Đánh Giá Bo Mạch Chủ Gigabyte Ga-x79-ud5

ativan

Thành viên mới
Thiết kế Gigabyte GA-X79-UD5 dựa trên chipset Intel X79 Express hỗ trợ bộ xử lý Sandy Bridge E. Bo mạch chủ này hỗ trợ cấu hình đồ họa 3-way SLI lẫn CrossFireX với 3 khe PCIe x16 3.0 cùng một số công nghệ đặc trưng của hãng giúp hệ thống hoạt động ổn định.
Thiết kế
dsc-0119-2.JPG

GA-X79-UD5 thuộc phân khúc tầm trung trong dòng bo mạch chủ OC series của Gigabyte. Thiết kế dựa trên nền tảng chipset Intel X79 Express (chipset Patsburg), tương thích với BXL Intel Sandy Bridge E socket LGA2011.
Bo mạch chủ sử dụng tông đen chủ đạo, nổi bật với các điểm nhấn xanh dương trên tản nhiệt chipset và MOSFET. Với kích thước chuẩn eATX (30,5x26,5cm), GA-X79-UD5 thích hợp nhất với cỡ thùng máy lớn (full tower) để có không gian bên trong rộng, thoáng, tiện dụng khi tháo lắp cũng như đảm bảo khả năng tản nhiệt cho các thiết bị phần cứng.
dsc-0121.JPG

GA-X79-UD5 cũng được trang bị công nghệ Ultra Durable 3 gồm bản mạch in BMC có hai lớp đồng dày 2oz (70 micromet) có trở kháng thấp, chất lượng tín hiệu tốt hơn; sử dụng toàn bộ tụ rắn chất lượng cao, Driver MOSFET thay thế MOSFET và Driver IC truyền thống giúp việc tản nhiệt hiệu quả, hệ thống hoạt động ổn định.
BIOS giao diện 3D (3D BIOS) công nghệ UEFI (Unified Extensible Firmware Interface) giúp điều chỉnh các thông số bo mạch chủ một cách trực quan. Công nghệ quản lý điện năng 3D Power với mạch cấp nguồn tín hiệu số đảm bảo sự ổn định, độ tin cậy của dòng điện cung cấp cho BXL và bộ nhớ (RAM) khi hoạt động liên tục trong thời gian dài và cả khi ép xung.
dsc-0133-3.JPG

Thiết kế của X79-UD5 chỉ cần 1 đường cấp nguồn ATX 8 chân và mạch cấp nguồn cho BXL (VRM) cũng chỉ có 12 + 2 pha; bằng khoảng 50% so với bo mạch chủ cao cấp GA-X79-UD7 (2 đường nguồn ATX 8 chân và 20 + 2 pha VRM).
dsc-0137-5.JPG

Socket LGA2011 dành riêng cho BXL Intel Sandy Bridge E, cụ thể là Core i7 Extreme 3960X (3.3GHz, 15MB smart cache) và 2 BXL cao cấp là Core i7-3930K (3.2GHz, 12MB smart cache) và i7-3820 (3.6GHz, 10MB smart cache).
dsc-0132-2.JPG

Trên BMC cũng tích hợp sẵn nút nguồn (power), khởi động lại (reset) và cả một số nút nhấn hỗ trợ ép xung như O.C button tự động tăng tốc BXL, Clear CMOS xóa những thông số thiết lập trong BIOS hoặc BIOS Switch sẽ chuyển đổi giữa BIOS chính và phụ. Điểm trừ đáng tiếc là BMC không tích hợp đèn LED hiển thị mã lỗi giúp xác định nhanh nguyên nhân khi gặp sự cố cũng như không hỗ trợ tính năng ép xung trực tiếp trên BMC.
dsc-0129-2.JPG

Cổng USB hỗ trợ ON/OFF Charge giúp sạc nhanh các thiết bị di động cả khi máy tính ở chế độ chờ hoặc tắt hẳn.
dsc-0125-5.JPG

GA X79-UD5 trang bị 3 khe PCI Express (PCIe) x16 3.0, trong đó khe PCIEX16_1 và PCIEX16_2 cùng đạt băng thông tối đa 16x và PCIEX16_3 là 8x. Đây cũng là ưu thế của nền tảng Sandy Bridge E so với một số BMC nền tảng Sandy Bridge lẫn Ivy Brigde vì BXL Intel socket LGA2011 hỗ trợ đến 40 tuyến PCI Express (PCIe) x16, hỗ trợ thiết lập cấu hình 2 card đồ họa với băng thông tối đa 16x - 16x mà không cần bổ sung chip của hãng thứ ba.
dsc-0126-2.JPG

Ấn tượng không kém là “dàn” khe cắm RAM lên đến 8 khe, hỗ trợ DDR 3 chạy ở chế độ 4 kênh (quad channel) với tổng dung lượng bộ nhớ lên đến 64GB. GA-X79-UD5 hỗ trợ RAM DDR3, xung nhịp từ 1066MHz cho đến 2133MHz; trong đó các mức 1066/1333/1600MHz dễ dàng đạt được ở chế độ bình thường, các mức 1866/2133MHz chỉ đạt được khi ép xung.
dsc-0127-4.JPG

Mặt trước BMC có đến 10 cổng SATA, hỗ trợ thiết lập lưu trữ RAID 0/1/5/10, trong đó, 2 SATA 3.0 (0 và 1) và 4 SATA 2.0 (2, 3, 4 và 5) do chipset X79 hỗ trợ và 4 SATA 3.0 mở rộng (6, 7, 8 và 9) được quản lý bởi các chip của hãng thứ ba.
dsc-0128-3.JPG

