Bàn phím Noppoo Choc Mini 84 WHITE brown switches

titmit

Moderator
Thành viên BQT
DSCN4443.jpg

Mục lục
1. Giới thiệu
2. Chất lượng sản phẩm
3. Keycaps
4. Tính công thái học
a. Thiết kế
b. Switch & Cảm giác gõ phím
c. Âm thanh
5. Tính năng ứng dụng
a. Xử lý văn bản
b. Gaming
c. Điều khiển hệ thống
6. Kết luận
Nội dung review
1. Giới thiệu
Tham gia diễn đàn cũng đã lâu, song đến giờ này mình mới viết bài review đầu tiên cũng vì chưa có cái gì ưng ý để viết review cho các bạn. Đến nay thì may quá điều đó đã chấm dứt. Và các bạn đang đọc bài review thứ đã đem lại cảm hứng nhiều như thế cho mình.
2. Chất lượng sản phẩm
a. Đóng gói sản phẩm
Bàn phím được đóng gói không có gì đặc biệt. Bao gồm một hộp giấy đen bên ngoài, tiếp tục một hộp giấy cạc tông bên trong. Sau cùng là bàn phím được đựng trong 1 cái bị bong bóng (chẳng biết gọi như vậy có đúng không). Đi kèm là 1 phiếu bảo hành có mã số trùng với số series bên dưới bàn phím. Một cách đóng gói đơn giản và đảm bảo.
ONJ3Bl.jpg

Hộp giấy bên ngoài
DSCN4183.jpg

Bàn phím và phiếu bảo hành
b. Kết cấu bàn phím
i. Chân đế

Gồm hai miếng nhựa có thể đóng mở theo hình thức gập ra vào. Cảm giác mở các miến chân đế rất nhẹ, song khi đóng vào lại rất chắc chắn, và không hề bị rơi ra khi rung lắc bàn phím.

ii. Miến đệm

Bàn phím được trang bị bốn miếng đệm cao su. Không quá to nhưng đủ để giữ bàn phím không xê dịch khi ta soạn thảo văn bản hay chơi game. Khi cố tình tác động lực mạnh vào hai bên hông thì bàn phím xê dịch khoản độ 1-2 cm, một khoản cách không đáng kể.
DSCN4370.jpg

iii. Khung nhựa

Noppoo choc mini white được trang bị khung nhựa màu trắng với kết cấu vân bề mặt khá đẹp, không trắng bóng mà có một độ xù xì nhất định và cảm nhận sang trọng khi nhìn kỹ. Cấu tạo vỏ như thế này giúp giảm tối đa khả năng bị trầy xướt so với bề mặt bóng trơn.
DSCN4399.jpg

Cận cảnh khung nhựa của bàn phím.
Vỏ của bàn phím Noppoo choc mini bao gồm hai lớp khung lồng vào nhau. Ưu điểm của việc này là đem lại khả năng tháo lắp rất dễ dàng khi có nhu cầu sửa chửa hoặc lau chùi bàn phím. Nhược điểm của nó là khi chúng ta cố tình bóp mạnh vào hai bên cạnh (đặc biệt là theo chiều dài) thì có cảm giác hơi ọp ẹp, song mình không nghĩ ai đó đủ sức bóp nó nứt hẳn ra.

iv. Cáp USB:

Sợi cáp USB rất dài (có lẽ tầm 3m), rất tiện cho việc bố trí bàn phím vào hệ thống máy tính. Cộng cáp thiết kế khá chắc chắn với màu trắng sáng, đầu USB được mạ màu vàng (vâng, màu vàng chứ không phải là mạ vàng).
DSCN4400.jpg

v. Bo mạch

Mình không phải là dân chuyên về điện tử, song có thể có một vài đánh giá cơ bản như sau:
Bo mạch của Noppoo choc mini được in rõ ràng, trên nền dày, các mối hàng kỹ lưỡng. Đầu nối USB có thể tách rời dễ dàng, điều này vô cùng thuận lợi nếu như chúng ta có ý định mode cho phép tháo rời cáp USB cho 1 bàn phím Noppoo (như tính năng của HHKB hoặc Poker).
a36bc8ea.jpg

