Review Chân Chính Được Gì Và Mất Gì

titmit

Moderator
Thành viên BQT
Sau một năm làm việc cật lực, bạn dành dụm được một số tiền và bạn quyết định sẽ dùng nó để lên đời smartphone. Đương nhiên, bạn đã phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới làm ra được số tiền đó, vậy nên bạn sẽ không muốn bỏ phí vào một sản phẩm không tốt.
Đây chính là lý do những bài review các sản phẩm được tạo ra. Bạn sẽ đọc (hoặc xem) chúng, biết được ưu/nhược điểm của từng sản phẩm để từ đó đưa ra quyết định cho mình.
h2_1280x720-800-resize.jpg

Với việc trên thị trường có quá nhiều sản phẩm, người dùng cần có một người dẫn lối để lựa chọn cái tên phù hợp - và trọng trách đó được giao cho những reviewer (người đánh giá)

Do những bài review được thực hiện bởi con người, và mỗi người lại có một cảm xúc khác nhau với từng sản phẩm, vậy nên có rất nhiều nhân tố có thể gây ảnh hưởng tới kết quả đánh giá. Có người thích smartphone cỡ lớn, có người ghét chúng. Có người thích máy làm bằng kim loại, có người lại thích máy làm bằng kính. Có người thích thương hiệu này, nhưng cũng có người lại ác cảm với nó. Đây là một điều dễ hiểu, do con người chúng ta sinh ra không ai giống một ai.
Thế nhưng, còn một nhân tố khác cực kỳ nguy hiểm mà có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả của bài đánh giá. Các bạn có biết là gì không? Đó chính là tiền - hay nói một cách rõ ràng hơn là việc các nhà sản xuất trả tiền cho các reviewer để nói tốt về sản phẩm của họ. Tại sao lại nói nó là nguy hiểm? Đơn giản là vì khi nhận tiền, những reviewer này sẽ không còn là bản thân họ nữa. Với những điều họ không thích ở một sản phẩm, thay vì sẵn sàng bày tỏ những cảm nghĩ chân thành của mình, thì họ sẽ lờ đi hoặc dùng các biện pháp nói giảm, nói tránh để người tiêu dùng coi nhẹ hoặc thậm chí là không biết về chúng.
Dave_Rahimi1.jpg

Tiền không mua được mọi thứ, nhưng sức mạnh của nó thì quả thực là ghê gớm

Đây là David Rahimi, hay còn được biết với cái tên PhoneBuff. Anh là một Youtuber công nghệ khá nổi tiếng với gần 700 nghìn subscribers và 150 triệu lượt xem video. Mới đây, anh này đã đăng tải một video nói về "vấn nạn" các hãng trả tiền cho các reviewer nổi tiếng. Khi nói đến việc "trả tiền", nhiều người sẽ nghĩ rằng các reviewer sẽ đơn giản là nhận một cục tiền lớn, nêu nhận xét, đánh giá tốt, và thế là xong. Nhưng thực chất thì mọi chuyện không đơn giản (và lộ liễu) như vậy.

Một trong những điều quan trọng nhất khi tạo dựng các nội dung quảng cáo, đó chính là làm sao để người đọc không biết rằng mình đang đọc quảng cáo. Trong trường hợp này cũng vậy, nếu như các reviewer nhận tiền trực tiếp thì họ sẽ buộc phải nói rằng đây là nội dung quảng cáo, ít nhất là việc chi trả này được ghi lại dưới sự quản lý của luật pháp. Tuy nhiên, nếu làm như vậy thì bài review sẽ chẳng còn giá trị nữa, và cũng sẽ chẳng ai xem nữa - vì ai cũng biết rằng đây chỉ là một bài quảng cáo "trá hình". Vậy thì các hãng sẽ làm gì?
Đây cũng chính là điều mà David đã chia sẻ. Theo anh, từ lâu các hãng đã có một hình thức chi trả gián tiếp khác - một hình thức mà không có sự tham gia của đồng tiền, không có hợp đồng, không có cam kết nào giữa các hãng sản xuất và reviewer, và từ đó sẽ không thể bị phát hiện.
Câu trả lời chính là việc reviewer được quyền sử dụng và đánh giá các sản phẩm công nghệ trước thời điểm ra mắt.
Hãy tưởng tượng bạn là một reviewer công nghệ nổi tiếng. Một ngày đẹp trời, bạn nhận được một email từ Apple chẳng hạn, và nó nói rằng "iPhone 7 phải tuần sau mới ra mắt, nhưng chúng tôi muốn gửi trước cho bạn dùng thử chiếc máy này, và bạn sẽ có cơ hội làm một bài review nhanh hơn tất cả những reviewer khác. Bạn hứng thú chứ?" Chắc chắn, câu trả lời của bạn sẽ là có.
iphone-7-black.jpg

