Đánh Giá Máy Tính Xách Tay Hp Probook 450: Hiệu Suất Cao, Hoạt Động Êm

ducanh

Thành viên Nghiệp dư
Dòng ProBook 450 của HP bao gồm những laptop văn phòng 15.6 inch cho cả khách hàng cá nhân và chuyên nghiệp với nhiều model và tùy chọn cấu hình khác nhau như Probook 450 G0, Probook 450 G1. Trong bài này chúng tôi sẽ đánh giá HP ProBook 450 G1 để xem nó có để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dùng như những anh em khác cùng dòng hay không.
1088621.jpg
Về cơ bản, các laptop thuộc Probook 450 có thiết kế và chất lượng lắp ráp giống nhau, chúng chỉ khác ở cấu hình phần cứng. Một số bạn đọc có gửi yêu cầu đánh giá dòng sản phẩm này, nhưng do chưa có điều kiện trải nghiệm trực tiếp sản phẩm, VnReview chuyển ngữ từ bài đánh giá của trang Notebook Check, bạn đọc có thể tham khảo khi chọn mua dòng laptop này.
Các laptop được dùng để đối chiếu, so sánh trong bài là Lenovo ThinkPad Edge E450 (Core i3-4000M, HD Graphics 4600) và Acer TravelMate P445-M (Core i5-4200U, HD Graphics 4400).
Thiết kế
HP ProBook 450 G1 cũng có nắp máy bằng nhôm chải xước như các anh chị em cùng dòng. Khung xung quanh màn hình mờ trông cũng đẹp mắt. Tuy nhiên vị trí các khe cắm và cổng kết nối của ProBook 450 không thuyết phục chúng được đặt hết ở hai bên sườn chứ không phải ở cạnh trước của máy.
1086877.jpg
Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá cao vỏ bảo trì ở đáy laptop. Có thể dễ dàng tháo nó ra sau khi tháo pin mà không cần phải sử dụng tuốc nơ vít. Và sau khi tháo tấm vỏ này ra bạn có thể tiếp cận hầu như toàn bộ linh kiện bên trong máy.
Kết nối
Các kết nối của ProBook 450 không hẳn là thiếu nhưng cũng không phong phú. Nó chỉ có hai cổng USB 2.0 và hai cổng USB 3.0, cổng HDMI, VGA và Gigabit LAN. Mặc dù có đủ các cổng kết nối cần thiết nhưng theo chúng tôi vị trí của chúng nên được cải thiện.
1086929.jpg
Các cổng USB và jack cắm tai nghe 3.5mm được đặt ở sườn phải của máy. Các cổng USB 3.0, LAN, VGA và HDMI chen chúc với nhau ở sườn trái của máy ngay trước khe tản nhiệt. Người thuận tay trái sẽ không có chỗ kết nối chuột nếu như một màn hình và một thiết bị ngoại vi đã được kết nối với cổng USB. Ngoài ra, khoảng cách giữa các cổng USB khá hẹp có thể khiến bạn khó cắm thêm thiết bị USB nếu thiết bị đó có hình dạng to (ví dụ như một chiếc USB 3G). Đầu đọc thẻ SD được đặt ở cạnh trước của máy.
1086909.jpg
ProBook 450 đã loại bỏ ExpressCard nhưng giữ lại khóa Kensington. Không có chân kết nối dock chuyên dụng nhưng người dùng có thể mua dock kết nối qua USB. Máy quét dấu vân tay vẫn nằm ở vị trí tiện lợi ngay chiếu nghỉ tay bên phải. Người dùng không muốn gõ mật khẩu có thể mở máy bằng dấu vân tay của họ.
1086925.jpg
Kết nối mạng
HP sử dụng mô-đun WiFi của RaLink, hỗ trợ tiêu chuẩn 802.11 b/g/n với tốc độ tối đa 300Mbps. Mô-đun RaLink RA3290 chỉ hoạt động ở băng tần 2.4GHz nên nó không hỗ trợ băng tần 5GHz. Đổi lại nó được tích hợp tất cả các tính năng của Bluetooth 4.0. Tốc độ truyền dẫn WiFi ở mức chấp nhận được.
1086933.jpg
Về mặt mạng có dây HP sẽ hỗ trợ khách hàng kết nối Internet qua cổng Gigabit LAN. Không hề có gì bất thường với cổng kết nối này. Tốc độ truyền dẫn của mạng dây đạt tiêu chuẩn Gigabit LAN thông thường.
