Review Đánh Giá Bàn Phím Gigabyte Aivia K8100 - Bàn Phím Cao Cấp Cho Game Thủ

hoanganh

Thành viên Nghiệp dư
Thành viên BQT
GIGABYTE
đã bắt đầu tung ra thị trường sản phẩm gaming keyboard đầu tiên của mình​
GIGABYTE Aivia K8100
. Mang trong mình những công nghệ hàng đầu về thiết bị ngoại vi của​
GIGABYTE
như thiết kế công thái học, công nghệ​
GHOST
cho các tổ hợp phím chơi game và khả năng thực hiện cùng một lúc 20 chức năng phím, Aivia K8100 hứa hẹn sẽ là một lựa chọn khá hấp dẫn cho những ai muốn thử cảm giác mới.​
IMG_2888.jpg

ẤN TƯỢNG BAN ĐẦU VÀ VẺ BỀ NGOÀI
Ấn tượng đầu tiên đối với cái bàn phím này là…sao hộp nó to thế? Hộp của bàn phím này có kích thước…, to gần gấp đôi hộp cho các loại bàn phím thông thường. Và khi tôi đưa cái hộp ra cho một số người xem và nói rằng đây là một vỏ hộp bàn phím, không ít người cũng ngạc nhiên không kém.​
png
Phía trên vỏ hộp là một chữ Aivia rất to. Phải nói là nếu không có chữ Gigabyte nho nhỏ ở góc thì nhiều người sẽ nghĩ đây là sản phẩm của hãng Aivia nào đó. Xoay nghiêng hộp ra một chút, chúng ta có một sự ngạc nhiên hết sức thú vị với hình ảnh được in chìm của hàng tá các loại vũ khí từ dao kiếm, tông tuyp, búa rìu và súng ống, lựu đạn, bom mìn cho đến các loại xe tăng, máy bay, tàu chiến. Tôi có cảm tưởng như đây là tài liệu khủng bố chứ không phải vỏ họp bàn phím.​
Mặt sau in đầy những thông số và điểm nổi bật của sản phẩm, như ….​
Bắt đầu mở hộp ra, và nguyên nhân vì sao cái hộp nó to đã hiện ra.​
Đơn giản là vì nhà sản xuất tỏ ra quá cẩn thận khi chèn rất nhiều miếng mút xung quanh sản phẩm cũng như các phụ kiện. Theo quan điểm của tôi thì là hơi quá một chút, nhưng nhiều người có thể đánh giá cao sự cẩn thận này.
61RNMvhMvHL._AC_SL1400_.jpg


Phụ kiện của K8100 cũng khá là đơn giản, và hầu hết đã xuất hiện ở hình trên: 1 cái kẹp để “gắp” phím ra, 4 phím A S D W để thay đổi, một miếng silicon mỏng để bảo vệ bàn phím, và thêm một đĩa cài phần mềm.​
Nhấc thử bàn phím lên, ta thấy kích cỡ của nó cũng khá là đáng nể và cầm cũng khá là nặng tay. Theo như thông số kỹ thuật mà GIGABYTE đưa ra thì sản phẩm có kích thước 490(L)* 263(W)*32.8(H) mm và khối lượng lên tới 1.3kg. Cảm nhận ban đầu về bàn phím này của tôi là “đẹp”. Nếu chỉ xem những hình ảnh màu đỏ và vàng trên mạng thì hẳn ấn tượng của bạn về K8100 là màu mè và xấu. Thế nhưng chiếc bàn phím màu đen mà tôi cầm trên tay thực sự đẹp. Rất góc cạnh, không quá bóng bẩy, bố trí phím không có gì quả “nổi loạn”.
gigabyte_k8100_09_thumb.jpg

Ở phía trên bên trái là 5 nút macro, cùng với đèn hiển thị chế độ macro đang dùng. Các phím macro là một phần quan trọng trong các bàn phím dành cho game thủ, và Gigabyte cũng rất quan tâm đến lĩnh vực này. Bên cạnh việc đèn có thể hiển thị 5 màu sắc khác nhau cho 5 chế độ, 5 phím macro này thực sự được thiết kế khác nhau. Có lẽ điều này là để người chơi có thể dễ dàng nhận ra được nút mình cần bấm trong bóng tối (vì các nút này không được trang bị nền LED).
png