Hình lấy từ trên mạng của bàn phím noppoo choc mini version 2.
Một điểm nổi bật của bàn phím noppoo choc mini đó là thiết kế có sử dụng Metal Plate Mount: Các switches không hàn trực tiếp vào bo mạch mà được hàn gián tiếp vào 1 miếng kim loại phía bên trên board mạch. Điều này đem đến các lợi ích sau:
• Tăng độ bền, giúp giảm thiểu bụi bẩn bám vào board mạch, hạn chế sự tiếp xúc với không khí ẩm bên ngoài để tối thiểu khả năng hoen rỉ.
• Tăng tính thẩm mỹ: Theo quan điểm cá nhân mình việc không làm board mạch lộ hẳn ra sau lớp keycaps khiến cho bàn phím đẹp hơn, và đây là một trong những điều khiến mình lựa chọn Noppoo Choc Mini white thay vì một số loại bàn phím thiết kế bo mạch lộ thiên như Poker
39d52b8d.jpg

Metal Plate Mount của noppoo choc mini. (Lớp thứ 2 từ dưới lên)
c. Trọng lượng bàn phím
Có thể nói, trọng lượng bàn phím là một nhân tố quan trọng để đánh giá chất lượng của nó. Một thiếu sót của mình là trong nhà không có chiếc cân nào, nên đành mượn tạm các thông số có sẵn trên mạng để đem lại cho các bạn thông tin về sản phẩm.
• Một bàn phím Noppoo choc mini black có cân nặng 1 lb 98 oz (0.73kg).

x.jpg

•So sánh với một bàn phím Ducky 1087, có độ nặng là 1 lb 12.6 oz (0.81kg).
y.jpg

• Và một bàn phím Noppoo choc mini white có độ nặng là 2lb 0.14 oz (0.97 kg).

Như vậy bàn phím Noppoo choc mini white nặng hơn noppoo choc mini black và nặng hơn cả Ducky 1087 (lưu ý rằng Ducky 1087 là bàn phím TKL chứ không phải compact size, và nó dài hơn choc mini 38 mm). Theo biểu đồ thống kê, có thể nói rằng trọng lượng của choc mini white gần bằng bàn phím Filco, Das (những bàn phím vốn được người dùng đánh giá cao về chất lượng build chuẩn của mình).
Keyboard_Weight.jpg

Có thể nói trọng lượng của Noppoo Choc Mini White chính là sự thể hiện cho tất cả các ưu điểm đã liệt kê cho đến nay (đặc biệt là chất lượng board mạch, chất liệu khung vỏ và plat mount). Song một điểm mấu chốt khiến tăng trọng lượng của bàn phím chính là Keycaps trắng chất lượng cao.
3. Keycaps
Bây giờ điều thú vị mới tới. Keycap của Noppoo Choc Mini White được làm hoàn toàn bằng chất liệu PBT. Đây là loại chất liệu đem lại cảm giác tiếp xúc thích thú nhất trong thực tế và có độ bền cao. Một bộ keycaps PBT bình thường có giá gấp đôi hoặc gấp 3 so với một bộ keycaps cùng số lượng với chất liệu ABS, và hiện tại chỉ thường xuất hiện trong các bàn phím cao cấp như RealForce, HHKB, hay bản đặc biệt của một số hãng mech key danh tiếng khác như Poker, Filco (với cái giá cao hơn đáng kể so với bản phổ thông).
Song liệu keycap PBT của choc mini white có đạt đến phẩm chất như mong đợi hay không ? Sau đây là đánh giá chi tiết:
a. Độ dày
Có thể nói rằng, đây là những keycap dày nhất mà mình từng tiếp xúc. Theo các diễn đàn nước ngoài, độ dày keycap của choc mini white trong thời điểm hiện tại có độ dày vào hàng nhất nhì hiện tại, và ngang bằng với một số mẫu bàn phím cũ mà Cherry đã ngưng sản xuất. Đây chính là một trong các nguyên nhân khiến trọng lượng (và kèm theo là chất lượng) của Noppoo Choc Mini White tăng đáng kể so với Noppoo Choc Mini Black.
Một số hình ảnh khác nhau về độ dày keycap
DSCN4275.jpg

