Đánh Giá Máy Ảnh Leica T: Vừa Đẹp Vừa Chất

titmit

Moderator
Thành viên BQT
Là một trong số ít các model giá khá mềm của Leica, chiếc Leica T có chất lượng ảnh chụp khá tốt, màn hình LCD tuyệt vời và thiết kế vượt trội so với tất cả các sản phẩm "bình dân" khác.
Leica T là gì?
1252536.jpg
Trong dân chơi nhiếp ảnh, Leica được coi là thương hiệu danh giá nhất của thế giới nhiếp ảnh. Nếu bạn đã từng nhìn thấy ai đó sử dụng một chiếc máy ảnh dòng M của Leica, có lẽ cảm xúc của bạn sẽ rất giống với khi nhìn thấy một chiếc Ferrari "lượn" qua trước mắt. Cho dù bạn có không thích thiết kế của những chiếc máy ảnh hoàn mỹ này, bạn vẫn sẽ phải trầm trồ trước khả năng chế tác tuyệt vời của nhà sản xuất.
Và dĩ nhiên, cũng giống như một người lái Ferrari, bạn sẽ phải có tiềm năng tài chính cực kỳ vững mạnh để có thể sở hữu những chiếc Leica M đầu bảng. Chưa kể, Leica M còn không hỗ trợ tính năng lấy nét tự động – một tính năng vốn đã quá quen thuộc với người dùng thông thường.
1252552.jpg
Nắm bắt được điều này, Leica đã sản xuất ra chiếc Leica T Type 701, một chiếc CSC (máy compact, không gương lật) với phong cách thiết kế đặc trưng của Leica M và mức giá "hữu nghị" hơn: 1850 USD (khoảng 39 triệu đồng, giá gốc tại Mỹ).
Là môt sản phẩm giữ lại lớp vỏ sang trọng của Leica nhưng lại được trang bị rất nhiều thay đổi mới, Leica T sẽ có chất lượng ra sao? Bài đánh giá của Trusted Reviews do VnReview biên dịch sẽ giúp bạn đọc có được câu trả lời.
Tính năng của Leica T
"Linh hồn" của chiếc máy ảnh đắt giá này là cảm biến APS-C độ phân giải 16.3MP, với độ nhạy từ ISO 100 đến ISO 12500. Bạn không thể mở rộng độ nhạy của Leica T, nhưng trong thực tế, sẽ có rất ít người cần dùng tới mức ISO trên 12.500.
1252512.jpg
Leica T có thể chụp với tốc độ cửa trập từ 30 đến 1/4000 giây, tương đương với tốc độ thông thường của các model CSC. Các chế độ phơi sáng thông thường và các chế độ chụp theo ngữ cảnh quen thuộc đều có mặt trên chiếc Leica "giá mềm" này.
Leica T có thể quay video độ phân giải Full HD 1920 x 1080 pixel ở tốc độ 30 khung hình/giây, thấp hơn mức trung bình 60 khung hình/giây của phần lớn các dòng máy ảnh số cao cấp khác. Đồng thời, dòng Leica cấp thấp này cũng không có khe cắm microphone ngoài.
Điều đặc biệt nhất về Leica T là bộ nhớ trong tương đối "khổng lồ": 16GB (các dòng máy ảnh của Nikon, Canon hay Sony thường chỉ có bộ nhớ trong 16-64MB). Điều này có nghĩa rằng kể cả nếu làm rơi hay quên thẻ nhớ, bạn vẫn có thể thoải mái thu lại những khoảnh khắc vàng cùng Leica T. Dĩ nhiên, chiếc CSC này cũng hỗ trợ cả khe cắm SD tiêu chuẩn.
1252516.jpg
Các bức ảnh được Leica T lưu lại dưới độ phân giải 4928 x 3264 pixel, định dạng JPEG hoặc RAW. Ảnh RAW trên Leica T được lưu dưới dạng file DNG, cho phép người dùng chỉnh sửa trên phần lớn các phần mềm xử lý ảnh thông dụng. Khi mua Leica T, bạn sẽ được nhận một phiên bản miễn phí của Adobe Lightroom.
