Nhận Xét Đánh Giá Điện Thoại Nokia Asha 501: Tham Gia Vào Cuộc Đua Như Thế Nào

titmit

Moderator
Thành viên BQT
Nokia Asha 501 là chiếc Asha đầu tiên thay đổi hẳn hình thức thiết kế trông như một chiếc smartphone Lumia, là điện thoại đầu tiên sử dụng nền tảng phần mềm "Nokia Asha Platform 1.0" kế thừa từ hệ điều hành Meego OS và cũng là điện thoại giá rẻ đầu tiên của Nokia dùng hai SIM cỡ nhỏ (microSIM).
Máy được nhà sản xuất Nokia bán ra thị trường Việt Nam từ tháng 7/2013 với giá 2 triệu đồng và đối tượng nhắm đến là các khách hàng trẻ tuổi, nhất là học sinh và sinh viên. Asha 501 mang dáng dấp của một chiếc smartphone nhỏ nhắn, màu sắc trẻ trung và giá bán không đắt hơn các máy Asha cũ. Tuy vậy, nhìn vào thông số của máy có thể nhận thấy ngay vài điểm hạn chế như thiếu kết nối 3G, màn hình độ phân giải thậm chí còn thấp hơn cả chiếc Asha 309.
Liệu thiết kế trẻ trung và nền tảng phần mềm mới có khỏa lấp được những điểm hạn chế trên, giúp Asha 501 trở thành sản phẩm bán chạy để hỗ trợ Nokia có thêm nguồn lực cho cuộc đua quan trọng hơn trên thị trường smartphone?
629018.jpg
Thiết kế
Ấn tượng đầu khi nhìn vào chiếc Asha 501 là hình thức thiết kế của nó khác hẳn với các máy Asha trước đó, giống một chiếc Lumia cỡ nhỏ. Tấm vỏ của máy ốp kín mặt sau và bốn cạnh xung quanh máy làm cho Asha 501 trông như điện thoại có thiết kế nguyên khối. Tấm vỏ dày dặn, bám tay và ốp sát với thân máy, tạo cảm giác chắc chắn không bị ọp ẹp khi sử dụng.
628974.jpg
Phím Back nằm nổi trên bề mặt kính dễ định vị để bấm
Tấm vỏ cũng là thành phần duy nhất quyết định màu sắc của máy. Phía mặt trước của các máy Asha 501 đều có màu đen và sự khác biệt về màu sắc nằm ở tấm vỏ có tới 6 lựa chọn màu sắc khác nhau: đen, trắng, đỏ, vàng, xanh tươi và xanh lá mạ.
628998.jpg
Máy có hai cổng sạc pin: chân nhỏ của Nokia và microUSB
Máy được thiết kế để sử dụng khá đơn giản. Phía mặt trước chỉ có một phím Trở lại (Back) nằm hơi nổi lên bề mặt kính nên dễ định vị để bấm phím. Các phím nguồn và âm lượng nằm ở phía trên của cạnh phải. Máy có hai cổng để sạc pin gồm cổng sạc nhỏ của Nokia và cổng sạc microUSB có thêm chức năng trao đổi dữ liệu với máy tính. Hai cổng này nằm ở trên đỉnh máy cùng với giắc cắm tai nghe.
629006.jpg
Khe loa ngoài nằm bao quanh nút bấm vào để tháo vỏ mặt sau
Phía mặt sau của Asha 501 có camera 3.15MP và khe loa ngoài. Loa ngoài có âm lượng to và không bị rè khi tăng lên mức cao. Khe loa ngoài bo xung quanh vị trí nút ấn tay vào tháo vỏ mặt sau để lắp SIM và thẻ nhớ. Asha 501 có hai khay SIM đều là loại SIM nhỏ (micro-SIM), trong đó khay SIM 2 nằm ở mép máy cùng với khe cắm thẻ nhớ ngoài microSD nên có thể thay nóng được (không cần tháo pin), còn khay SIM 1 nằm ở phía dưới cục pin. Theo Nokia, Asha 501 là máy giá rẻ đầu tiên của họ dùng hai microSIM.