Bảo mật
Ngoài khóa Kensington, ProBook 450 còn sở hữu máy quét dấu vân tay. Nó cho phép người dùng khởi động máy bằng một trong số các ngón tay. Về mặt lý thuyết, dấu vân tay có thể thay thế tất cả các loại mật khẩu. Tuy nhiên, người tiêu dùng đừng quá tin tưởng vào công nghệ này bởi có quá nhiều tin tặc có thể dễ dàng vượt qua máy quét dấu vân tay. Công ty An ninh mạng Bkav đã từng chứng minh sự thiếu an toàn của công nghệ mở khóa bằng vân tay này.
Mặc dù ProBook 450 không có TPM nhưng BIOS có thể được bảo vệ bằng mật khẩu. Điều này không thể ngăn chặn tin tặc nhưng có thể làm chúng mất thời gian hơn. Tuy nhiên những tin tặc tinh ranh có thể dễ dàng truy cập pin BIOS sau khi tháo tấm vỏ dễ mở ở đáy máy.
1086954.jpg
Tính năng DriveGuard của HP rất hữu ích. Phần mềm này theo dõi gia tốc của ổ cứng tích hợp và cố định đầu đọc/ghi của ổ cứng khi phát hiện ra một cú sốc. Điều này làm giảm nguy cơ mất dữ liệu khi laptop bị xê dịch hoặc rơi trong quá trình sử dụng.
Phụ kiện
Không có nhiều phụ kiện có sẵn hoặc tùy chọn đi kèm với ProBook 450. Ví dụ, không có tùy chọn dock hoặc pin dung lượng cao. Nhưng may mắn là laptop này được cung cấp một bộ DVD trình điều khiển, ứng dụng và Windows 8 Pro cùng với sách hướng dẫn, pin và bộ sạc.
Bảo trì
Vỏ bảo trì lớn ở đáy laptop có thể tháo ra dễ dàng sau khi tháo pin mà không cần sử dụng tuốc nơ vít. Mặc dù tấm vỏ vừa vặn, chặt chẽ và an toàn mà không cần ốc vít nhưng bạn có thể chọn vỏ bảo trì an toàn được cố định bằng các ốc vít.
1086962.jpg
Sau khi tháo vỏ bảo trì chúng ta có thể truy cập vào ổ cứng và quạt tản nhiệt, pin BIOS, mô-đun WiFi và ổ cứng. Một khe cắm trống cho phép bổ sung một ổ SSD mSATA được đặt trực tiếp ngay bên cạnh mô-đun WiFi nhằm mục đích tăng tốc độ cho laptop với vài thao tác đơn giản.
Bảo hành
HP ProBook 450 được bảo hành 12 tháng. Bạn có thể trả phí để mua thêm thời gian bảo hành. Để nâng cấp thời gian bảo hành lên 36 tháng bạn phải bỏ ra số tiền lên tới 320 USD (tương đương 6,8 triệu đồng).
Cấu hình
ProBook 450 G1 E9Y58EA có vi xử lý Intel Core i7-4720MQ tốc độ xung nhịp 2.2GHz, mainbroad Intel HM87, 8GB RAM DDR3 kênh đơn, đồ họa tích hợp Intel HD Graphics 4600. Màn hình TN LED của nó có kích thước 15.6 inch, độ phân giải 1366x768 pixel. Ổ ứng Seagate Momentus ST750LM022 HN-M750MB, dung lượng 750GB tốc độ 5400 rpm, còn trống 650GB.
Nó có kích thước 29 x 375 x 256 mm, trọng lượng 2,37 kg. Pin Lithium-Ion 47Wh, 10,8V, 4200mAh. Hệ điều hành Microsoft Windows 7 Professional (64 Bit) cộng với DVD cài đặt Windows 8 Pro (64 Bit). Các tính năng phụ khác bao gồm Webcam HD (1280x720 pixel), loa âm thanh nổi, bàn phím chiclet không đèn nền. Các phần mềm đi kèm bao gồm: Cyberlink Power2Go 8, Cyberlink PowerDVD 12, Cyberlink YouCam, HP Client Security Manager, HP Drive Encryption, Microsoft Office 365 (trial), PDF Complete (Corporate Edition), Skype.