DSCN4281.jpg
So sánh độ dày của keycaps trên các phiên bản choc mini (từ trái sang: choc mini black POM ver.1, ver.2, choc mini white ver.2)
backside.jpg
Hình ảnh so sánh với Keycap Skull Vengeance (PBT không rẻ :p)
DSCN4414.jpg
DSCN4413.jpg
b. Cảm giác tiếp xúc
Nhìn xa các phím choc mini đem lại cảm nhạn như có 1 lớp nhung mịn trên bề mặt, khiến khi nhìn bằng mắt thường trong điều kiện ánh sáng đèn chúng ta có cảm giác các phím không trắng sáng mà có màu trắng ngà như các tượng thạch cao. Song khi quan sát thật gần, chúng ta thấy bề mặt phím không trơn bóng mà có một bề mặt hơi xù xì, với các vân mịn. Vân bề mặt này đem lại ưu điểm là cho các đầu ngón tay cảm giác êm ái và đầm khi tiếp xúc (độ ma sát cao), rất phù hợp cho ai có đầu ngón tay nhạy cảm hoặc hay ra mồ hôi. Nhược điểm của nó đó là dễ bám bẩn và bám bụi hơn bề mặt trơn láng.
Hình ảnh bề mặt keycap của Noppoo Choc Mini White dưới các điều kiện ánh sáng khác nhau
DSCN4267.jpg
DSCN4261.jpg
So sánh vân bề mặt của keycaps trên các phiên bản choc mini (từ trái sang: choc mini black POM ver.1, ver.2, choc mini white ver.2)
sideview.jpg
Có thể thấy rằng vân bề mặt của keycaps màu trắng cho cảm giác sạch sẽ, sang trọng hơn là bề mặt trên keycaps POM của choc mini black.
c. Chất lượng in ký tự
Chất lượng in ký tự trên các bàn phím Noppoo Choc Mini phiên bản 2 nói chung đã có sự cải thiện rõ ràng so với phiên bản đầu tiên. Các phím được in bằng công nghệ Laser, đem lại độ bền cao hơn so với kiểu in phun thông thường. Trên phiên bản 2 các phím có độ đậm đều nhau (không còn hiện tượng đậm nhạt như trên phiên bản màu đen cũ).
Khác với mẫu bàn phím đen với chữ in ngã màu nâu nhũ vàng, mẫu choc trắng được khắc laser có màu xám trung bình trên các ký tự chủ đạo. Cá nhân mình cảm thấy thích màu sắc xám trên nền trắng này, cho một cảm giác rất dịu với mắt. Một điểm đặc biệt là nó làm cho chữ Noppoo trên cụm phím Spacebar “ít nổi trội hơn” là màu trắng trên nền đen (nghe đồn từ điều này mà hãng Noppoo có thể xây được một biệt thự không nhỏ từ gạch đá của anh em khắp nơi trên thế giới gửi về cho hãng).
DSCN4294.jpg
Phần in còn lại trên các cụm phím số và phím chức năng không có gì khác biệt:
• Màu xanh biển trên cụm phím số được thể hiện rất đều và dịu mắt.
DSCN4292.jpg
Để ý rằng trên phiên bản 2, các bàn phím noppoo choc mini đã thêm vào cụm phím số phím “/”, điểm dễ nhận biết nhất để phân biệt hai phiên bản. Một chi tiết nhỏ song lại là là điểm bổ sung kịp thời cho các tín đồ của cụm phím số.
• Màu đỏ trên cụm phím Multimedia, các cụm phím xử lý văn bản, FN có độ đậm và ít cho cảm giác hồng hơn trên bản Noppoo choc mini đen.
DSCN4293.jpg
• Cụm phím lock và phần thể hiện cho khả năng chuyển đổi chức năng phần cứng (một chức năng khá hay của Noppoo) được in với màu xanh lá, hơi đậm so với màu xanh biển nhưng rất rõ nét.
DSCN4206.jpg
d. LED
Trên bàn phím Noppoo, chỉ có Caplock và cụm phím Lock là có leds. Các bóng leds được gắn trực tiếp vào sw. Đèn leds trên bàn phím có độ sáng vừa phải, vừa đủ để không hắt vào mắt khi không nhìn bàn phím, không quá chói khi nhìn nghiên, song nó thật sự chói khi nhìn trực diện. Điều này có nghĩa là nếu như ngồi ở vị trí gõ phím bình thường, ánh sáng phát ra từ bàn phím là hoàn toàn phù hợp cho người sử dụng (kể cả trong môi trường tối).
