nền LED quen thuộc, nhưng qua bàn tay chế tác với thiết kế unibody từ Apple, màn hình Macbook Air đã gây ấn tượng mạnh cho người dùng ngay từ cái nhìn đầu tiên, không những mỏng mà còn rất chắc chắn nhờ vào chất liệu vỏ nhôm cứng cáp. Những đường vát phẳng và vuông góc 2 bên thân máy giúp Macbook Air nhìn hiện đại và bớt “ẻo lả” hơn so với bản cũ, đồng thời mang nét gì đó “viễn tưởng” khi nhìn từ xa. Với kích thước 11.6-inch, cảm tưởng về Macbook Air giống như cầm một chiếc netbook cao cấp trên tay là hoàn toàn không sai biệt chút nào – vừa tay, chắc chắn và nhẹ nhàng như cầm một cuốn sổ vậy.


Hình dáng Macbook Air 11.6-inch không được vuông như người anh 13.3-inch mà hơi dài, do tỉ lệ màn hình 16:9 1366×768 lần đầu được sử dụng, tất nhiên, kết luận xấu đẹp là tùy người dùng, nhưng vốn đã rất nhiều laptop trên thị trường sử dụng độ phân giải màn hình này, do đó với tôi tỉ lệ kích thước của Macbook Air 11.6″ cũng không có gì kì quái cho lắm, có chăng là với các fan Macbook lâu năm mà thôi.


Mặt trên Macbook Air vẫn tỏa sáng với logo Apple quen thuộc nhờ vào đèn nền màn hình, trong khi mặt dưới được phủ kín bởi một tấm nhôm mỏng. Điểm làm tôi chú ý chính là những chiếc ốc với hình dáng hết sức kì quái (trông như hình hoa mai, gọi là ốc “hoa mai” chăng?), có vẻ Apple không muốn người dùng “táy máy” gì đến phần bên trong sản phẩm của mình. Kể ra mà nói thì đúng là chúng ta cũng không làm gì được thật, khi mà RAM đã được hàn chết lên bo, CPU và GPU không thể thay đổi, bộ pin đặc biệt và đến cả ổ cứng SSD cũng “độc quyền” thiết kế bới Apple, mở thân máy ra có lẽ chỉ để vệ sinh khu vực quạt tản nhiệt mà thôi.
34cdc89b1dd6be__TMH7917.jpg


Mỏng và nhẹ, điều đó đồng nghĩa với việc bạn phải hi sinh không ít thứ. Không ethernet, không HDMI, không D-Sub, không eSATA, và tất nhiên là không có ổ DVD (toàn những thứ to dài nạc). Số lượng kết nối của Macbook Air hết sức nghèo nàn và giản đơn: 2 cổng USB 2 bên thân máy, 1 cổng Mini DisplayPort để xuất tín hiệu hình ảnh bên tay phải (khá phiền hà khi lúc nào cũng phải mang theo adapter), một cổng sạc MagSafe và jack cắm tai nghe 3.5mm bên tay trái. Kết nối có ít thật, tuy nhiên trong quá trình sử dụng tôi không thấy gì thiếu thốn cho lắm. Đầu DVD đã từ lâu rất ít khi dùng tới (dù khi cần mà không có sẽ thực sự rất phiền), và cổng ethernet cũng vậy. Trong thời đại WiFi mọi nơi như hiện nay, chẳng còn ai còn kè kè một sợi cáp mạng theo cạnh chiếc laptop của mình nữa. Một cổng USB cộng thêm so với bản cũ và thiết kế MagSafe vuông góc với thân máy (chứ không còn đánh đố người dùng khi chìm dưới thân máy như bản cũ) có lẽ đã đủ để tôi hài lòng. Điểm đáng tiếc duy nhất là không có đầu đọc thẻ nhớ SD trên chiếc laptop 11.6-inch này (chỉ có trên bản 13.3-inch). Đây vốn là thứ có mặt trên hầu hết các netbook và notebook cùng cỡ. Đơn giản là Apple đã hoàn toàn hết chỗ để có thể nhét thêm thứ gì đó vào bên trong. Trong mắt những ai yêu thích sự đa dạng trong khả năng kết nối, Macbook Air sẽ bị mất khá nhiều điểm.