629126.jpg
Khay SIM 2 và thẻ nhớ microSD thay lắp nóng được, không cần tháo pin và tắt máy
Bộ nhớ trong của điện thoại có dung lượng 128MB nhưng được nhà sản xuất tặng kèm thẻ nhớ ngoài 4GB, đủ dùng với nhu cầu thông thường. Những người dùng dự kiến sẽ sử dụng nhiều dữ liệu hơn trên điện thoại có thể sắm thêm thẻ nhớ microSD dung lượng lớn hơn.
629022.jpg
Tấm vỏ khá dày, bám tay, chắc chắn và là thành phần quyết định màu sắc của Asha 501
Màn hình
Asha 501 có màn hình TFT 3 inch độ phân giải QVGA (240 x 320 pixel) đạt mật độ điểm ảnh 133 PPI, con số thậm chí còn thấp hơn mật độ điểm ảnh của Asha 309 (155 PPI). Đây là màn hình cảm ứng điện dung và hỗ trợ hai điểm chạm. So với các máy Asha cũ như Asha 309 hay Asha 311, chúng tôi thấy màn hình cảm ứng điện dung của Asha 501 hoạt động nhạy hơn khá nhiều.
630028.jpg
Màn hình độ phân giải thấp nên chữ hiển thị không sắc nét
Màu sắc trên màn hình thể hiện khá tươi tắn nhưng kích cỡ màn hình nhỏ và độ phân giải thấp là vấn đề của Asha 501. Khi lướt web, chữ trên trang web hiển thị không sắc nét và nếu để ý thì khi nhìn vào các mép chữ có thể thấy vệt răng cưa. Khi sử dụng dưới ánh nắng trực tiếp ngoài trời nắng, màn hình hiển thị mờ và khó nhìn do độ sáng màn hình thấp.
Camera
Camera của máy có độ phân giải 3.2MP, không có ống kính quang Carl Zeiss, khả năng lấy nét tự động và đèn flash trợ sáng giống như các smartphone hiện nay. Giao diện ứng dụng camera trông rất cơ bản gồm nút chụp, thanh zoom số, nút chuyển đổi giữa chế độ chụp/quay và đường dẫn (shortcut) đến thư viện ảnh. Ngoài ra, ứng dụng camera có thêm chức năng hẹn giờ chụp, chỉnh cân bằng trắng, lựa chọn độ phân giải (3MP, 2MP, 1MP và VGA) và một số hiệu ứng.
629010.jpg
Camera 3.2MP của máy không có đèn flash trợ sáng
Chất lượng ảnh cũng tàm tạm khi chụp ở môi trường sáng tốt (ngoài trời và trong nhà có đèn), độ chi tiết dễ hiểu là không nhiều nhưng màu sắc khá tươi và có thể dùng để đưa lên Facebook nếu nhu cầu chỉ đơn giản là chia sẻ những khoảnh khắc hàng ngày. Tuy vậy, chất lượng video lại rất tệ, mờ và giật do độ phân giải thấp và tốc độ khung hình hạn chế, chỉ có 15 fps.
Dưới đây là một số ảnh chụp và video thực hiện từ Asha 501:
629066.jpg
629070.jpg
629062.jpg
Clip quay từ Asha 501 có chất lượng thấp
Phần mềm
Asha 501 là điện thoại đầu tiên sử dụng phần mềm "Nokia Asha Platform 1.0" vay mượn giao diện điều khiển đơn giản của hệ điều hành Meego OS xuất hiện trên chiếc Nokia N9.
Điểm đầu tiên Asha 501 vay mượn từ chiếc Nokia N9 là thao tác bấm đúp lên màn hình cảm ứng để mở màn hình khóa (và tất nhiên bấm nút nguồn cũng có thể mở màn hình khóa). Màn hình khóa của điện thoại này không hỗ trợ đường dẫn (shortcut) đến bất kỳ ứng dụng nào nhưng hiển thị thông báo cuộc gọi lỡ, tin nhắn đến và lịch công việc.
Ngoài màn hình khóa, toàn bộ giao diện người dùng của máy chỉ có 2 màn hình chủ: menu ứng dụng và màn hình chủ hiển thị các hoạt động gần đây của người dùng được Nokia gọi là Fastlane. Việc di chuyển giữa hai màn hình chủ được thực hiện bằng thao tác vuốt sang trái hoặc phải giống như trên chiếc Nokia N9.