Ở chính giữa và bên phải phần trên bàn phím là dãy phím điều chỉnh âm thanh cảm ứng, và dãy đèn hiển thị những điều chỉnh này. Thiết kế này khá hay ho. Khi tay bạn lướt từ phải qua trái để kéo âm thanh xuống, những đèn phía bên phải cũng chạy theo. Còn khi bạn bấm nút Mute để tắt hoàn toàn âm thanh, đèn với ký hiệu chiếc loa bị gạch chéo sẽ sáng lên, cho bạn biết là âm thanh đã tắt. Một ý tưởng rất hay, nhưng liệu nó có thực sự thành công? Chúng ta sẽ biết ở phần sau.​

VẺ BỀ NGOÀI (tiếp)
Kê tay của bàn phím này được nối với phần còn lại bằng 4 ốc vít. Do vậy nó sẽ khá chắc, khó có thể tuột ra khi người chơi đang ở giai đoạn gay cấn. Khi tháo kê tay ra thì trông bàn phím sẽ như thế này​

Phía đằng sau, Aivia K8100 có thiết kế giấu dây khá hay. Chiều dài của dây vào khoảng 1,8m, và bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh độ dài một khoảng 15cm bằng thiết kế dấu dây này. Đầu cắm USB của dây được mạ vàng, còn toàn bộ dây thì được bọc lưới. Khá là trau chuốt!​

Dưới cùng của bàn phím là một logo Aivia. Người viết ở Techgage cho rằng vẻ ngoài của nó khá giống với huy hiệu (crest) của câu lạc bộ Arsenal. Một số thành viên trên vozExpress lại cho rằng nó khá giống với biểu tượng của những chiếc Lamborghini. Dù là gì đi nữa thì đây cũng là một cách “đánh dấu thương hiệu” tốt của K8100.​

2 bên cạnh của bàn phím có 2 cổng USB, còn phía sau của nó là nút tắt/bật đèn nền LED cho bàn phím. Cá nhân tôi thấy một nút tắt bật riêng biệt như thế này rất là tiện, vì thực ra ở điều kiện ánh sáng ban ngày thì đèn nền LED của bàn phím cũng rất nhợt nhạt, trông không hấp dẫn chút nào.​

Và đây là một số bức ảnh khi K8100 được “toả sáng” trong bóng tối:​

Dù chỉ có mỗi đèn màu đỏ cho bàn phím tất cả các loại màu, chất lượng đèn nền LED của K8100 là khá tốt. Đủ đẹp để bạn muốn nhìn nó thường xuyên.​

PHẦN MỀM VÀ CÔNG NGHỆ ĐI KÈM

images

GIGABYTE đã trang bị cho sản phẩm Gaming Keyboard đầu tiên của mình những công nghệ hàng đầu về thiết bị ngoại vi như thiết kế “công thái học”, công nghệ GHOST cho các tổ hợp phím chơi game và khả năng thực hiện cùng lúc 20 chức năng phím.​

Trước hết nói về thiết kế công thái học trên K8100:​

Đây là thiết kế khá đặc biệt với 3 nhóm phím bấm với độ nảy khác nhau. Các nhóm phím hay dùng nhất trong gaming là tổ hợp phím WASD, phím SPACE, các phím số 1234 và tổ hợp 4 phím mũi tên cùng một số phím khác có độ nảy lớn nhất 70g. Nhóm phím thường được nhấn bằng ngón út (có lực yếu nhất) như SHIFT, CAPSLOCK, TAB, ZX được thiết kế độ nảy chỉ 50g. Các phím còn lại có độ nảy 60g. Thiết kế này mang lại cảm giác nhấn phím tốt hơn cho người dùng.​

