Đánh Giá Lg G Flex

hoanganh

Thành viên Nghiệp dư
Thành viên BQT
Ngoài thiết kế cong lạ mắt, góc nhìn màn hình có chút độc đáo thì G Flex gần như không tạo ra điểm khác biệt nào so với các sản phẩm hiện nay.
Trong bối cảnh thông số kỹ thuật trên các smartphone đã rất mạnh mẽ, những sản phẩm như Galaxy Round của Samsung hay LG G Flex được kỳ vọng sẽ tạo nên sự khác biệt trong một thị trường smartphone đang có dấu hiệu của sự nhàm chán.
Tuy nhiên, có vẻ như hai hãng điện thoại Hàn Quốc nói trên mới chỉ “chập chững” bước đi trên con đường sản xuất điện thoại màn hình cong. Ngoài thiết kế có phần lạ mắt, những model nói trên chưa để lại ấn tượng mạnh mẽ với người dùng.

DSC04763.JPG

DSC04763.JPG

Ngay sau khi chính thức bán ra, LG G Flex lập tức được đưa về Việt Nam, tuy nhiên số lượng không nhiều. Anh Trí - chủ cửa hàng XDA Mobile cho biết, cửa hàng xách tay tại Việt Nam không dám nhập máy về với số lượng lớn bởi sản phẩm còn quá mới trong khi giá bán lại cao. Anh này cho biết, doanh số của sản phẩm nói trên tại thị trường Hàn Quốc cũng không thực sự khả quan.
Điểm nhấn về màn hình
Nếu phải tìm ra một điểm khác biệt lớn nhất của LG G Flex so với các đối thủ thì đó chính là trải nghiệm xem phim khi đặt màn hình theo chiều ngang (landscape). Với màn hình uốn cong 30 độ về 2 bên, bạn sẽ có cảm giác như nội dung hiển thị trên máy đang bao quanh trước mặt mình. Góc nhìn, màu sắc và độ tương phản của G Flex đều ở mức hoàn hảo.

DSC04780.JPG

DSC04780.JPG

Có một điểm đáng tiếc là màn hình của G Flex chỉ dừng ở độ phân giải HD. Nếu độ phân giải này được đẩy lên mức Full HD, chắc chắn chất lượng hiển thị của máy sẽ còn tuyệt vời hơn nữa. Thành thật mà nói, người dùng khó tìm thấy sự khác biệt giữa màn hình HD và Full HD, đặc biệt là khi xem những đoạn video có độ phân giải cao. Khi xoay máy và xem nội dung theo chiều dọc (portrait), những hiệu ứng đặc biệt nói trên cũng sẽ mất đi.
Công nghệ màn hình sử dụng trên G Flex được gọi là P-OLED. Về bản chất, độ tương phản giữa các vùng sáng và vùng tối trên màn hình của G Flex tốt hơn rất nhiều so với các model dùng công nghệ LCD. Có thể nói, màn hình chính là điểm nhấn lớn nhất trên LG G Flex.

DSC04761.JPG

DSC04761.JPG

Thiết kế cong lạ mắt
Nói là lạ mắt bởi với cách thiết kế nói trên, trải nghiệm của người dùng chưa thay đổi đủ nhiều để gọi là độc đáo. G Flex có màn hình cong theo chiều ngang, khác với Galaxy Round. Khi cầm trên tay, bạn sẽ thấy nó không khác nhiều với các điện thoại màn hình phẳng thông thường. Chỉ đến khi úp máy vào tai để nghe hoặc thực hiện cuộc gọi, sự khác biệt mới trở nên rõ ràng. Tuy nhiên, việc máy ôm sát vào gương mặt người dùng là điều không cần thiết, bởi ngay cả khi không ôm sát, bạn vẫn có thể nghe hoặc gọi điện thoại một cách bình thường.

