Đánh Giá Máy Tính Bảng Asus Fonepad: Vẫn Còn Nhiều Điểm Phải Cải Tiến

vietxf

Thành viên Tích cực
Asus-Fonepad.jpg

Mặc dù iPad vẫn là loại máy tính bảng bán chạy nhất, không thể phủ nhận rằng nhu cầu cho các sản phẩm máy tính bảng giá rẻ và có màn hình nhỏ đang ngày càng tăng lên. Xu hướng này được khởi đầu với các máy tính bảng Android, và cuối cùng chính Apple cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi khi đưa ra iPad Mini vào năm ngoái.
Trong số các máy tính bảng màn hình 7 inch hiện nay, Nexus 7 vẫn là sản phẩm nổi bật nhất. Mặc dù đã ra mắt gần 1 năm, nhưng với cấu hình cao, thiết kế tốt, được nhiều hỗ trợ từ cộng đồng lập trình viên, Nexus 7 có quá nhiều ưu điểm. Không ngạc nhiên khi bất cứ máy tính bảng giá rẻ nào mới ra mắt cũng đều bị so sánh với Nexus 7.
ASUS, nhà sản xuất của Nexus 7, biết rõ rằng một máy tính bảng mới cần phải có những yếu tố mới lạ để cạnh tranh với Nexus 7. Chiếc ASUS Fonepad mới nhất là một ví dụ. Ngoại trừ kích thước và kiểu dáng tương tự Nexus 7, nó có rất nhiều đặc điểm mà Nexus 7 không có: thiết kế cao cấp với nắp lưng bằng nhôm; khả năng gọi điện, nhắn tin như điện thoại; trang bị cả máy ảnh trước và sau như điện thoại. Đối với những người thích một thiết bị "tất cả trong một", ASUS Fonepad có vẻ là một lựa chọn hợp lý. Dưới đây là những nhận xét chi tiết của chúng tôi về ASUS Fonepad, cùng những so sánh với Google Nexus 7.
Thiết kế
523042.jpg

Có thể nói thiết kế là điểm tạo nên sự khác biệt cho ASUS Fonepad: đẹp, chắc chắn, vừa tay. So với các máy tính bảng khác, điểm khác biệt dễ nhận ra nhất của Fonepad là một loa thoại mở ngay phía trên màn hình, cho phép người dùng nghe trực tiếp khi sử dụng tính năng gọi điện. Ngoài loa thoại này, mặt trước của nó khá giống với chiếc MeMO Pad mà chúng tôi từng đánh giá trước đây: lớp phủ màn hình xám, camera ở phía trên màn hình, còn logo ASUS ở phía dưới.
516522.jpg

Fonepad có kích thước tương đương với MeMO Pad và Nexus 7, có thể cầm bằng một tay nhưng không thoải mái lắm. Khi cầm trên tay thì Fonepad cho cảm giác mỏng hơn hai sản phẩm còn lại, do góc vát của nắp lưng khá lớn.
523050.jpg

Mặc dù được bán với mức giá khá thấp, Fonepad lại có một điểm nhấn trong thiết kế, làm máy nổi bật hẳn so với các sản phẩm tương đương: nắp lưng bằng kim loại. Nắp lưng này cho cảm giác khá "sướng tay" khi cầm vào, tuy nhiên lại hơi trơn. Nexus 7 hay MeMO Pad trước đây đều có nắp lưng bằng nhựa với nhiều lỗ nhỏ, giúp cầm chắc hơn, nhưng lại không đem lại cảm giác sang trọng như chiếc Fonepad. Khi ấn mạnh vào lưng máy, Fonepad cho thấy sự chắc chắn chứ không bị lún vào (tuy không nhiều) như Nexus 7.
Các phím vật lý của Fonepad, bao gồm phím bật nguồn và tăng giảm âm lượng được bố trí ở phía trái, khi cầm màn hình theo chiều dọc. Đối với một người thuận tay phải như tôi thì phím được đặt ở bên phải, như trên Nexus 7, sẽ dễ bấm hơn. Do sử dụng cùng chất liệu với mặt sau nên trông các nút bấm này cũng khá đẹp.
516530.jpg