Kế đến là công nghệ mà GIGABYTE gọi là 20 Anti-Ghosting Keys.​

Đây là công nghệ cho phép bàn phím thực hiện cùng một lúc 20 chức năng phím. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng đối với các bàn phím thông thường, số chức năng phím thực hiện cùng lúc có thể chỉ là 6-10 phím. Tuy nhiên, theo tôi thì tính năng này có vẻ không cần thiết lắm do khó có game thủ nào có thể bấm đến cùng lúc 20 phím (trừ khi là họ dùng đến cả ngón chân) nhưng đối với những game đối kháng (như StreetFighter IV chẳng hạn) thì việc bàn phím có thể nhận chính xác nhiều phím là khá cần thiết để thực hiện combo skills nhanh. Tính năng này sẽ được tôi thử nghiệm trong phần sau.​
Công nghệ GHOST Macro Engine cho khả năng kết hợp các tổ hợp phím vào một trong các phím Macro. Như tôi đã nói ở trên, Macro là rất cần thiết trong chơi game để thực hiện các combo khó. Công nghệ này đã được áp dụng trên sản phẩm chuột chơi game của GIGABYTEM8000x. GHOST Macro bao gồm 2 thành phần, một là các phím Macro trên thiết bị với khả năng chuyển đổi giữa 5 mode cho khả năng sử dụng lên tới 25 tổ hợp trên 5 phím Macro, thứ hai là phần mềm đi kèm cho phép chỉnh sửa và lưu lại các tổ hợp phím. Toàn bộ tổ hợp phím này sẽ được lưu vào một chip nhớ thiết kế bên trong Aivia K8100 đồng nghĩa với việc khi bạn mang bàn phím đến cắm vào một máy tính khác thì chỉ cần cài đặt phần mềm trong đĩa đi kèm sản phẩm là có thể sử dụng các phím Macro như ở nhà.​

Giao diện phần mềm:​

Phía bên trái cửa sổ là 2 đồng hồ, một cho biết Macro Mode đang sử dụng là Mode nào (mỗi Mode sẽ tương ứng với một màu khác nhau của đèn LED trên nút MODE), đồng hồ thứ hai thể hiện tình trạng bộ nhớ lưu Macro. Phía bên dưới đó là cột các chức năng cơ bản để gán cho phím Macro như bật tắt nhanh Windows Media Players, Calculator, IE hay Excel, các chức năng tăng giảm âm thanh, Pause, Backward, Forward trong WMP hay Web browsers, thậm chí là cả chức năng copy-paste. Như vậy, mặc dù không có phím multimedia nhưng ta có thể sử dụng các phím Macro trên K8100 để thay thế bằng cách gán các phím multimedia vào một trong số các Mode của 5 phím Macro như tôi làm dưới đây:​

Phía bên phải của sổ chính của phần mềm Aivia là chức năng Macro Editor để khởi tạo và thay đổi các combo phím.​

Bạn có thể tạo các combo phím bằng các chức năng hold, press, release hoạc đơn giản là nhấn vào nút record trên cửa sổ Macro Editor rồi thực hiện chính xác combo một lần và lưu lại vào list các Macro Scripts. Các Macro có thể gán vào các phím bằng cách kéo thả đơn giản. Một điều thú vị với các Macro Script là bạn có thể thay đổi icon của các Macro này cho dễ phân biệt bằng các icon có sẵn trong phần mềm hoặc load một file ảnh bmp bất kỳ vào để thay thế. Số lượng icon này có thể lên tới 100 icon.​
Với công nghệ GHOST Macro Engine, bạn có thể thực hiện liên tục các combo khó trong game, các tổ hợp phím tắt hay dùng như trong photoshop, Autocad hay thậm chí gán các phím multimedia.​

TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ
gigabyte_aivia_k8100_gaming_ke_1591001055_9356dd11_progressive.jpg
Tôi không phải là một game thủ. Mặc dù thỉnh thoảng cũng chơi game khá nhiều, nhưng game duy nhất mà tôi chơi là Pro Evolution Soccer (đã lên tới phiên bản 11 rồi). Tất nhiên, chẳng mấy người chơi game bóng đá bằng bàn phím, và tôi cũng có một tay cầm cho riêng mình. Bỗng nhiên tôi…không biết dùng chiếc K8100 này vào việc gì.​

Giá mà tôi nhận cái bàn phím này sớm…vài năm, có lẽ tôi đã sử dụng nó để chơi Counter Strike. Nếu như là cách đây 1 năm, nó có thể cùng tôi chinh chiến Prototype. Thế những hiện tại thì chẳng có game nào là phù hợp cả, và vì thế tôi quyết định dùng cái bàn phím game thủ này để…đánh máy.​

Phải nói là cảm giác đánh máy bằng bàn phím này khá là tốt. Dù đã quen với kiểu bàn phím mỏng gần 1 năm nay, tôi vẫn không mấy khó khăn để bắt kịp tốc độ gõ mọi khi với bàn phím mới. Thêm việc có kê tay hay đèn nền LED để làm việc vào ban đêm, K8100 thực sự mang lại sự thoải mái cho một người (thỉnh thoảng) đánh máy nhiều như tôi.​
Nói tới bàn phím tốt nhất để đánh máy, không thể không kể đến những chiếc Mechanical keyboard. Với thiết kế khác biệt so với những bàn phím bình thường, cảm giác đánh máy trên Mechanical keyboard là “tốt” hơn nhiều. Thế nhưng “nghe kể” thế thôi chứ thật tiếc là người viết chưa một lần được thử một chiếc Mechanical keyboard để xem nó “sướng” như thế nào.​

