Mở Chiếc Máy Mỏng Nhất Thế Giới Gionee Elife S5.5

bienhu

Thành viên Tích cực
Đây là lần thứ hai VnReview tiến hành mổ chiếc smartphone được nhà sản xuất quảng bá là "mỏng nhất thế giới" để tìm hiểu chất lượng thiết kế, lắp ráp và nguồn linh kiện bên trong sản phẩm.
Giữa năm ngoái, VnReview đã mổ chiếc Huawei Ascend P6, sản phẩm được quảng cáo là "mỏng nhất thế giới" vào thời điểm đó với độ dày thân máy theo giới thiệu của nhà sản xuất chỉ có 6,18 mm (độ dày thực tế là 6,71mm). Sau một năm, VnReview vừa tiến hành mổ chiếc smartphone "mỏng nhất thế giới" ở thời điểm hiện tại, cũng là một sản phẩm Trung Quốc là Gionee Elife S5.5.
Tương tự như chiếc "smartphone mỏng nhất thế giới" đầu tiên, độ dày thực sự của Gionee Elife S5.5 cũng dày hơn một chút so với công bố của nhà sản xuất. Và cũng tương tự như chiếc Huawei Ascend P6, kết quả mổ cho thấy chiếc Gionee Elife S5.5 đã phải đánh đổi khá nhiều trong quá trình thiết kế cũng như lắp ráp để có được thân máy mỏng ấn tượng như vậy.
1241878.jpg
Thiết kế và lắp ráp
Gionee Elife S5.5 có thiết kế liền khối, vỏ phía sau và màn hình được gắn chặt với khung máy. Trên máy không để lại dấu hiệu nào cho thấy nó có thể tháo từ mặt trước (màn hình) hay mặt sau (vỏ). Do đó chúng tôi tiến hành gia nhiệt xung quanh viền màn hình để mở cụm màn hình từ phía trước giống như với chiếc Samsung Galaxy S5. Tuy nhiên, khá bất ngờ là các thành phần bo mạch, khung đỡ và cụm màn hình của điện thoại này lại được định vị từ phía mặt sau, không như chiếc Galaxy S5. Điều đó có nghĩa là nơi bắt đầu mở máy đúng ra phải là từ tấm vỏ mặt sau.
1241888.jpg
Các vít định vị được lắp từ phía mặt sau, nghĩa là phải tháo vỏ máy đầu tiên
Việc tháo vỏ mặt sau thực sự là công việc khó khăn. Do là sản phẩm định hướng thiết kế siêu mỏng, vỏ bằng chất liệu kính của Gionee Elife S5.5 có độ dày rất mỏng (0,27mm) và giòn như bánh đa, lại được gắn keo với khung máy và gắn băng dính với viên pin phía dưới nên mở ra dễ vỡ và có thể làm biến dạng viên pin. Sau khi tháo xong vỏ mặt sau, các phần việc còn lại của quá trình mổ máy tương đối đơn giản.
1241718.jpg
Kết cấu của Gionee Elife S5.5 được làm chắc chắn với vành nhôm nguyên khối và khung đỡ để tăng cứng bằng thép không gỉ. Vành nhôm có độ dày 0,7mm. Do điện thoại được bao kín bởi thành kim loại (nhôm) sẽ làm giảm khả năng hoạt động của antenna, nên vành nhôm được chia làm nhiều phần và ghép lại với nhau bằng nhựa PPS. Các phần của vành nhôm được tiếp xúc với phần chính của antenna và sẽ trở thành cụm antenna thu sóng di động (2G/3G), GPS, Wi-Fi và Bluetooth.
1241690.jpg
Vành nhôm
Phần khung tăng cứng được làm bằng thép không gỉ có bề dày 0,45mm và được ép nhựa xung quanh để tránh tiếp xúc với vành nhôm. Phần khung tăng cứng này được ghép chắc với vành nhôm bằng vít tạo nên một khung rất chắc chắn cho điện thoại. Ngoài ra trên phần khung tăng cứng có các hốc định vị của camera, cảm biến và các vị trí mạch flex chắc chắn và chính xác về vị trí.
1241686.jpg
Khung tăng cứng bằng thép không gỉ có độ dày 0,45mm
Bo mạch chủ của Gionee Elife S5.5 có kích cỡ nhỏ để tiết kiệm diện tích nhằm giúp máy có thân mỏng. Các cáp flex nối các thành phần của điện thoại với bo mạch được thiết kế cẩn thận, gọn gàng và đều sử dụng đầu nối (connector) nên tháo lắp dễ dàng. Các tấm chống nhiễu điện từ trên bo mạch được thiết kế kiểu mối gài, cũng dễ tháo.
1241710.jpg
Cụm màn hình của máy rất mỏng, chỉ có 1,63 mm
1241738.jpg
Viên pin cũng khá mỏng, chỉ có gần 3mm
Nhìn chung, máy được thiết kế cơ khí, thiết kế mạch (điện tử) và láp ráp tốt. Máy mỏng là do các thành phần quyết định đến độ dày (cụm màn hình, khung đỡ, pin, lồng chống nhiễu và kính mặt sau) đều được tối ưu về độ dày, đặc biệt là vỏ kính phía sau và cụm màn hình. Tuy nhiên, định hướng thiết kế để có thân máy siêu mỏng đã khiến Gionee Elife S5.5 phải đánh đổi bằng việc sử dụng vỏ kính rất mỏng, giòn và được gắn bằng keo với khung máy và băng dính hai mặt với pin nên khó tháo, dễ vỡ. Có lẽ mục tiêu thiết kế mỏng còn ảnh hưởng đến một chi tiết nữa là loa ngoài của Gionee Elife S5.5 không có hộp loa giống như chiếc Asus Zenfone 4. Thiếu hộp loa sẽ khiến chất lượng âm thanh của điện thoại bị ảnh hưởng.