Nằm phía trên miếng kim loại che gần hết mặt sau là nắp nhựa, có thể tháo lắp khá dễ dàng. Để thay SIM hay thẻ nhớ thì người dùng cần tháo nắp nhựa trước. Cần lưu ý là khe Micro SIM của máy sử dụng lẫy để lắp/đẩy SIM, nhưng khá khít, do vậy một số loại Micro SIM cắt từ SIM thường sẽ dễ bị kẹt ở khay SIM này.
Màn hình và loa ngoài
516558.jpg

Màn hình của Fonepad có kích thước 7 inch, độ phân giải 1280 x 800 pixel và sử dụng tấm nền IPS. Khả năng hiển thị của Fonepad không tệ, mật độ điểm ảnh 216 ppi cũng thuộc loại khá ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên so sánh trực tiếp với Nexus 7 thì khả năng hiển thị của Fonepad thua kém khá nhiều.
Về thông số, màn hình của máy tương đương với màn hình Nexus 7, nhưng thực tế thì khả năng hiển thị của hai thiết bị này có sự chênh lệch khá lớn. Khi đặt cạnh Nexus 7, tôi nhận thấy màn hình của Fonepad có độ sáng thấp hơn, màu sắc thì hơi xỉn và ngả sang màu vàng.
523038.jpg

Màn hình bóng khiến máy khó nhìn khi dùng ngoài trời
Mặc dù có góc nhìn tốt, màn hình của máy lại khá bóng, cùng với đó là độ sáng chỉ ở mức trung bình, nên khi nghiêng máy hay nhìn dưới ánh nắng thì sẽ khó quan sát màn hình. Máy cũng có một chế độ gọi là "Outdoor Mode", cho phép tăng độ sáng lên tối đa, tuy vậy cũng không cải thiện được nhiều.
523054.jpg

Loa ngooài của máy khá nhỏ
Khe loa ngoài của Fonepad có kích thước khá khiêm tốn, nằm lệch hẳn về phía trái, gần đuôi máy. Mặc dù được quảng cáo là trang bị công nghệ SonicMaster, giúp đem lại âm thanh rất chính xác và trung thực, tôi nhận thấy loa ngoài của Fonepad không có gì nổi bật. Âm lượng tối đa của loa khá thấp, và sẽ hơi khó nghe ở những nơi ồn ào. Do loa nhỏ và lệch về một bên nên hiệu ứng âm thanh hai kênh cũng không rõ ràng. Điểm vớt vát có lẽ là âm thanh không bị chặn lại khi đặt trên mặt phẳng.
Gọi điện, nhắn tin và kết nối mạng
516538.jpg

Gọi điện, nhắn tin là những tính năng tạo nên sự khác biệt cho Fonepad. Trên Fonepad, bạn có thể quay số để gọi điện như một chiếc điện thoại thông thường. Do màn hình lớn nên giao diện gọi điện cũng to và dễ nhìn. Nhìn chung chất lượng nghe gọi của Fonepad khá ổn, khả năng bắt sóng tốt (có lẽ một phần do tôi sử dụng SIM của nhà mạng Viettel, vốn có ưu thế về số trạm phát sóng trên khắp cả nước). Tuy nhiên việc úp một chiếc "điện thoại" với màn hình tới 7 inch lên mặt sẽ khiến bạn trông rất buồn cười, và việc giữ chiếc điện thoại bằng một tay cũng không phải dễ. Do vậy một việc dùng một tai nghe Bluetooth hay có dây để gọi điện sẽ là hợp lý hơn.
516542.jpg

Bên cạnh ứng dụng, các đặc điểm khác liên quan đến gọi điện của Fonepad cũng giống với điện thoại thông thường. Máy cũng rung khi có cuộc gọi đến (dù có lẽ chẳng ai để chiếc điện thoại này trong túi quần để nhận biết sự rung), có cảm biến tiệm cận để tắt màn hình khi áp điện thoại lên mặt. Nếu cần, người dùng cũng có thể cài thêm các ứng dụng gọi điện, nhắn tin khác từ Google Play để quản lý tốt hơn.
Máy ảnh
516550.jpg

