Facebook Và Zalo Bạn Lựa Chọn Ai

vomeo

Thành viên mới
Facebook với Zalo có thể coi là hai mạng xã hội lớn nhất Việt Nam hiện nay và hai ứng dụng nhắn tin trò chuyện của nó là Messenger và Zalo đều có lượt tải về siêu khủng. Hãy cùng đặt lên bàn cân so sánh bộ đôi ứng dụng OTT đang "làm mưa làm gió" này.

Hiện Facebook Messenger đã có hơn 1 tỷ lượt download còn Zalo đã đạt hơn 10 triệu lượt tải về trên Google Play Store. Đó là còn chưa tính đến nền tảng iOS và Windows Phone.
sosanhnen.jpg
Thiết bị đánh giá: SONY XPERIA SP
xsp-1.jpg
1. Dung lượng
Cả hai ứng dụng đều được tải về trên chợ ứng dụng Google Play Store. Qua kiểm tra tổng dung lượng tải về của Zalo là 40MB và của Facebook Messenger là 80MB (dung lượng này có thể khác nhau tùy thuộc vào thiết bị bạn đang sử dụng). Hiện nay các thiết bị trung, cao cấp với dung lượng bộ nhớ trong lớn (hầu hết đều từ 8GB trở lên) thì kích cỡ ứng dụng hoàn toàn không phải là vấn đề đáng quan tâm. Tuy nhiên với những thiết bị giá rẻ hay những thiết bị cũ với bộ nhớ thấp thì vấn đề này rất đáng kể. Một cỗ máy với chỉ khoảng tầm 500MB bộ nhớ trong (sau khi trừ dung lượng sử dụng cho hệ điều hành) thì 80MB của Messenger sẽ là sự chiếm dụng khá lớn. Như vậy Zalo đã làm tốt hơn đối thủ khi tối ưu kích thước ứng dụng, đáp ứng tốt hơn cho những thiết bị cấu hình thấp, giá rẻ.
sosanh0.jpg
2. Giao diện
Giao diện hội thoại của hai ứng dụng này khá giống nhau với màu chủ đạo của Zalo là Xanh-Trắng (Blue-White) trong khi Facebook Messenger là Trắng-Xanh (White-Blue). Trông khá là giống nhau nhưng thực ra là khác nhau. Đùa đấy. Bạn có thấy sự tương đồng gần như hoàn toàn ở màu Xanh của hai ứng dụng này không? và sự sắp đặt những biểu tượng với các tính năng nữa. Có khi nào Facebook và Zalo gặp nhau ý tưởng thiết kế giống như Lenovo và Google chia sẻ với nhau chữ E?
sosanh1.jpg
Về khung chat cũng vậy, ở cả hai ứng dụng này có khá nhiều điểm tương đồng. Chẳng biết ứng dụng này ăn cắp style của ứng dụng kia hay ứng dụng kia đạo nhái ứng dụng này, bởi hầu hết các phần mềm OTT hiện nay đều chia sẻ vẻ bề ngoài tương tự nhau, có chăng chỉ khác ở màu sắc và các tiểu tiết. Tuy vậy, Facebook Messenger lại thể hiện mình một cách nổi bật hơn với Chat Heads. Đây là biểu tượng tròn giúp bạn có thể vừa sử dụng ứng dụng khác vừa trả lời tin nhắn, rất tiện lợi phải không nào?.
chatheads.jpg
3. Tốc độ
Hội thoại, những cuộc trò chuyện có thể nói là trọng tâm của ứng dụng OTT, bất kể dưới hình thức nào. Trước là dạng chữ, thông điệp qua lại và giờ là ghi âm, cuộc gọi trực tuyến hay gọi video.
Với tính năng nhắn tin, khi sử dụng wifi, hai ứng dụng đều có độ trễ khá thấp, một phần là do tối ưu hóa từ nhà phát triển, một phần cũng do tốc độ mạng sử dụng để đánh giá là khá nhanh. Tuy nhiên khi sử dụng 3G thì Zalo tỏ ra nhanh hơn rõ rệt so với đối thủ. Thỉnh thoảng Messenger bị "lag" và bạn phải mất vài giây đến vài chục giây để có thể nhận được tin nhắn. Điều này có thể là do trục trặc ở máy chủ khiến nó "chết bất đắc kì tử" tận 2 lần trong thời gian gần đây. Một phần do lượng người sử dụng quá lớn.
sosanh2.jpg