Vốn không chỉ “tiết kiệm” về mặt kết nối, Apple lần này còn thể hiện tư tưởng “tối giản hóa” mọi thứ một cách tối đa, bằng chứng là chiếc đèn báo duy nhất trên thân máy nay cũng đã biến mất. Đây có lẽ không chỉ là một ý tưởng thiết kế đơn thuần, mà còn là “ý đồ” của Apple khi định hướng người dùng đến việc sử dụng Macbook Air như một thiết bị di động đúng nghĩa. Bạn chẳng cần đèn tín hiệu trên smartphone hay tablet của mình, do đó Macbook Air cũng được thiết kế theo phương châm này – “It just works”.


Trải nghiệm về khớp nối màn hình của Macbook Air 11.6” cũng có đôi chút khác biệt: hơi khó khăn trong việc mở máy bằng một tay, tuy phần lõm vào để đặt ngón tay mở máy vẫn vừa vặn như mọi khi. Điều này chưa từng xảy ra trong bất kì sản phẩm Macbook nào Apple từng sản xuất, có lẽ nguyên nhân do thân máy quá nhẹ, trong khi khớp nối màn hình còn mới nên vẫn “khít” chăng? Khớp màn hình tuy nhẹ nhưng tôi không thấy có tình trạng màn hình và thân máy bị bung ra trong quá trình di chuyển.
Có thể nhiều người cũng còn đang hoài nghi về độ chắc chắn của chiếc “netbook” này, trông nó cứ như từ một miếng bìa cứng dựng nên ấy nhỉ? Thế nhưng đừng để thị giác đánh lừa bạn. Thân máy tuy mỏng nhưng lớp vỏ nhôm vẫn hết sức chắc chắn, tôi không cảm nhận được bất kì độ lún nào ở thềm để tay, dù là nhỏ nhất khi làm việc trên Macbook Air – vững chắc như khi đặt tay lên trên mặt bàn vậy.
Màn hình – Loa
34cdc89a347efa__TMH7912.jpg
Chỉ có một câu để nói về màn hình Macbook Air 2010: bạn sẽ không tìm thấy màn hình nào sáng hơn, màu đẹp hơn, sắc sảo hơn và ấn tượng hơn trên bất kì sản phẩm laptop nào cùng kích thước. Lo ngại viền màn hình dày sẽ khiến tôi mất tập trung khi làm việc, nhưng tôi hoàn toàn ngạc nhiên khi nhìn vào màn hình Macbook Air lần đầu tiên mở máy lên. Phía trên màn hình là camera FaceTime phục vụ các nhu cầu video call, lớp kính “borderless” đã được gỡ bỏ nhằm giảm kích thước và độ dày của màn hình, và phần viền cũng không còn là màu đen như trên Macbook Pro, tuy nhiên chất lượng hình ảnh trên panel chính sẽ khiến bạn hoàn toàn bị thuyết phục. Theo đánh giá chủ quan, độ sáng và màu sắc trên Macbook Air không hề thua kém Macbook Pro 13” hay 15”, đồng thời độ phân giải 1366×768 cũng hoàn toàn phù hợp với kích thước 11.6-inch: vừa đủ không gian cho những công việc phổ thông như lướt web hay biên tập ảnh, và font chữ không quá nhỏ khi đọc văn bản và làm công việc văn phòng.