Những người dùng "truyền thống" có lẽ sẽ cảm thấy không hài lòng vì Leica T không có ống ngắm quang học. Bạn có thể mua ống ngắm điện tử Leica T Visoflex cho chiếc máy ảnh này. Cũng giống như thân máy, EVF của Leica T có giá rất "chát": 600 USD (khoảng 12,6 triệu đồng; giá gốc tại Mỹ).
Bù lại, chất lượng màn hình cảm ứng 3.7 inch trên Leica T chắc chắn sẽ khiến bạn bất ngờ. Với độ phân giải 1.3 triệu điểm ảnh, màn hình 3.7 inch của Leica T tạo ra hình ảnh rực rỡ với mức tương phản rất hợp lý.
1252504.jpg
Với khả năng kết nối Wi-Fi tích hợp sẵn, Leica T có thể chuyển ảnh chụp một cách dễ dàng và nhanh chóng lên smartphone. Bạn có thể sử dụng iPhone hoặc iPad để điều khiển chiếc CSC cao cấp này từ xa.
Cần phải lưu ý rằng, hiện tại Leica T mới chỉ tương thích với iOS. Điều này có lẽ sẽ không gây bất ngờ cho nhiều người, bởi cả Leica và Apple đều là những công ty coi trọng thiết kế hơn tính năng, với những sản phẩm tuyệt đẹp có mức giá mang tính "thử thách" người dùng. Nhà thiết kế Jony Ive của Apple đã từng tạo ra một phiên bản Leica M rất ấn tượng, và nếu Apple có bước chân vào thị trường máy ảnh số, sản phẩm của Táo chắc chắn sẽ mang phong cách Leica.
Thiết kế
1252544.jpg
Thiết kế là yếu tố đáng chú ý nhất của Leica T. Cũng giống như các dòng MacBook, Leica T được tạo thành từ một miếng nhôm duy nhất. Kết quả là một sản phẩm tuyệt đẹp dành cho những người tinh tế nhất.
Hãy thử theo dõi những đoạn video quay lại quá trình chế tác Leica T để có thể hiểu được vẻ đẹp của chiếc máy ảnh số này. Trong quá trình chế tác, người thợ của Leica sẽ phải dành ra tới 40 phút để đánh bóng cho thân hình của máy. Vẻ đẹp thủ công bên trong thiết kế và chất lượng lắp ráp của Leica T thể hiện mức độ chau chuốt rất lớn từ nhà sản xuất, và kết quả là một "tác phẩm" vượt trội hơn hẳn những dòng CSC thông thường của Fujifilm hay Olympus.
1252484.jpg
Thiết kế của Leica T mang phong cách tương đối lạ mắt. Do các bánh xe và các chi tiết phần cứng khác được thiết kế "chìm" trong thân máy, bạn có thể hiểu nhầm rằng đây là một sản phẩm mẫu mà nhà sản xuất chưa kịp hoàn thiện. Cả 2 bên thân máy đều không có một nút bấm hay bánh xe điều khiển nào; số lượng nút và bánh xe ở phần thân trên cũng khá hạn chế.
Gần như tất cả các tính năng và tùy chọn đều đã được chuyển vào màn hình cảm ứng của Leica T. Điều này có nghĩa rằng trải nghiệm sử dụng của Leica T sẽ phụ thuộc vào chất lượng màn hình. Thật may mắn, bạn sẽ không thể chê trách bất cứ điểm nào về màn hình của Leica T.
Giao diện màn hình điều khiển của Leica T được bố trí rất đơn giản và rõ ràng. Bạn sẽ không bị "lạc" bên trong số lượng menu quá nhiều của màn hình. Ban đầu, người dùng có thể hiểu nhầm rằng Leica T thiếu đi một số tính năng cần phải có của máy ảnh số. Tuy vậy, sau một quá trình sử dụng, bạn sẽ quen với cách điều khiển của Leica T hơn rất nhiều.
1252548.jpg
Các nút điều khiển vật lý của Leica T đều được đặt ở phía trên thân máy. 2 bánh xe điều khiển sẽ thay đổi tốc độ cửa trập hoặc khẩu độ (tùy thuộc vào chế độ ưu tiên mà bạn đang chọn). Bánh xe còn lại sẽ điều chỉnh các thông số khác như ISO hoặc mức bù sáng, tùy thuộc theo lựa chọn của người dùng.