DSC04769.JPG

DSC04769.JPG

Với màn hình cỡ 6 inch thì việc bạn dùng một tay để vừa cầm vừa di chuyển hết ngón tay trên màn hình sản phẩm này là bất khả thi. Tuy nhiên, LG cung cấp một chế độ giúp bạn sử dụng bằng một tay, chẳng hạn bàn phím số của máy sẽ lệch hẳn về bên trái giúp bạn dễ gõ phím hơn.
LG quảng cáo nắp sau của sản phẩm này có khả năng tự hàn gắn vết thương. Tuy nhiên, qua trải nghiệm nhanh, loại vật liệu sử dụng trên nắp sau này không mấy khác biệt với vỏ ngoài của chiếc Galaxy S4 từ Samsung. Mặt sau của máy có thiết kế dạng vân xước nhưng được phủ một lớp sơn bóng, do đó, nó có khả năng che đi vết xước (nhìn qua không để ý thấy), hơn là hàn gắn được các vết xước một cách tự nhiên.

DSC04782.JPG

DSC04782.JPG

Giống như G2, G Flex cũng đặt hết các phím cứng ở mặt sau bao gồm phím nguồn/mở khóa màn hình và tăng giảm âm lượng. Với một sản phẩm kích thước 6 inch thì việc đặt nút bấm ở mặt sau có hiệu quả hơn khá nhiều. Người dùng sẽ không phải với tay để tìm các phím này ở cạnh bên, thậm chí trên đỉnh đầu máy. Tuy nhiên, do kích thước màn hình lớn, bạn sẽ không dễ chạm vào các phím này như trên chiếc G2.
Bộ khung của máy được thiết kế khá linh hoạt, bằng chứng là bạn có thể ép thẳng máy xuống mặt bàn, sau đó nó sẽ tự động trở về trạng thái cũ. Khi cầm trên tay, G Flex cho cảm giác chắc hơn so với G2 nhờ bộ khung nói trên. Máy cũng có thiết kế mỏng và nhìn chung, rất thanh lịch.

DSC04785.JPG

DSC04785.JPG

Hiệu năng và phần mềm
Về hiệu năng và phần mềm, LG G Flex không hề khác biệt so với G2. Nó vẫn được tích hợp chip Snapdragon 800, RAM 2 GB cho các trải nghiệm mượt và nhẹ nhàng. Camera sau của máy có độ phân giải 13 megapixel, bắt nét nhanh và nhiều tùy chỉnh.

DSC04786.JPG

DSC04786.JPG

Khác với các sản phẩm xuất xứ Hàn Quốc còn lại, LG G Flex không thể tháo rời nắp sau, cũng không có khe cắm thẻ nhớ microSD. Do đó, nếu bạn cần một sản phẩm có dung lượng lớn hơn 32GB, bạn nên cân nhắc trước khi mua sản phẩm này.
 
Mấy hôm nay lật xem các trang cũ thấy lại em này hay hay nên quan tâm, bài viết của bạn rất hay, tóm lại là: thiết kế độc đáo, cho trải nghiệm hình ảnh tốt, nhưng theo ý kiến cá nhân của riêng mình thì màn hình cong làm cho LG G Flex gây nên sự bất tiện cho người dùng khi mang theo bên mình, hơn nữa, cấu hình của LG G Flex không quá cao, nhưng đây là một chiếc smartphone rất độc đáo, được sáng tạo và thiết kế dành cho dân ghiền phim ảnh, có thể nằm một chỗ mà vẫn có được trải nghiệm lúc xem phim ''như đang tại đó'' :D
 
Mấy hôm nay lật xem các trang cũ thấy lại em này hay hay nên quan tâm, bài viết của bạn rất hay, tóm lại là: thiết kế độc đáo, cho trải nghiệm hình ảnh tốt, nhưng theo ý kiến cá nhân của riêng mình thì màn hình cong làm cho LG G Flex gây nên sự bất tiện cho người dùng khi mang theo bên mình, hơn nữa, cấu hình của LG G Flex không quá cao, nhưng đây là một chiếc smartphone rất độc đáo, được sáng tạo và thiết kế dành cho dân ghiền phim ảnh, có thể nằm một chỗ mà vẫn có được trải nghiệm lúc xem phim ''như đang tại đó'' :D

Giờ lại quay lại xu hướng màn hình gập rồi bạn
 

Xem nhiều nhất

Back
Bên trên