Một điểm cộng khác cho màn hình Macbook Air 2010: màn hình gương vẫn bóng, nhưng không còn phản xạ ánh sáng mạnh như mọi khi mà thay vào đó là một lớp phủ màu tím mờ, có lẽ có tác dụng giảm độ phản chiếu. Góc nhìn màn hình khá lớn cũng đủ để bạn chia sẻ hình ảnh, video clip hay văn bản với 2-3 người bạn ngồi xung quanh. Apple một lần nữa chứng minh khả năng bậc thầy của mình trong việc sản xuất những chiếc laptop với màn hình tốt, bất kể chúng mỏng hay nhỏ đến đâu chăng nữa.
Macbook Air mỏng, nhưng âm thanh của chiếc laptop này không giống vậy chút nào. Thay thế loa mono trên phiên bản cũ là 2 chiếc loa stereo nằm dọc 2 bên thân máy. Âm lượng tuy không lớn nhưng khá tốt so với kích thước máy, đủ để bạn thưởng thức phim trong không gian phòng nhỏ (vẫn nghe rõ từ khoảng cách tới 7m). Chất âm được xem là khá tốt và gây nhiều bất ngờ khi so sánh với phiên bản cũ, dù thiếu âm trầm và âm trung hơi mỏng (nhược điểm chung của bất kì laptop mỏng nhẹ nào). Ít nhất thì tôi vẫn có thể “thưởng thức” âm nhạc trên Macbook Air với loa ngoài, chứ không “nhăn mặt lè lưỡi” khi chỉ mới nghe qua 3-5 giây trên một số chiếc netbook thử nghiệm gần đây. Nói chung, âm thanh trên Macbook Air hoàn toàn giống với chiếc Macbook thường mà chúng tôi đã có dịp đánh giá cách đây không lâu, trừ âm lượng có nhỏ đi đôi chút.
Bàn phím – Touchpad
34cdc89cb48757__TMH7923.jpg
Đối với một chiếc laptop cỡ nhỏ, hay thậm chí là trên netbook, yếu tố khiến bạn có thể giúp bạn quên đi kích thước của nó chính là một bàn phím tốt. Đa phần những chiếc netbook đều có màn hình độ phân giải thấp, chiều dọc ngắn làm tăng sự khó chịu khi lướt web do phải cuộn trang liên tục. Bên cạnh đó, bàn phím với kích thước chỉ khoảng 93-95% bàn phím chuẩn cùng cách bố trí phím bị thay đổi nhiều luôn khiến tôi gõ sai liên tục và gây ức chế lớn khi sử dụng thời gian dài. “Netbook” Macbook Air đã khắc phục được điểm khó chịu này với bàn phím full-size của mình. Số lượng phím trên bàn phím Mac vốn đã ít, do đó tạo cơ hội thuận tiện cho Apple nhét cả một bàn phím full-size vào kích cỡ 11.6-inch mà không gian 2 bên vẫn còn khá rộng rãi. Kích thước các phím function ít dùng tới đã được thu nhỏ lại bên trên (chừa chỗ cho touchpad lớn bên dưới), đồng thời phím power nay cũng được tích hợp vào bàn phím, ở vị trí của phím eject quen thuộc nay đã được dời sang bên. 4 phím mũi tên khá nhỏ y hệt như trên bàn phím Macbook Pro, tuy nhiên không gây nhấn nhầm khi sử dụng.
Bàn phím Macbook Air vẫn tạo được cảm giác gõ phím tốt như các dòng Macbook khác, và tôi hoàn toàn cảm thấy thoải mái khi làm những công việc hằng ngày trên chiếc laptop tí hon này. Tuy nhiên một điểm trừ lớn cho fan hâm mộ là bàn phím không có đèn nền chiếu sáng. Không rõ phần đèn nền có chiếm quá nhiều không gian hay tốn pin không mà Apple đã quyết định loại bỏ đi tính năng được nhiều người yêu thích này?