4. Tính công thái học (Ergonomics)
a. Thiết kế
Có thể nói thiết kế chính là yếu tố then chốt và quan trọng nhất trong việc đẹp lại tính công thái học cho một sản phẩm nói chung và sản phẩm bàn phím nói riêng, hay nói cách khác đó là khả năng đem lại sự thoải mái tối đa cho người sử dụng, đặc biệt là các đối tượng người dùng có cường độ thao tác cao với sản phẩm đó trong thời gian dài.
Nhân tố đầu tiên phải kể đến trong thiết kế của bàn phím Noppoo choc mini đó chính là kích thước nhỏ gọn bàn phím. Một bàn phím với kích thước thu gọn như choc mini sẽ cho phép chúng ta có thể giữ được chuột ở gần cơ thể đến mức tối đa, hơn bàn phím chuẩn và hơn cả các bàn phím TKL (đã rút gọn cụm phím số). Chính điều này đem lại khả năng giảm tối thiểu độ dài trong hành trình cảu các cử động của cánh tay trong quá trình làm việc, qua đó giúp giảm bớt sự mệt mỏi cho các nhóm cơ vùng vai gáy.
DSCN4438.jpg
Kết quả tất yếu của việc giảm kích thước chính là phải thiết kế lại layout bàn phím. Cụ thể layout trên bàn phím Noppoo choc mini bao gồm các thay đổi chính như sau
• Thiết kế theo chiều dọc và giữ đầy đủ cụm phím F và phím số (rất cần thiết nếu như bạn cần làm việc với các trình biên dịch, hay chơi các game MMOs v.v…)
• Giữ lại tách bạch cụm phím mũi tên (cụm phím mà mình rất thường hay sử dụng)
• Thay thế phím windows phải (một phím hầu như chẳng ai xài) bằng phím Fn.
• Bàn phím giữ lại phím spacebar có kích thước gần bằng spacebar tiêu chuẩn, các phím shift và crt phải ngắn hơn so với bình thường.
• Layout hơi thiên về phía trái, làm cho enter có cảm giác khá xa khiến cho chúng ta phải mất thêm một thời gian để làm quen.
• Việc đẩy layout về phía trái là dành chỗ cho cụm phím chức năng như PgUp, PgDn v.v… Song ở đây lại tồn tại một điểm có thể khiến những ai gõ văn bản nhiều không hài lòng đó là việc các phím Home, End được tích hợp ngay trên dãy phím chức năng này và chỉ được kích hoạt thông qua tổ hợp phím với Fn. Tuy nhiên, đối với đại đa số người dùng khác, các phím PgUp, PgDn, Del được sử dụng với tầng suất cao hơn (cho duyệt web, files, v.v…)
Mỗi người dùng có thói quen cũng như nhu cầu sử dụng bàn phím khác nhau, do đó không tồn tại loại layout tối ưu cho tất cả mọi người. Bản thân mình sử dụng bàn phím chủ yếu cho công việc viết lách (viết code, viết nghiên cứu, trao đổi qua chatting v.v…). Với nhu cầu đó, cộng với thói quen sử dụng phím mũi tên, có thể nói layout của bàn phím choc mini là hoàn toàn phù hợp.
upload02.jpg
b. Tính năng phím đáng chú ý
i. Nkey Rollover
Một trong những tính năng độc đáo phải kể đến đầu tiên đó là việc các bàn phím Noppoo Choc Mini chính là những bàn phím đầu tiên hỗ trợ đầy đủ nkey rollover thông qua giao tiếp USB. Mình đã test thử và chức năng này hoạt động hoàn hảo trên nền Windows (với plug-and-play; không cần cài đặt thêm bất kỳ driver nào- có lẽ vì thế mà nhà sản xuất cũng không cần đóng gói CD-Driver đi kèm cho đỡ tốn kém).
Đây chính là tính năng mà nhiều game thủ hoặc các cao thủ gõ phím (nói thế thôi chứ mình cũng chưa thấy ai gõ nhanh đến mức này) đánh giá cao ở bàn phím này.
Theo như mình được biết thì tính năng này cũng hoạt động tốt trên hđh Linux, song chưa tương thích với Mac OS.
ii. Fn Keys
1. Windows Lock