Giống như một chiếc điện thoại thông thường, Fonepad cũng được trang bị hai máy ảnh ở cả mặt trước và mặt sau. Máy ảnh ở mặt sau có độ phân giải 3 megapixel, có thể quay phim với độ phân giải 720; còn máy ảnh mặt trước có độ phân giải 1.2 megapixel.
Trước đây việc cầm một thiết bị to như thế này để chụp ảnh sẽ khiến bạn trông hơi kỳ cục, nhưng giờ đây mọi người có vẻ đã quen với việc này hơn, khi ngày càng có nhiều người giơ iPad lên để chụp hình.
Tuy tính năng chụp ảnh trên Fonepad không được nhấn mạnh, chất lượng ảnh chụp từ thiết bị này cũng không tệ. Ảnh chụp khi trời sáng có độ chi tiết khá, không bị nhiễu và bết mặc dù độ phân giải không cao. Về màu sắc, một số màu như đỏ hay vàng đậm thường bị thể hiện nhạt hơn trên ảnh.
Do không có đèn flash trợ sáng, Fonepad lấy nét khá chậm trong điều kiện ánh sáng yếu. Nếu như chụp trong điều kiện trời tối, hướng tới một luồng ánh sáng mạnh và có nhiều màu (đèn trang trí chẳng hạn), nhiều khả năng chế độ chụp tự động sẽ đưa ra một bức ảnh sáng, nhưng không thể phân biệt các màu của đèn. Để màu sắc phần nào thể hiện tốt hơn, như bức hình chụp đèn lồng ở dưới, bạn đọc nên thử chỉnh độ sáng của ảnh (biểu tượng chính giữa, cột bên trái trong tấm hình chụp giao diện ở trên) thấp xuống.
Một số ảnh chụp từ ASUS Fonepad:
523074.jpg
523078.jpg
523082.jpg
523086.jpg
523090.jpg
523094.jpg
Hiệu năng
523030.jpg

ASUS Fonepad là một trong những sản phẩm Android hiếm hoi sử dụng vi xử lý Intel
Fonepad là máy tính bảng đầu tiên của ASUS sử dụng vi xử lý Atom Z2420 từ Intel. Xét về số nhân thì vi xử lý này khá yếu thế: nó chỉ có một nhân xử lý, mặc dù được trang bị công nghệ siêu phân luồng (Hyper Threading) của Intel, cho phép thực hiện song song hai luồng tính toán cùng một lúc. Dung lượng RAM của máy là 1 GB, còn bộ nhớ trong khả dụng là 4.7 GB. Với cấu hình không nổi bật, các kết quả đánh giá hiệu năng của Fonepad chỉ tương đương với các sản phẩm dùng vi xử lý hai nhân đời đầu.
523046.jpg

Trong quá trình sử dụng thực tế, nhìn chung Fonepad đáp ứng được các tác vụ thông thường như lướt web, chơi game hay đọc sách, nhưng không đạt được độ mượt mà như các sản phẩm Android cao cấp hơn. Điều này thể hiện rõ khi lướt web: cùng sử dụng trình duyệt Chrome, nhưng nếu so sánh trực tiếp với Nexus 7 có thể thấy rõ Fonepad hay bị giật, khựng hình, tốc độ kéo trang chậm hơn.
Fonepad có thể chạy tốt các phim với độ phân giải HD 720p. Tuy nhiên cũng giống MeMO Pad, nhân đồ họa PowerVR SGX-540 của Fonepad không hỗ trợ giải mã một số định dạng âm thanh, do vậy bạn cần chuyển chế độ giải mã âm thanh sang S/W, như hướng dẫn trong bài đánh giá MeMO Pad. Đối với phim Full HD thì máy xử lý kém hơn, giật nhiều đến mức gần như không xem được.
523034.jpg
Fonepad cũng có khả năng đáp ứng những game thông dụng trên Android, như Asphalt 7 hay Temple Run: Oz. Thời gian tải các bàn chơi trong Asphalt 7 khá chậm, và thỉnh thoảng đang chơi thì máy hơi giật, nhưng hiện tượng này xảy ra rất ít. Mặt sau của Fonepad chỉ hơi ấm lên, không gây khó chịu khi chơi game trong thời gian dài.
Phần mềm
523058.jpg