Bạn là một reviewer công nghệ - được sử dụng chiếc iPhone 7 trước mọi người không chỉ đến từ niềm đam mê, mà còn là việc bạn sẽ thu hút được một lượng người quan tâm rất lớn. Nếu chiếc iPhone 7 được ra mắt vào đêm hôm trước, mà sáng ngày hôm sau bạn đã có video trên tay đầu tiên, chắc chắn nó sẽ trở thành tâm điểm của truyền thông. Tôi sẽ xem nó, bạn cũng xem nó, tất cả mọi người sẽ cùng xem nó - vì iPhone 7 đang là chủ đề hot nhất thời điểm đó.
Và sẽ không khó hiểu khi thấy video về chiếc iPhone 7 của bạn sẽ có hàng chục ngàn, rồi hàng trăm ngàn, thậm chí là hàng triệu lượt xem. Kết quả? Bạn sẽ nhận được một khoản tiền lớn từ Youtube qua việc chèn quảng cáo từ video đó. Không chỉ đem đến lợi ích ngắn hạn, mà nó còn đem đến cả lợi ích dài hạn khi lượng subscribers của kênh bạn cũng sẽ tăng mạnh, các video mà bạn làm ra về sau cũng sẽ được xem nhiều hơn, và tiền cũng sẽ chảy về túi bạn ngày một nhiều. David cho rằng lợi ích này có ý nghĩa (và giá trị) không khác gì, thậm chí là còn lớn hơn một khoản tiền mà các hãng chi trả trực tiếp cho reviewer.

Đến đây, bạn sẽ tự hỏi: "Tại sao? Tại sao Apple, Samsung hay một hãng nào đó lại chọn reviewer này để sử dụng trước sản phẩm của họ, nhưng không phải là reviewer kia?"Nhiều người cho rằng các hãng sẽ chọn các website công nghệ, hay các channel Youtube lớn, vì làm như vậy sản phẩm của họ sẽ có cơ hội được tiếp cận với đối tượng người dùng lớn hơn. Điều này là đúng, nhưng không hẳn là tuyệt đối. Các hãng muốn không chỉ sự quan tâm của người dùng, mà quan trọng hơn, sự quan tâm đó phải được chuyển hóa thành một phản ứng tích cực về sản phẩm.
EnWxxEnXMAAECW2.jpg

Một số reviewer nổi tiếng trên thế giới hiện nay: MKBHD - UnboxTherapy - Austin Evans - Jonathan Morrison và UrAvgConsumer​

Những bài đánh giá sớm luôn thu hút được lượng người quan tâm đông đảo nhất. Chính vì vậy, các hãng mong muốn những bài đánh giá này mang thái độ tích cực về sản phẩm của họ. Các nhà sản xuất không "thừa hơi" khi gửi các sản phẩm của họ cho các reviewer - họ là doanh nghiệp, và với mỗi doanh nghiệp thì mục tiêu hàng đầu là lôi kéo người dùng mua sản phẩm và kiếm được càng nhiều tiền càng tốt.
Về phía các reviewer, khi nhận thấy nguồn doanh thu khổng lồ và mối quan hệ khăng khít với nhà sản xuất - thứ sẽ giúp họ tiếp tục nhận được các sản phẩm sớm hơn trong tương lai, liệu bạn có dám đứng lên chỉ trích sản phẩm và khước từ cơ hội "đổi đời" này? Không nhiều người dám làm được như vậy.
Đương nhiên, chúng ta cần một dẫn chứng cụ thể để chứng tỏ cho quan điểm trên, và David là người hiểu rõ hơn ai hết. Vào thời điểm chiếc Galaxy S6 sắp được ra mắt, David và một nhóm các reviewer khác được mời để sử dụng trước sản phẩm, và họ có thể tung ra video khi buổi ra mắt sản phẩm còn đang diễn ra.
samsung-galaxy-s6-edge-plus-va-galaxy-s6-12.jpg