Được tích hợp ngay trên phím E, một tính năng hướng đến game thủ. Bạn hoàn toàn có thể khóa phím Windows trái trong khi chơi game để tránh tình trạng văng game khi lỡ tay nhấn nhầm phím.

2. Multimedia controls
Bao gồm các chức năng Forward, Back, Mute, Volume+, Volume- được tích hợp trên các phím A, D, Q, W, S. Cụm phím này rất có ích cho những ai có thói quen nghe nhạc, xem phim trong khi làm việc (như mình ) để có thể điều khiển các nội dung này khi quyền control đang nằm trong ứng dụng khác. Và bàn phím cũng thể hiện chức năng này một cách ổn định trên các ứng dụng như WMP, K-Lite Media player, Footbar v.v…
Điều đáng tiếc đó là sự thiếu hụt các chức năng Play, Stop, Pause mặc định. Mong rằng sẽ được bổ sung trong phiên bản kế tiếp. Song đối với dân geek thì chúng ta hoàn toàn có thể thêm tính năng này bằng các trình Autohotkey hoặc các chương trình thay đổi chức năng phím khi mà đã có phím Fn nằm ở đó.

iii. Switch Lock
Một tính năng đặc biệt.
Khi bạn nhấn phím Switch Lock ở góc trên cùng bên phải, một bóng đèn LED sáng lên báo hiệu chức năng được kích hoạt. Lúc này điều kỳ diệu xảy ra: Hai phím Caplock và Ctrl Right đổi chức năng cho nhau.
DSCN4206.jpg
Vậy thì nó có gì đặt biệt?
Vâng. Câu trả lời ở vị trí CapLock. Theo mình, đây là một trong các phím ít được sử dụng nhất trên một bàn phím và tai hại hơn là phím thường bị bấm nhầm nhất. Chắc không ít bạn trong diễn đàn đã vô tình chạm caplock trong khi gõ và rất bực dọc để sửa lại. Và rõ ràng nhất, là ở một số bàn phím dạng tối ưu hóa như HHKB, phím caplock này đã hoàn toàn bị bỏ đi.
Trên thực tế việc tráo đổi Cap với RCtrl đem lại nhiều lợi ích hơn thế nữa: Nó đem lại sự thoải mái hơn trong gõ văn bản nói chung và khi chơi game khi mà ngón út trái không phải di chuyển quá xa (nhiều khi làm lệch bàn tay trái ra khỏi vị trí tiêu chuẩn) thông qua việc phím “Ctrl” bây giờ đã rất gần cụm QWER ASDF.

c. Switch & Cảm giác gõ phím
Phiên bản Noppoo choc mini white của mình sử dụng loại cherry switch nâu (có phản hồi lực, không phát tiếng tách).
3acd6cc5_vbattach197803.gif

Chi tiết kỹ thuật của switch nâu:
• Type: Tactile Switch
• Link: Datasheet
• Tactile: Yes
• Clicky: No
• Actuation Force: 45g (55g Peak Force) (Force Diagram)
• Key Travel: 2mm to actuation, 4mm to bottom

f63f362e_cde2fb0a2dd06fefcc47ce1ed987f6a8.jpeg

Một điều thú vị có thể nhận thấy đó là các brown sw có đặc tính kỹ thuật cơ bản rất giống với Topre sw .
Khi gõ phím từ từ có thể cảm nhận rõ ràng gợn sóng trong quá trình nhấn phím. Gõ với tốc độ cao hơn trong thời gian dài cảm giác đó không còn rõ ràng như vậy, nhưng vẫn cảm nhận được độ rung nhẹ trên từng đầu ngón tay và cảm giác êm ái khi gõ. Brown Switch được cho là loại sw trung hòa giữa Typing và Gaming:
• Typing: Có phản hồi nhẹ để nhận biết phím đã được kích hoạt hoặc được thả ra, lực gõ khá nhẹ giúp chúng ta có thể gõ phím trong thời gian dài mà ít bị mỏi ở các đầu ngón tay (1 trong các lợi điểm công thái học). Phù hợp cho người dùng gõ văn bản (song dĩ nhiên không rõ ràng như blue) và game thủ RTS v.v…
• Gaming: Phím nhẹ và điểm reset point và điểm nhận phím (operation point) khá gần nhau giúp cho phép chúng ta có thể gõ nhấp (double tap) nhanh hơn (rất phù hợp cho các game thủ FPS hoặc MMO).