629050.jpg
Giao diện Fastlane hiển thị các hoạt động người dùng sử dụng hàng ngày trên máy
Fastlane gần như là một thanh thông báo mở rộng. Nó hiển thị tất cả hoạt động hàng ngày chúng ta sử dụng trên máy như các ứng dụng được mở, các tin nhắn, cuộc gọi, lịch công việc, tin cập nhật Facebook và thậm chí cả những tấm ảnh chụp từ máy. Nếu bạn mở phần mềm nghe nhạc, trên Fastlane cũng sẽ có một dòng hiển thị tên bài hát bên cạnh là nút play/pause. Những thứ đó được hiển thị theo ngày, rất tiện lợi cho việc theo dõi những gì mình đã làm trên điện thoại và điều thú vị là chúng ta có thể chạm vào để mở ứng dụng tương ứng ngay từ đó.
629042.jpg
Giao diện menu ứng dụng
Menu ứng dụng có giao diện khá giống với các smartphone Android, hiển thị được 16 ứng dụng trên mỗi màn hình nhưng không hỗ trợ thư mục. Chạm và giữ ngón tay một lúc trên màn hình menu ứng dụng sẽ đưa vào chế độ chỉnh sửa cho phép xóa các ứng dụng người dùng cài vào máy (không xóa được các ứng dụng máy tích hợp sẵn). Các ứng dụng đang mở có thể thoát bằng cách bấm vào nút Back hoặc vuốt tay sang trái hoặc sang phải màn hình.
Cũng như điện thoại Android, Asha 501 có thanh thông báo, mở bằng cách vuốt từ trên màn hình xuống. Tại đây, chúng ta có thể điều chỉnh tắt mở Wi-Fi, Bluetooth, mạng dữ liệu 2G và chuyển đổi nhanh sang chế độ im lặng. Nhìn chung, giao diện người dùng của Asha 501 khá đơn giản và không mất nhiều thời gian làm quen để sử dụng.
Về ứng dụng, Asha 501 không thể so sánh được với các nền tảng lớn khác như Windows Phone, Android hay iOS nhưng cũng được Nokia tích hợp một số ứng dung cơ bản. Cụ thể, người dùng Asha 501 có trình duyệt web Xpress (hỗ trợ duyệt theo tab, bookmark), mạng xã hội Facebook, Twitter, email (có thể cài Gmail, Yahoo Mail hoặc Hotmail), ứng dụng chat Zalo, từ điển Lạc Việt, lịch Vạn niên, ghi chú, ghi âm, trình sửa ảnh và một số game của hãng EA, Gameloft.
629038.jpg
Kho ứng dụng của Asha 501
Ngoài ra, máy cũng được cài sẵn kho ứng dụng (Cửa hàng) cho người dùng truy cập vào tải game và các ứng dụng miễn phí hoặc thu phí. Thêm vào đó, Nokia Asha 501 hỗ trợ cập nhật qua mạng (OTA), như vậy có nghĩa điện thoại này có thể tương thích với phiên bản Nokia Asha 2.0 hoặc 3.0 trong tương lai. Tuy vậy, Asha 501 hiện chưa hỗ trợ đồng bộ danh bạ trên Google, nên người dùng phải nhập lại bằng tay mất thời gian.
629034.jpg
Giao diện bàn phím ảo tiếng Việt trên Asha 501
Với việc nhập liệu, Asha 501 có bàn phím ảo tiếng Việt giống với Windows Phone, tức là không hỗ trợ kiểu gõ telex và có thêm các ký tự, các dấu tiếng Việt (ă, â, ê, đ, ư, ơ,….). Do màn hình của máy nhỏ nên bàn phím ảo chiếm phần lớn màn hình, trông khá mất cân đối. Bàn phím ảo này cũng có gợi ý từ để gõ nhanh nhưng nó chỉ gợi ý khi người dùng nhập chữ, không đưa ra gợi ý trước dựa trên khả năng đoán ngữ cảnh giống như bàn phím ảo trên Windows Phone.
Asha 510 hỗ trợ hai SIM hai sóng online đồng thời. Người dùng có thể chọn mặc định gọi đi từ một SIM hoặc không thì máy sẽ hỏi gọi chọn SIM mỗi khi bạn thực hiện cuộc gọi. Chất lượng bắt sóng của máy tốt, ổn định; âm lượng cuộc gọi to và rất rõ.