Trong quá trình tìm hiểu để thực hiện bài viết, tôi có tham khảo qua bài viết của Techgage. Theo như họ đánh giá thì cảm giác đánh máy trên bàn phím này là “chưa được như những Mech Keyboard, nhưng gần như đã đạt tới chất lượng đó”. Điều này cho thấy K8100 được đánh giá khá cao, ít nhất là trong việc đánh máy.​

Một bổ sung cho việc đánh máy là tấm lót silicon mà tôi có nhắc tới ở trên. Không chỉ có tác dụng che bụi, bạn hoàn toàn có thể để tấm lót lên trên bàn phím mà vẫn gõ bình thường. Tấm lót lúc này sẽ làm giảm tiếng ồn khi gõ phím, rất thích hợp khi làm việc đêm. Chỉ có điều tấm lót màu trắng sữa và đèn nền màu đỏ sẽ tạo nên một sự kết hợp trông rất…gay!​

Phím cảm ứng volume và bộ hiển thị tương ứng có vẻ là một ý tưởng hay. Nhưng trong quá trình sử dụng thì tôi không thật hài lòng với phím cảm ứng. Khi bạn kéo từ đầu tới cuối thì tất nhiên là volume sẽ nhảy, nhưng nếu chỉ kéo ở những nút giữa giữa thì thường là volume không thay đổi, trong khi đèn hiển thị vẫn nháy đều. Có lẽ Gigabyte sẽ cần phải cải thiện phím cảm ứng trong các phiên bản tới.​

Sự thiếu vắng nút multimedia cũng là một thiếu sót đáng quan tâm. Thật khó hình dung một bàn phím với giá 70$ lại không có sẵn những phím multimedia. Tất nhiên là ta có thể lập trình những phím này thành các macro trong phần mềm, nhưng đây là một sự bất tiện không đáng có. Chính bởi lý do này mà trong vài ngày trải nghiệm, tôi vẫn phải dùng song song 2 bàn phím. Một để làm đủ thứ, và một chỉ để play/pause/next!​
29325692794_748250e6f2_b.jpg

KẾT LUẬN
Thật khó đưa ra kết luận cho một bàn phím để chơi game, khi bản thân người viết cũng chẳng chơi game thường xuyên. Thôi, dù sao thì cũng cứ kết luận theo những gì tôi đã trải nghiệm vậy.​

Gigabyte Aivia K8100 là một bàn phím với thiết kế khá đẹp. Những tiện ích như macro để thực hiện nhiều thao tác, đèn nền LED cùng thiết kế chắc chắn là đủ để ghi điểm đối với tôi. Thêm chất lượng và cảm nhận tốt khi đánh máy, Gigabyte hoàn toàn khiến cho tôi muốn sở hữu bàn phím này.​
Nhưng đó chỉ là khi được…cho không. Giá của bàn phím này ở nước ngoài là 70$, tức là ngang với Razer Lycosa và đắt hơn Microsoft Sidewinder X4. 2 bàn phím kia có thể không đem lại cảm giác đánh máy tốt như K8100, nhưng chúng cũng có thiết kế rất đẹp, và có sẵn nút multimedia. Một thiếu sót lớn đối với một bàn phím có giá cao như vậy.​

Dù sao thì đây cũng mới là những bước đầu của Gigabyte trong việc phát triển mảng thiết bị ngoại vi. Họ có thể là nhà sản xuất bo mạch chủ hàng đầu, nhưng để chiếm được vị trí tương tự đối với thiết bị ngoại vi sẽ cần thêm thời gian. Nếu như Gigabyte biết tiếp thu để sản phẩm tiếp theo của họ, một chiếc K8200 nào đó chẳng hạn, được hoàn thiện hơn, thì không có gì đảm bảo Gigabyte không thể thành công trong thị trường ngoại vi.​
Ưu:
  • Bàn phím có thiết kế đẹp, đặc biệt là có đèn nền LED.
  • Cảm giác đánh máy tốt.
  • Dễ dàng thiết lập các macro với phần mềm đi kèm.
Nhược:
  • Thiếu các phím multimedia.
 

Xem nhiều nhất

Back
Bên trên