1241658.jpg
Mặt trước và sau của bo mạch chủ
Linh kiện
Bên cạnh thiết kế mỏng nhẹ, Gionee Elife S5.5 cũng sở hữu bộ cấu hình khá ấn tượng. Nền tảng phần cứng quan trọng nhất của máy - hệ thống vi xử lý tích hợp (System on chip – SoC) - là sản phẩm của hãng bán dẫn MediaTek (Đài Loan), nhà cung cấp SoC cho các điện thoại giá rẻ và đặc biệt là các công ty điện thoại Trung Quốc.
Bộ SoC sử dụng trên Gionee Elife S5.5 được tích hợp khá nhiều thành phần trong nó, gồm 8 lõi vi xử lý (CPU) tốc độ xung nhịp 1.7GHz, vi xử lý đồ họa (GPU) Mali, modem 3G/LTE và các chip không dây Wi-Fi/Bluetooth/GPS/FM. Ngoài SoC, Gionee Elife S5.5 còn có hai thành phần nữa của MediaTek là chip quản lý năng lượng và bộ truyền nhận sóng vô tuyến (RF).
Bên cạnh đó, hai camera của điện thoại này cũng là sản phẩm đến từ công ty Trung Quốc Sunny, không phải là tên tuổi lớn trong lĩnh vực camera điện thoại. Tuy vậy, một số thành phần cơ bản khác của máy đều là linh kiện từ các nhà cung cấp có tên tuổi, điển hình Samsung cung cấp tới 3 linh kiện quan trọng là tấm màn hình Super AMOLED, RAM 2GB và bộ nhớ trong 16GB.
1241746.jpg
SoC MT6592 của MediaTek tích hợp 8 lõi vi xử lý (CPU) tốc độ xung nhịp 1.7GHz, vi xử lý đồ họa (GPU) Mali 450MP tốc độ 700MHz, modem 3G/LTE và các chip không dây Wi-Fi/Bluetooth/GPS/FM
1241726.jpg
Bộ truyền nhận sóng vô tuyến (RF Transceiver), sản phẩm của MediaTek
1241730.jpg
Chip quản lý năng lượng của MediaTek
1241662.jpg
Đây là thành phần tích hợp bộ nhớ RAM 2GB và bộ nhớ trong (Nand Flash) dung lượng 16GB của Samsung. Máy không có khe cắm thẻ nhớ ngoài để mở rộng dung lượng.
1241742.jpg
Chip khuếch đại công suất sóng 2G/3G của hãng Skyworks
1241682.jpg
Chip con quay hồi chuyển có tích hợp vi xử lý chuyển động của hãng Invensense
1241666.jpg
Hai camera trước và sau của máy là sản phẩm của công ty Sunny (Trung Quốc)
1241714.jpg
Cụm màn hình gồm 3 thành phần: tấm kính bảo vệ Gorilla Glass của Corning, lớp cảm ứng sử dụng chip điều khiển của hãng Atmel và tấm màn hình Super AMOLED của Samsung
1241698.jpg
Trên mạch của màn hình có thể thấy thương hiệu Samsung Display, nhà cung cấp tấm Super AMOLED cho Gionee Elife S5.5
1241702.jpg
Chip điều khiển màn hình cảm ứng của Atmel (Mỹ), là thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực này
1241674.jpg
Cục rung của điện thoại
1241678.jpg
Loa ngoài không có hộp loa giống như chiếc Asus Zenfone 4 được VnReview mổ xẻ gần đây
1241931.jpg
Khung chứa Micro-SIM có số IMEI
1241734.jpg
Viên pin dung lượng 2.300 mAh
Kết luận
Gionee Elife S5.5 có thiết kế cơ khí, thiết kế điện tử và lắp ráp tốt. Máy sử dụng vành nhôm đúc nguyên khối và khung đỡ bằng thép không gỉ chắc chắn. Bo mạch có diện tích nhỏ được thiết kế cẩn thận, các cáp flex gọn gàng và sử dụng nhiều đầu nối (connector) để gắn kết các thành phần với bo mạch. Tuy nhiên, định hướng thiết kế chú trọng đến độ mỏng đã khiến điện thoại này phải đánh đổi bằng việc sử dụng vỏ kính mặt sau rất mỏng và được dán chặt với khung cùng viên pin bằng băng keo, khiến cho việc tháo ra rất khó khăn, dễ vỡ. Ngoài ra, thiết kế thân máy mỏng cũng khiến loa ngoài của máy không có hộp loa, ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh của điện thoại.
Về linh kiện, máy sử dụng nền tảng phần cứng của MediaTek chuyên cung cấp cho điện thoại giá rẻ và hai camera cũng đến từ một công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều thành phần quan trọng khác cũng sử dụng sản phẩm của các công ty thương hiệu như màn hình, RAM, bộ nhớ, chip cảm ứng.
1241670.jpg
Các linh kiện của Gionee Elife S5.5
Nguồn: Thanh Phong (vnreview.vn)
 
Back
Bên trên