Video về Galaxy S6 mà David có dịp trên tay trước đạt được 1,8 triệu lượt xem

Với lợi thế về thời gian, trong khi các reviewer khác còn đang xem buổi lễ, David đã có một video hoàn chỉnh về các tính năng mới của Galaxy S6. Video đó ngay lập tức thu hút một lượng quan tâm khổng lồ và tính đến nay đã đạt 1,8 triệu lượt xem. Vào thời điểm đó, khi PhoneBuff mới chỉ có hơn 300,000 subscribers và lượng view thông thường chỉ khoảng 500,000 views, thì 1,8 triệu là một con số khổng lồ. David thu về một số tiền kha khá từ video đó, kéo theo đó là một lượng subscribers không nhỏ.
Nhưng điều quan trọng hơn, David đã tạo dựng được một mối quan hệ với Samsung. Không chỉ được mời tham gia các sự kiện ra mắt sản phẩm lớn hay nhận quà dịp Giáng Sinh, anh tiếp tục có cơ hội được sử dụng (và làm video) các sản phẩm của hãng sớm hơn tất cả mọi người.

Nhưng rồi, vào một ngày "xấu trời", mối quan hệ giữa David và Samsung đột ngột kết thúc. Samsung không còn liên lạc với David, và anh này cảm thấy mình như lọt vào danh sách đen của Samsung. David tỏ ra ngẩn ngơ vì video mà anh làm cho Samsung về chiếc Galaxy S6 có phản hồi rất tốt. Vậy lý do nào đã khiến anh ra nông nỗi này?
Thoạt đầu, David không rõ lý do là gì. Nhưng khi nhìn lại channel của mình, David nghĩ rằng mình đã biết tại sao. Khoảng một tháng sau khi Galaxy S6 ra mắt, anh này đã đăng tải một video thử độ bền giữa iPhone 6 và Galaxy S6 khi bị thả rơi. Rõ ràng, Galaxy S6 với vỏ kính chịu thua toàn tập trước iPhone. Trong một video khác khi mà anh này so sánh hiệu năng nữa Galaxy S6, iPhone 6 và HTC One M8, chiếc Galaxy S6 cũng chịu thua hai đối thủ (do vấn đề quản lý RAM yếu kém mà TouchWiz thời đó gặp phải). Đây là lý do mà David cho rằng đã khiến cho Samsung tức giận và kết thúc mối quan hệ với anh.

David cũng thú nhận rằng mình cảm thấy khá "tội lỗi" vì đã đăng tải hai video trên, mặc cho việc Samsung đã tạo cho anh rất nhiều cơ hội trước đó. Tuy nhiên, anh cũng không thể làm cách nào khác vì đó là kết quả thực tế mà anh không thể giả mạo, và là điều mà người dùng cũng cần phải biết trước khi mua sản phẩm.
Cần phải nhấn mạnh rằng: Samsung chỉ là một ví dụ trong trường hợp này, còn đây là điều xảy ra với TẤT CẢ các nhà sản xuất. Ngay cả Apple - cái tên được cho là cực kỳ kín tiếng, cũng đang "thầm lặng" liên hệ với các bên truyền thông để gửi cho họ sản phẩm sớm hơn. Và nếu như báo chí nói xấu về sản phẩm hay làm một điều gì đó khiến hãng "phật ý"? Apple cũng sẵn sàng gạch tên.

Một ví dụ điển hình nhất có thể kể đến Gizmodo. Vào năm 2009, Gizmodo từng nhận được chiếc iPhone 3GS sớm hơn thường lệ để làm bài review. Thế nhưng vào năm 2010, khi sự cố chiếc iPhone 4 bản thử nghiệm bị mất ở quán bar và bài viết về nó xuất hiện trên trang web của Gizmodo, Apple chính thức ngừng toàn bộ việc cung cấp sản phẩm mới cho trang web này.

Hay vào năm 2014, khi sự cố bẻ cong của iPhone 6 và 6 Plus bắt đầu rộ lên, một ấn phẩm của Đức mang tên Computer Bild đã "đổ thêm dầu vào lửa" bằng một video bẻ cong. Lập tức, Apple đã "tẩy chay" trang web này, ngừng gửi sản phẩm đến đây và không mời ban biên tập đến các buổi lễ ra mắt sản phẩm nữa.