Hiệu năng hoạt động và thời gian pin
Trên các máy Asha 309 hay 311 ra mắt gần đây, Nokia đều khoe về vi xử lý 1GHz. Thế nhưng trên chiếc Asha 501, Nokia lại phớt lờ chi tiết này, không liệt kê nó trên bảng thông số giới thiệu về máy. Trong khi đó, nền tảng phần mềm Asha lại không có các ứng dụng đọc thông số phần cứng giống như trên Android nên chúng ta không thể xác thực được chi tiết này. Về RAM, Asha 501 sử dụng RAM 128MB giống như các máy Asha gần đây, con số rất thấp nếu so sánh với các smartphone giá rẻ bây giờ đều có RAM 512MB.
Mặc dù cấu hình thấp nhưng Asha 501 lại xử lý khá mượt với các công việc chúng ta thực hiện trên điện thoại hàng ngày như nghe nhạc, gọi điện, nhắn tin, di chuyển giữa các màn hình chủ, mở các ứng dụng chụp ảnh, và chơi các game đơn giản. Riêng việc lướt web thì máy tỏ ra khá chậm.
Nokia cho biết trình duyệt Nokia Xpress tích hợp sẵn trong máy sử dụng công nghệ nén dữ liệu giảm tới 90% dung lượng để tăng tốc độ lướt web và bớt đi chi phí lưu lượng nếu như bạn kết nối mạng bằng 2G. Nhưng trong thực tế, thời gian mở trang web của máy khá lâu. Thử nghiệm trên một số mạng Wi-Fi, máy thường mất khoảng 7-15 giây để mở các trang VnReview.vn, Vnexpress.net và Dân trí, chậm hơn một chút so với các smartphone Android giá rẻ hiện nay thường chỉ mất 4-5 giây. Ngoài ra, có một số trang web trình duyệt Nokia Xpress không tự nhận diện được giao diện di động mà hiển thị giao diện web (dành cho máy tính). Bên cạnh đó, máy còn thiếu kết nối 3G để truy cập web tốc độ nhanh thuận tiện vào mọi lúc mọi nơi. Những vấn đề đó kết hợp với màn hình nhỏ độ phân giải thấp khiến cho Asha 501 không phải là thiết bị dành cho nhu cầu lướt web.
Về thời gian pin, Asha 501 có viên pin dung lượng 1200 mAh mà theo nhà sản xuất có thể đàm thoại 17 tiếng và 23 ngày ở chế độ chờ trong một lần sạc. Trong thực tế, chúng tôi dùng máy chủ yếu để gọi điện khoảng 7-8 cuộc mỗi ngày, thỉnh thoảng chơi game và chụp một số tấm ảnh, máy sử dụng được 3-4 ngày mới phải sạc. So với các smartphone, đây là con số mơ ước. Tuy vậy, kết quả này cũng không có gì ngạc nhiên bởi cấu hình của máy yếu và màn hình nhỏ, độ phân giải thấp nên không hao pin nhiều.
Kết luận
629046.jpg
Asha 501 là điện thoại có màu sắc trẻ trung, chất lượng lắp ráp tốt, phần mềm trực quan và dễ sử dụng, hỗ trợ 2 SIM. Cấu hình của máy không cao nhưng hoạt động khá mượt với hầu hết công việc trên điện thoại và có thời gian pin rất ấn tượng. Mức giá 2 triệu đồng của máy cũng khá hợp lý khi so sánh với thế hệ Asha cũ. Tuy vậy, máy có điểm hạn chế là thiếu kết nối 3G, chỉ có Wi-Fi và độ phân giải của màn hình thấp.
Nhìn chung, Asha 501 thích hợp với những người dùng là học sinh và sinh viên có nhu cầu mua điện thoại hình thức đẹp, trẻ trung để gọi điện, nhắn tin và thỉnh thoảng lướt web trên Wi-Fi. Nó không phải là lựa chọn phù hợp nếu nhu cầu của bạn là dùng để lướt web và cập nhật Facebook. Những người thích lướt web và Facebook trên điện thoại nên bỏ thêm một chút tiền nữa cho những smartphone Android giá rẻ khoảng trên 2 triệu đồng của Lenovo, ZTE. Nhưng cũng lưu ý là các smartphone Android giá rẻ có pin chỉ dùng đủ trong một ngày và chất lượng lắp ráp không tốt bằng Asha 501.
Thanh Phong
Nguồn: vnreview.vn
 

Xem nhiều nhất

Back
Bên trên