Bên dưới bàn phím là touchpad cỡ lớn,tuy chiều dọc không được như kích cỡ mà Apple sử dụng trên các dòng Macbook khác, nhưng vẫn thuộc loại “ngoại hạng” khi so sánh với các netbook hay ultraportable laptop cùng kích thước. Thay thế cho phím bấm cơ học lộ diện bên trên ở Macbook Air đời cũ là một touchpad được phủ kính hoàn toàn với phím bấm chìm bên dưới. Bề mặt touchpad rất nhẵn và trơn mịn, tuy nhiên sẽ hơi khó điều khiển khi tay ra mồ hôi. Các thao tác multitouch tỏ ra hoàn hảo và mượt mà khi kết hợp với hệ điều hành Mac OS X. Nói chung, bộ đôi input trên Macbook Air “tí hon” vẫn xứng đáng đứng trong hàng ngũ các sản phẩm laptop Apple khi mang lại trải nghiệm tuyệt vời cho người dùng, bất chấp kích thước và không gian hạn chế.
Nhiệt độ – Thời lượng pin
Một cải tiến lớn trên Macbook Air phiên bản mới mà bất kì người dùng nào cũng hoan nghênh: khả năng tản nhiệt của máy đã tốt hơn trước rất nhiều. Trong điều kiện xem phim HD 1080p để stress hệ thống với 100% công suất, tốc độ quạt tự động được nâng lên mức gần 6000rpm, tuy nhiên gần như không nghe thấy gì. Nhiệt độ đo được trong điều kiện full load liên tục 5 phút được ghi lại như sau: (nhiệt độ môi trường lúc này là 29°C)
Trong điều kiện hoạt động bình thường, chênh lệch nhiệt độ mặt dưới máy so với môi trường dễ dàng nằm dưới ngưỡng 10°C. Với kinh nghiệm “sờ mó” qua không ít laptop của tôi, mức này chỉ tạm gọi là “hơi bị ấm” chứ chưa phải nóng, tuy nhiên bạn cần được trang bị quần dài vải dày một chút nếu muốn đặt Macbook Air trên đùi (hay bộ phận quan trọng nào khác) trong thời gian dài nếu không muốn cảm thấy khó chịu.
Các thử nghiệm kiểm tra thời lượng pin của Macbook Air được chúng tôi chú ý đặc biệt, do Steve Jobs đã từng phát biểu trong “Back to the Mac”: các thử nghiệm pin mới được cải tiến của Apple cho con số sát nhất với thực tế sử dụng – 5 tiếng với 11.6-inch và 7 tiếng với 13.3-inch. Tuy nhiên các thử nghiệm trên Macbook Air tỏ ra phức tạp và không ổn định hơn chúng tôi tưởng, nhất là khi có sự tham gia của Adobe Flash. Dù sao thì có vẻ mọi chuyện cũng sẽ rất khả quan: quá trình sử dụng không chính thức cho thấy Macbook Air dễ dàng tiến sát (hay vượt) thời lượng pin mà Apple công bố, bất chấp việc gia tăng độ sáng màn hình hay mở cùng lúc nhiều ứng dụng. Nhằm đưa ra con số cụ thể và chính xác nhất cho bạn đọc, chúng tôi sẽ cập nhật riêng phần kết quả thời lượng pin của Macbook Air 2010 trong một bài viết chi tiết sắp tới.
Thử nghiệm hiệu năng với các tác vụ thường gặp
Đầu tiên, chúng ta cùng thử xem qua điểm số Cinebench R11.5, Core 2 Duo U9400 sẽ thể hiện như thế nào?