Số cổng kết nối thiết bị ngoại vi của BMC khá phong phú, gồm cổng PS/2 dành cho bàn phím (hoặc chuột), 6 USB 2.0, 2 USB 3.0, IEEE 1394a và có đến 2 giao tiếp SATA gắn ngoài (eSATA) 2.0 lẫn 3.0. Một số kết nối khác gồm cổng mạng RJ-45 tốc độ 1Gbps, ngõ âm thanh HD 7.1 hỗ trợ cổng tín hiệu Optical và các nút O.C button, BIOS Switch, Clear CMOS.
dsc-0139-2.JPG

Các giao tiếp mở rộng (bằng cáp bổ sung) của GA X79-UD5 gồm IEEE 1394a, USB 3.0, 2 USB 2.0 và có sẵn ngõ giao tiếp với chip TPM (Trusted Platform Module) đảm bảo xác thực phần cứng, bảo vệ tiến trình khởi động hoặc chứng thực thẻ thông minh.
dsc-0141-5.JPG

Đi kèm là card mở rộng GC-WB300D hỗ trợ kết nối Wi-Fi tốc độ cao 802.11n và Bluetooth 4.0 hỗ trợ công nghệ Intel Smart Ready.
dsc-0142-4.JPG

Ngoài tài liệu hướng dẫn, đĩa cài đặt trình điều khiển (driver) và back IO shield, các phụ kiện đi kèm gồm cáp SATA, cầu nối 2/3 way SLI, 2 way CrossFireX và USB 3.0 bracket.
Hiệu năng
Để đánh giá hiệu năng GA X79-UD5, Test Lab sử dụng cấu hình thử nghiệm xây dựng trên nền tảng Sandy Bridge E với BXL Intel Core i7-3960X, RAM kit Corsair Dominator CMP8GX3M4A1600C8 (4x2GB, bus 1600HMz) chạy ở chế độ quad channel, HĐH Windows 7 Ultimate 64 bit SP1 và sử dụng trình điều khiển (driver) đi kèm tương ứng với mỗi BMC. Các công cụ đánh giá hiệu năng gồm CineBench R11.5 (64 bit), Heaven Benchmark v3.0, 3DMark 11 và PCMark 7. Trong quá trình thử nghiệm, các BMC hoạt động với thông số thiết lập mặc định của NSX và kết quả các phép thử được tính trung bình sau 3 lần chạy.
Xét tổng thể thì hiệu năng GA X79-UD5 chỉ ở mức khá và nhỉnh hơn giá trị trung bình cộng một số bo mạch chủ nền tảng Ivy Bridge Test Lab thử nghiệm trong thời gian gần đây (tham khảo chi tiết trong bảng kết quả bên dưới).
pcmark-7-7.png

Với công cụ đánh giá hiệu năng tổng thể hệ thống là PCMark 7, cấu hình thử nghiệm đạt 4.694 điểm.
cinebench-2-1.png

Kiểm tra khả năng xử lý của CPU và card đồ họa (thư viện đồ họa OpenGL) với công cụ Cinebench R11.5 (64 bit), GA-x79-UD5 đạt 10,5 điểm ở phép thử CPU và 81,56 fps (khung hình/giây) ở phép thử OpenGL; thấp hơn một chút so với bo mạch chủ MSI Big Bang-XPower II lần lượt là 3,6% và 7,7%.
Dù vậy, với ưu thế có đến 6 nhân và 12 luồng, xung nhịp lên đến 3,9GHz nhờ công nghệ Turbo Boost, BXL Core i7-3960X thể hiện sức mạnh vượt trội so với BXL Intel Core i7-3770K (nền tảng Ivy Bridge) và i7-2600K (Sandy Bridge). Cụ thể cao hơn i7-3770K là 33,25% (7,88 điểm) và 94,09% so với Core i7-2600K (5,41 điểm).
3dmark-11-6.png

Trong thử nghiệm khả năng xử lý đồ họa đa luồng DirectX 11 dựa trên công cụ 3DMark 11, thiết lập cấu hình Performance, hệ thống đạt 7.560 điểm.
heaven-benchmark-3.png

Với Heaven Benchmark, một phép thử đồ họa có khá nhiều nét tương đồng với 3DMark 11 nhưng chủ yếu về hiệu năng Tessellation (DirectX 11). Cấu hình thử nghiệm đạt 1.628 điểm và 64,6 fps ở độ phân giải 1600x1200 và chất lượng đồ họa ở mức “high”; cũng thấp hơn chút xíu so MSI Big Bang-XPower II.
ƯU
- Công nghệ Ultra Durable 3 giúp hệ thống hoạt động ổn định.
- Hỗ trợ kết nối Wi-Fi 802.11n và Bluetooth 4.0.
- Hỗ trợ cấu hình 2 card đồ họa SLI, CrossfireX với băng thông 16x - 16x.
- 3D UEFI BIOS với giao diện trực quan.
KHUYẾT- Không tích hợp đèn LED hiển thị mã lỗi.
- Tính năng ép xung trực tiếp trên BMC hạn chế.
- Các nút reset (khởi động lại) và xóa CMOS (clear CMOS) khá nhỏ, không tiện dụng.

Cấu hình thử nghiệm: CPU Intel Core i7-3960X; Graphic card MSI R7950 Twin Frozr 3GD5-OC; RAM Corsair Dominator CMP8GX3M4A1600C8 4GB DDR3-1600; SSD Intel 310 80GB; PSU Cooler Master Real Power Pro 1250W; Windows 7 Ultimate 64bit SP1.
Nguồn: Pcworld.com.vn
 
Back
Bên trên