Bàn phím và Touchpad
Một trong những điểm nổi bật của ProBook 450 là bàn phím theo phong cách chiclet chất lượng tốt. Tất cả các phím có đủ không gian, có kích thước và cách bố trí bình thường. HP vẫn cố gắng trang bị bàn phím số kích thước chuẩn cho ProBook 450 và chỉ giảm một chút kích thước các phím điều hướng.
1086869.jpg
Cảm giác đánh máy rất dễ chịu ngay cả trong thời gian dài. Bàn phím cung cấp cho người dùng độ lún phím phù hợp và có độ nảy nhẹ. Bàn phím hơi mềm ở khu vực ổ DVD, ở khu vực này độ nảy của phím cũng cao hơn các khu vực khác.
1086885.jpg
Touchpad bề mặt nhám của ProBook 450 có kích thước chuẩn và hơi lệch về bên trái chứ không nằm ở chính giữa chiếu nghỉ tay. Ngón tay lướt tốt trên touchpad khá ổn, không quá nhanh và khá chính xác. Sử dụng nó khá dễ chịu cho công việc hàng ngày.
1086966.jpg
Màn hình
1086970.jpg
Màn hình mờ của ProBook có độ phân giải 1366x768 pixel. Độ sáng trung bình của màn hình là 202,8 cd/m2, mức trung bình so với các laptop đối chiếu. TravelMate ngang ngửa với độ sáng 200,6 cd/m2 còn ThinkPad Edge trội hơn một chút với độ sáng 217,2 cd/m2.
1086861.jpg
Độ tương phản của màn hình đạt 211:1 còn mức màu đen là 1,08 cd/m2, những con số không mấy ấn tượng. Chẳng ai muốn thấy những điểm số này trên một màn hình laptop ngày nay và càng không muốn thấy chúng trên một màn hình của một laptop có giá 23 triệu đồng. Tuy nhiên điểm số của TravelMate (361:1, 0,54 cd/m2) và ThinkPad Edge (289:1, 0,89 cd/m2) cũng chẳng mấy ấn tượng. Màn hình của ProBook không thể tái tạo không gian màu AdobeRGB và sRGB. Nó bao phủ được 50,2% không gian màu trên sRGB và 34,8% trên AdobeRGB.
1086841.jpg
Trung bình thay đổi DeltaE của màn hình ở trạng thái mặc định đạt mức 12,64. Không có màu nào đạt mức DeltaE nhỏ hơn 3. Màn hình cũng hơi bị ám xanh, có thể loại bỏ bằng cách hiệu chỉnh màn hình.
1086849.jpg
Mặc dù độ sáng chỉ ở mức trung bình nhưng ProBook có thể sử dụng được ở ngoài trời. Màn hình mờ rất hữu dụng trong trường hợp này. Tuy nhiên nên tránh những nơi có ánh sáng môi trường quá cao.
1086949.jpg
Góc nhìn của ProBook 450 G1 khá ổn định ngang bằng với ProBook 450 G0 và ProBook 455. Thay đổi góc nhìn nhanh chóng theo chiều dọc sẽ khiến hình ảnh bị biến dạng. Góc nhìn ngang có vẻ rộng hơn và nội dung vẫn có thể được nhận ra khi nhìn từ hai bên sườn nhưng nó sẽ bị mờ khi tăng góc.
Hiệu suất
Mẫu laptop được đánh giá trong bài có giá khoảng 790 EUR (tương đương 23,2 triệu đồng) tại Đức, nhưng người dùng có thể tùy chọn cấu hình để giảm giá. Tại Việt Nam, máy có nhiều tùy chọn cấu hình khác nhau với giá từ 15 triệu đồng.
1086853.jpg
Model ProBook 450 G1 trong bài đánh giá này sở hữu vi xử lý lõi tứ Intel Haswell Core i7-4720MQ với tốc độ xung nhịp là 2.2GHz, có thể được ép xung lên 2.9GHz (tất cả bốn lõi), 3.1GHz (hai lõi), và 3.2GHz (một lõi) thông qua Turbo. Intel xác nhận mức TDP của CPU này là 37 watt.
1086913.jpg
Bộ vi xử lý này thực hiện bài kiểm tra Cinebench CPU ở tốc độ cao nhất, cho điểm số khá tốt. Cả hai laptop ThinkPad Edge (Core i3-4000M, HD Graphics 4600) và TravelMate (Core i5-4200U, HD Graphics 4400) đều không thể cạnh tranh với ProBook vì chúng sở hữu bộ vi xử lý yếu hơn.