Với các đặt điểm đó, sw nâu là loại sw phù hợp nhất và an toàn nhất cho các bạn lần đầu tiên bước vào thế giới Mech Key. Nó được ví như thuốc lá, nhẹ và khó gây nghiện. Song đã quen rồi thì khó bỏ.
Sau 5 năm gõ trên Mitsumi huyền thoại, hơn 4 năm gõ phím laptop (từ chick-let của Sony Vaio sang tiêu chuẩn của Dell Latitude E6400), việc chuyển sang mech key không cần nói cũng mang cảm giác khác biệt.
Cảm xúc đầu tiên khi chạm vào bàn phím đó là: Êm ái. Không khựng lại như bàn phím laptop, cũng không nhẹ hẫn như bàn phím thông thường, mà là một cảm giác lún dần dần, có khấc phản hồi cho đến khi phím chạm đáy.
Sở dĩ trên Noppoo choc mini khi gõ phím lại có cảm giác nhẹ hơn so với bàn phím cùng SW nằm ở đặc điểm keycaps PBT dày: Keycaps dày với trọng lượng cao hơn khiến cho cho lực nhấn phím cần thiết giảm đi, đồng thời độ rung lắc khi gõ phím cũng giảm đi đáng kể, cộng với bề mặt có độ bám khiến cho việc gõ trên Noppoo Choc Mini white có cảm giác ổn định.
Các đặc trưng đó còn đem đến một ưu thế rất lớn nếu như bàn phím của chúng ta là phiên bản switch có tactile (có nghĩa là hành trình phím không tuyến tính, gõ có cảm giác gợn và cho phép ta nhận biết tốt hơn việc phím đã được kích hoạt), cụ thể hơn là nó giúp ta cảm nhận được rõ điểm phản hồi đó hơn. Điều này cũng dễ hiểu khi mà các lực thừa cũng như rung lắc trong quá trình gõ bị loại trừ thì lực phản hồi sẽ được thể hiện trung thực nhất.
d. Âm thanh
Như đã nói, bản sw nâu không gây tiếng click rõ như sw xanh. Song không phải là hoàn toàn im lặng. Điểm tiếp xúc đầu tiên với phím sẽ tạo ra tiếng tách nhỏ, nhấn phím hầu như không gây ra tiếng động gì cho đến khi chạm đáy, phát ra một tiếng cộp nhẹ, tiếng động này bộp rõ ràng hơn khi gõ phím Spacebar (to rõ hơn hẳng các phím còn lại, cảm giác như âm phát ra từ loa bass trong dàn loa 5.1). Âm thanh này lặp lại thanh hơn trong quá trình phím nổi lên tự do.
Nói một cách hình tượng: Gõ chậm âm thanh phát ra như ngựa đi nước kiệu trên bề mặt cỏ. Gõ nhanh thì như đoàn quân ra trân. Ầm ầm, vang vang.
Do nhà mình gần ngay khu mua sắm nên ban ngày tiếng gõ phát ra hầu như không ảnh hưởng mấy. Song nếu gõ vào ban đêm yên tĩnh thì tiếng động rất rõ. Trong khung cảnh tập trung cao và tĩnh lặng thì nếu như bàn phím phát ra tiếng động quá to và đanh sẽ gây rất nhiều khó chịu. Với đặc điểm đó, có thể nói mức âm của bàn phím này với brown switches là phù hợp với mình. Hơn thế nữa, nó giúp cho mình có thể sử dụng bàn phím trong mọi hoàn cảnh một cách “lịch sự”: Với mức âm vừa phải, bàn phím brown sw có thể được xài ở phòng riêng hoặc nơi công sở mà hầu như không gây bất kỳ sự chú ý nào. Khác với blue sw, với tiếng đanh của nó, hầu như sẽ làm mọi đồng nghiệp xung quanh hoặc người chung phòng rất khó chịu (nhất là trong môi trường tĩnh lặng của phòng điều hòa hay đêm tối).
5. Tính năng ứng dụng
a. Xử lý văn bản
Cũng như đã trình bày ở phần trên, điểm khó làm quen duy nhất trong xử lý văn bản (coding, word processing) đó là việc bạn phải nhấn thêm Fn để sử dụng chức năng phím Home và End. Điều này càng gia tăng nếu như cần sử dụng thêm cả tổ hợp phím Shift. Có điều hạn chế này sẽ được khắc phục theo thời gian sử dụng, và dĩ nhiên có thể cấu hình qua phần mềm nếu như bạn thích.
Kích thước nhỏ mang lại tác dụng to lớn. Nó cho phép mình có thể giữ vai vuông góc với xương cẳng tay và xương cánh tay giúp vai thư giãn trong quá trình gõ phím. Ngoài ra, có thể nói với độ nhẹ, độ phản hồi lực và cảm giác typing êm ái trên một bàn phím PBT khiến cho bạn có thể soạn thảo hoặc coding hàng giờ liền mà hầu như không cảm thấy mệt mỏi hay căng cứng hay cánh tay.
Trong khoản thời gian hơn 2 tuần làm việc với bàn phím Noppoo, có thể nói rằng mình rất hài lòng về sự hỗ trợ của nó cho công việc hiện tại.
b. Gaming