Tiếp theo là điểm số benchmark toàn hệ thống X-Bench 1.3, Geekbench 2.1 với các máy tham gia so sánh:
  • Macbook Pro 15-inch 04-2010: Core i5 540M 2.53GHz, 4GB RAM DDR3 1066MHz, Geforce GT 330M, 5400RPM 500GB
  • Macbook 05-2010: Core 2 Duo P8600 2.40GHz, 2GB RAM DDR3 1066MHz, Geforce 320M, 5400RPM 250GB
  • Macbook Air 11-2008: Core 2 Duo SL9400 1.86GHz, 2GB RAM DDR3 1066MHz, Geforce 9400M, 128GB SSD
  • Macbook Air 10-2010: Core 2 Duo U9400 1.4GHz, 2GB RAM DDR3 1066MHz, Geforce 320M, 64GB SSD
Chúng ta dễ dàng thấy được, điểm số tổng quát của 2 chiếc Macbook Air được cải thiện rất nhiều nhờ vào thiết bị lưu trữ SSD tốc độ cao, nhờ đó không bị Macbook Pro hay Macbook thường bỏ quá xa. Tốc độ SSD của Macbook Air 2010 cũng cho thấy tốc độ cải thiện đáng kinh ngạc, với điểm số X-Bench lên đến 240, gấp gần 5 lần điểm số của ổ cứng HDD thông thường trên Macbook Pro và Macbook. Chúng ta sẽ xem xét kĩ hơn tốc độ của SSD này ở phần sau.
Tiếp theo là điểm số Geekbench 2.1 thể hiện năng lực tính toán thuần:
Quay trở lại với tốc độ SSD trên Macbook Air mới, các thông số X-Bench đo được cho chúng ta thấy, SSD này chẳng phải loại “xoàng”, dù chưa thể so sánh được với Intel X25-M hay các SSD sử dụng controller SandForce trứ danh.
Đáng tiếc, dù Macbook Air đã được Apple quyết định nâng cấp hoàn toàn lên thiết bị lưu trữ lý tưởng này, hệ điều hành Mac OS X 10.6.4 hiện vẫn chưa hỗ trợ lệnh TRIM cho phép duy trì tốc độ của SSD qua thời gian dài sử dụng. Tôi dự đoán lệnh này sẽ được bổ sung trong một phiên bản nâng cấp trong tương lai gần, và SSD cũng sẽ là vũ khí được trang bị mặc định trên các máy Macbook Pro trong tương lai.
Thời gian khởi động được tính từ lúc nhấn nút power cho đến khi hoàn tất login và desktop sẵn sàng. Thời gian khởi động Safari với 20 tab mở mặc định (bao gồm cả các trang có chứa flash) được tính cho đến khi CPU usage trở về idle.
Tiếp tục với thử nghiệm được nhiều người mong đợi nhất: khả năng xem phim HD trên Macbook Air 2010. Dù CPU Core 2 Duo U9400 chỉ có xung 1.4GHz, nhưng với sự trợ giúp của đồ họa tích hợp NVIDIA 320M và Adobe Flash phiên bản 10.1 hỗ trợ tăng tốc từ GPU, Macbook Air đã hoàn thành xuất sắc phần thử nghiệm xem video Youtube độ phân giải 1080p. Khung hình ổn định ở mức cao nhất (25fps) và CPU usage lúc này vào khoảng 75%.

Tiếp tục với thử nghiệm xem video HD trên VLC player với lần lượt 2 độ phân giải 720p và 1080p, Macbook Air chỉ có khả năng xem video 720p với mức CPU load khá thấp. Tình hình khá thê thảm khi video 1080p được đưa vào: CPU load gần 100% và số khung hình bị giảm rõ rệt, đôi lúc treo luôn cả VLC do CPU decode không kịp. Kết luận: Độ phân giải màn hình 1366×768 và CPU ULV trên Macbook Air có thể đảm nhiệm tốt tác vụ xem video HD 720p, nhưng 1080p thì đúng là đã quá sức chiếc laptop tí hon này.