1086937.jpg
Hệ thống vận hành mượt mà, không có bất kỳ sự chậm trễ hoặc lỗi nào. Điểm số benchmark PCMark cũng rất ấn tượng. TravelMate và ThinkPad Edge đều bị tụt lại phía sau do bộ vi xử lý yếu hơn.
HP trang bị cho dòng ProBook 450 G1 loại ổ cứng Momentus của Seagate. Nó có dung lượng 750GB và tốc độ quay 5400rpm. CrystalDiskMark ghi được tốc độ đọc là 103,3 MB/s và HD Tune tính toán được tốc độ truyền tải dữ liệu là 82.4 MB/s. Đây là những kết quả ấn tượng với ổ cứng 5400rpm.
1086857.jpg
Mặc dù ổ cứng này có tốc độ tốt nhưng nó hoàn toàn không phù hợp với mức giá của laptop này. HP cần bổ sung thêm, ít nhất một ổ cứng 7200rpm, hoặc ổ cứng lai hay cao cấp hơn là một ổ SSD dung lượng nhỏ.
1086917.jpg
Card đồ họa tích hợp HD Graphics 4600 của Intel trên ProBook chịu trách nhiệm xuất video. Nó hỗ trợ DirectX 11.1 và có tốc độ xung nhịp trong khoảng từ 200 tới 1150MHz, giúp Probook vượt qua ThinkPad Edge để dẫn đầu trong thử nghiệm 3DMark dù có cùng card đồ họa. Nguyên nhân là do ProBook có tốc độ xung nhịp cao hơn một chút và laptop của HP còn được hưởng lợi từ CPU mạnh mẽ của nó. TravelMate xếp cuối do có card đồ họa yếu nhất.
Hiệu năng chơi game
Phần cứng của ProBook đủ sức xử lý mềm mại hầu như tất cả các tựa game hiện tại ở độ phân giải và mức chất lượng thấp. Với những tựa game đòi hỏi phần cứng ở mức vừa phải, bạn có thể thiết lập độ phân giải và chất lượng hình ảnh cao hơn, ví dụ như StarCraft II. Tốc độ khung hình có thể được tăng lên một chút. Laptop của HP sẽ hoạt động ở chế độ kênh đôi khi được trang bị thêm một thanh RAM. Điều này sẽ giúp khai thác GPU tốt hơn và cung cấp tốc độ khung hình cao hơn. Mức tăng trung bình lên tới 20%.
Người dùng thường xuyên chơi game có thể chọn mẫu ProBook được trang bị card đồ họa rời Radeon HD 8750M. Hoặc chọn một laptop thay thế, ví dụ như Dell Latitude 3540 với card đồ họa rời Radeon HD 8850M.
Độ ồn
Tiếng ồn phát ra ở chế độ nghỉ nằm trong mức giới hạn. Ổ đĩa chỉ phát ra tiếng ồn khi bạn truy cập thông tin. Mặc dù quạt tản nhiệt chạy liên tục nhưng chúng ta chỉ nghe thấy tiếng ồn của nó trong môi trường thực sự yên tĩnh. Quạt tản nhiệt sẽ tăng tốc khi máy phải xử lý những tác vụ nặng nhưng tiếng ồn vẫn ở mức chấp nhận được. TravelMate chạy khá êm nhưng đây không phải là một điều ngạc nhiên vì nó sở hữu vi xử lý tiết kiệm điện ULV. ThinkPad Edge cũng chạy êm hơn nhưng laptop của Lenovo hoạt động với vi xử lý ít hơn hai nhân so với ProBook.
1086974.jpg
Nhiệt độ
Cả ba laptop đều không quá nóng trong chế độ nhàn rỗi. Nhiệt độ nằm trong phạm vi chấp nhận được tại tất cả các thời điểm đo. Chỉ có ProBook nóng lên một chút khi xử lý tác vụ nặng. Nó đạt mức 50 độ C ở khu vực quạt tản nhiệt. Nhiệt độ của cả ThinkPad Edge và TravelMate duy trì ở mức dưới 40 độ C ở tất cả các thời điểm đo.
1086941.jpg
Nhiệt độ ProBook ở chế độ nhàn rỗi...