Khi David đánh mất mối quan hệ với Samsung, đương nhiên, anh có chút tiếc nuối khi đi đôi với đó là rất nhiều quyền lợi và các cơ hội phát triển trong tương lai. Nhưng anh có hối hận? Chắc chắn là không. Người dùng mong đợi từ các reviewer những bài đánh giá công tâm, trung thực, không thiên vị. Tiền bạc không phải chuyện đùa, và họ đã trao quyết định tiêu số tiền như thế nào, đi kèm với đó là niềm tin tưởng của mình cho các reviewer.
Với trọng trách và tầm ảnh hưởng của mình, David không muốn khán giả phải thất vọng, không muốn họ mua phải các sản phẩm không tốt, không muốn phải lo sợ mỗi khi nói về một khuyết điểm của sản phẩm và khiến ai đó tức giận, và trên hết, anh không muốn mình trở thành một con rối dễ dàng bị điều khiển. Anh muốn nói ra sự thật, bởi chỉ sự thật mới làm nên một bài review chân chính.
 
Những điều cần biết trước khi viết bài review
1. Tầm quan trọng của bài review
Bài review “Ethical”
Bài review “Unethical”
Tính chất của một bài review
2. Trước khi viết bài review
Tìm hiểu phẩm từ A-Z
Xác định đối tượng truyền thông
Trải nghiệm sản phẩm
Tham khảo các ý tưởng
Chiến thuật Spy (Do thám nội dung)
3. Trong khi viết bài review
Đặt Headline cho bài review
Dàn bài review chi tiết
Phần giới thiệu
Phần thân bài
Phần tổng kết
4. Sau khi viết bài review
Kiểm tra lại lỗi chính tả
Chú trọng cách trình bày
5. Kết luận
Facebook Comments
Theo xu hướng phát triển nội dung hiện tại (Big content), hầu hết các khách hàng đều mong muốn có những content chất lượng cho website của mình.

Đó cũng là lí do bài review sản phẩm được booking liên tục. Dạng bài review yêu cầu tính chuyên sâu cao & trên hết là đòi hỏi tư duy, kỹ năng của người viết.

Nhiều writer đánh giá bài review khá là “khó xơi” và không phải bất cứ ai cũng có thể thực hiện được.

“Trở thành một writer không khó. Nhưng để trở thành một writer giỏi cần phải học.”

Mình biết rằng có vô số bài chỉ dẫn trên internet, nhưng không phải bài viết nào được viết bởi một freelancer có kinh nghiệm thực chiến.

Vậy nên mình đã dành thời gian để thực hiện bài viết này. Dưới đây sẽ là những cách giúp bạn viết một bài review thu hút khiến người đọc chú ý đến sản phẩm và ra quyết định mua hàng.

1. Những điều cần biết trước khi viết bài review

Tầm quan trọng của bài review

Theo nhiều nguồn tham khảo đáng tin cậy thì đa số người tiêu dùng cho biết: họ tin tưởng vào sự giới thiệu của người khác, cho dù họ không quen biết những người này hơn là tin tưởng vào các quảng cáo từ doanh nghiệp.

Người dùng có xu hướng tự chọn kênh mà họ muốn xem, tham khảo những nguồn tin mà họ muốn đọc, đặc biệt là các bài review mang tính chuyên sâu.

cach-viet-bai-review-1

Người đọc thường nghĩ rằng nội dung của các bài review thường chân thật và không thiên vị, thế nhưng trong vai trò là writer chắc chắn hơn một lần bạn phải đấu tranh tư tưởng giữa đạo đức nghề nghiệp và đồng tiền.

Và mình chỉ muốn khuyên bạn rằng, đừng viết review khi bạn chưa thực sự tin tưởng vào sản phẩm.

Bài review “Ethical”

Bài review mang tính ethical (đạo đức) thường xuất phát từ một mục đích vô cùng “thánh thiện” đó chính là mình thích thì mình viết thôi.

Người viết có thể là người đã thực sự trải nghiệm sản phẩm, không có nhiều kinh nghiệm viết lách, chỉ nêu cảm nhận chân thực của mình.

Thỉnh thoảng khổ chủ cùng là một writer chính hiệu, vì quá ấn tượng với sản phẩm, dịch vụ nào đó mà trổ tài múa chữ quay cuồng trên blog cá nhân.

Nội dung review có thể được thể hiện trên nhiều kênh khác nhau (mạng xã hội hoặc website) nhưng không phải lúc nào nó cũng được viết bởi sự yêu thích mãnh liệt của một người dùng nào đó.

Những bài review ethical thường không mang tính thương mại, không bị “gánh nặng” tiền bạc đè nặng trên từng con chữ. Nội dung có thể chuyên sâu hoặc cảm tính tùy vào tâm trạng người viết.