Thiết kế nhỏ cho phép giữ hai tay vuông góc cũng giúp tạo ra tư thế phù hợp nếu tay bạn cần đặt trên cụm phím WASD (fps) hoặc QWER (dota, HON, dota 2). Bên cạnh đó, tay phải cũng ở một vị trí thư giãn, và nếu như bạn sử dụng một chú chuột có DPI cao, thì hầu như cánh tay không phải di chuyển nhiều, giảm “độ trễ” trong thao tác. Đồng nghĩa với thao tác tối đa với số cử động tối thiểu.
Khả năng chuyển đổi Cap <=> Crtl: giúp tổ hợp phím với Crtl trở nên thuận tiện hơn. Brown Sw cũng chứng tỏ ưu thế từ đặc tính nhẹ và phản hồi lực đủ nhỏ trong các thao tác nhấn phím liên tục.
Riêng đối với các game như Street Fighter, Fifa 12 thì NKRO không cần nói cũng mang ý nghĩa sống còn. Một điểm cộng nhỏ cho Noppoo choc mini.
Với một bàn phím không phải được tuyên bố dành riêng cho game thủ, song các chức năng mà bàn phím này mang lại cũng đủ để một số bàn phím chơi game khác phải thèm muốn.
c. Điều khiển hệ thống
Với một người thường hay nghe nhạc trong khi làm việc, chức năng có ý nghĩa nhất trong điều khiển hệ thống đó là cụm phím Multimedia. Giờ đây bạn có thể hoàn toàn tập trung vào cửa sổ ứng dụng làm việc, song vẫn có thể kiểm soát các nội dung như bài hát, phim đang phát một cách mau lẹ nhất.
6. Kết luận
Chiếc bàn phím Noppoo Choc Mini White version 2 có một chất lượng ĐÁNG KINH NGẠC.
Với cái giá (dưới 2tr đồng-tùy loại switch) của nó, đây xứng đáng là
ÔNG HOÀNG CỦA DÒNG MECHANICAL KEYBOARDS TẦM TRUNG.
DSCN4353.jpg
Hình ảnh Noppoo Choc Mini White với hand-made woden wrist rest.
DSCN4462.jpg
Trang trí với Skull Keycap
• Ưu điểm:
o Keycap PBT có độ dày và chất lượng cao.
o Ký tự in laser với độ bền, độ nét và độ đều màu sắc cao.
o Là một mechanical keyboard với cherry switches.
o Thiết kế mang tính công thái học.
o NKRO đầy đủ qua USB.
o Khả năng chuyển đổi phím phần cứng.
o Cụm phím Multimedia.
o Thiết kế với Plate mounted cho bo mạch.
o Toàn bộ khung vỏ thiết kế không bắt vít mà sử dụng khớp nối.
o Giá cả hiệu năng RẤT TỐT.

• Nhược điểm:
o Thiết kế mới nên cần thời gian làm quen.
o Thiếu Play/Pause trên cụm Media.
o Một số ý kiến về vấn đề trên HĐH Mac (song cái này mình chưa thực tế kiểm chứng).
Như vậy có thể nhận thấy các điểm phàn nàn về chất lượng của Noppoo Choc Mini đều khá nhỏ, và đều có thể bỏ qua được nếu như bạn là một người dễ thích ứng và không làm việc trên môi trường Mac. Do đó, đánh giá sau cùng của mình là:
• Điểm tổng kết: 9.9/10.
 

Xem nhiều nhất

Back
Bên trên