1086945.jpg
...và khi xử lý tác vụ nặng
Công suất tiêu thụ điện năng
Mức tiêu thụ điện năng của ProBook trong chế độ nhàn rỗi rất khác nhau, từ 6,3 tới 8,8 watt, chứng tỏ nó rất tiết kiệm điện mặc dù sở hữu vi xử lý lõi tứ hiệu suất cao. ThinkPad Edge (5,4 tới 7,9 watt) tiết kiệm điện hơn một chút còn TravelMate (4,3 tới 12,7 watt) lại tiêu thụ nhiều điện năng hơn. Điều này là đáng ngạc nhiên bởi vì TravelMate được trang bị một vi xử lý tiết kiệm điện ULV. ProBook yêu cầu mức điện năng cao hơn, 41,6 watt khi tải ứng dụng tầm trung và 58,2 watt khi tải ứng dụng nặng.
1086978.jpg
Mức tiêu thụ điện năng của ProBook 450 G1
Về thời lượng pin, mặc dù sở hữu một vi xử lý di động tiêu chuẩn (không phải loại tiết kiệm điện) nhưng ProBook có thời lượng pin rất tốt. Pin của ProBook có thể cung cấp năng lượng cho máy hoạt động 9 giờ 39 phút ở chế độ nhàn rỗi. TravelMate dừng lại trước ở mức 8 giờ 13 phút. Bài test này không được thực hiện với ThinkPad Edge. Chế độ nhàn rỗi được thiết lập với độ sáng màn hình ở mức tối thiểu, thiết lập tiết kiệm điện được kích hoạt, và mô-đun kết nối không dây được tắt. ProBook có thể chạy 59 phút khi chạy full tải. TravelMate ngang bằng khi đạt mức 1 giờ 5 phút, và ThinkPad Edge có vẻ tốt hơn khi đạt mức 1 giờ 31 phút. Các laptop ở bài kiểm tra này hoạt động với độ sáng màn hình tối đa, thiết lập năng lượng hiệu suất cao được kích hoạt và mô-đun kết nối không giây được bật.
1086982.jpg
Thời lượng pin của ProBook 450 G1
Ở kiểm tra duyệt web với WiFi, ProBook dừng lại ở mức 4 giờ 48 phút, dài hơn một chút so với mức 4 giờ 30 phút của TravelMate và mức 4 giờ 23 phút của ThinkPad Edge. Các thiết lập ở chế độ này bao gồm chế độ tiết kiệm năng lượng được kích hoạt, độ sáng màn hình được giữ ở mức 150cd/m2 và các trang web được mở tự động 40 giây một lần. ProBook ngừng hoạt động sau 3 giờ 10 phút phát DVD, thấp hơn so với mức 3 giờ 34 phút của TravelMate và cao hơn so với mức 3 giờ 3 phút của ThinkPad Edge. Kiểm tra phát DVD được thực hiện trong điều kiện chế độ tiết kiệm năng lượng được kích hoạt (hoặc thiết lập cao hơn để đảm bảo DVD hoạt động trơn tru), độ sáng màn hình tối đa và mô-đun kết nối không dây bị vô hiệu hóa.
Kết luận
HP ProBook 450 G1 E9Y58EA cung cấp hiệu suất ứng dụng cao và hoạt động êm ái. Thời lượng pin của nó cũng rất tốt. HP cũng trang bị các thiết bị nhập dữ liệu khá tốt cho ProBook. Ngoài ra, tính tiện lợi của vỏ bảo trì là một điểm cộng cho máy. Tuy nhiên, HP đã làm giảm giá trị của laptop này bằng cách trang bị cho nó một màn hình không thể chấp nhận được. Nó hơi bị ám xanh, độ tương phản thấp và mức sáng trung bình. Một máy tính với giá hơn 20 triệu đồng cần phải có nhiều hơn thế. Bảo hành một năm cũng là quá ngắn. Người dùng không cần vi xử lý Core i7 mạnh mẽ có thể chọn mẫu ProBook với vi xử lý Core i3-4000M sẽ tiết kiệm được khoảng 5 triệu đồng.
Lenovo ThinkPad Edge E540 nổi bật với các thiết bị nhập dữ liệu chất lượng tốt, và mức giá của nó cũng hợp lý hơn. Mẫu 20C60043GE sở hữu vi xử lý Core i5-4200M có mức giá khoảng 15 triệu đồng nhưng không bao gồm hệ điều hành Windows. Acer TravelMate P455-M ghi điểm với màn hình mở độ phân giải full HD và luôn luôn êm ái khi hoạt động.
Hoàng Kỷ
Theo Notebook Check(vnreview.vn)
 

Xem nhiều nhất

Back
Bên trên