Ngoài ra, mình đánh giá một bài review vừa có tính thương mại, vừa có tính “ethical” chỉ khi writer đặt cái tâm mình vào, không viết hời hợt. Bài viết phải đi vào tính năng và lợi ích cốt lõi, nâng tầm nội dung review với giá trị tương xứng với nó. Và dĩ nhiên nó phải được trả giá đúng.

Bài review “Unethical”

Thực sự thì mình không thích kiểu review cho có, đã là review thì viết cho có tâm vào.

Bạn sẽ rất dễ thấy nhiều bài review trên webisite “thiếu muối” do bị ép giá thảm thương… Nó khiến mình mình tự hỏi, doanh nghiệp cần trưng bộ mặt của mình lên webiste như thế nào? Những writer cảm thấy ra sao khi mình sinh ra những đứa con không hoàn hảo?

“Không có content rẻ, chỉ có những người hồn nhiên phá giá content”.

Nói tới đây thì thấy mình hơi bức xúc quá với những đắng cay mà một writer có thể phải nếm trải, chúng ta nên quay lại thôi.

Để không bị chèn ép, dĩ nhiên là các bạn phải cho doanh nghiệp thấy khả năng của mình. Cách viết một bài review chất lượng & đáng giá đồng tiền bác gạo sẽ không khó, nếu bạn đọc hết những dòng chia sẻ này.

Tính chất của một bài review

Đầu tiên bạn cần phải hiểu rằng khi người đọc tìm kiếm một bài review họ đang mong muốn gì? Đặt mình vào vị trí đó để xây dựng những nội dung thực sự có giá trị với người đọc chứ không phải là những bài review “cho có”, không có gì khác biệt.

Bài review cần có tính trung thực
Nên nhớ rằng bài review không phải là bài quảng cáo nên không cần đưa sản phẩm lên tận mây xanh vì điều đó hoàn toàn không cần thiết.

Một bài review đúng nghĩa nên được cộng hưởng khéo léo giữa khen và chê, giữa ưu và nhược dựa trên cái nhìn khách quan về sản phẩm.

Bài view cần chi tiết hóa
Nếu như content trên facebook khiến chúng ta có xu hướng đọc lướt, tìm kiếm sự mới mẻ và niềm vui thì những bài review trên webiste lại cần nhiều hơn như thế. Càng chi tiết hóa, càng giúp bài viết tăng tính thuyết phục và chuyển đổi tốt hơn.

Nhất là dạng bài review, nó luôn cần đến trải nghiệm chân thực của người viết khi đã sử dụng sản phẩm, đánh giá khách quan và đặc biệt là không sặc mùi quảng cáo.

Hiểu được những điều này, mình tin rằng đó là nền tảng vững chắc để bạn xây dựng một bài review chất lượng.

Chi tiết cách viết bài review đúng-và-trúng insight khách hàng như thế nào thì hãy đọc tiếp luôn nhé!

2. Trước khi viết bài review

Tìm hiểu phẩm từ A-Z

Mình đã nhắc lại vấn đề này hơn 3 lần trong các bài viết trước, không chỉ đối với bài review mà dạng bài nào cũng vậy.

Tìm hiểu sản phẩm và thương hiệu giúp bạn tìm được nguồn thông tin quý giá để tạo nên những content khác biệt so với các đối thủ.

Mình sẽ list ra những nội dung quan trọng mà bạn nên tìm hiểu ở sản phẩm sắp review nè.

Nguồn gốc và xuất xứ của sản phẩm
Lợi thế cạnh tranh
Đặc điểm nổi bật (ngoại hình, tính năng)
Ưu & nhược điểm
Sản phẩm thay thế
Giờ bạn đang định review sản phẩm nào, mau hỏi chị google và khai thác thông tin từ khách hàng một cách triệt để nhất để có thể viết tốt hơn nhé các bạn!

Xác định đối tượng truyền thông

Mỗi sản phẩm khi tung ra thị trường đều dành cho nhóm phân khúc khách hàng khác nhau, ý tưởng được truyền thông rất rõ ràng đến nhóm công chúng đó. Chính vì vậy mà mình thấy không quá khó khi bạn xác định đối tượng truyền thông trong bài viết.

Sản phẩm hướng đến đối tượng nào thì bạn nên chọn ngôi kể & tông giọng phù hợp với bài review sản phẩm đó.

Và dĩ nhiên, chất văn thân thiện, gần gũi khiến người đọc thấy thoải mái hơn là tông giọng cứng nhắc và gượng gạo.