Trải nghiệm tổng thể của tôi đối với Macbook Air 2010 tuy chưa được nhiều do thời gian hạn chế, nhưng hiệu năng của máy trên hệ điều hành Mac OS X làm tôi khá hài lòng, nhất là với một chiếc máy có cấu hình thấp như vậy. Nâng cấp lên SSD chính là quyết định sáng suốt của Apple, khi thế mạnh này bù trừ cho điểm yếu về tốc độ xử lý của CPU, giúp các ứng dụng hoạt động trơn tru và trải nghiệm người dùng cũng được nâng cao. Các phần mềm gần như bật lên ngay tức thì khi truy xuất, thời gian sao chép file hay cài đặt ứng dụng cũng giảm xuống rõ rệt. Tôi thậm chí còn cảm thấy thích làm việc trên Macbook Air mới hơn là Macbook Pro Core i nhưng với HDD cũ kĩ. Nói chung, bạn sẽ không đòi hỏi quá cao ở một chiếc laptop “mình dây” như Macbook Air, và với nội công của mình, chiếc laptop tí hon này sẽ giải quyết gọn lẹ mọi nhu cầu di động cũng như bất kì tác vụ phổ thông nào bạn cần, từ biên tập ảnh, lướt web, xem phim (offline hay Youtube) cho đến các công việc văn phòng.
Kết luận
Không nghi ngờ gì, Macbook Air là một chiếc laptop rất tốt. Cho dù khiếm khuyết về tốc độ, sức mạnh và khả năng kết nối, Macbook Air đổi lại bằng chất lượng thiết kế, trọng lượng nhẹ, độ mỏng cũng như thời lượng pin tuyệt vời của mình. Kết hợp thêm những ưu điểm như ổ cứng SSD cho khả năng di động tuyệt vời, Mac OS X nhẹ nhàng, mượt mà, Macbook Air sẽ là trợ thủ đắc lực cho những ai đam mê sở hữu những mẫu laptop “sờ lờ” (slim & light). Khó có thể xem phiên bản 11.6” là một công cụ làm việc thực sự, tuy nhiên đây sẽ là người bạn tuyệt vời khi nằm trên giường, lúc xem TV hay trong những chuyến đi ngắn. Đây chẳng phải là một chiếc netbook của Apple, chính xác hơn thì bản 11.6” là một chiếc laptop hoàn chỉnh, nhưng trong hình dáng của một chiếc netbook. Về phần phiên bản 13.3”, Macbook Air có thể sẽ trở thành chiếc laptop duy nhất mà người dùng cần, khi mà nhu cầu sử dụng không đòi hỏi quá nhiều sức mạnh tính toán mà nhấn mạnh về khía cạnh di động.
Tất nhiên, về khía cạnh p/p (performance/price), các sản phẩm của Apple luôn tồn tại một khoảng cách nhất định so với các sản phẩm từ các hãng khác. Ví dụ, bạn có thể tìm cho mình một chiếc ThinkPad Edge 11 với giá bằng một nửa chiếc Macbook Air rẻ nhất, và đương nhiên về hiệu năng Alienware M11x sẽ chiếm ngôi đầu trong các sản phẩm kích thước này. Dù vậy, Macbook Air vẫn sẽ có chỗ đứng của riêng mình, và với thiết kế độc đáo, chất lượng sản phẩm & hậu mãi tốt, hiệu năng tổng thể đáp ứng tốt các tác vụ phổ thông, hẳn sẽ có nhiều người rút hầu bao chi trả khoản “thuế Apple” đáng giá này.
Với tôi, Macbook Air có nghĩa là: “luôn luôn sẵn sàng để di chuyển”.
Ưu điểm:
  • Thiết kế độc đáo, trọng lượng nhẹ & độ mỏng đáng kinh ngạc.
  • Hiệu năng tổng thể đáp ứng tốt các nhu cầu phổ thông.
  • Màn hình sáng, đẹp, bàn phím full-size và touchpad tuyệt vời.
Khuyết điểm:
  • Ít cổng kết nối, không có ổ DVD.
  • Giá thành cao.
  • Nhiều người dùng Windows sẽ gặp trở ngại khi chuyển sang sử dụng Mac OS X.
Nguồn:http://voz.vn/2010/11/07/danh-gia-chi-tiet-macbook-air-10-2010/9/
 
Apple hồi này có vẻ chú trọng vào mảng điện thoại nhiều hơn, mấy em máy này lâu chưa vẫn chưa ra sản phẩm mới nhỉ
 
Back
Bên trên