Bạn sẽ phải chọn điểm lấy nét tự động trên màn hình. Vấn đề với cơ chế lấy nét tự động của Leica T là một khi đã lựa chọn điểm lấy nét trên màn hình, bạn sẽ không thể lấy nét lại bằng cách nhấn nửa cò. Thay vào đó, bạn sẽ phải lựa chọn lại trên màn hình. Trong quá trình sử dụng thời gian dài, điều này có thể gây khó chịu cho người dùng.
Một điều có thể gây bất ngờ cho người dùng là nắp đậy khe cắm thẻ nhớ và cổng USB được làm bằng chất liệu nhựa khá rẻ tiền. Phần thân nhựa này trở nên nổi bật (theo cách không mong muốn) so với lớp thân nhôm còn lại. Cả nắp đậy pin của Leica T cũng được làm bằng chất liệu nhựa, và bởi vậy cũng sẽ làm xấu dáng hình của thân máy.
1252496.jpg
Cơ chế tháo pin của Leica T cũng tương đối phức tạp. Sau khi đã nhấn nút để mở nắp pin, bạn sẽ phải tiếp tục nhấn nhẹ để nắp pin và viên pin hơi chìm vào trong thân máy nhằm mở chiếc lẫy bên trong. Cơ chế này sẽ giúp tránh tình trạng pin bị rơi xuống mặt đất, song lại hơi phức tạp trong quá trình sử dụng hàng ngày.
Hiệu năng
Thay vì chạy theo xu thế lấy nét tự động dạng hybrid ("lai" giữa lấy nét theo pha và lấy nét theo tương phản), Leica T lại sử dụng cơ chế lấy nét theo tương phản đã tương đối lạc hậu. Thật may mắn, hệ thống AF theo tương phản trên Leica T lấy nét khá chính xác và cũng đủ nhanh cho phần lớn các trường hợp sử dụng trong điều kiện sáng tốt.
1252500.jpg
Trong điều kiện thiếu sáng, hệ thống AF trên Leica T tỏ ra khá thiếu hụt. Do đó, bạn sẽ cần sử dụng tới đèn hỗ trợ lấy nét ở phía trước máy. Rất tiếc, đèn chiếu này cũng chỉ giúp lấy nét chính xác trên các vật mẫu cách bạn khoảng vài mét. Leica T có hỗ trợ các chế độ nhận diện khuôn mặt và AF nhiều điểm, song có lẽ người dùng có lẽ sẽ tự lựa chọn điểm lấy nét tự động trên màn hình cảm ứng.
Các chế độ đo sáng trên Leica T bao gồm đo sáng theo điểm (spot), đo sáng theo vùng trung tâm (center-weighted) và đo sáng theo đánh giá chung (evaluative). Chế độ evaluative được Leica T gọi tên riêng là "multi-field" ("đa trường").
1252548.jpg
Chế độ đo sáng multi-field sẽ giúp tạo ra kết quả khá tốt trong phần lớn các trường hợp sử dụng, từ những bầu trời mây xám xịt cho tới những tia nắng rực rỡ. Các vùng sáng được tái hiện rất tốt, giúp tạo ra vùng tối khá sâu và độ tương phản nói chung khá tốt. Hệ thống đo sáng trên Leica T tốt đến mức bạn chỉ cần chuyển chế độ đo sáng về multi-field và chiếc máy ảnh này sẽ không làm bạn thất vọng trong gần như tất cả các trường hợp.
Chất lượng ảnh
Nếu bạn muốn sở hữu chất lượng ảnh chụp tuyệt vời hết mức có thể từ Leica T, bạn sẽ phải chụp các bức ảnh RAW. Trong khi ảnh JPEG có chất lượng khá ổn và khá sắc nét, quá trình nén và giảm nhiễu sẽ làm mịn ảnh hơi quá mức và khiến mất chi tiết. Ngược lại, ảnh RAW sẽ giữ lại được tất cả các chi tiết do cảm biến 16.3MP trên Leica T thu lại.
1252452.jpg
1252448.jpg
1252440.jpg
Xét về khía cạnh nhiễu sáng, Leica T giữ được mức nhiễu khá ổn trên toàn bộ khoảng ISO của mình, trong đó nhiễu màu chỉ bắt đầu xuất hiện ở ISO 6400. Trong khi quá trình giảm nhiễu sáng sẽ làm mất chi tiết của ảnh, quá trình này cũng tương đối nhạy và không làm hỏng bức ảnh của người dùng.