Trải nghiệm sản phẩm

Mình nghĩ rằng tự mình trải nghiệm sản phẩm sẽ giúp bài review của bạn có chiều sâu hơn. Vì vậy sẽ thật tuyệt vời nếu bạn yêu cầu khách hàng gửi sản phẩm hoặc mẫu thử để bạn có thể hóa thân thành khách hàng, có những trải nghiệm “bằng xương bằng thịt”.

cach-viet-bai-review-2

Sau đó đặt mình vào vị trí của khách hàng, hiểu thêm về insight của các end user (người tiêu dùng cuối cùng) trước khi đặt phím gõ.

Viết bằng trải nghiệm thực tế và viết bằng trải nghiệm internet sẽ mang đến nội dung review khác nhau. Nếu không tin, bạn có thể thử.

Tham khảo các ý tưởng

Không phải ai cũng có thể thực hiện 1 bài review hay ngay khi mới bắt đầu. Nếu bạn chưa biết viết content như thế nào, mình khuyên bạn nên đọc lại bài viết này.

Một bài review ấn tượng thường bắt nguồn từ ý tưởng tốt. Và nếu bạn hỏi mình nên tham khảo ý tưởng đó ở đâu, thì mình khuyến kích bạn tìm các chủ đề tương tự trên youtube & các website nước ngoài.

Việc tham khảo bài viết cùng sản phẩm trên top của google cũng giúp bạn “spy” nội dung tốt hơn, tinh chỉnh & bổ sung những ý còn thiếu vào bài viết của mình để có được bài review chi tiết nhất.

Chiến thuật Spy (Do thám nội dung)

Nếu hợp tác lâu dài với khách hàng thì hãy cho họ thấy giá trị nội dung mà bạn mang lại. Và nếu có ai đó hỏi mình, làm sao để bắt kịp những bài review cùng sản phẩm của đối thủ đã lên top google, mình chỉ muốn bạn ghi nhớ điều này.

“Muốn vượt qua người dẫn đầu, ít nhất nội dung của bạn phải vượt mặt đối thủ.”

Cho dù có giỏi viết hay không thì việc spy đối thủ là một trong những chiến thuật nội dung mà bạn cần phải vận dụng đến.

cach-viet-bai-review-3

Và chúng ta chỉ “do thám nội dung” của đối thủ chứ không copy nên bạn đừng hỏi mình điều này có nên hay không.

Sau khi spy và đã có sẵn trong tay một dàn bài review đủ lượng và chất, bạn sẽ là đầu bếp chính nêm gia vị cho bài viết, thoải mái bày vẽ câu chữ, trang trí dấu câu & tận hưởng cảm giác sướng đến tột đỉnh khi bay nhảy cùng với content của mình.

3. Trong khi viết bài review

Mình sẽ không viết quá nhiều về những điều sáo rỗng, đọc xong mà không ứng dụng được nên sau đây sẽ là phần hướng dẫn viết bài review sản phẩm “Step by Step” giúp bạn thực hiện được một bài review tâm đắc nhất.

Đặt Headline cho bài review

Theo kinh nghiệm của mình, tiêu đề là một trong những bước quan trọng hàng đầu để giúp bạn gia tăng tỉ lệ CTR trên đấu trường google.

Và bạn phải luôn nhớ nằm lòng rằng “Chúng ta luôn chọn những gì mình muốn đọc thông qua tiêu đề.” (Theo sách Khoa Học Quảng Cáo).
Chưa kể đến nội dung nhưng một tiêu đề hay sẽ giúp của bài review thu hút được sự quan tâm của người đọc nhiều nhất có thể.

Vậy phải đặt tiêu đề như thế nào cho bài review mới là hợp lý – bổ trợ cho thuật toán tìm kiếm một cách tốt nhất?

Bạn có thể đọc qua bài viết này, mình đã viết chi tiết cách đặt tiêu đề cho những bạn đang bị “bí từ”, những người mới bắt đầu viết content.

Mình thường đặt theo công thức: Review + Tên sản phẩm + Tính năng nổi bật.

Hoặc Review + Tên sản phẩm : Có thực sự tốt? Nên mua ở đâu?

cach-viet-bai-review-4

Các bạn chú ý nhé, đây là công thức đặt tiêu đề review mình thấy có hiệu quả được mình đúc kết sau một thời gian dài làm việc.

Mình đã trút hết ruột gan rồi, việc của bạn là múa chữ sao cho ấn tượng, bay bổng nhưng đừng quá đà.