Với tính năng gọi điện trực tuyến, cả hai đều thể hiện khá tốt khi truyền tải âm thanh rõ ràng và ít bị ngắt, nhiễu hay mất tiếng. Có thể đánh giá ở tính năng này bộ đôi đều ngang sức ngang tài.
sosanh3.jpg
Nhưng, Facebook lại có vũ khí bí mật khác. Đó chính là tính năng gọi điện video (video call) vừa ra mắt tại Việt Nam. Tính năng này khá tốt, độ trễ thấp, chỉ thỉnh thoảng bị giật, đứng hình nhưng không thường xuyên (Lưu ý tính năng này bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tốc độ mạng, mạng càng chậm tình trạng lag, giật hình xảy ra càng thường xuyên). Đây là tính năng mà Zalo hiện chưa có, hy vọng tương lai nó sẽ được tích hợp tính năng khá hữu ích này để cạnh tranh với các đối thủ.
4. Các tính năng khác
Trong khi Facebook đang cố gắng tách riêng Messenger thành một nền tảng với hệ sinh thái riêng của nó thì Zalo lại cố gắng xây dựng một ứng dụng vừa có chức năng nhắn tin, gọi điện, vừa là một mạng xã hội. Ngoài chat chit, Zalo còn có một "bức tường" cho bạn ghi status, đăng ảnh... lên giống như News Feed của Facebook.
zalomangxahoi.jpg
Cả hai ứng dụng đều có tính năng chat nhóm, có thể giữa nhóm đồng nghiệp, nhóm bạn thân hay gia đình. Về cơ bản tính năng này là giống nhau nhưng Zalo đã nâng lên tầm cao mới với phòng trò chuyện. Phòng trò chuyện như là một nhóm chat lớn, ở đây bạn có thể chuyện trò cùng vô số người mà hầu hết là chưa quen biết. Phòng chat được chia làm nhiều khu vực, có thể phân theo vùng miền, hoặc sở thích, phong cách sống, xu hướng...
Một tính năng thú vị nữa ở Zalo mà Messenger không có là "Tìm quanh đây". Đây là tính năng thể hiện rõ nhất mục tiêu trở thành một mạng xã hội trong ứng dụng OTT khi bạn có thể kết bạn, trò chuyện với bất cứ ai sử dụng Zalo và tìm kiếm trong bán kính từ vài mét, vài chục mét tới vài trăm mét quanh mình.
Tất nhiên khi nhắc tới ứng dụng OTT không thể không nhắc tới biểu tượng cảm xúc (emoticon). Chúng được coi như là gia vị cho cuộc nói chuyện thêm "đậm đà". Với Zalo, một ứng dụng thuần Việt và phục vụ chủ yếu người Việt, emoticon có phần Á đông, gần gũi hơn với người Việt. Chúng cũng liên tục được cập nhật với những hình ảnh quen thuộc với giới trẻ. Với Messenger, vì là ứng dụng toàn cầu, phục vụ đại chúng, với nhiều quốc gia, nhiều dân tộc và nhiều nền văn hóa, hệ thống biểu tượng cảm xúc cũng chung hơn, toàn cầu và phổ biến hơn như mèo Pusheen, Minions, Tzuki...
sosanh4.jpg
ĐÔI LỜI BÌNH LUẬN
Chẳng thể nói được "mèo nào cắn mỉu nào" khi mà mỗi ứng dụng đều có điểm mạnh riêng của nó. Người ta dùng Zalo hay Messenger chẳng bởi vì nó mạnh hơn, nhiều tính năng hơn mà vì họ thích như vậy, họ quen như vậy hay vì bạn bè họ dùng ứng dụng đó nhiều. Đến với Zalo là đến với mạng xã hội trong một ứng dụng chat, là sự gần gũi và là thể hiện cho việc ủng hộ hàng Việt. Đến với Messenger là sự thuận tiện khi kết nối với Facebook, kết nối với hàng trăm, hàng ngàn người bạn có trong Friend list và có thể trò chuyện với họ ngay cả khi không ở trên máy tính. Mạnh yếu, đa dạng, nhiều tính năng chẳng còn quan trọng khi mọi thứ đã trở thành thói quen.
 
Back
Bên trên