ASUS Fonepad được cài sẵn phiên bản Android 4.1.2. Bên cạnh các ứng dụng gốc của Google, ASUS cũng cài thêm nhiều ứng dụng của hãng, cung cấp khá nhiều tính năng như chỉnh ảnh, điều chỉnh âm thanh, hiển thị, sao lưu ứng dụng, từ điển hay dịch vụ lưu trữ đám mây. Bàn phím tích hợp của ASUS cũng khá tốt, tuy nhiên lại không hỗ trợ tiếng Việt.
523062.jpg

523066.jpg

523070.jpg

Các tính năng như từ điển, sao lưu ứng dụng hay chỉnh màu màn hình đều khá hữu dụng
Trong số các ứng dụng cài sẵn, tôi thấy có ba ứng dụng hữu dụng nhất: từ điển (Instant Dictionary), sao lưu ứng dụng (App Backup) và điều chỉnh hiển thị (ASUS Splendid). Ứng dụng từ điển cho phép dịch phần chữ ở ngay trong màn hình đang sử dụng, và kết quả dịch thường là chấp nhận được. Ứng dụng sao lưu cung cấp giải pháp lưu lại ứng dụng và dữ liệu vào thẻ nhớ cho những trường hợp cài lại máy. Ứng dụng điều chỉnh các yếu tố hiển thị cũng có chút công dụng nếu người dùng muốn màn hình trông rực rỡ hơn, hay hiển thị màu sắc chuẩn hơn.
Thời gian sử dụng pin
Pin trong máy của Fonepad có dung lượng 4270 mAh, thấp hơn một chút so với Nexus 7. Khi sử dụng thực tế, tôi dùng máy để lướt web, Facebook và xem bản đồ khoảng hơn 1 giờ mỗi ngày, chơi game khoảng 1 giờ, và chụp khá nhiều ảnh. Với cường độ sử dụng như vậy, chiếc Fonepad có thể sử dụng được trong vòng 2 ngày, là mức chấp nhận được.
Khi sử dụng máy để bật một phim HD 720p, độ sáng bằng 80% độ sáng tối đa, cắm tai nghe với mức âm lượng 80%, máy chạy phim được trong 7 giờ. Thời lượng pin như vậy trên máy tính bảng là thuộc loại khá, đủ để xem hai bộ phim dài.
Kết luận
Là một thiết bị "tất cả trong một", Fonepad tỏ ra đặc biệt hữu dụng trong những chuyến đi xa. Hãy tưởng tượng, thay vì phải mang một chiếc điện thoại để nghe gọi, cùng một chiếc máy tính bảng để lướt web hay giải trí khi đi trên xe, một mình Fonepad đã đáp ứng đủ yêu cầu. Fonepad có khá nhiều ưu điểm: thiết kế tốt, máy ảnh chụp đẹp, tiện dụng và đa chức năng; tất nhiên bên cạnh đó còn một số hạn chế như màn hình khó nhìn dưới ánh nắng, hay hiệu năng chưa cao.
Không phải ngẫu nhiên khi tôi nhắc tới Nexus 7 rất nhiều trong bài đánh giá. ASUS Fonepad hiện được bán với giá chính hãng là 6 triệu đồng, còn Nexus 7 vẫn rất nổi bật trong tầm giá dưới 7 triệu. Với giá của một chiếc Fonepad vào thời điểm hiện tại, bạn có thể dễ dàng tìm được một chiếc Nexus 7 bản WiFi, với dung lượng 32 GB. Nếu bỏ thêm khoảng 1,5 triệu đồng, bạn có thể mua được Nexus 7 bản có 3G, cũng với dung lượng 32 GB. Như vậy, giá của Nexus 7 không chênh quá nhiều so với Fonepad.
Để lựa chọn, cần xét tới những điểm mạnh của hai sản phẩm này. Nexus 7 có hiệu năng cao, màn hình đẹp hơn, cùng khả năng "nghịch" được nhiều hơn do được cộng đồng hỗ trợ rất nhiều. Trong khi đó, Fonepad là sản phẩm mới hơn, có thiết kế đẹp, chức năng gọi điện và nhắn tin giống như điện thoại thông thường, hỗ trợ 3G với giá rẻ hơn, lại có thêm khe cắm thẻ nhớ. Như vậy, bạn đọc có thể đưa ra sự lựa chọn dựa trên nhu cầu của chính mình.
Lê Anh
Nguồn: http://vnreview.vn
 
Back
Bên trên