Thế nhé, đọc tiếp luôn phần quan trọng sau đây để có thể viết được bài review hoàn chỉnh nè:

Dàn bài review chi tiết

Sau khi nhiều chuyện hết nửa tiếng đồng hồ, mình nghĩ đã đến lúc chúng ta nên đi vào chi tiết từng phần, câu hỏi phải viết như thế nào hợp lý nhất, chạm trúng tâm lý khách hàng sẽ được giải đáp ngay ở phần bên dưới.

Phần giới thiệu

Có nhiều cách bắt đầu khi viết phần giới thiệu của một bài review. Thế nhưng mình khuyên bạn nên vận dụng kĩ thuật cá nhân hóa (chưa biết kỹ thuật này đọc lại bài viết cách review sách của mình có nhắc đến kỹ thuật này) vào phần mở đầu.

Vì cơ bản review là dạng bài viết trải nghiệm nên người đọc sẽ cảm thấy tin tưởng hơn nếu bạn đưa ra trường hợp cụ thể.

Bạn review với tư cách gì (Nghề nghiệp cụ thể, nếu là người có sức ảnh hưởng càng tốt)
Duyên cớ nào khiến bạn biết đến sản phẩm
Động cơ gì thúc đẩy bạn viết review sản phẩm này mà không phải là một sản phẩm khác
Chốt lại và đi thẳng vào vấn đề
Phần thân bài

Mình đánh giá phần body của một bài review hấp dẫn và thu hút khách hàng phải đáp ứng các tiêu chí sau:

Hướng vào insight khách hàng

Khi viết bài review, hãy tự đặt mình vào vị trí người đọc và không ngừng tự đặt câu hỏi, họ mong muốn tìm được những nội dung gì khi viết bài review.

Mình thường hướng vào insight của khách hàng để bắt đúng mạch cho bài viết sau đó, khai thác nỗi sợ hãi của khách hàng, những khát khao tiềm ẩn bên trong họ để có thể sáng tạo ra những nội dung thu hút nhất.

Kỹ thuật storytelling

Kỹ thuật Storytelling thường chiếm được cảm tình của người dùng hơn, khiến họ đặt niềm tin vào nội dung của bài viết.

Bạn có thể review chung chung với ngôi thứ nhất hoặc thứ ba, nhưng mình khuyến khích bạn nên vận dụng kỹ thuật cá nhân hóa bài vài review để nó được sinh động và hấp dẫn hơn.

Còn kỹ thuật này như thế nào, hãy quay trở lại các bài hướng dẫn trước của mình để tìm hiểu nhé.

Nội dung khách quan

Hãy viết sao cho bài review không khiến người đọc khó chịu bởi nội dung quá thiên vị cho sản phẩm bạn đang đề cập. Bạn có thể tập trung vào sản phẩm, nhưng phải là nội dung khách quan & chân thật, viết ra dưới dạng chi tiết, dễ đọc, dễ hiểu để người dùng dễ theo dõi.

Những nội dung chính mà bài review luôn cần bao gồm những ý chính sau đây:

Nguồn gốc xuất xứ thương hiệu
Ngoại hình sản phẩm
Tính năng sản phẩm
Ưu điểm và nhược điểm
Trải nghiệm chân thật của bạn
Một số câu hỏi liên quan đến sản phẩm
Đây được xem là dàn ý chính của một bài review sản phẩm, mình đã cẩn thận note hết rồi, việc của bạn là khai thác và chọn lọc câu từ để hoàn thiện bài viết thôi.

Dẫn chứng trực quan

Một bức ảnh hơn ngàn lời nói, và một đoạn video còn hơn trăm vạn lời người đọc muốn nghe.

Nếu sản phẩm đó thực sự tốt và được cộng đồng công nhận sẽ là một thiếu sót rất lớn nếu bạn không đưa những bằng chứng (evidence) này vào.

So sánh giữa các sản phẩm

Sự so sánh giữa sản phẩm này với sản phẩm kia sẽ giúp bài viết của bạn sinh động và không bị nhàm chán.

Thú thật lúc mới bắt đầu, mình cũng gặp khó khăn ở phần này, vướng nhiều cái khó mà không biết hỏi ai.

Vậy nên hôm nay mình sẽ note ra đây những đặc điểm bạn cần so sánh, bao gồm:

So sánh tính năng
So sánh mức độ yêu thích (độ phổ biến)
So sánh giá cả
Phần tổng kết

Sau khi để người xem đọc mệt nghỉ thì bạn nên phát biểu cảm nhận cá nhân sau một thời gian sử dụng sản phẩm này.