1252456.jpg
1252468.jpg
Cũng giống như hệ thống đo sáng, tính năng tự động cân bằng trắng hoạt động khá tốt trong cả các điều kiện chụp đủ sáng và thiếu sáng. Thậm chí, bức ảnh chụp trời nắng ở chế độ tự động còn có màu sắc đẹp hơn ở chế độ Sunny (tối ưu cho trời nắng) mà Leica cài đặt sẵn.
Cả 5 lựa chọn màu sắc trên Leica T đều được cung cấp thông qua màn hình cảm ứng: Standard (chuẩn), Vivid (rực rỡ), Natural (tự nhiên), B&W Naturual (trắng đen tự nhiên) và B&W High Contrast (đen trắng độ tương phản cao). Trong khi chế độ Tự nhiên có màu sắc hơi buồn tẻ, chế độ Rực rỡ lại có màu sắc… quá rực rỡ. Bù lại, chế độ Đen trắng trên Leica T cho chất lượng ảnh khá tuyệt vời. Nhìn chung, trong phần lớn các trường hợp sử dụng, bạn nên dùng chế độ Chuẩn.
1252480.jpg
1252476.jpg
1252464.jpg
Dải nhạy sáng của Leica T đủ lớn để giữ lại một lượng lớn chi tiết trong cả vùng tối và vùng sáng. Trong khi ảnh chụp ở ISO 100 chưa đủ để đọ sức với các dòng DSLR đầu bảng, chất lượng của Leica T vẫn thừa đủ để cạnh tranh với các dòng compact có cùng kích cỡ.
Tuy vậy, chất lượng ảnh sẽ bị giảm đáng kể ở mức ISO 800 trở lên. ISO 100 tới 400 là lựa chọn tốt nhất để giữ lại một lượng chi tiết tối đa.
Kết luận
1252528.jpg
Trước khi quyết định mua chiếc Leica T, bạn cần phải lưu ý rằng giá của 2 chiếc ống kính đi kèm với chiếc máy ảnh này gần như tương đương với thân máy. Điều này có nghĩa rằng để có thể sử dụng Leica T, bạn sẽ phải bỏ ra từ 3700 – 3800 USD, tức là từ… 78 triệu đồng đến 80 triệu đồng theo giá tại Mỹ.
Điều đó có nghĩa rằng sẽ có rất, rất ít người dùng nên lựa chọn chiếc Leica T. Chiếc máy ảnh này có rất nhiều điều đáng khâm phục, từ chất lượng ảnh chụp tương đối tốt cho đến thiết kế tuyệt vời, nhưng ở tầm giá 3500 USD người dùng còn rất nhiều lựa chọn tuyệt vời khác. Ví dụ có thể kể tới Fujifilm X-Pro 1 hoặc X-T1, hoặc thậm chí là chiếc Sony Alpha 7 II cũng có thể đáp ứng nhu cầu chụp ảnh của bạn.
1252520.jpg
Lựa chọn tốt nhất dành cho những người cần sở hữu một chiếc CSC cao cấp ở mức giá dễ chịu sẽ là chiếc Sony NEX 7 (24 triệu đồng, giá body kèm lens). Nói tóm lại, dù Leica T có thể làm tốt trên hầu hết mọi khía cạnh (chất lượng ảnh khá tốt, trải nghiệm sử dụng tuyệt vời, thiết kế mang đẳng cấp nghệ thuật), đây không phải là một chiếc máy ảnh mà bạn thực sự cần. Cũng giống như những chiếc Lamborghini, yếu tố quyết định tới lựa chọn Leica T sẽ là "cảm giác" khi sử dụng sản phẩm. Và rất có thể chiếc máy ảnh này sẽ không thực sự khiến bạn ngỡ ngàng khi bỏ ra mức giá quá "khủng": 1850 USD (39 triệu đồng) cho riêng thân máy, tất nhiên nếu kinh tế bạn dư giả và bạn thích sở hữu nó thì Leica T là lựa chọn của bạn.
Lê Hoàng
Theo Trusted Reviews ( vnreview.vn)
 

Xem nhiều nhất

Back
Bên trên