– Mức độ hài lòng như thế nào (bao nhiêu % hoặc hài lòng như thế nào)

– Có tiếp tục sử dụng sản phẩm không

– Có recommend sản phẩm thay thế nào không

4. Sau khi viết bài review

Kiểm tra lại lỗi chính tả

Một người viết chuyên nghiệp sẽ không để lỗi chính tả xảy ra.

Tuy nhiên cho dù có chuyên nghiệp như thế nào thì trong lúc viết một bài review siêu dài sẽ khó tránh đến việc nhầm lẫn, sai dấu câu hay sai chính tả (Chuyện bình thường như ở huyện luôn).

Để không bị khách hàng đánh giá mình, “writer này viết hay mà cứ sai chính tả miết” thì việc đọc lại và kiểm tra lỗi chính tả, cẩn thận một chút sẽ tốt hơn.

Chú trọng cách trình bày

Cách trình bày trong bài viết sẽ giúp người đọc dễ dàng theo dõi nội dung trên trang của bạn hơn. Hãy nghĩ mà xem, cùng một nội dung nhưng bạn thích một bài viết chi chít chữ hay một bài viết được đầu tư visual bắt mắt? Chắc chắn là bạn đã tự có câu trả lời rồi đó.

Phần trình bày trong bài viết review không phải ai cũng nhắc bạn đâu, nhưng mình hứa là sẽ hướng dẫn bạn tự học content, tự viết content một cách hiệu quả & tiết kiệm nhất nên nó có mặt ở đây nè.

Khoảng cách trong văn bản
Đã qua rồi cái thời content được seo một cách hời hợt trên khắp các diễn đàn. Bạn sẽ không thể nào giúp khách hàng của mình cạnh tranh được với nội dung review trước đó của đối thủ nếu không chạy theo những cách trình bày tối ưu.

Bạn có để ý rằng, hầu hết các bài viết của mình đều viết đoạn ngắn. Mình ngắt dòng thường xuyên luôn để người đọc dễ dàng theo dõi nội dung.

Hãy nghĩ mà xem, đa số các bài viết của mình đều trên 2000 từ, nếu mình cứ vô tư viết như đám rừng chắc chẳng ma nào dám kiên trì đến cuối để mà xem.

Vì vậy hãy ngưng, ngắt, sử dụng dấu câu hợp lý & ngắt dòng mỗi khi để ý thấy đoạn quá dài & mình khuyến khích các bạn nên viết mỗi đoạn từ 2-4 dòng là hợp lý nhất.

Làm nổi bật các Call to action
Bạn có biết vì sao khách hàng thường xuyên booking các bài viết review không? Đó là vì họ đang có ý định kinh doanh sản phẩm đó hoặc làm affiliate marketing lên các kênh. Vậy nên phần call to action trong bài viết review là cực kì quan trọng.

Mình hứa sẽ dành thời gian để chia sẻ chi tiết cách viết call to acton cho người mới bắt đầu sau bài viết này. Bây giờ thì bạn nên biết trước tiên để viết được “lời kêu gọi mua hàng” chỉn chu nhất thì cần ghi nhớ 3 nguyên tắc nằm lòng đó chính là: Đơn giản – rõ ràng – quyết liệt.

Nếu bạn đang viết review cho doanh nghiệp hoặc nhận dự án riêng, hoặc là tự thực hiện các bài viết review thì đừng quên “trang điểm” cho phần call to cation thêm lộng lẫy nhé.

Thủ thuật make up call to action
Mình sử dụng công cụ Button Optimizer; Điều chỉnh nút call to acton với kích thước, màu sắc và content phù hợp; Sau đó Download nút call to action dưới dạng file hình rồi tải lên những vị trí thích hợp trong bài review.

cach-viet-bai-review-5

Bộ sưu tập các bài review được đánh giá cao
Mình sẽ update một số bài review mà trên một số site mà mình tình cờ đọc được và cảm thấy ấn tượng.
Các bạn có thể tham khảo qua để biết được cụ thể người ta đã viết như thế nào & cải thiện chất lượng bài viết của mình trong những bài viết review tiếp theo.

5. Kết luận

Viết đến đây, nhìn xuống thì bàn phím đã mòn đi ít nhiều (mình đùa vui thôi). Hy vọng sau khi đọc bài viết của mình bạn có thể tự hoàn thành một bài review, có thể được sếp khen hoặc khách hàng sẽ book bài đắt như tôm tươi chẳng hạn.

“Con đường làm writer còn nhiều chông gai, mong bạn giữ lửa, vững tin & bước tiếp.”
 
Back
Bên trên